Pompeo: AES Mỹ và PetroVietnam sẽ ký thỏa thuận hợp tác 2,8 tỷ USD

  • Xuân Thành

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Tư (28/10) cho biết Tập đoàn AES của Mỹ sẽ ký thỏa thuận hợp tác với PetroVietnam để phát triển cảng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) và nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam trị giá 2,8 tỷ USD.

Ông Pompeo đưa ra bình luận nêu trên trong phát biểu ghi âm sẵn được phát tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương diễn ra trực tuyến hôm 28/10.

Việt Nam đã bật đèn xanh cho Tập đoàn AES, công ty có trụ sở tại bang Virginia để xúc tiến dự án này”, ông Pompeo nói.

Theo Reuters, Tập đoàn AES và các đối tác Việt Nam trong nhiều năm qua đã đang dần gia tăng nỗ lực phát triển một trung tâm tại Việt Nam nhằm nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ.

Ngoại trưởng Pompeo nói chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án này và cho biết thêm rằng dự án sẽ “mở cửa cho hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng Mỹ tới Việt Nam trị giá hàng tỷ USD mỗi năm. Đó là một tình huống hai bên cùng thắng”.

Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng có sự tham gia của Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, diễn ra vào thời điểm Mỹ đang ngày càng mạnh mẽ lên tiếng phản đối các công ty nhà nước Trung Quốc gây ảnh hưởng trong khu vực.

Các công ty Mỹ tuân thủ luật pháp, minh bạch và đặt tiêu chuẩn chất lượng cao cho sản phẩm của mình”, ông Pompeo nói. “Tôi nói điều đó bởi vì nó khá tương phản với các công ty do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn”.

Theo AP, trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Việt Nam khi đó là cố Chủ tịch Trần Đại Quang, đã ký kết một bản ghi nhớ về việc Tập đoàn AES làm việc với PetroVietnam để phát triển cảng nhập khẩu khí hóa lỏng và nhà máy nhiệt điện công suất 2.250 megawatt tại Sơn Mỹ, Bình Thuận.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng cao khi nền kinh tế chuyển dịch công nghiệp hóa nhanh chóng. Việt Nam đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng nguyên liệu khí hóa lỏng và công trình đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2023.

Theo Reuters, đa phần khí hóa lỏng dùng cho nhiệt điện tại Việt Nam sẽ được nhập khẩu từ Mỹ. Washington cũng đang muốn giảm thâm hút trong giao thương với Hà Nội. Trong 9 tháng đầu năm nay mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 44,3 tỷ USD, cao hơn khá nhiều so với mức 33,96 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2019.

Trong Diễn đàn trực tuyến, Ngoại trưởng Pompeo nói thêm rằng Mỹ đã đang tìm cách tăng cường đầu tư vào các ngành năng lượng, cơ sở hạ tầng và viễn thông tại châu Á và hiện Washington đã có gần 60 dự án tiềm năng tại khu vực này với trị giá 185 tỷ USD.

Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cũng trong diễn đàn trực tuyến hôm 28/10, Delta Offshore Energy đã công bố một kế hoạch được loan báo từ trước về thỏa thuận 3 tỷ USD với Bechtel Corp, General Electric và McDermott để xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 3,2 gigawatt chạy bằng khí hóa lỏng tại tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam.

Tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nêu trên, ngoài biên bản ghi nhớ giữa AES Mỹ và PetroVietnam, Việt Nam và Mỹ còn ký 6 biên bản ghi nhớ khác liên quan đến vấn đề năng lượng. Theo truyền thông Việt Nam, đây đều là những dự án lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong những năm tới.

Cũng trong chiều 28/10, nhiều tờ báo trong nước dẫn lời Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ thứ Năm (29/10). Đây là chuyến thăm bất ngờ bởi lịch trình này không hề được Bộ Ngoại giao Mỹ cập nhật.

Theo VnExpress, thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nhận lời mời của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, từ ngày 29 đến 30/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thăm chính thức Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ.

Xuân Thành

Related posts