Tin Việt Nam sáng thứ Tư

Phát hiện thi thể nữ sinh Học viện Ngân hàng, lời khai của nghi phạm

Phát hiện thi thể nữ sinh Học viện Ngân dưới sông, xác định 2 nghi phạm

Sau gần 4 ngày mất tích, thi thể nữ sinh Học viện Ngân hàng đã được tìm thấy dưới lòng sông Nhuệ. Cơ quan điều tra đã xác định 2 nghi phạm liên quan.

Trao đổi với báo Thanh Niên trưa 27/10, đại tá Nguyễn Thanh Tùng – Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nữ sinh Trần Thúy Hiền (18 tuổi, trú xã Nguyễn Trãi, H.Thường Tín, Hà Nội; đang học năm thứ nhất Học viện Ngân hàng) dưới lòng sông Nhuệ, đoạn chảy qua xã Nguyễn Trãi (H.Thường Tín).

Trước đó, khoảng 2 giờ sáng 24/10, Công an H.Thường Tín nhận được đơn trình báo từ gia đình về việc Thúy Hiền mất tích từ tối 23/10.

Qua kiểm tra camera nhà dân bước đầu có được hình ảnh nữ sinh Thúy H. ở cách nhà hơn 3km trên con đường từ thôn Yên Phú (xã Văn Phú). Đoạn đường khoảng hơn 3km này là đường nhựa đi qua cánh đồng và đường đê sông Nhuệ. Đây là trục đường chính, không có nhà dân nhưng nhiều người qua lại và có đèn đường.

Theo báo Dân Việt, Cơ quan điều tra cũng đã xác định và thực hiện các biện pháp tố tụng đối với nghi can chính là Nguyễn Xuân Trung (SN 1985, ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín), và 1 đối tượng là Nguyễn Văn Quân (SN 1983, trú tại xã Quất Động, huyện Thường Tín). Cả hai tên này đều nghiện ma túy.

Theo lời khai ban đầu của Nguyễn Xuân Trung, chiều 23/10, Trung rủ Quân đi trộm cắp tài sản. Sau khi lấy được bộ cốp pha của 1 công trình xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, hai tên gian đi tìm nơi tiêu thụ. 

Trên đường đi, Trung trông thấy em Hiền đang đứng gần bờ sông Nhuệ, ngồi trên xe đạp điện nghe điện thoại di động.

Lập tức, Nguyễn Xuân Trung quay lại, bàn bạc với đối tượng Quân việc cướp điện thoại, xe đạp điện của nữ sinh tội nghiệp. Và chính Trung đã đẩy nạn nhân xuống sông để thực hiện đến cùng hành vi tàn ác.

Đến khoảng 12h40, đã tìm thấy thi thể nữ sinh mắc ở bãi bèo thuộc địa phận thôn Gia Khánh, xã Nguyễn Trãi. Tại hiện trường có hàng trăm người dân theo dõi vụ việc.

Hai tàu cá chìm khi chạy bão, ít nhất 14 ngư dân mất tích

chìm tàu

Cuối giờ chiều ngày 27/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, 2 tàu cá của tỉnh vừa gặp nạn khi đang chạy để tránh bão khiến ít nhất 14 ngư dân mất tích.

Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM, lúc 15 giờ 15 phút cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhận được thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về tàu cá BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn ở Hoài Thanh, Hoài Nhơn ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Minh ở Tam Quan Nam, Hoài Nhơn làm thuyền trưởng, đã bị chìm ở tọa độ 12043’N – 111027’E.

Tàu còn lại mang số hiệu BĐ 97469 TS trên tàu có 14 người cũng bị chìm, các thuyền viên bị nạn vẫn chưa tìm thấy.

Vụ chìm tàu đầu tiên xảy ra vào 13h chiều cùng ngày khi tàu đang trên đường chạy về cảng Cam Ranh để tránh bão bão Molave.

Thông tin mới nhất cho biết, đến 13 giờ 30 phút cùng ngày tàu cá BĐ 98658 TS của ông Nguyễn Văn Toàn ở Bồng Sơn, Hoài Nhơn đã tiếp cận tàu cá BĐ 96388 TS và tìm kiếm 12 thuyền viên trên tàu bị nạn nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Đồn Biên phòng Cam Ranh thông báo các tàu thuyền hoạt động trong khu vực tìm kiếm tàu bị nạn. Đồng thời, Đài canh Hải đội 2 liên lạc các tàu xung quanh nắm tình hình, kêu gọi hỗ trợ.

