Tin thế giới tối thứ Sáu

Trả đũa Mỹ, Bắc Kinh giới thiệu luật dữ liệu cá nhân

Hôm thứ Tư (21/10), Bắc Kinh bắt đầu đưa ra bàn thảo dự luật giới hạn chặt chẽ việc chuyển dữ liệu cá nhân của người Trung Quốc ra nước ngoài. Nikkei cho hay, đây là một động thái cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn trả đũa lệnh cấm “phân biệt đối xử” của Hoa Kỳ.

Nếu được thông qua, đạo luật có tên Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân sẽ trở thành bộ luật thống nhất đầu tiên của Trung Quốc về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo dự thảo luật, bất kỳ công ty nào tìm cách lấy dữ liệu cá nhân của người dùng ra bên ngoài Trung Quốc sẽ bị kiểm tra bởi các cơ quan an ninh mạng. Các doanh nghiệp liên quan đến “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng”, chẳng hạn như viễn thông hoặc tài chính và những doanh nghiệp xử lý lượng lớn thông tin cá nhân sẽ phải lưu trữ dữ liệu đó trên các máy chủ ở Trung Quốc và trải qua đánh giá rủi ro trước khi gửi ra nước ngoài.

Luật mới này của Trung Quốc xuất hiện sau khi Washington cấm nền tảng chia sẻ video TikTok và ứng dụng trò chuyện WeChat để “bảo vệ an ninh quốc gia và dữ liệu cá nhân” của người dùng Mỹ.

Putin nói đã giúp Navalny rời Nga chữa bệnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (22/10) cho biết ông đã đích thân can thiệp để đảm bảo rằng nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny có thể được điều trị y tế ở Đức sau khi chính trị gia đối lập được cho là bị đầu độc, Reuters đưa tin.

Phát biểu tại cuộc họp của Câu lạc bộ Valdai, Putin cho biết ông đã yêu cầu văn phòng Tổng công tố của Nga cho phép Navalny rời khỏi đất nước sau khi có lời kêu gọi từ vợ của chính trị gia đối lập.

“Có những hạn chế đi lại đối với ông ấy liên quan đến một cuộc điều tra tư pháp và một vụ án hình sự (chống lại Navalny)”, ông Putin nói. “Nhưng dù sao thì tôi cũng đã yêu cầu văn phòng Tổng công tố cho phép và anh ấy đã rời đi”.

Ông Navalny, 44 tuổi, đột ngột đổ bệnh trong một chuyến bay từ Siberia về Moscow vào ngày 20/8 và sau đó được vận chuyển đến Berlin để điều trị. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học cho biết mẫu máu lấy từ ông Navalny xác nhận sự hiện diện của chất độc thần kinh Novichok, loại chất độc được sử dụng từ thời Liên Xô.

Hiện tại ông Navalny vẫn đang dưỡng bệnh tại Đức. Ông cáo buộc Putin chính là thủ phạm đứng sau vụ đầu độc ông.

Đài Loan ủng hộ phong trào biểu tình dân chủ ở Thái Lan

Hơn một chục tổ chức phi chính phủ, các nhóm vận động chính trị và các tổ chức sinh viên đã cùng nhau họp mặt tại Đài Bắc vào thứ Năm (22/10) để nâng cao nhận thức về phong trào ủng hộ dân chủ ở Thái Lan, khi những người biểu tình ở quốc gia này đang vấp phải sự cản trở của chính phủ, theo Taiwan News.

Được tổ chức bởi Đảng Xanh Đài Loan và Liên minh Đài Loan vì Dân chủ Thái Lan (TATD), cuộc họp báo bắt đầu lúc 9 giờ sáng tại Hội trường Cựu sinh viên Đại học Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc. Trong sự kiện này, đại diện của khoảng 15 nhóm xã hội dân sự đã thay nhau bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào biểu tình yêu cầu dân chủ, mặc dù phong trào đã liên tục gặp khó do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Cô Thachaporn Supparatanapinyo là một đại diện cho TATD, bao gồm các sinh viên Thái Lan tại Đài Loan, tham gia cuộc họp. Theo cô, người Đài Loan là những người đầu tiên trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào biểu tình của giới trẻ Thái Lan “không chỉ từ phía người dân mà từ phía chính phủ, đảng chính trị và cả các tổ chức phi chính phủ”.

