Những câu chuyện kể về những điều cốt lõi – Katharina Borchardt

(Diễn từ về Nguyễn Ngọc Tư)

Làm thế nào để người ta có thể nhận được giải LiBeraturpreis? Bước thứ nhất: Đó phải là một nữ tác giả từ châu Phi, châu Á, châu Mỹ La tinh hoặc thế giới Ả Rập. Bước thứ hai: Tác giả đó đã viết những cuốn sách xuất sắc. Bước thứ ba: Một trong những cuốn sách đó vào thời gian cuối đã được dịch sang tiếng Đức. Tiếp theo đó là bước thứ tư: Cuốn sách này đã được lựa chọn vào một trong bốn danh mục tác phẩm xuất sắc nhấthàng quý mang tên “Weltempfänger” vào năm cuối. Việc tuyển chọn này luôn diễn ra trên cơ sở biểu quyết của ban giám khảo “Weltempfänger”. Và rốt cuộc là bước thứ năm, bước cuối cùng: việc biểu quyết thông qua công luận. Bây giờ đến lượt người đọc sẽ lựa chọn bằng phương thức trực tuyến giữa các nữ tác giả của những tác phẩm đã lọt vào các danh sách “Weltempfänger“ của năm trước. Trong năm nay kết quả biểu quyết thật rõ ràng: Và như vậy hôm nay chúng ta đón chào một nhà văn đến từ Việt Nam, một nữ tác giả đã viết những tác phẩm xuất sắc, và vào năm cuối lần đầu tiên được dịch sang tiếng Đức. Một tác giả ngay lập tức đã khiến cho ban giám khảo chúng tôi ngây ngất, vì vậy đã được xếp vào vị trí số 1 trong danh sách “Weltempfänger” của mùa đông 2017. Và là nữ tác giả rốt cuộc đã dành được sự mến mộ của người đọc, mà lựa chọn của họ đóng vai trò quyết định cuối cùng. Tôi rất, rất vui mừng rằng giải LiBeraturpreis năm nay được trao tặng cho Nguyễn Ngọc Tư!

Cuốn sách đã dành được nhiều phiếu bình chọn như vậy của bạn đọc mang đầu đề “Cánh đồng bất tận”. Đó là một tuyển tập gồm 14 truyện ngắn mà bản gốc tiếng Việt đã được in từ 2001 đến 2005. Thế nhưng đối với chúng ta, đây là những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ, và với sự trầm tư mang nặng chiều sâu hiện thực xã hội, đã làm chấn động trái tim người đọc.

Những câu chuyện này dẫn chúng ta về miền Nam Việt Nam, về vùng châu thổ sông Mê Kông với nhiều nhánh sông của nó. Nguyễn Ngọc Tư lớn lên ở đó. Chị sinh năm 1976 tại Cà Mau và ngày nay vẫn còn sống ở đây. Ở Việt Nam sách của chị được bán với mức kỷ lục, số lượng ấn bản có lúc đạt tới hàng trăm nghìn cuốn. Như vậy vị khách đang có mặt hôm nay cùng chúng ta là một tác giả best-seller thật sự. Tuy nhiên, việc tiếp cận vào thị trường sách châu Âu mới còn diễn ra một cách dè dặt, chúng tôi hi vọng rằng thông qua giải LiBeraturpreis sẽ có thể góp phần khai phá con đường này.

