Cập nhật tin tức bão lụt Miền Trung Việt Nam

Quảng Nam: Sạt lở đất vùi lấp 53 người, 4 người thoát nạn, 7 thi thể được tìm thấy

Thông tin ban đầu, vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã vùi lấp 53 người. Trong đó, 4 người đã thoát nạn, 7 thi thể tìm thấy lúc 23h hôm 28/10. Hiện giới hữu trách đang tiếp tục tìm kiếm cứu nạn.

sạt lở đất Quảng Nam
Sạt lở đất Quảng Nam. (Ảnh qua baochinhphu.vn)

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết hôm 28/10 tại Quảng Nam đã xảy ra vụ lở đất rất nghiêm trọng tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân thuộc huyện Nam Trà My.

Vụ sạt lở đất vùi lấp 53 người, trong đó có 4 người thoát nạn.

Cụ thể, tại thôn 1 xã Trà Leng, sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn. Còn tại thôn 1 xã Trà Vân, có 8 người bị vùi lấp.

Ông Dũng nhận định việc tìm kiếm người bị vùi lấp sẽ khó khăn do khu vực xảy ra sự cố rất phức tạp, đi lại khó khăn. Hơn nữa, mưa lũ kéo dài cộng với cơn bão số 9 vừa rồi tác động rất mạnh, làm sạt lở đất tại nhiều khu vực.

“Đường đi vào để tìm kiếm cứu nạn rất khó, phải tập trung nhiều lực lượng, thiết bị”, ông Dũng nói.

Theo cập nhật từ các trang báo nhà nước, tính đến 23h hôm 28/10, giới hữu trách đã tìm thấy 7 thi thể nạn nhân.

Hiện Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại xã Trà Len.

Cũng tại huyện Nam Trà My, trước đó, lúc 13h30, một ngọn núi bất ngờ sạt lở khiến hàng nghìn khối đất đá tràn xuống trung tâm Tăk Pỏ, xã Trà Mai khiến nhiều ngôi nhà cùng tài sản của người dân bị vùi lấp. Có 4 người bị vùi lấp nhưng đã thoát ra được. Sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền huyện Nam Trà My đã sơ tán khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 9, từ 9h ngày 28/10, tỉnh đã có gió mạnh từ cấp 8-10. Tổng lượng mưa bình quân từ 150-300 mm.

Mưa lớn khiến mực nước một số trạm thủy văn liên tục dâng cao: Trên sông thu Bồn ở thành phố Hội An là 0,96 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m; trên sông Tam Kỳ ở thành phố Tam Kỳ là 0,82 m, cao hơn báo động 1 là 0,82 m; trên sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc là 6,54 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m.

Kinh hoàng cảnh cây cầu sắt ở Kon Tum bị lũ cuốn trôi trong bão số 9

Bão số 9 gây mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về  khiến cây cầu treo dân sinh nối liền giữa làng Kon Bdeh và làng Kon Tuh của thôn 11, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) bị cuốn trôi. 

(Nguồn: Vân An)

Sự việc xảy ra vào khoảng 11h15 ngày 28/10. Nước lũ đổ về rất lớn khiến cây cầu sắt dài tới 120m, rộng 1,2 bị cuốn đổ, rồi dần dần chìm theo dòng nước đỏ ngầu. Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết cây treo dân sinh bắc qua sông Đăk Bla được làm sau cơn bão số 9, vào năm 2009.

Ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết cây cầu bị cuốn trôi khiến 438 hộ dân với 1.466 nhân khẩu bị cô lập, theo Thanh Niên. Hiện tại mưa đang rất lớn, phải chờ mưa tạnh mới làm được cầu phao để lưu thông qua lại.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cũng xác nhận lũ lớn cuốn trôi cầu sắt đã làm 3 thôn của xã với gần 1.500 người bị cô lập hoàn toàn. Rất may, khi xảy ra vụ việc không có người lưu thông, qua lại trên cầu.

Theo Người Lao động, tại thời điểm lũ cuốn trôi cây cầu, có nhiều người đang chờ để qua cầu nhưng đã được lực lượng chức năng cản lại, cảnh báo. Nhiều người chứng kiến cảnh cây cầu bị trôi đã không khỏi sợ hãi, sửng sốt.