Bão Molave hình thành sau bão Saude, hôm 25/10 ở phía Đông Nam thủ đô Manila. Bão khiến ít nhất hai người chết, 19 người mất tích, nhiều ngôi làng bị ngập và gần 100.000 người dân Philippines phải sơ tán. Sau khi quét qua Philippines, bão tiếp tục mạnh lên trên Biển Đông và sẽ đổ bộ vào miền Trung Việt Nam.

Nhói lòng cảnh cậu bé chới với bơi theo thuyền để xin đồ cứu trợ

Nhói lòng cảnh cậu bé chới với bơi theo thuyền để xin đồ cứu trợ

Không áo phao, không đồ bảo hộ hình ảnh cậu bé với dáng người gầy gò ngụp lặn cố bơi giữa dòng nước theo chiếc thuyền xin đồ cứu trợ khiến ai nấy không khỏi xót xa.

Đoạn video mới đây được một trưởng đoàn thiện nguyện từ Thái Nguyên tiến vào một “rốn lũ” bằng thuyền ghi lại cảnh: một cậu bé gầy gò, ốm yếu cố gắng lội trong dòng nước lũ cao đến tận cổ để xin lương thực cứu trợ đã khiến nhiều người cảm động.

Trong đoạn clip cho thấy, khi thấy một bé trai đang gắng bơi giữa dòng nước lũ đến gần thuyền cứu trợ, một số người trên thuyền đã đã sốt ruột nói lớn, “Ôi thế này làm sao bê được vào hả con. Không còn cái áo phao nào! Làm sao con bê được vào”.

Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, đoạn video đã khiến nhiều người xúc động. Không ít cư dân mạng để lại bình luận tán dương sự can đảm của cậu bé lẫn sự nhiệt tình, lòng tốt của chàng trai đi cứu trợ.

Thêm 22 ứng viên giáo sư bị tố cáo ‘khai gian’

21 ứng viên ngành Y và một ứng viên ngành Hóa học – Công nghiệp thực phẩm bị tố cáo “khai gian bài báo khoa học” để xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.

Báo VnExpress đưa tin, 27/10, GS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết đã nhận thêm 6 email gửi trực tiếp và qua GS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) với cùng nội dung tố cáo 21 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Y không đạt tiêu chuẩn, nhưng vẫn được Hội đồng giáo sư ngành thông qua và đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận.

Vì số lượng ứng viên lớn, phải mất nhiều ngày thẩm định nên ông Châu đã chuyển tiếp các đơn thư này tới Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, không tự thẩm định rồi gửi đơn thư kèm báo cáo kết quả thẩm định như đối với 16 ứng viên ngành Y, Dược bị tố cáo trước đó.

Ông Châu còn nhận được email tố cáo một ứng viên ngành Hóa – Công nghiệp thực phẩm không đạt điều kiện cứng cho ứng viên phó giáo sư kèm theo bằng chứng ứng viên gian dối sửa nội dung bản đăng ký xét duyệt. Với trường hợp này, ông xem và thấy đúng là không đạt.

Vẫn giữ quan điểm như trong thư kiến nghị gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước hôm 21/10, ông Châu cho rằng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kiểm tra lại toàn bộ ứng viên giáo sư, phó giáo sư của hai hội đồng ngành Y và Dược. Việc này có thể ảnh hưởng đến lịch xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm nay, nhưng là “cần thiết nhằm đem lại niềm tin cho cộng đồng khoa học và nhân dân”.

Về phía Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng, cho hay với những đơn thư nhận được, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đều đã yêu cầu hội đồng ngành giải trình.

Trước đó 22/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng đã nhận được đơn thư và báo cáo kết quả thẩm định của GS Nguyễn Ngọc Châu về 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Y và Dược bị tố cáo “khai gian” bài báo khoa học. Trong đó, 15 người đã được Hội đồng Giáo sư ngành Y và Dược thông qua, nhưng kết quả thẩm định của GS Châu là “không đạt”.