Bởi lẽ những câu chuyện mà chúng ta đang nói đến đây là những tác phẩm văn chương tuyệt đẹp.Và bất kỳ ai cũng nên đọc chúng: Bằng tiếng Đức, bằng các ngôn ngữ khác nữa, tại các quốc gia khác! Nổi tiếng nhất và có quy mô lớn nhất trong đó hẳn là truyện ngắn làm đầu đề của cuốn sách: “Cánh đồng bất tận”. Dưới tên gọi “Floating Lives” truyện ngắn này đã được chuyển thể điện ảnh rất thành công vào năm 2010. Ngoài ra cho truyện ngắn này Nguyễn Ngọc Tư đã nhận giải thưởng của Hội nhà văn, giải thưởng văn học quan trọng nhất ở đất nước chị. “Cánh đồng bất tận” kể về một gia đình thoạt đầu có một cuộc sống bình dị, nhưng hoàn toàn hạnh phúc. Họ có một ngôi nhà nhỏ, người bố đi làm, người mẹ đảm đương công việc nội trợ, hai đứa con – một bé gái và một bé trai – đến trường đi học. Thế nhưng sau đó sự cám dỗ đã xuất hiện dưới hình hài của một thương hồ bán vải. Những người đàn bà trong vùng xôn xao khi anh ta cắm neo thuyền và bày bán những món hàng rực rỡ, tuy nhiên không phải ai cũng mua được tấm vải mơ ước của mình. Làm sao mà giữa ban ngày ban mặt người mẹ lại chung đụng giường chiếu với người buôn vải, điều này không được giải thích một cách rõ ràng. Bởi câu chuyện này trước hết được kể qua đứa con gái mới mười tuổi. Nó chỉ biết rằng cùng với đứa em trai do tình cờ đã chứng kiến cảnh chăn gối, và sau đó cũng đã nói cho người mẹ hay. Người mẹ đột ngột ra đi mà chẳng mang theo một thứ gì. Liệu bà bỏ nhà theo người đàn ông bán vải, hay bà đã trốn chạy vì xấu hổ? Người kể chuyện trẻ tuổi không biết được điều này. Em chỉ biết rằng sau đó chẳng còn gì như cũ: Đầu tiên người bố đốt quần áo của người mẹ, sau đấy đốt toàn bộ ngôi nhà. Từ đó người bố phiêu bạt cùng với những đứa con của mình trên một con thuyền nhỏ và một đàn vịt. Ông hầu như câm lặng. Có lúc ông dừng bến để kiếm một chút đỉnh tiền. Có lúc ông gạ gẫm được đây đó một người đàn bà, nhưng chẳng bao lâu lại ruồng bỏ họ. 

Ở tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng có những con người biến đi một cách vô tăm tích, bỏ lại phía sau những người thân của họ trong đổ vỡ. Các quan hệ xã hội quan trọng chừng nào thì chúng cũng dễ tổn thương và đổ vỡ chừng đó. Ngay ở câu chuyện đầu tiên của cuốn sách mang tên “Cải ơi!” có một bé gái mười ba tuổi bỗng dưng biến mất. Vì mải chơi nên Cải đã để xổng mất hai con trâu của gia đình. Do sợ hãi bị trừng phạt cô bé đã bỏ trốn. Từ đó Cải biến mất. Điều gì đã xảy ra với em? Cho đến tận hôm nay người bố không thể nào vượt qua được mất mát này. Từ mười hai năm ông đi khắp các nẻo đường quê để tìm lại người con gái.

Ở câu chuyện “Nhớ sông” – ví dụ thứ ba và cuối cùng – có một nhân vật người mẹ bị mất tích. Bà sống cùng gia đình mình trên một chiếc ghe và chịu trách nhiệm chèo thuyền với một cây sào. Khi một lần cây sào bị vướng, người mẹ ngã xuống sông và bị kéo chìm dưới nước. Bà bị chết đuối. Giang, con gái của bà, chứng kiến tai họa này. Về sau Giang lấy chồng và lên sống trên bờ, tức đã giã từ cảnh sông nước, tuy nhiên sau một thời gian lại bỏ chồng. Cô nhớ dòng sông và dường như muốn trở về đó để gần gũi với người mẹ đã chết đuối.

