Tin Việt Nam sáng thứ Sáu

Hàng ngàn dân tại Hà Tĩnh phải sơ tán vì mưa lớn kèm thủy điện xả lũ

Mưa lớn kết hợp hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ, hàng ngàn người dân tại các huyện của tỉnh Hà Tĩnh phải sơ tán.

Hồ Kẻ Gỗ. (Ảnh: FB Trần Quyết Thắng)

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết từ nay đến ngày 31/10, do ảnh hưởng hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường, nên tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 200 – 400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt.

Khu vực các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh… có nguy cơ xảy ra ngập úng.

Trong sáng nay, các hồ chứa nước và thủy điện đồng loạt xả lũ. Trong đó, thủy điện Hố Hô (huyện Hương Khê) xả lũ với lưu lượng lớn là 1.124m3/s.

Từ 13h, thủy điện Hố Hô giảm từ 1.124m3/s xuống còn 800m3/s. Thủy điện Hương Sơn xả lũ từ 10 đến 60m3/s. Hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) xả với lưu lượng từ 40m3/s – 350m3/s. Hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) xả mức 30m3/s.

Mưa lớn cùng với nhiều hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ, khiến hàng ngàn dân tại các huyện Hà Tĩnh phải sơ tán.

Huyện Hương Sơn xác định có 16/25 xã, thị trấn cần phải sơ tán với số lượng 246 gia đình, 799 người.

Tại huyện Hương Khê, có 43 gia đình với 149 người.

Tại huyện Vũ Quang: 4 xã, thị trấn thường bị lũ quét, sạt lở đất như: Thọ Điền, thị trấn Vũ Quang, Hương Minh, Quang Thọ với tổng số 205 người cần di dời.

Ngoài ra, có 6 xã gần sông thường bị ngập lụt như: Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Đức Liên với tổng số 1.295 gia đình/4.144 người cần sơ tán.

Tại thị xã Kỳ Anh, 583 gia đình/1.844 người tại 3 tổ dân phố Trường Yên, Trường Phú, Cảnh Trường của phường Kỳ Thịnh phải sơ tán khẩn cấp…

Trước đó, Hà Tĩnh có mưa to, lượng nước về hồ Kẻ Gỗ rất lớn khiến giới chức tỉnh này phải cân nhắc đến phương án phá tràn sự cố hồ chứa.

8 giờ hôm 19/10, mực nước tại hồ đã vượt cao trình 33,5m/32,5 m. Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã phải vận hành xả lũ với lưu lượng 850 m3/s.

Theo đó, hơn 46.000 dân vùng hạ du, gồm: huyện Cẩm Xuyên 13.300 gia đình với 43.200 người; huyện Thạch Hà 1.420 gia đình với 2.685 người; TP. Hà Tĩnh 263 gia đình với 701 người phải sơ tán khẩn cấp.

Kon Tum thiệt hại hơn 305 tỷ đồng sau bão số 9

Bão số 9 khiến hàng trăm nhà dân tại Kon Tum bị thiệt hại; nhiều diện tích lúa hoa màu hư hỏng; nhiều tuyến đường quốc lộ bị sụt lún…

Cầu Đăk Pne tại Kon Tum bị nước cuốn trôi. (Ảnh: giaoducthoidai.vn)

Báo chí nhà nước dẫn thông tin từ giới chức Kon Tum thống kê cho biết bão số 9 đã gây thiệt hại khoảng hơn 305 tỷ đồng.

Trong đó, có 911 nhà dân bị thiệt hại; 4 điểm trường bị sập đổ, hư hỏng; trụ sở làm việc và một số trạm y tế, công trình văn hoá cũng bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại hơn 55 tỷ đồng.

Bão số 9 khiến 210ha lúa, hơn 356 ha hoa, rau màu bị hư hỏng, thiệt hại ước tính khoảng 30 tỷ đồng.

Các tuyến đường Quốc lộ 24, QL14C, QL40, tỉnh lộ 675, 677… nhiều đoạn taluy âm, taluy dương bị sụt lún với khối lượng khoảng 5.000m3. Khoảng 72 điểm sạt lở và nhiều công trình cầu, cống, ngầm thoát nước hư hỏng gây ách tắc giao thông. Một số công trình thuỷ lợi bị hư hỏng và bị cuốn trôi. Thiệt hại khoảng 220 tỷ đồng.

Quảng Ngãi ‘xin’ hỗ trợ 110 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 9

Theo thống kê giới chức địa phương Quảng Ngãi, bão số 9 làm 13 người bị thương; 165 nhà dân bị sập; 84.499 nhà tốc mái, hư hỏng; 1 trụ BTS ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị ngã đổ; gần 300 trụ sở cơ quan tốc mái, hư hỏng; 151 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng.

Hơn 477ha rừng bị thiệt hại, 6.000 cây xanh ở TP. Quảng Ngãi bị ngã đổ; 8 ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh (huyện Lý Sơn) bị đứt neo, sóng đánh chìm, cá nuôi trong 48 lồng bè bị chết…

Theo đó, chủ tịch Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh đề nghị Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng để ổn định dân sinh và 10 tỷ ổn định khôi phục sản xuất, thiệt hại nông nghiệp.