Như vậy đã có 38 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố cáo “khai gian”, trong đó chỉ một ứng viên ngành Hóa học – Công nghiệp thực phẩm, còn lại là ngành Y và Dược.

Hồ Kẻ Gỗ lên 3 kịch bản xả lũ ứng phó bão Molave

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc phụ trách Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, lúc 11h ngày 27/10, mực nước hồ Kẻ Gỗ ở cao trình 29,44 m, tương ứng với dung tích 259 triệu m3 (thiết kế là 345 triệu m3), lưu lượng xả qua hai cửa tràn duy trì ở mức 150 m3/s.

Theo ông Tâm, dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho thấy, từ chiều 28 đến 31/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Molave kết hợp không khí lạnh tăng cường, Hà Tĩnh có mưa phổ biến từ 300mm đến 500mm, có nơi từ 600mm đến 700mm. Để ứng phó với các tình huống xấu, đơn vị đã lên 3 kịch bản xả lũ cho hồ Kẻ Gỗ nhằm đảm bảo an toàn công trình và giảm thiểu ngập úng ở hạ du.

Cao trình an toàn của hồ là 32,5m, nếu lượng mưa đạt 500mm, mực nước trong hồ sẽ ở mức 33 m, tương ứng với 360 triệu m3; như vậy, lượng nước phải xả qua hai cửa tràn trong 4 ngày (28 đến 31/10) để đưa về mức an toàn là 15,5 triệu m3, nước qua tràn 45m3 mỗi giây.

Khi lượng mưa đạt 600 mm, mực nước trong hồ đạt 33,72 m, tương ứng 382,8 triệu m3; lượng nước phải xả 37,8 triệu m3, bình quân lưu lượng xả 110m3 mỗi giây.

Trường hợp lượng mưa đạt 700 mm, mực nước hồ đạt 34,50 m, tương ứng với 405 triệu m3; lượng nước phải xả 60 triệu m3, lưu lượng xả 173m3 mỗi giây.

Phó giám đốc phụ trách Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh nói, lưu lượng xả lũ từ 45 m3 mỗi giây đến 173 m3 mỗi giây trong 4 ngày, “chưa phải tình huống khẩn cấp, nằm trong tầm kiểm soát nên chưa tính đến phương án di dời dân”.

“Việc di dời dân tùy vào tình hình thực tế, vì ngoài lượng nước xả ra của hồ Kẻ Gỗ còn phải phụ thuộc vào lượng mưa ở hạ du”, ông Tâm cho hay. Hiện Hà Tĩnh trời hửng nắng.

 3 yếu tố khiến bão Molave trở thành cơn ‘cuồng phong’

Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng Việt Nam, hồi 13 giờ chiều nay, 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách Phú Yên 450km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 13 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13.

Cũng trong sáng nay, chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy nhận định trên báo VnExpress rằng, bão Molave đang hội đủ điều kiện để trở thành cơn ‘cuồng phong’, đó là: không gặp chướng ngại vật sau khi vào Biển Đông, nhiệt độ mặt biển đã được hun nóng lên 27-28 độ C sau hơn tuần nắng, không khí lạnh áp cao suy giảm ảnh hưởng và tàn dư hơi ẩm của hoàn lưu bão số 8.

Theo ông Huy, đây là cơn bão “cực kỳ lớn”, vào bờ đúng lúc triều cường thêm một mét nên sẽ tạo ra sóng biển 7-8 m. Với sức mạnh này nó có thể bốc một con thuyền lớn từ dưới biển lên đường hoặc thổi bay các căn nhà cấp 4.

Với cấp gió giật 150 km/h khi ở gần bờ, có thể so sánh với gió của bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006 và bão Damrey đổ bộ Nha Trang năm 2017.

Đóng cửa 6 sân bay, dừng chạy tàu hỏa để tránh bão số 9

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, để đảm bảo an toàn, Cục Hàng không quyết định đóng cửa 6 sân bay: Tuy Hòa, Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Phú Bài, Pleiku từ chiều tối 27/10.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng dừng chạy 7 đoàn tàu Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn vào tối 27/10 và ngày 28/10.

Related posts