1,7 triệu hộ dân bị mất điện sau bão số 9

1,7 triệu hộ dân ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam bị mất điện sau khi bão số 9 (Molave) đổ bộ.

bão số 9, dân mất điện vì bão số 9, EVN
Đường điện tại Quảng Ngãi bị hư hỏng sau bão số 9. (Ảnh: evn.com.vn)

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chiều hôm 28/10 thông báo cho biết có 1,7 triệu hộ dân ở 616 xã phường tại 10 tỉnh, thành của miền Trung – Tây Nguyên bị mất điện do bão số 9.

EVN cho biết gió mạnh và mưa lớn từ cơn bão đã khiến lưới điện 110kV gặp sự cố 14 đường dây và 10 trạm biến áp. Lưới điện trung áp mất điện hơn 15.700 trạm (có 2.100 trạm đã được khôi phục).

EVN cũng đang phải cô lập mạch đường dây 500kV Đà Nẵng – Dốc Sỏi do hệ thống này đang bị sự cố.

Thống kê, tỷ lệ hộ dân mất điện tại Quảng Ngãi là 100%, Bình Định 94%, Quảng Nam 73%, Đà Nẵng 30%, Phú Yên 27%, Thừa Thiên – Huế 15% và một số tỉnh Tây Nguyên 8-13%.

Trước đó, trưa cùng ngày, bão số 9 đổ bộ đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Đến 14h30, bão vẫn gây ra gió giật mạnh đến cấp 9-11 trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định, Quảng Trị.

Đến 16h, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, có vị trí khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc, 107,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Thống kê sơ bộ đến 17h cùng ngày, bão số 9 đã khiến:

  • 34 nhà sập (Quảng Ngãi: 09, Bình Định: 23, Phú Yên: 01, Gia Lai: 01);
  • 56.163 nhà tốc mái (Quảng Ngãi: 53.390, Bình Định: 2.588, Phú Yên: 44, Gia Lai: 109, Kon Tum: 32);
  • 31 trụ sở cơ quan Quảng Ngãi hư hỏng;
  • 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi: 28; Gia Lai: 03, Kon Tum: 4);
  • 1 cầu treo huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ/680 người tại thôn 11, xã Đắk Ruồng;
  • Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm tại tỉnh Kon Tum;

Ngoài ra, bão số 9 còn làm 2 người chết, hàng chục người mất tích.

Thủy điện xả lũ, 4 tỉnh thành sơ tán dân khẩn cấp

thủy điện xả
Ảnh chụp màn hình Người lao động.

21h00 tối 28/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã ký công điện hỏa tốc yêu cầu chủ các hồ trên lưu vực sông tại các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, yêu cầu di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn khi các hồ chứa đang xả lũ, theo báo Tuổi Trẻ.

Theo công điện, bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết mực nước sông đang lên nhanh, các hồ chứa đang xả lũ. Mực nước sông Trà Khúc, Vệ, Đăkbla có khả năng lên mức trên báo động 3 từ 1-2m, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên trên báo động 3 là 2,2m, vượt mức lịch sử năm 2009 là 0,4.

Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ, ngành, các chủ hồ chứa trên lưu vực sông tại các tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.

Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu cần chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp, trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn và chỉ cho người dân quay về khi đã an toàn, đồng thời đảm bảo lương thực, an ninh, trật tự tại nơi sơ tán.

Các địa phương cũng được yêu cầu bố trí người hướng dẫn giao thông, nhất là nơi qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Nhiều thủy điện Quảng Trị vượt tràn đến 4m, di dời gấp 5.100 nhân khẩu, lên phương án di dời thêm hàng chục nghìn người

Chiều 28/10, ông Thái Ngọc Châu – Chủ tịch huyện Đakrông (Quảng Trị) cho báo Người lao động biết, do mưa lớn nên nước sông Đakrông dâng cao gây chia cắt, cô lập nhiều thôn, xã trên địa bàn.

