Lên tiếng vì ý thức trách nhiệm

BS.Trần Văn Tích

Hiện tình thế giới với nhiều biến động khiến nhiều người không thể ngồi yên. Hệ thống thông tin hiện đại hết sức thuận lợi cho sự phổ biến tin tức, trình bày suy nghĩ.

Trong vụ tiến cử nữ luật gia Amy Coney Barrett tham gia Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, tám mươi tám thành viên thuộc ban giảng huấn Đại học Luật khoa Notre Dame đã cất tiếng qua một bức thư ngõ.

Bài viết này xin tập trung vào ba vấn đề thuộc lĩnh vực y khoa liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đại dịch corona trên đất Hoa Kỳ.

81 khoa học gia được giải Nobel lên tiếng

Ngày 02.09.2020, Đài CNN đưa tin tám mươi mốt nhà khoa học Hoa Kỳ đoạt giải Nobel trong ba lĩnh vực Y khoa+Sinh lý học, Vật lý và Hoá học gửi một bức thư ngỏ với nội dung ủng hộ ứng cử viên Tổng thống kỳ bầu cử sắp tới Joe Biden. Các nhà khoa học Mỹ nhấn mạnh tổng quát đến ý chí của Joe Biden sẵn sàng nghe theo lời các nhà khoa học và thái độ thuận lợi của Joe Biden khi vận dụng khoa học để giải quyết nhiều vấn đề.

Harold Elliot Varmus từng giữ chức vụ Giám đốc các Viện Y khoa Quốc gia và Viện Ung thư Quốc gia. Năm 1989 nhân giải Nobel Y khoa cùng với đồng nghiệp J. Michel Bishop. Công trình có đối tượng là các chất gây ung thư hồi-virút. Theo nhà Khoa học đánh giá thì trong quá khứ, Joe Biden từng tỏ ra sẵn sàng ủng hộ việc vận dụng khoa học nhằm tìm biện pháp giải quyết các vấn nạn của Hoa Kỳ. (In the past, Joe Biden has shown a deep appreciation for using science to find solutions to America‘s ailments).

Elisabeth Blackburn là một nhà sinh vật học phân tử nhận giải Nobel Y khoa năm 2009 cùng với hai đồng nghiệp Carol Greider và Jack Szostak. Công trình của bô ba này nhắm vào hiện tượng lão hoá các nhiễm sắc thể đưa đến tử vong tế bào; cụ thể họ nghiên cứu enzym télomérase là một enzym giúp cho nhiễm sắc thể có khả năng phát triển về chiều dài ở hai cực nhiễm sắc thể qua cấu trúc phân tử télomère. Liên quan đến hiện trường chính trị Mỹ quốc, Elisabeth Blackburn cho biết ý kiến như sau : Hiện giờ hơn bao giờ hết, đất nước chúng ta cần những nhà lãnh đạo dân cử biết lấy quyết định dựa vào khoa học. (Now more than ever, our country needs elected leaders who make decisions based on science.)

Carol Greider, giải Nobel Y khoa năm 2009, tuyên bố : Các nhà lãnh đạo đắc cử của chúng ta cần phải lấy quyết định căn cứ vào sự kiện và khoa học. (Our elected leaders should be making decisions based on facts and science).

34 nhà bỉnh bút của New England Journal of Medicine bày tỏ thái độ

The New England Journal of Medicine vào hôm thứ tư 7 tháng 10. 2020 đã phê phán chính quyền Hoa Kỳ về cách ứng phó với đại dịch coronavirus. Tiểu ban chủ biên tờ tạp chí kêu gọi dân chúng không bầu cho những người lãnh đạo đang nắm quyền hiện tại vì họ đã bất lực làm thiệt mạng nhiều người dân Mỹ  (denounced the Trump administration’s handling of the coronavirus pandemic and called for voting out “current political leaders” who are “dangerously incompetent“).

Tờ báo chuyên nghiệp về Y Khoa The New England Journal of Medicine là một tờ báo rất uy tín. Nó nổi tiếng tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, được tín nhiệm lâu năm, phát hành từ tháng Giêng năm 1812, cho đến nay đã hơn 208 năm.  Tờ tạp chí khoa học chuyên môn chưa bao giờ dính dáng đến chính trị nhưng bây giờ nó đã lên tiếng. Mặc dù không nêu đích danh Tổng Thống Donald Trump, nhưng tờ tạp chí đã đề cập đến “the administration“, đến trung tâm quyền lực của chế độ chính trị tại Hoa Kỳ.

