Tầng lớp trung lưu đỏ tại Việt Nam

Ls Lê Đức Minh

Theo các khảo sát của các tổ chức kinh tế thế giới thì vào năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu và giàu có. Điều đáng lưu ý là đa số người Việt Nam tỏ ra lạc quan hơn so với tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và một số quốc gia đang trỗi dậy khác.

Có đến 90% người tiêu dùng Việt Nam đều nghĩ rằng con cháu họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong khi tỷ lệ này chỉ đạt 70% tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Ở góc độ doanh nghiệp, nghiên cứu 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay cho thấy, có đến 83,6% các giám đốc điều hành các đại công ty này tỏ ra lạc quan về doanh thu của doanh nghiệp càng lúc càng tăng. Mặc dù vẫn có những nhận định bi quan nhưng tỷ lệ này thấp cho thấy niềm tin của giới kinh doanh trên thương trường tiếp tục tăng lên.

Những thập niên vừa qua, Việt Nam đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn. Trong lĩnh vực điện tử, Tập đoàn Samsung đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử tại Thái Nguyên với tổng vốn 2 tỷ USD. Tập đoàn LG cũng đã đầu tư vào dự án nhà máy ở Hải Phòng với vốn 1,5 tỷ USD.

Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm công nghệ, Nestlé đã khai trương nhà máy chế biến cà phê với vốn đầu tư 240 triệu USD nhằm phục vụ nhu cầu của khu vực Đông Nam Á. Trong lĩnh vực thức ăn nhanh và đồ uống, thị trường đã chứng kiến sự góp mặt đầy đủ của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như KFC, Starbucks, Pizza Hut, Burger King và cả McDonalds cũng đang có nhiều nhà hàng tại Việt Nam. Sự có mặt của công ty McDonald đến từ Mỹ này cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam hiện tại và cả trong tương lai.

Bởi, trước khi xuất hiện, đơn vị này đã mất nhiều năm nghiên cứu khá kỹ về người tiêu dùng, về thị trường. Và dĩ nhiên, không chỉ có một cửa hàng mà McDonalds sẽ thành lập một chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn.

Không chỉ có từng ấy nhà đầu tư, Việt Nam đang tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Theo đánh giá của BCG, hiện nền kinh tế Việt Nam cân bằng tốt giữa xuất khẩu và vốn đầu tư mang đến sự tăng trưởng như hiện nay.

Nhờ sự phát triển các ngành công nghiệp thiết bị và phụ kiện thiết bị cộng nghệ, kim ngạch xuất khẩu và vốn đầu tư của Việt Nam tăng nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm của Việt Nam sẽ từ 1.400 lên 3.000 USD vào năm 2020.

Ông Douglas Jackson, Giám đốc Điều hành BCG tại TP.HCM, đồng tác giả bản nghiên cứu “Việt Nam và Myanmar: Những biên giới tăng trưởng mới tại Đông Nam Á”, cho rằng, các công ty đang đầu tư vào Việt Nam giờ đây có cơ hội để xây dựng kế hoạch kinh doanh, thương hiệu, tạo đà phát triển tại đất nước vốn có nền kinh tế khép kín. Tuy nhiên, thành công như thế nào phụ thuộc vào mức độ hiểu biết như thế nào về người tiêu dùng Việt Nam và biết cách thỏa mãn họ.

Các nghiên cứu kinh tế cũng tập trung nghiên cứu về sự hình thành của tầng lớp trung lưu của Việt Nam, vì đây là đối tượng có khả năng mua sắm nhiều, và là động lực của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Hiện tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam không chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn mà đang lan nhanh ra nhiều tỉnh – thành khác trong cả nước. Nghiên cứu của công ty BCG, cho thấy, hơn một nửa người tiêu dùng (51%) và 80% người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có mua sắm tại các siêu thị và đại siêu thị bên cạnh các cửa hàng truyền thống.

Và dù nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn, nhưng có 70% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng rằng nền kinh tế đang đi lên. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đang có nguồn tài chính đảm bảo và có nhu cầu mua hàng cao. Khảo sát của BCG cho thấy, có đến 80% số người tiêu dùng cho biết muốn mua nhiều hơn so với năm trước và sẵn sàng sử dụng thẻ tín dụng khi mua hàng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc về tầng lớp trung lưu theo tiêu chuẩn của thế giới. Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được cho là sẽ đạt đến con số 33 triệu người, tức là một phần ba dân số.