Minh Long

Vụ sạt lở tại Nam Trà My: Tìm thấy 33 người sống sót, 6 thi thể…

Tới 13h chiều nay, 29/10, Thượng tá Hà Ra Diêu – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My cho biết đã tìm thấy được 33 người còn sống, trong đó có 16 người bị thương (8 người bị thương nặng); tìm thấy 6 thi thể; còn 13 người mất tích trong vụ sạt lở.

Những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.

Một bé gái đang được quân y sơ cứu sau nhiều tiếng bị nạn trong vụ sạt lở. (Ảnh: baoquangnam.vn)

Theo tin từ Báo Quảng Nam, vào đầu giờ chiều nay, điểm sạt lở cuối cùng tại Km81, quốc lộ 40B đã được thông. Lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 với 200 cán bộ chiến sĩ có thể đi vào hiện trường.

Tại cầu Trà Leng, ngã ba Trà Dơn – cách hiện trường 6km, những nạn nhân đầu tiên của vụ sạt lở đất đã được đưa ra, sơ cứu khẩn cấp.

4 nạn nhân bị thương nặng nhất được đưa ra trước, trong đó có 1 phụ nữ và 3 trẻ em. Tất cả đều bị đa chấn thương như gãy xương đùi, vỡ hàm mặt…

Chị Hồ Thị Hà (28 tuổi, thôn 2, xã Trà Leng) nói đêm 28/10 nghe núi nổ to, sau đó bùn đất ập xuống, mọi thứ bị chôn vùi rất nhanh, chị may mắn thoát nạn. Chị vội chạy qua gia đình cha mẹ vì có gửi 2 con gái (9 tuổi và 5 tuổi) ở đó. Nhưng đất bùn đã vùi lấp cả cha mẹ và 2 con của chị.

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ mọi người cùng đào bới bùn đất thì tìm thấy 3 người còn sống. Mẹ chị Hà bị gãy chân, con gái lớn 9 tuổi bị gãy chân và chấn thương sọ não, con gái nhỏ 5 tuổi bị chấn thương phần mềm. Cha của chị Hà được tìm thấy sau đó nhưng đã chết.

Theo tin từ Tuổi Trẻ, nạn nhân đầu tiên được chuyển bằng xe gắn máy ra vị trí này lúc 10h sáng. Các nạn nhân tiếp theo được chuyển ra bằng xe thi công công trình.

Tới 15h, 5 người bị thương (2 phụ nữ, 3 trẻ em) từ vụ sạt lở ở Trà Leng đã được chuyển đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My, theo Thanh Niên.

Quảng Nam: 200 công nhân tại thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập vì lũ lớn

Hôm 28/10, khi đang thi công hồ đập của công trình nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) thì nước lũ bất ngờ tràn về, khoảng 200 công nhân bị cô lập.

Thủy điện Đăk Mi 2
Thủy điện Đăk Mi 2. (Ảnh: laodong.vn)

Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Lê Xuân Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Agrita Quảng Nam (chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 2, người đang mắc kẹt tại thủy điện) cho biết 200 công nhân hiện đang ở 5 vị trí khác nhau, nằm dọc sông Đăk Mi và khu vực đập thủy điện.

Cụ thể, có khoảng 100 công nhân ở khu vực trên đập. Khu vực ông Tuấn đang ở có khoảng 30 người. Các điểm còn lại có 70 người.

“Nhu yếu phẩm đã cạn kiệt. Với khoảng 200 người, nếu ăn cháo thì có thể cầm cự đến trưa mai (30/10). Tôi đã liên hệ với các ngành chức năng và đề nghị cấp lương thực, thực phẩm nhưng hiện đường vào công trường rất khó khăn do sạt lở”, ông Tuấn cho hay.

“Tôi chưa bao giờ chứng kiến một cơn lũ ở thượng nguồn với sức công phá mạnh như vậy. Người dân ở đây cho biết cả trăm năm nay từ đời xưa đến giờ chưa có khi nào xảy ra cơn lũ, nước dội về ầm ầm như thác đổ. Thiệt hại về vật chất là rất lớn nhưng hiện chưa thể thống kê được”, tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Tuấn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết từ chiều nay đến ngày mai (30/10), lực lượng chức năng sẽ cố gắng đưa lương thực, thực phẩm vào khu vực này để hỗ trợ những công nhân bị cô lập.

“Phương án ưu tiên là cho người đưa hàng bằng đường sông. Sau đó, ngành chức năng sẽ dùng cáp treo để chuyển hàng cứu trợ. Trường hợp không thể tiếp cận đường bộ và đường thủy, chúng tôi tính phương án đưa lương thực bằng máy bay rồi thả xuống cho các điểm có công nhân”, ông Hà nói.

