Tin nước Úc sáng Chủ Nhật: Sydney nóng nhất kể từ 80 năm qua

Sydney nóng nhất kể từ 80 năm qua

People seek cool relief at Bondi Beach on Saturday. Photo by Brook Mitchell/Getty Images

Nước Úc đã thực sự bước vào mùa Hè và tiểu bang NSW đang chịu đựng có mức nhiệt độ cao nhất trong vòng 80 năm trở lại đây.

Ngày thứ Bảy (28.11.2020), người dân tại bang NSW của Australia đang phải chịu một đợt nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tại một số khu vực nằm sâu trong đất liền được dự báo sẽ lên đến 45 độ C. Hai ngày cuối tuần, 28 và 29.11.2020, Sydney trải qua hai ngày nóng nhất trong vòng 80 năm qua. Chính quyền đã ban hành cảnh báo cháy đối với một số khu vực, trong đó Sydney, nơi đang có nguy cơ cháy rất cao.

Nắng nóng vào những ngày cuối tuần là lý do để rất nhiều người dân đổ về các bãi biển. Mặc dù đã vài tuần liên tiếp không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng động nhưng nguy cơ đông người tập trung ở bãi biển buộc chính quyền bang phải đưa ra cảnh báo kêu gọi người đi tắm biển giữ khoảng cách với những người xung quanh “bằng chiều dài của 1 chiếc khăn tắm” để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Theo cơ quan khí tượng địa phương, nắng nóng vào thời điểm mùa Hè là bình thường nhưng đợt nắng nóng này kéo dài đến thứ Năm tuần sau (3.12.2020) sẽ khiến nhiều khu vực dân cư cảm thấy ngột ngạt.

Theo nhà khí tượng học Jonathan How thì vùng đông bộ Úc đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nhất trong 1 thập niên trở lại đây. Từ chiều thứ Bảy khối khí nóng bắt đầu di chuyển về phía Đông, khiến nhiệt độ tại một số khu vực thuộc phía Bắc của bang New South Wales và phía Nam của bang Queensland tiếp tục tăng, trong đó có nơi sẽ đạt mức nhiệt kỷ lục là 48 độ C. Những cơn gió rất mạnh và nóng từ sa mạc sẽ làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.

Trước đó, ngày 27.11.2020 mức nhiệt cao nhất ghi nhận tại khu vực phía Tây của bang Queensland là 46.5 độ C và một địa điểm tại bang Nam Australia tuy có mức nhiệt thấp hơn nhưng cũng đạt mức 46.4 độ C.

Loại ngủ 13 binh sĩ liên quan tội ác chiến tranh ở Afghanistan

Trong quyết định công bố ngày 27-11, Quân đội Úc đã cho giải ngũ 13 binh sĩ sau một bản báo cáo khiến các công tố viên tin rằng có thể cấu thành tội ác chiến tranh liên quan việc giết hại 39 người tại Afghanistan.

Tư lệnh lục quân Úc, Trung tướng Richard Maxwell “Rick” Burr cho biết các quân nhân này phải thực thi quyết định chấm dứt sự phục vụ của họ trong vòng 2 tuần, trừ khi những người này kháng cáo thành công. Tuần trước, kết quả một cuộc điều tra kéo dài cả năm cho thấy việc một số thành viên lực lượng biệt kích Úc đã “sát hại phi pháp” 39 thường dân và tù nhân ở Afghanistan, bao gồm việc hành quyết là một phần của nghi lễ nhập môn.

Tác phẩm hội họa lập kỷ lục tại Úc

Tác phẩm “Henri’s Armchair” (“Ghế bành của Henri”) của cố họa sĩ Úc Brett Whiteley đã lập kỷ lục bán đấu giá tại Úc này khi được bán với giá $6.25 triệu trong phiên đấu giá do công ty Menzies Art Brands thực hiện ngày 26.11 tại Sydney. Người mua bức tranh là một nhà sưu tập tư nhân không muốn lộ diện.

Bức “Henri’s Armchair” mô tả Cảng Sydney với góc nhìn trải dài qua cửa sổ nhà họa sĩ Whiteley ở khu vực Vịnh Lavender thuộc Sydney.

Bức tranh này được bán lần gần đây nhất là vào giữa thập niên 1970 của thế kỷ trước khi họa sĩ Whiteley bán cho luật sư Clive Evatt.

Với giá bán trên, bức “Henri’s Armchair” đã đánh bại kỷ lục bán đấu giá tranh trước đây là $5.4 triệu.

“Henri’s Armchair” được xem là một trong những tác phẩm đặc sắc của Whiteley trong giai đoạn sáng tác của ông gắn với Vịnh Lavender, thời điểm ông bắt đầu trở nên nổi tiếng và chỉ ở trong nhà để hoàn thiện các tác phẩm về cùng một chủ đề, chứ không đi tìm nguồn cảm hứng mới.

Theo tác giả cuốn hồi ký “Brett Whiteley: Nghệ thuật, cuộc đời và điều khác”, ông Ashleigh Wilson, đây thực sự là giai đoạn sáng tạo đỉnh cao của danh họa này.

Khối FPDA ra tuyên bố chung

Ngày 27.11, Bộ Quốc phòng Úc công bố Tuyên bố chung gồm 8 điểm giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Úc với người tương nhiệm Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh. Đây là năm nước của Thỏa thuận quốc phòng ngũ quốc (Five Power Defence Arrangements: FPDA) được ký vào năm 1971.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm vào năm 2021 tới, tuyên bố chung 8 điểm của các nước thành viên FPDA tập trung tái khẳng định cam kết thực thi các thỏa thuận trong FPDA, ghi nhận đóng góp của Thỏa thuận trong việc thúc đẩy các hoạt động mang tính hợp tác đối với môi trường an ninh đang ngày càng phức tạp hiện nay, thảo luận về COVID-19, sự phối hợp của các thành viên giữa đại dịch hiện nay, sự phát triển về phạm vi và chiều sâu của FPDA trong 49 năm qua, hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập FPDA vào năm 2021.

FPDA là khuôn khổ hợp tác quân sự lâu đời thứ hai thế giới chỉ sau Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). FPDA đóng vai trò như một hiệp ước, theo đó cho phép 5 quốc gia thành viên tham vấn lẫn nhau để đưa ra biện pháp đối phó trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang hoặc có mối đe dọa tấn công vũ trang nhằm vào bất kỳ nước thành viên nào.

Related posts