40 ngày cách ly

Lan Bùi 

Một trong những biện pháp đối phó với bệnh truyền nhiễm là cô lập và cách ly người bệnh, kể cả người chỉ bị tình nghi có thể mang mầm bệnh. Tiếng Anh gọi là “quarantine”, nhưng có lẽ ít ai biết chữ này có một lịch sử khá ly kỳ…

Bệnh viện cách ly Lazaretto ở Philadelphia, nay là địa điểm du lịch. ảnh: jose moreno/inquirer.com   

Ngày 8 tháng 3 năm nay đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống cơn “đại dịch mùa Xuân 2020”: Chính quyền Ý vừa ra lệnh cách ly khoảng 16 triệu người – tức gần một phần tư dân số cả nước, trong nỗ lực kềm chế sự lây lan chóng mặt của COVID-19. Trước đó chỉ 24 tiếng đồng hồ nước Ý đã có thêm 1,200 ca nhiễm, nâng tổng số ca toàn quốc lên 5,800 với con số tử vong là 33 – và có lẽ sẽ còn tiếp tục tăng.

Ðây là lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc một quốc gia Âu Châu phải dùng đến biện pháp cách ly trên bình diện rộng như vậy. Mà đó lại là nước Ý. Cách đây gần 700 năm, cơn đại dịch Hắc Tử (Black Death) giết hàng trăm triệu người tại các nước Âu Châu, Phi Châu và Tây Á. Chính quyền thành phố Venice (Ý) đã phải nhốt thuyền của các nhà thương buôn và người ngoại quốc trong Phá Laguna Veneta bốn mươi ngày; chỉ cho phép họ đặt chân lên đất liền nếu không thấy ai có triệu chứng. Thời đó dĩ nhiên đâu có thuốc chữa các thứ dịch bệnh nên cách tốt nhứt vẫn là tránh lây nhiễm. Trong tiếng Ý “bốn mươi ngày” đọc là “quaranta giorno”. Từ số “quaranta” (40) đó nảy sinh ra chữ “quarantine” để diễn tả việc cách ly mà ta vẫn dùng cho đến bây giờ.

Vào giữa thế kỷ 18, tại hải cảng Philadelphia người ta cho xây một trạm y tế để tạm giữ và kiểm tra sức khoẻ di dân đến từ Âu Châu trước khi cho phép họ vào Mỹ. Sau trận đại dịch Yellow Fever năm 1793, thành phố quyết định xây hẳn một nhà thương thật lớn chỉ để quarantine dân nhập cư, đặt tên cho nó là Viện Lazaretto. Ðây là bệnh viện cách ly lâu đời nhứt nước Mỹ. Về sau, khi nhu cầu cách ly không còn cao nữa nhờ các tiến bộ y học như vaccine v.v. nó được chuyển làm trại lính. Lazaretto cũng đến từ tiếng Ý. Philadelphia chọn tên này là noi theo một nhà thương xây trên đảo Lazaretto Vecchio (gần Venice) hồi đầu thế kỷ 15, chuyên dùng để cách ly và trị bệnh dân tứ xứ đến Ý làm ăn buôn bán sau trận dịch Hắc Tử.

Đảo Lazaretto, điểm địa đầu trong Phá Laguna Veneta, nơi từng là nhà thương cách ly vào thế kỷ 15. nguồn: catronveniceeng

Từ đó đến nay con người đã áp dụng biện pháp cách ly trong khá nhiều trường hợp, nhưng không phải lúc nào cũng liên quan đến bệnh tật. Có khi nó chẳng có hiệu quả gì nhiều, mà lại còn làm cho tình hình tệ thêm. Chẳng hạn mới đây nhứt là vụ cách ly mấy ngàn hành khách trên chiếc đại du thuyền Diamond Princess ngoài khơi Nhật Bổn hai tuần lễ, khi cơn sốt COVID-19 đã bùng phát được vài tuần. Du thuyền là môi trường kín dễ lây bệnh qua đường hô hấp nhứt bởi lý do dễ hiểu: hệ thống máy lạnh của du thuyền tái sử dụng không khí trên tàu, do đó nó mang đủ loại vi trùng – kể cả các con tế khuẩn gây dịch cúm, rải rắc khắp nơi. Và một khi có nhân viên phục vụ trên tàu bị nhiễm bệnh thì việc virus lây sang du khách chỉ là vấn đề thời gian. Sau hai tuần lễ cách ly, trên 700 người đã nhiễm bệnh bởi COVID-19 trên chiếc thuyền Kim Cương Công Nương!

Cô lập người bệnh và tách họ ra khỏi cộng đồng người khoẻ mạnh là phương pháp khá cổ xưa, khi kiến thức về y khoa của con người còn ít ỏi thô sơ. Quyển Leviticus trong Kinh Cựu Ước nhắc chuyện những người mắc bệnh phong cùi thời xưa đi tới đâu cũng phải hô lên “Hủi! Hủi!” để người khác biết mà tránh xa. Về sau người ta lập ra những khu đất riêng dành cho người cùi để cách ly họ. Nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng từng bị đưa vào trại phong Quy Hoà và chết tại đó năm 1940. Sau tháng Tư 1975, trong các nhà tù CS ở Việt Nam cũng có người mắc bệnh cùi vì tình trạng vệ sinh và y tế quá tệ. Một trong những tù nhân bị cách ly (trong tù) và chết đau đớn vì con vi trùng quái ác này là nhà sử học đồ sộ Ðại tá Phạm Văn Sơn – trong trại Tân Lập, Phú Yên năm 1978.