Cô Thachaporn cho biết cô tin rằng người Đài Loan rất ủng hộ biểu tình yêu cầu dân chủ ở Thái Lan vì họ đã quen với việc đứng lên đấu tranh cho dân chủ – cả ở đất nước của họ và những nơi khác, như đã thấy trong các cuộc biểu tình chống dẫn độ năm ngoái ở Hồng Kông.

Vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan có thể vươn tới Đại lục

Khác với các loại vũ khí trước kia Hoa Kỳ bán cho Đài Loan, các vũ khí tấn công mới mà Washington sẽ cung cấp cho Đài Bắc sắp tới có khả năng tấn công các mục tiêu nằm ở khu vực ven biển của Trung Quốc đại lục, theo SCMP.

“Đây là một bước đột phá của Mỹ trong quyết định bán vũ khí cho Đài Loan”, Mei Fu-hsing, Giám đốc Trung tâm Phân tích An ninh Đài Loan, một tổ chức tư vấn tư nhân ở New York, cho biết khi đề cập đến quyết định của chính quyền Trump loại bỏ chính sách truyền thống chỉ bán loại vũ khí có tính phòng thủ cho Đài Loan.

Các chuyên gia quân sự cho biết, thương vụ bán vũ khí mới nhất của Mỹ nhằm giúp Đài Bắc có thể đối phó với hỏa lực của Bắc Kinh trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

Đợt mua bán vũ khí mới nhất cho Đài Loan được chính phủ Mỹ đề xuất là đợt thứ tám. Hôm thứ Năm (22/10), Đài Bắc đã lên tiếng hoan nghênh thiện chí giúp đỡ của Hoa Kỳ trong bối cảnh Đài Loan liên tục chịu sức ép từ các hoạt động đe dọa của Bắc Kinh trong thời gian qua.

Mỹ đưa đại sứ Iran tại Iraq vào danh sách đen

Hôm thứ Năm (22/10), Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen Iraj Masjedi, Đại sứ Iran tại Iraq, nói rằng ông Iraj đã hỗ trợ các nhóm dân quân Iraq trong nhiều năm, lực lượng đã thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ và liên quân ở Iraq thời gian qua, theo Reuters và Anadolu Agency

“Với khả năng hiện tại, Masjedi đã khai thác vị trí của mình là đại sứ của chế độ Iran tại Iraq để thực hiện các hành vi tài chính vì lợi ích của IRGC-QF”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến IRGC-QF, từ viết tắt của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Iran đang bổ nhiệm các quan chức IRGC-QF để “thực hiện chương trình nghị sự đối ngoại gây bất ổn của họ”.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ và chế tài theo ý của mình để hạn chế lực lượng cầm quyền ở Iran và các quan chức IRGC-QF cố gắng can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền, bao gồm bất kỳ nỗ lực nào nhằm tác động đến các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ”, ông Mnuchin nói thêm.

Tổng biên tập cơ quan ngôn luận ĐCSTQ mới được bổ nhiệm bị phanh phui bê bối

Gần đây, Thỏa Chấn, người vừa mới nhậm chức chủ tịch tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đã bị phanh phui bê bối liên quan đến 6 nhân tình trong 5 năm.

Theo Epoch Times, tờ Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đồng loạt cập nhật danh sách “lãnh đạo” trong ngày 20/10. Trong số đó, Thỏa Chấn thay thế Lý Bảo Thiện đảm nhiệm chức tổng biên tập của Nhân dân nhật báo; Hà Bình thay Thái Danh Chiếu làm bí thư đảng bộ và tổng biên tập Tân Hoa xã.

Ngay sau đó, ông Thỏa Chấn, 61 tuổi, đã bị phanh phui một vụ bê bối.