Mực nước trên các thủy điện dọc theo sông Đakrông như: Đakrông 1 đã vượt tràn 4m, lưu lượng nước qua tràn là 1.205m3/s; thủy điện Đakrông 2 vượt tràn 3,7m, lưu lượng qua tràn là 2.269 m3/s.

Đến chiều 28/10, UBND huyện Đakrông đã tiến hành di dời hơn 1.250 hộ dân với trên 5.100 nhân khẩu ở các xã A Bung, Ba Lòng, Húc Nghì… đến các khu vực an toàn.

Dự báo đêm 28/10, mực nước trên các sông ở Quảng Trị tiếp tục lên do mưa lớn, tỉnh Quảng Trị đã lên phương án di dời trên 8.500 hộ với gần 26.000 người ở 82/124 xã, phường, thị trấn để tránh ngập lụt. Trường hợp ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, tỉnh di dời trên 15.300 hộ với trên 49.000 người ở 98/124 xã, phường, thị trấn.

Vượt lũ lịch sử năm 2009, Quảng Nam sơ tán khoảng 13.000 người

Theo báo VnExpress, Công ty thủy điện Đăk Mi 4 thông báo vận hành hồ thủy điện Đăk Mi 4, ở huyện Phước Sơn. Dự kiến, thời gian vận hành từ 15h30 với lưu xả tràn đến 11.400m3/s. Mực nước trên sông Vu Gia có khả năng lên mức 11,2m, vượt lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m.

Ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó chủ tịch huyện Đại Lộc – nơi nằm bên sông Vu Gia, cho biết huyện đã sơ tán hơn 4.000 hộ với khoảng 13.000 khẩu để phòng tránh bão Molave và mưa lũ. “Huyện tiếp tục lên phương sơ tán người dân ngay trong đêm nếu lũ lên nhanh”, ông Vũ nói và thông tin nước lũ vẫn chưa lên gây ngập.

Lãnh đạo huyện Đại Lộc cho biết, nếu thủy điện Đăk Mi 4 xả lưu lượng trên 5000 m3/s thì có khoảng 80% trong tổng 150.000 hộ dân bị ngập. Nhà ngập sâu khoảng 1,5m, nhà ngập ít 0,5m.

Làm việc tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình tối 28/10, sau khi bão tan, ông Hoàng Đức Cường, Tổng cục phó Tổng cục khí tượng thủy văn nhấn mạnh, sau bão Molave, điều đáng lo ngại nhất của Quảng Nam trong một đến hai ngày tới là lũ.

Quảng Ngãi di dời khẩn cấp 12.000 người dân tránh lũ

Trước việc nước lũ dâng nhanh do mưa và thủy điện xả lũ, chiều tối 28/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã di dời 12.000 người dân ở các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ… để tránh lũ.

Trong khi đó, phía Đông sông Trà Khúc có 13 công nhân hiện mắc kẹt trên nhà container ở giữa sông, nước chảy rất siết. Tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các hồ thượng nguồn dừng xả lũ để đưa xuồng ra cứu người vào.

Bão kèm mưa lớn trải dài ở các tỉnh miền Trung. Trong đó thực đo từ 19h ngày 27 đến 14h ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định và Kon Tum mưa 200-450mm. Đến tối 28/10, nhiều địa phương vẫn đang hứng chịu mưa sau bão.

Thiệt hại ban đầu, đã có một người chết ở tỉnh Gia Lai, do trú mưa ở lán bị sập. Hai người ở tỉnh Bình Định bị thương. Ngoài ra còn 26 thuyền viên của hai tàu cá Bình Định đang mất tích.

Bão Molave cũng làm 34 ngôi nhà bị sập, trong đó nhiều nhất là tỉnh Bình Định với 23 nhà, Quảng Ngãi 9, Phú Yên và Gia Lai mỗi nơi một. Ngoài ra, 56.163 ngôi nhà bị tốc mái, riêng Quảng Ngãi gần 53.400, Bình Định gần 2.600 nhà. 31 trụ sở cơ quan, 28 điểm trường ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng, 360 xã ở miền Trung mất điện (chủ yếu do chủ động cắt điện chống bão).

Related posts