Nguyễn Ngọc Tư kể những câu chuyện của mình với một tiêu cự hẹp, tập trung vào các diễn biến trực tiếp trong phạm vi gia đình, thường là từ giác độ của cái tôi tự sự, hoặc từ cái nhìn sát sườn của một cá nhân, nhưng ít khi từ giác độ của một người kể chuyện biết hết tất cả. Điều đặc biệt ở đây tác giả đã mô tả đậm đặc chi tiết ngoại cảnh gần gũi nhất với các nhân vật của mình: những phong cảnh, những con vật, cây cối, con thuyền, vật dụng hàng ngày, những món ăn, các thành viên gia đình và những người liên quan đến gia đình. Như vậy, trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện một mạng lưới chằng chịt của cuộc sống, phần được chị mô tả một cách khách quan, phần thì lại thấm đẫm những cảm xúc của các nhân vật chính. Nhiều người trong đó đã đánh mất những gì quý giá của mình – hoặc là một thành viên gia đình, một người tình, hoặc là ngôi nhà của họ – và chính vì vậy mà phải chịu một nỗi đau kéo dài suốt đời. Cảm xúc của họ hiển hiện trong ánh mắt, cử chỉ, trong các động tác. Tuy nhiên Nguyễn Ngọc Tư không viết văn chương tâm lý. Chị không mổ xẻ các nhân vật của mình, không rọi một ánh sáng quá gay gắt vào họ. Mặc dù vậy, thế giới cảm xúc đậm đặc của các nhân vật vẫn tồn tại rất rõ và cũng hiển lộ trong tác phẩm. Thế giới cảm xúc này xuyên thấu môi trường sống trực tiếp của nhân vật, những không gian rất chật hẹp trên các con thuyền hay trong những túp lều. Tuy nhiên ở đó vẫn luôn đủ chỗ cho Nguyễn Ngọc Tư với tư cách tác giả, một nhà quan sát chăm chú và lịch lãm.

Đương nhiên cũng có một thứ ngoại cảnh xa ở trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng thường là nó nằm ngoài phạm vi của tầm bao quát tự sự. Chỉ thoảng hoặc nó mới xâm nhập vào thế giới gia đình của các nhân vật, và thường là đột ngột, không mời mà đến, dù trên phương diện chính trị, lịch sử hay địa lý.

Chẳng hạn vào năm 2003 xuất hiện dịch cúm gia cầm, và nhà nước – mà bộ máy hành chính của nó vận hành từ một địa điểm mà các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư không biết đến – đã cử những người thực thi công vụ tới để giết tất cả các con vịt trong vùng. Tại một chỗ khác có một liên tưởng về cuộc chiến tranh Việt Nam, khi trẻ em tắm trong những vũng nước hình thành trong các hố bom xưa. Ở đây văn bản được cung cấp một chiều kích lịch sử, thế nhưng đây là điều hiếm khi xảy ra ở các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mà chúng ta có trong tập sách này. Và vào lúc nào đó cũng có một nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư đặt chân đến một thành phố lớn, hay thậm chí xuất hiện trên TV, chẳng hạn như người bố của bé Cải đã mất tích. Còn nói chung thì không gian được giới hạn khá hẹp. Và chính điều này đã tạo ra sự tập trung, từ đó làm xuất hiện một hiệu quả cảm xúc cao độ là đặc trưng cho các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Dường như những quy luật tự nhiên đã chế ngự đời sống các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư: sự khô hạn của mùa hè, sức bật của mái chèo bị trượt, khả năng định hướng của đàn vịt, mà dựa vào đó những đứa trẻ bị lạc lối trên các cánh đồng đã tìm đường về tới nhà. Chúng ta cũng đừng quên những quan hệ gắn bó suốt đời trong phạm vi gia đình, cho dù những mối gắn bó đó có mang lại hạnh phúc hay không. Cả các nhu cầu kinh tế cũng đóng một vai trò lớn, cũng có thể coi đó là những tất yếu, hay là các quy luật tự nhiên vậy. Rất hiếm khi các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tự tự tách mình ra khỏi các mối ràng buộc quen thuộc này. Và cũng không có gì đảm bảo liệu họ có hạnh phúc hơn không khi tách rời những ràng buộc đó.