Vào đầu tháng 1/2013, La Xương Bình, phó tổng biên tập tạp chí Tài chính và Kinh tế và là phóng viên của Phương Nam Cuối tuần đã tung tin rằng Thỏa Chấn, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền tỉnh Quảng Đông, đã cưỡng ép xóa và chỉnh sửa bài phát biểu năm mới của Phương Nam Cuối tuần. Động thái của Thỏa Chấn bị cáo buộc là đàn áp quyền tự do báo chí và quyền tự chủ biên tập, nội dung sau khi bị xóa có nhiều sai sót nghiêm trọng. Vụ việc này gây náo động, thậm chí các biên tập viên, phóng viên còn ký vào thư ngỏ để phản đối. Tuy nhiên, cuối cùng, nhiều thành viên cấp cao của Phương Nam Cuối tuần đã bị thay thế.

Ngay sau khi vụ hỗn loạn này xảy ra, tin tức lan truyền trên các phương tiện truyền thông nước ngoài và vạch trần một loạt vụ bê bối. Theo các nguồn tin, ở Bắc Kinh lưu truyền thông tin không chính thức rằng trước khi chuyển đến Quảng Đông, Thỏa Chấn đã có 6 nhân tình trong 5 năm ở Bắc Kinh, trong đó một người làm việc cho Tân Hoa Xã và người kia làm việc cho tờ Thời báo Kinh tế. Tin tức cũng cho biết “lý tưởng” của Thỏa Chấn khi đó là vào Bộ Chính trị.

Tin tức cũng cho biết, trong thời gian làm việc tại Bắc Kinh, Thỏa Chấn đã sắp xếp một số lượng lớn người thân và bạn bè ở quê nhà đến đó làm việc. Vào thời điểm ấy, ông Thỏa có hai bất động sản, nhưng các thành viên trong gia đình trực tiếp của ông có tám bất động sản đắt tiền với tổng số tiền đặt cọc khoảng 45 triệu nhân dân tệ (khoảng 150 tỷ đồng).

Lao động đại lục đổ xô sang Việt Nam, Trung Quốc cho xây tường biên giới cao 2 mét?

Người dân để lại bình luận: “Hoa Kỳ đã xây một bức tường để ngăn người vào, và ĐCSTQ đã xây một bức tường để ngăn người trốn thoát!?”

Ngày 20/10, tại đèo Hữu nghị biên giới Việt-Trung phần nằm bên phía Quảng Tây, gần 1.000 kỹ thuật viên Trung Quốc đã tập trung và dự định sang Việt Nam làm việc. Epoch Times dẫn lời báo hải ngoại cho biết doanh nhân Đài Loan gốc Việt nói rằng Việt Nam hạn chế lao động từ Trung Quốc, và những người này không dễ kiếm được việc làm. Ngoài ra, ở biên giới Trung – Việt, Trung Quốc đang xây một bức tường cao hai mét để ngăn người dân chạy trốn.

Theo các đoạn video trên nền tảng truyền thông xã hội Twitter, vào ngày 20/10, tại các thị trấn biên giới của đèo Hữu Nghị, đã có rất nhiều người ra nước ngoài đang sang tìm kiếm việc làm tại Việt Nam. Dựa trên những thông tin được cư dân mạng tiết lộ, gần một nghìn người đã ứng tuyển vào nhiều công ty Trung Quốc hoặc Đài Loan tại Việt Nam để làm các công việc kỹ thuật cao, trong đó công ty thiết bị chính xác Lập Tấn của Thâm Quyến” có 400 suất và thiết bị chính xác Phú Quế có 205 người Có 85 người ở Công ty TNHH Công nghệ Pin Việt Nam và 27 người ở Công ty TNHH Deli. Các ứng viên nêu trên đều là nhân viên kỹ thuật cấp cao của công ty.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do hôm thứ Năm (22/10), Quách Hải Quang, trưởng nhóm doanh nhân Đài Loan của Câu lạc bộ An Bình ở huyện Nghĩa An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam nói rằng nếu không nhờ sự mời gọi của các công ty trong nước, người lao động từ Trung Quốc sẽ khó tìm được việc làm ở Việt Nam.