Theo báo Quảng Nam, ngoài thủy điện Đăk Mi 2, tại Nhà máy thủy điện Đăk Mi 3, do lưu lượng từ thượng nguồn sông Đăk Mi về hồ rất lớn (khoảng 10.000m3/s) làm ngập toàn bộ nhà máy đang vận hành, khiến thiết bị nhà máy thiệt hại rất nặng, đường vận hành vào đập và nhà máy bị sạt lở.

Tại huyện Phước Sơn cũng vừa xảy ra một vụ sạt lở vùi lấp 11 người. Theo cập nhật từ các báo nhà nước, 5 thi thể đã được tìm thấy.

Ngoài ra, hôm 28/10, hai cán bộ xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) cũng bị vùi lấp trong khi đang hỗ trợ dân sơ tán trước bão số 9.

Sửng sốt cảnh người bị cuốn trôi trong nước lũ tại Nam Trà My (Quảng Nam)

Khoảng trưa nay, 29/10, một clip được đăng lên mạng xã hội Facebook ghi lại cảnh nước lũ cuốn xối xả kinh hoàng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Một người đàn ông bị lũ cuốn trôi may mắn được cứu kịp trong tích tắc.

Nước lũ cuốn xối xả tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam vào đầu giờ chiều ngày 28/10, giữa lúc bão số 9 đổ vào. (Nguồn: FB Thủy Kế)

Theo hình ảnh ghi lại, nước lũ đang đổ xối từ thượng nguồn về, chảy rất xiết, cuốn theo nhiều đồ đạc, đất đá, thân gỗ lớn… Toàn bộ con đường trong khu dân cư bị biến thành dòng sông đục ngầu, chảy xiết.

Trong dòng nước chảy xiết, đột ngột người dân phát hiện một người đang bị cuốn trôi rất nhanh trong dòng nước lũ, chới với, toàn thân dính đầy bùn đất. Rất nhanh, một người đàn ông vội lao ra bắt kịp được tay của người bị nạn. Cả hai cùng bị nước cuốn xô đi. Vài người khác chạy vội ra hỗ trợ kéo được người bị lũ cuốn vào an toàn.

Theo Thanh Niên, người quay lại cảnh trên là chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (33 tuổi, ngụ thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Chị Thủy cho hay clip quay được vào lúc 13h44 ngày 28/10 tại trước cửa nhà mình. Vì mất sóng điện thoại nên đến hôm nay chị mới đăng được clip lên trang cá nhân.

Người đàn ông kịp bắt được tay kéo được người đàn ông bị lũ cuốn lên. (Hình ảnh trích từ clip/FB Thủy Kế)

Chị Thủy cho hay người đàn ông trong clip bị cuốn trôi theo dòng nước lũ là người hàng xóm ở cách nhà chị Thủy vài căn. Theo lời chị Thủy, căn nhà của người hàng xóm bị nước ập vào nhà, cả hai vợ chồng bị trôi theo nước lũ. Người vợ được con trai kéo lại, còn người chồng bị cuốn trôi, may được hàng xóm kéo lại kịp.

Đồ đạc đóng trong bao của gia đình này bị nước cuốn trôi hết nhưng nước chảy xiết quá không ai dám ra kéo vào.

“Kéo dài như vậy khoảng 1 tiếng mới bớt, nước giảm lại nhưng vẫn chảy xiết. Ngay khi tạnh, công an bộ đội vào kêu mọi người di dời, sợ quá cả xóm đi hết. Đến tối thấy hết mưa hoàn toàn mới dám trở về nhà lại”, chị Thủy nói, theo Thanh Niên.

Sau 2 giờ đăng tải, đoạn clip được nhiều tài khoản đăng lại, với hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ. Đa số người dùng mạng xã hội bàng hoàng khi chứng kiến thảm cảnh nước lũ chảy xối, lên án về việc rừng bị phá, xả lũ không kiểm soát từ các công trình thủy điện. Nhiều người thừa nhận thiên tai năm nay khốc liệt hơn mọi năm, nhưng lũ lụt, sạt lở xảy ra ngày một nghiêm trọng hơn có trách nhiệm lớn của con người.

Nguyễn Trung Thành viết: “Bác áo vàng bên kia tuyệt vời quá, cùng vài người hỗ trợ nữa…”.

Tài khoản Nguyễn Phương Bảo đặt câu hỏi: “Thuỷ điện có lãi khi vận hành – vậy khi gây ra hậu quả cho người dân và môi trường họ có phải chịu trách nhiệm không?”

“Bởi vậy, khi quy hoạch chặt hàng vạn vạn cây thông cây tùng thấy mà xót” – theo tài khoản Thuy Anh Truong.

“Cần làm rõ nguyên nhân lũ lụt, sạt lở đất gây ra những cái chết vô cùng thảm khốc ở Rào Trăng 3, Trà My và cả Miền Trung, nếu do đập thủy điện xả nước, thì đây chính là hành vi giết người, thiệt hại rất nhiều tính mạng sẽ cấu thành tội ác chống lại nhân loại, nó không thuộc phạm trù việc nội bộ nữa…” – tài khoản Tùng Lâm viết.

Nguyễn Minh

Related posts