Theo nhận định của các chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới thì sự gia tăng của tầng lớp trung lưu này sẽ là động lực làm xã hội thay đổi về kinh tế, xã hội cũng như chính trị. Tuy nhiên cũng có những người tỏ ra bi quan với nhận định rằng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tạo ra những thay đổi về chính trị.

Thông thường một khi tầng lớp trung lưu trong một quốc gia gia tăng đến một con số nào đó thì thành phần này bên cạnh việc trở thành lực lượng tiêu xài, mua sắm nhiều nhất trong xã hội, cũng là thành phần sau khi cơm no, áo ấm bắt đầu nghĩ đến việc cải thiện những giá trị của xã hội như văn hóa, luật pháp và chính trị.

Tại những quốc gia dân chủ, nơi người dân được tự do bầu ra đại diện của mình trong quốc hội, thì thành phần trung lưu thông qua lá phiếu và đại biểu của họ, sẽ vận động quốc hội, chính phủ thông qua những luật lệ mới, thay đổi thể chế.

Thành phần trung lưu này không phải vận động cho những thay đổi đó để mang lại lợi ích cho thành phần lao động, nghèo khổ trong xã hội. Họ làm điều đó để bảo vệ những lợi ích trực tiếp của thành phần trung lưu. Tuy nhiên khi sự thay đổi xảy ra thì tất cả mọi thành phần trong xã hội đều được hưởng lợi. Có thể nói thành phần trung lưu là động lực chính để thay đổi cơ cấu kinh tế và chính trị của các xã hội dân chủ.

Những nghiên cứu gần đây của Ngân Hàng Thế Giới về thành phần trung lưu của Việt Nam đã đưa ra những nhận định rất phiến diện về tầng lớp trung lưu của Việt Nam, tầng lớp mà họ cho rằng sẽ tạo ra những thay đổi về chính trị tại Việt Nam. Ngân hàng Thế giới chỉ nghiên cứu thu nhập của người dân Việt Nam theo ba cấp độ gồm thu nhập thấp, thu nhập trung bình và thu nhập cao. Họ xem thành phần có thu nhập trung bình là tầng lớp trung lưu của Việt Nam.

Nếu chỉ dựa trên thu nhập thì những người có thu nhập trung bình tại Việt Nam không thể gọi là tầng lớp trung lưu, vì tầng lớp trung lưu ngoài thu nhập còn được đánh giá dựa theo góc độ xã hội học lẫn chính trị học.

Nếu một tầng lớp nào đó trong xã hội có thu nhập cao, nhưng những hoạt động của họ trong xã hội không tạo ra được một thay đổi nào theo hướng tích cực, thì thành phần đó chưa phải là tầng lớp trung lưu theo đúng định nghĩa của nó.

Ở bất cứ xã hội phát triển bình thường nào, tức là được hiểu như một xã hội có dân chủ, tầng lớp trung lưu luôn là một cột trụ, một động lực quan trọng cho sự hình thành, ổn định và phát triển xã hội. Đó là tầng lớp mà về mặt tài sản, không thuộc tầng lớp giàu có, cũng không phải tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội. Có nghĩa là họ có học hành đàng hoàng, có đủ ăn, không còn chật vật với cơm áo gạo tiền và bắt đầu chú ý đến những giá trị thượng tầng xã hội như văn hóa, nghệ thuật, chính trị.

Thứ hai về mặt về kinh tế, đây là tầng lớp mà các hoạt động chuyên môn, kinh doanh mang lại thu nhập cho họ không phụ thuộc nhiều vào các chính sách của chính quyền. Thứ ba về mặt chính trị tầng lớp trung lưu là tầng lớp trong đó có nhiều người có ý thức muốn thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn và tìm mọi cách để thực hiện các mong muốn đó của họ thông qua vận động các chính khách, các dân biểu để ban hành luật, chính sách đúng nhằm tạo ra sự thay đổi đó.

Năm 2014, Thomas Piketty – nhà kinh tế học của Pháp – đã công bố cuốn Capital in the Twenty-First Century, một công trình nghiên cứu sự phân chia thu nhập và bất bình đẳng trong 300 năm qua. Ông phát hiện ra rằng, trong tất cả các cuộc khủng hoảng đều có sự sa sút của tầng lớp trung lưu, trong khi tầng lớp giàu có càng giàu hơn nhờ lợi nhuận cao.

Những người có thu nhập trung bình của Việt Nam hiện tại, khác hẳn với thành phần trung lưu tại các nước dân chủ ở chỗ, sỡ dĩ họ có thu nhập tốt, ổn định là vì họ dựa vào chính phủ, nói đúng hơn là làm việc hay phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ. Để bảo đảm thu nhập của họ không bị ảnh hưởng, những người này chọn thái độ làm ngơ trước những vấn đề chính trị.