Quách Hải Quang cho biết, khi người lao động Trung Quốc đại lục muốn làm việc tại Việt Nam, điều đầu tiên họ gặp phải là vấn đề về thị thực, và thứ hai, bệnh viêm phổi Vũ Hán vẫn chưa hết, và người nhập cư cần phải cách ly. Có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Các công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam

Doanh nhân người Nam Ninh, Quảng Tây, họ Trần nói với Đài Á Châu Tự Do, gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vì chi phí mà chuyển nhà máy sang Việt Nam: “Đặc biệt, doanh nhân Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam, họ nói với nhân viên… Tôi có những người bạn sang Việt Nam, họ nói với người lao động, nhất là lao động có tay nghề cao là bạn có thể sang Việt Nam, lương ở Trung Quốc bao nhiêu, thì lương ở Việt Nam sẽ cao hơn. Đặc biệt là đối với nhân viên tay nghề cao, kỹ thuật viên, họ gửi đi thông điệp như vậy. Rất nhiều người đã đến Việt Nam, và một người bạn của tôi cũng đã đến đó”.

Hai tháng trước, hơn 20 người từ Quảng Tây, Trung Quốc, có ý định buôn lậu sang Việt Nam làm việc, đã bị cảnh sát biên giới Việt Nam bắt giữ vào ngày 17/7, mỗi người bị phạt 3.000 nhân dân tệ và trục xuất về nước. Theo thông tin đã đưa, những người Trung Quốc buôn lậu này không tìm được việc làm ở Quảng Tây nên họ chuẩn bị sang làm việc cho Sharp Electric, một công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Epoch Times dẫn lời một học giả tài chính cho rằng, nhiều ngành thâm dụng lao động đã rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang Đông Nam Á như Việt Nam: “Ví dụ như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, và thậm chí cả Ấn Độ. Lực lượng lao động ở Trung Quốc đã trở nên dư thừa, và đã có sự tập hợp của người dân ở biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Bây giờ qua quan sát, tình trạng dư thừa lao động của Trung Quốc sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn”.

Chuyên gia cho rằng nếu một lượng lớn lao động của Trung Quốc đổ vào các nước Đông Nam Á thì sẽ khó được các nước này hấp thụ: “Tốc độ tăng nhu cầu lao động của họ sẽ không cao như Trung Quốc đại lục mong đợi. Liệu những lao động dư thừa này có thể được người dân địa phương hấp thụ sau khi họ đến Đông Nam Á?. Vẫn là một vấn đề”.

Samsung Electronics của Hàn Quốc ngày 8/9 tiết lộ rằng họ sẽ cho ngừng nhà máy sản xuất TV ở Thiên Tân, Trung Quốc vào cuối tháng 11, và hoạt động sản xuất của nhà máy sẽ được chuyển sang Việt Nam cùng các nơi khác, đồng thời sẽ rút khỏi Trung Quốc. Samsung cũng đã rút dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc trong lĩnh vực điện thoại thông minh và máy tính cá nhân.

Xây dựng hàng rào cao hai mét ở biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam

Một cư dân mạng khác tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm km hàng rào biên giới dọc biên giới Việt – Trung. Bức tường cao hơn 2m được cho là để ngăn người dân chạy trốn. Một đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy bức tường bê tông cốt thép đang được xây dựng theo từng giai đoạn, và một số cọc xi măng được dựng trên sườn đồi tạo thành một đường cong uốn lượn. Biên giới trên đất liền Trung Quốc – Việt Nam dài 1.300 km, một số cư dân mạng cho rằng biên giới này sẽ được xây tường cao.

Doanh nhân họ Trần cho rằng Việt Nam ngày nay không như xưa: “Sự phát triển kinh tế của Việt Nam giống như Thâm Quyến hồi đó. Bất kể cấp độ chính sách, môi trường chính sách và độ mở quốc tế, nó mạnh hơn nhiều so với đại lục. Nên lao động sẽ đổ sang đó”.

Người dùng mạng nói tiếng Hoa châm biến nói rằng: “Hoa Kỳ đã xây một bức tường để ngăn người vào, và ĐCSTQ đã xây một bức tường để ngăn người trốn thoát!?”

Related posts