Úc tham gia cùng Ấn Độ trong phong trào “tẩy chay hàng Trung Quốc”

  • Xuân Lan

Các nhà lập pháp và doanh nghiệp Úc đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc trong tuần này sau khi Bắc Kinh tăng thuế thương mại đối với một số sản phẩm của Úc; đồng thời việc bức ảnh dàn dựng do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố mô tả cảnh một người lính Úc chặt đầu trẻ em Afghanistan đã khiến người dân Úc hết sức phẫn nộ.

Bức ảnh đáp trả của tờ Daily Telegraph của Úc sau khi Trung Quốc tung ra ảnh giả để bôi nhọ lính Úc

Sam Kennard, Giám đốc điều hành của công ty Kennards ’của Úc, đã kêu gọi các doanh nghiệp Úc loại bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc vào hôm thứ Tư, theo News.com.au đưa tin.

“Chính phủ Cộng sản Trung Quốc đã được chứng minh là khó tin cậy”, ông Kennard nói.

“Họ đã áp thuế đối với tôm hùm, rượu vang và lúa mạch [Úc] với mục đích trả thù hoặc dè bỉu và rủi ro là, bạn chỉ không biết mặt hàng nào sẽ là nạn nhân tiếp theo,” ông nói.

Vị giám đốc điều hành cho biết doanh nghiệp của ông chỉ là một “nhà mua hàng khiêm tốn” đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, nhưng công ty vẫn đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới không phải của Trung Quốc.

Ông Kennard cho biết công ty hiện đang tìm các nhà cung cấp từ Đài Loan, Hàn Quốc hay Đức.

“Mọi doanh nghiệp Úc nên xem xét lại các hợp đồng cung ứng. Hãy thay đổi và lựa chọn các sản phẩm không phải do Trung Quốc sản xuất nếu quý vị có thể. Còn chúng tôi đã đưa ra quyết định về việc này”, ông Kennard viết trong một tuyên bố trên Twitter vào ngày 30/11.

Ông Kennard đã kêu gọi các doanh nghiệp Úc cắt đứt quan hệ với các nhà cung cấp Trung Quốc ngay sau khi Thượng nghị sĩ Úc Pauline Hanson kêu gọi người tiêu dùng nước này tẩy chay hàng hóa do Trung Quốc sản xuất trong mùa mua sắm Giáng sinh năm nay.

“Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong việc này. Hãy nghĩ về điều đó khi bạn mua đồ nội thất, đồ chơi, thực phẩm, bất cứ thứ gì bạn mua, hãy xem nó đến từ đâu và nếu đó là Trung Quốc, hãy để nó nằm lại trên giá”, bà Hanson nói.

Bà Hanson lần đầu tiên đề xuất tẩy chay hàng Trung Quốc vào ngày 26/11 để đáp lại “các cuộc tấn công kinh tế gần đây của Trung Quốc nhằm vào Úc.” Đề xuất của bà được đưa ra cùng ngày khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng 200% thuế đối với rượu vang của Úc.

Thời báo Hoàn cầu đã gọi lời kêu gọi tẩy chay Trung Quốc của bà Hanson là “kiêu ngạo” trong một bài xã luận hôm thứ Ba.

“Việc Trung Quốc áp thuế đối với các sản phẩm của Úc là các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp dựa trên quy tắc,” tờ báo tuyên bố.

“Với quy mô nền kinh tế của Úc và thặng dư thương mại của Úc với Trung Quốc, Úc dường như đã tỏ ra quá kiêu ngạo khi lấy việc tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc làm vũ khí chống lại Bắc Kinh. Bằng cách giả vờ tự làm hại mình, các chính trị gia Úc này đang đe dọa Trung Quốc?” Thời báo Hoàn cầu đặt câu hỏi.

Căng thẳng thương mại giữa Úc và Trung Quốc gia tăng trong những tháng gần đây trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày càng xấu đi. Các nhà quan sát cho rằng việc mối quan hệ đi xuống phần lớn là do sự ủng hộ công khai của Canberra vào tháng 4 đối với cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc thực sự của virus corona ở Trung Quốc, mà Bắc Kinh bị cáo buộc đã cố gắng che đậy. 

Kể từ tháng 4, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại trả đũa đối với ngày càng nhiều sản phẩm của Úc. Đáp lại, Canberra đã gia tăng hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Úc, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Các hạn chế phần lớn được coi là nhằm vào Trung Quốc.

Hiện Úc đã cùng với Ấn Độ đang đẩy mạnh phong trào tẩy chay các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Người khổng lồ Nam Á đã bắt đầu chiến dịch Tẩy chay Trung Quốc từ hồi tháng 6 sau một cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc ở dãy Himalaya.

Related posts