Do đó thành phần trung lưu hiện tại của Việt Nam đa số tỏ thái độ bàng quan đến các vấn đề chính trị, để bảo đảm thu nhập kinh tế của họ. Cho nên thành phần này không thể là thành phần trung lưu theo như định nghĩa của thế giới, vì thành phần này không quan tâm đến chính trị và họ không hề là một động lực nào tại Việt Nam để tạo ra bất cứ sự thay đổi tích cực nào cho xã hội tại Việt Nam cả.

Cũng nên lưu ý rằng chủ yếu thu nhập của tầng lớp trung lưu VN có được là nhờ thông qua các hoạt động như đầu tư chứng khoán và kinh doanh bất động sản. Một yếu tố khác cũng rất quan trọng đó là đa số có mối quan hệ với chính quyền.

Điều này dẫn đến sự phát triển kinh tế rất mất cân đối, nguồn lực xã hội dành cho các lĩnh vực thiết yếu khác như giáo dục, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe sẽ giảm mạnh. Chính phủ sẽ phải tăng vay nợ nước ngoài. Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng, cơ hội có nơi trú thân của người nghèo ngày càng nhanh chóng biến mất. Và cùng với điều đó, lòng khoan dung về những chênh lệch, bất bình đẳng xã hội cũng nhanh chóng teo lại.

Điều này có thể thấy rõ trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam, thái độ vô cảm hiện diện khắp mọi nơi, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn, giáo dục suy thoái nghiêm trọng, đạo đức xã hội ngày càng xuống thấp và bất công xã hội tăng mạnh tạo ra một thành phần bất mãn với xã hội càng lúc càng nhiều.

Tốc độ tăng người siêu giàu tại VN được dự đoán tăng mạnh trong 10 năm tới với số lượng hơn gấp đôi hiện tại và đạt khoảng 430 người. Những người siêu giàu luôn đóng một vai trò quan trọng, không thể bỏ qua, trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và trong sự phát triển quốc gia. Nhưng để có được vai trò như vậy, họ phải là “người siêu giàu đàng hoàng”, trở thành siêu giàu bằng chính sức lực của bản thân với những cách thức đúng đắn.

Một số người siêu giàu ở VN không phải nhờ kinh doanh, mà trước tiên là nhờ quan hệ đặc biệt của họ với chính quyền. Có được mối quan hệ này, họ mới có đất đai, từ đó mới có vốn để kinh doanh nhằm hợp thức hóa khối tài sản khổng lồ của mình. Vì thế họ phụ thuộc, có tính chất sống còn, vào quan hệ với Nhà nước. Thêm vào đó, tự bản chất, số người siêu giàu VN tăng lên nhưng phạm vi sẽ hầu như không mở rộng. Đa số những người siêu giàu mới vẫn sẽ là bà con, họ hàng thân thuộc của người đã siêu giàu.

Nếu cách làm giàu không đàng hoàng, đúng đắn sẽ gây ra hàng loạt tác động tiêu cực không thể kể hết đối với sự phát triển đất nước, dân tộc, xã hội và đối với người dân. Phải cần có một nghiên cứu bài bản mới có thể chỉ ra hết được. Trong đó, có hai tác động đặc biệt tiêu cực, có thể nói là nguy hại, của cách làm giàu này là: (1) trở thành một tấm gương, khuyến khích mọi người – đặc biệt là giới trẻ – bằng mọi giá trở nên giàu có theo cách thức giống họ; (2) Tạo ra một môi trường trong đó chỉ một vài nhóm (tập đoàn) người siêu giàu thâu tóm và chỉ huy toàn bộ nền kinh tế. Vài tập đoàn này, về cơ bản, sẽ chủ yếu tập trung vào các dự án khổng lồ để thu lợi nhiều nhất và bảo vệ vị trí thống trị của mình.

Lập luận quen thuộc của họ cho những dự án đó luôn là “cần thiết cho tăng trưởng”. Môi trường đó vừa tạo ra một nền kinh tế không hiệu quả, phát triển lệch lạc, vừa làm gia tăng nhanh chóng sự chênh lệch thu nhập trong xã hội.

Theo nghiên cứu của Thomas Piketty, sự chênh lệch – một cách bất bình đẳng – về thu nhập là nguyên nhân chủ yếu gây mất ổn định xã hội, và khi nó trở nên không thể chấp nhận được sẽ dẫn đến khủng hoảng.

Related posts