Sự hiểu biết của con người về các loại dịch khuẩn gây bệnh truyền nhiễm thật ra cũng tương đối mới và còn nhiều lỗ hổng. Mãi đến cuối thế kỷ 19 nhà bác học Robert Koch người Ðức mới đặt ra giả thuyết bệnh tật là do các sinh vật tế vi – microorganism, gây nên. Những nghiên cứu của ông về bệnh lao đã giúp khai sinh môn vi khuẩn học – microbiology. Ông được trao tặng giải Nobel năm 1905.

Nhà thương cách ly người bệnh lao trong hang Mammoth ở Kentucky vào thế kỷ 19. Ngày nay nằm trong hệ thống Lâm Viên Quốc Gia. nguồn: Library of Congress

Nhưng trước cả BS Koch ở Ðức thì bên Mỹ vào thập niên 1830 đã có BS John Croghan từng cách ly người bị bệnh lao phổi trong hệ thống hang động Mammoth lớn nhất thế giới ở tiểu bang Kentucky để nghiên cứu cách chữa. Ông cho là khí lạnh và hơi ẩm của hang động sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn. Rất tiếc phương pháp trị liệu của ông không có kết quả; bản thân BS Croghan cũng bị mắc bệnh lao và qua đời năm 1849. Tuy nhiên, từ ý tưởng của ông người ta đã cho xây một chuỗi bệnh viện dành riêng cho người bị bệnh lao phổi. Về sau, dựa trên các công trình nghiên cứu vaccine của BS Koch, năm 1921 chuỗi nhà thương này bắt đầu chích thuốc chủng ngừa cho người dân. Với sự xuất hiện của thuốc ngừa,  các nhà thương dành để cách ly và trị bệnh lao từ từ biến mất.

Nhân tiện cũng xin mở ngoặc để bàn về một vài từ ngữ liên quan đến virus mà có thể nhiều người chưa biết hoặc lấy làm lạ. Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu (xuất bản năm 1942) gọi “bacteria” là vi khuẩn; gọi “virus” là tế khuẩn – tế có nghĩa là nhỏ rất nhỏ, ví dụ như “tế bào”, “tế vi” v.v. Vi khuẩn khác tế khuẩn ở chỗ vi khuẩn có từ thuở khai thiên lập địa, là mầm sống của mọi loài và ở khắp nơi (kể cả trong ruột của con người để giúp tiêu hoá.) Ngược lại, tế khuẩn là một loại vi trùng xấu, chỉ sống ký sinh trong cơ thể động vật và có thể gây bệnh chết người. Trong sinh học cả hai đều được gọi chung là germ, tức vi trùng. Ở trong nước hiện nay có người dùng chữ siêu vi khuẩn để gọi virus, lại có nơi mượn chữ “bệnh độc” của báo chí Trung Quốc để gọi nó. Tuy những chữ ấy có thể không sai nhưng tế khuẩn đã có sẵn từ trước, lại chính xác và đúng nghĩa, hà cớ gì ta không dùng.

TT Nixon chào ba phi hành gia Apollo 11 trong chiếc xe Airstream được tái chế làm phòng cách ly di động sau khi họ trở về từ mặt trăng. (24 tháng 7, 1969) nguồn: NASA

Không phải chỉ có con người thuở xa xưa mới sợ vi trùng vì không hiểu nó là gì. Ðến như cơ quan không gian NASA của Mỹ cũng phải kiêng dè chúng. Vài tuần lễ trước chuyến bay lịch sử năm 1969, các phi hành gia của Apollo 11 đã bị cách ly vì NASA sợ họ sẽ mang vi trùng từ trái đất lên cung trăng. Rồi sau khi thành công trở về, vừa được vớt từ biển lên là họ liền lập tức bị cách ly 21 ngày để đề phòng mang vi trùng lạ theo về. Thậm chí Neil Armstrong – người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, đã phải ăn mừng sinh nhật thứ 39 của mình trong phòng cách ly di động. Các chuyến Apollo tiếp theo cũng áp dụng biện pháp tương tự; phải đến sau Apollo 14 NASA mới ngưng việc cách ly phi hành đoàn vì thấy nó không còn cần thiết nữa…

Nhân loại đang nín thở xem tế khuẩn COVID-19 sẽ tung hoành tới đâu. Ở Mỹ, đất nước của những con người quen sự độc lập và tự do đi lại, việc cách ly hàng triệu người như Ý hay Trung Quốc sẽ rất là khó. Cầu trời điều đó không xảy ra; tuy nhiên, rủi như nó xảy ra thì không biết dân Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu một thành phố lớn như San Francisco hay New York bị …

“Quaranta giorno!!!”

IB

Dallas

Related posts