Liệu tất cả những điều này có phi hiện thực? Hay quá xa lạ với thế giới của chúng ta? Tôi thiết nghĩ là không. Cho dù những mạng lưới quan hệ và ý nghĩa giữa các nền văn hóa có những dị biệt lớn, nhưng chúng tồn tại ở mọi nơi chốn. Và Nguyễn Ngọc Tư đã thành công ở mức độ bậc thầy trong việc mô tả những mối quan hệ tình cảm và kinh tế ở tại châu thổ sông Mê Kông, trên những nhánh sông của nó, hay trên những cánh đồng bất tận nằm giữa những nhánh sông này.

Để chúng ta có thể thưởng thức những áng văn tuyệt vời và lôi cuốn, dạt dào cảm xúc này bằng tiếng Đức, trước hết phải kể đến công lao của hai dịch giả Günter Giesenfeld và Marianne Ngo. Cả họ cũng phải được nhắc đến trong bài diễn từ này. Từ nhiều thập kỷ nay họ hoạt động tích cực trong hội hữu nghị với Việt Nam, và họ đã dịch sáu cuốn sách từ tiếng Việt. Bốn cuốn trong đó đã được in tại nhà xuất bản Trung Đức có trụ sở ở vùng Halle/Saale, nhân đây xin chuyển lời cám ơn trân trọng đến nhà xuất bản. Cũng như trước đây với các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê và Bảo Ninh, tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư cũng được xuất bản trong “Tủ sách phát hiện” với một ấn bản bìa cứng được biên tập kỹ lưỡng và trình bày tuyệt đẹp bởi họa sỹ Helmut Stabe.

Ngoài ra còn có Aurora Ngo và Nguyễn Ngọc Tân đã tham gia vào công việc dịch “Cánh đồng bất tận”, cả hai sống ở bang Hessen. Bản thân Nguyễn Ngọc Tư đã giải đáp nhanh chóng tất cả các câu hỏi liên quan đến các vấn đề ngôn ngữ của các dịch giả. Tiếng Việt của chị đậm đà tính chất phương ngữ vùng Nam bộ, và đây là một thách thức đặc biệt đối với người dịch. Và, như Günter Giesenfeld đã viết trong lời bạt công phu và chứa đựng nhiều thông tin của mình, các từ điển chuyên ngành của Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho các dịch giả trong khi làm việc, bởi trong những câu chuyện về vùng quê của Nguyễn Ngọc Tư có rất nhiều loài cây, loài thú, cũng như những đồ vật của đời sống hằng ngày mà chúng ta không hề biết đến. Các dịch giả đã theo đuổi công việc này với tham vọng của các thám tử và sự nhạy cảm về ngôn ngữ, có những nội dung còn được chú thích riêng. Ta lại có thêm lý do để thán phục thành quả của các dịch giả cũng như phong cách văn xuôi thật uyển chuyển của bản tiếng Đức.

Với “Cánh đồng bất tận” chúng ta có một cuốn sách thật tuyệt đẹp: đó không chỉ là một tác phẩm được trình bày cẩn trọng, biên tập kỹ lưỡng và được dịch một cách chuẩn xác, mà trước hết được viết với một ngòi bút tuyệt vời. Đây là những câu chuyện kể về những điều thật cốt lõi: về chốn gia đình mà ta cần có, và về những con người mà ta yêu quý.

Sẽ không phải là sáo ngữ nếu để kết thúctôi xin được nói: Chúng ta còn muốn được đọc nhiều tác phẩm nữa từ ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư!

Tôi rất vui mừng rằng hôm nay Nguyễn Ngọc Tư nhận giải LiBeraturpreis, xin chân thành chúc mừng chị.

…………………..

*Diễn từ của nhà phê bình và thành viên ban giám khảo, Katharina Borchardt, tại lễ trao giải thưởng văn chương LiBeraturpreis 2018 cho nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Hội chợ sách Frankfurt, 13.10.2018. Đầu đề do người dịch đặt.

Bản dịch tiếng Việt: Trương Hồng Quang

Related posts