“Khi phải đối phó với sự khủng khoảng lớn nhất về sức khỏe công chúng trong thời đại của chúng ta, những người nắm quyền hành cao nhất của đất nước đã cho thấy họ bất tài một cách rất nguy hiểm, làm cho mấy trăm ngàn người đã chết”.  Tờ tạp chí viết tiếp : “Chúng ta không thể tiếp tay với họ và làm chết thêm cả bao nhiêu ngàn người Hoa Kỳ nữa bằng cách cho phép họ giữ công việc mà họ đang làm.”

Tuổi thọ tạp chí Scientific American nhỏ hơn và uy vọng của nó cũng thấp hơn New EnglandJournal of Medicine. Scientific American ra đời đã 175 năm và đây là lần đầu tiên nó lên tiếng ủng hộ ứng viên Tổng Thống Joe Biden, chống lại Tổng Thống đương nhiệm Donald Trump mà tờ báo gán cho thái độ phủ nhận Hiển nhiên và Khoa học (Evidence and Science). Quan điểm liên hệ được bày tỏ trong một bản văn chính luận phổ biến dưới đầu đề “From Fear to Hope“, từ “Sợ hải đến Hy vọng“, đăng tải trên số 323, 4, 12-13, tháng Mười năm 2020.

Great Barrington Declaration

Great Barrington Declaration được ký ngày chủ nhật 04.10.2020, nêu lên quan điểm của ba Viện Đại học Hoa Kỳ là Viện Đại học Oxford, Viện Đại học Stanford và Viện Đại học Harvard. Đây là một bản tuyên cáo phổ biến rất rộng rãi và mời gọi các cá nhân, đoàn thể, tổ chức khắp nơi tham gia ký tên ủng hộ. Chỉ trong vòng vài ba ngày, đã có hàng trăm ngàn cảm tình viên ký tên. Tuyên cáo lập luận rằng các biện pháp hạn chế do các chính quyền ban bố nhằm chống lại sự lây lan của đại dịch corona đã tác dụng tai hại lên sức khoẻ cộng đồng nên cần phải huỷ bỏ lập tức đối với toàn dân, ngoại trừ đối với các thành viên dễ bị lâm bệnh, dễ bị thương tổn nhất trong xã hội. Cụ thể, bản tuyên cáo cổ vũ thực hiện miễn nhiễm tập đoàn, herd immunity, cho nên nó còn có tên là US HerdImmunity Manifesto. Trình bày một cách thực đơn giản, miễn nhiễm tập đoàn là hình thức chấp nhận cho dịch bệnh lây lan rộng rãi trong dân chúng, ngoại trừ những thành viên cao tuổi hay đang mang sẵn bệnh mạn tính, chỉ các thành phần này mới phải được bảo vệ phòng chống lại đại dịch. Khi con số người nhiễm bệnh đạt đến một tỷ lệ nào đó thì tính miễn dịch tập thể sẽ hình thành và nhờ vậy, quần chúng sẽ được miễn nhiễm. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới, chính phủ Anh quốc và Bác sĩ Fauci đều cùng lên tiếng chống lại biện pháp xử trí đại dịch này.

Kết luận

Các nhà khoa học Hoa Kỳ đã lên tiếng vì họ thấy họ có trách nhiệm phải lên tiếng. Nhân danh khoa học và y học, họ bày tỏ lập trường đối với hai ứng viên Tổng Thống Hoa Kỳ vào những ngày cận kề bầu cử Tổng Thống. Nếu các nhà khoa học lãnh giải Nobel, các nhà bỉnh bút New England Journal of Medicine và tạp chí Scientific American ủng hộ ứng viên Đảng Dân Chủ Joe Biden thì nhóm Great Barrington Declaration lại đồng quan điểm herd immunity mà Tổng Thống Donald Trump thuộc Đảng Cộng Hoà cổ vũ.

Sự khác biệt ý kiến là điều đáng trân trọng. Nó cho thấy tất cả giá trị ưu tú của nền khoa học y học Hoa Kỳ, không những chỉ tiên tiến, mà còn nhân bản.
 BS.Trần Văn Tích 

Related posts