‘Ông sẽ bị bỏ tù’: Lần đầu tiên cựu trưởng phòng ABC kể lại câu chuyện chạy trốn của ông khỏi Trung Quốc

By Matthew Carney

Phạm Hoài Nam dịch

A man stands on a boat with a Chinese flag and highrise in the background while another man looks through a video camera
Matthew Carney trong lúc là trưởng phòng của ABC ở Trung Quốc.(Supplied)

Lời người dịch: Ông Matthew Carney là trưởng phòng (Bureau chief) của đài ABC tại Trung Quốc từ 2016-2018, cũng là người có nhiều bài phóng sự về sự vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc trong khoảng thời gian làm việc tại đó.

Cuối cùng Bắc Kinh phải dựng ra tội ‘visa crime’ (tội phạm visa) để trục xuất ông ra khỏi xứ này. Nhưng không chỉ đơn giản trục xuất mà chính quyền sở tại còn hành hạ, sỉ nhục ông bằng nhiều hình thức khác nhau trước khi cho ông ra đi.

Dưới đây là bài viết của ông Matthew Carney kể lại những tai họa mà ông và gia đình đã trải qua trong hơn 3 tháng cuối cùng tại Trung Quốc. Bài viết vừa được đăng trên các diễn đàng tại Úc vào ngày 21 tháng 9 vừa qua. Sở dĩ ông phải chờ đến thời điểm này mới kể lại là vì không muốn gây khó khăn, phiền toái cho các nhân viên của ABC làm việc tại Bắc Kinh đặc biệt là người thay thế ông.

***

Vào một buổi chiều thứ Sáu khi tôi chuẩn bị rời văn phòng của ABC ở Bắc Kinh để về nhà thì điện thoại reng.

Bên kia đầu dây là một người đàn ông từ Cục An Ninh Không Gian Mạng (Central Cyberspace Affairs Commission). Ông từ chối cho biết tên nhưng cho biết là các bài tường thuật của chúng tôi đã “vi phạm luật của Trung Quốc, tung những tin đồn, thông tin phạm pháp, gây tác hại đến an ninh quốc gia và niềm tự hào của dân tộc Trung Quốc.”

Đó là ngày 31 tháng 8 năm 2018, vào thời điểm này tôi làm trưởng phòng của ABC ở Bắc Kinh từ tháng Giêng năm 2016, làm việc cùng với phóng viên Bill Birtles.

A man with his family stands on a brick wall with mountains in the background
Matthew Carney và vợ Catherine cùng ba con ở Vạn Lý Trường Thành.(Supplied)

Ba tuần trước đó, trang web của ABC bất ngờ bị cấm ở Trung Quốc, từ lúc đó tôi luôn tìm hiểu lý do. Cú điện thoại cuối cùng đã đến và tôi đã hiểu được lý do tại sao.

Cú điện thoại buổi chiều hôm đó cũng đánh dấu cho sự bắt đầu của biến cố khác: sau hơn 3 tháng bị hăm dọa cuối cùng gia đình tôi và cá nhân bị bắt buộc phải rời khỏi Trung Quốc.

Họ muốn tôi biết rằng tôi đang bị theo dõi

Đây là lần đầu tiên tôi kể ra câu chuyện này. Sau khi rời khỏi Trung Quốc tôi không tường thuật lại những gì đã xảy ra bởi vì tôi không muốn gây khó khăn cho những hoạt động của ABC ở Trung Quốc, không muốn đặt các nhân viên vào sự nguy hiểm hay làm mất cơ hội cho người thay thế tôi, Sarah Ferguson, có thể xin được visa dành cho nhà báo tại Trung Quốc.

Nhưng tất cả đã thay đổi khi phóng viên của ABC, Bill Birtles và Mike Smith của Financial Review phải bỏ chạy khỏi Trung Quốc vào tháng này.

Câu chuyện của tôi – bắt đầu hai năm trước đó – cho thấy là những hành động của chính quyền Trung Quốc đối với những nhà báo quốc tế không chỉ thuần túy là những hành động trả thù như người Trung Quốc thường miêu tả.

Sự thật là tất cả các nhà báo ngoại quốc ở Trung Quốc đều bị theo dõi liên tục. Riêng trường hợp của tôi, sau buổi chiều thứ Sáu hôm đó tôi được chính quyền “quan tâm” một cách đặc biệt – không chỉ có theo dõi liên tục mà còn bị hăm dọa bằng đủ mọi hình thức cho đến khi tôi không còn chọn lựa nào khác hơn là phải rời khỏi đó.

Đó là sự theo dõi mà chính quyền Trung Quốc muốn bạn biết là bạn đang bị theo dõi. Thí dụ như khi tôi tường thuật về trường hợp người Duy Ngô Nhĩ bị giam tập thể ở Tân Cương, nhóm phóng viên ABC của chúng tôi bị 20 nhân viên an ninh Trung Quốc bao vây, sau đó họ gỏ cửa phòng ngủ của chúng tôi ở khách sạn vào lúc nửa đêm và chất vấn về tất cả những sinh hoạt của chúng tôi trong ngày và điều đó xảy ra mỗi đêm.

Bên cạnh sự giám sát đó còn có một sự giám sát khác – đó là nhân viên an ninh mạng hoạt động trong bóng tối mà tôi thỉnh thoảng phát hiện.

Một buổi tối nọ, khoảng 1, 2 giờ đêm tôi tình cờ thức dậy và phát hiện một người nào đó điều khiển điện thoại cầm tay của tôi từ xa, họ đang đọc email của tôi. Họ tìm ra email của những nhà tranh đấu cho nhân quyền ở New York mà tôi đã liên lạc để xin một đoạn phim về người thách thức xe tăng trong biến cố Thiên An Môn vào năm 1989 để cho vào di sản của UNESCO.

Bức hình người sinh viên đứng trước xe tăng – một trong những biểu tương của biến cố Thiên An Môn.(Reuters)

Email này đang mở ra để tôi có thể nhìn thấy. Tôi nghĩ là họ cố tình làm như thế để cho tôi biết là họ đang theo dõi tôi.

Tôi tiếp tục làm việc như bình thường, không để sự hăm dọa ảnh hưởng đến công việc. Tôi có quan điểm rõ ràng là khi bạn phải thay đổi cách viết để làm hài lòng chính quyền Trung Quốc thì đó là lúc mà bạn phải rời khỏi nhiệm sở.

Tương lai của chúng tôi nằm trong tay chính quyền Trung Quốc

Một trong những cách gián tiếp mà chính quyền Trung Quốc ép buộc những nhà báo ngoại quốc phải tự kiểm duyệt những bài viết của họ là hăm dọa sẽ không gia hạn visa tạm cư 12 tháng.

Tôi đã đoán trước chuyện này. 6 tuần trước khi visa của tôi kết hạn, tôi đã nộp đơn xin gia hạn. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, bạn sẽ được chấp thuận trong vòng 10 ngày. Tôi đã không nhận được bất cứ sự trả lời nào.

Không những thế, tôi nhận được lệnh phải đến Bộ Ngoại Giao để “uống một tách trà” (a cup of tea), thuật ngữ này tất cả các nhà báo từng làm việc ở Trung Quốc đều biết – có nghĩa là bạn đang có “vấn đề” với nhà cầm quyền.

Khi tôi bước vào văn phòng, người tiếp tôi là ông Ouyang đang đứng cùng với bà Sun – một viên chức đeo kiếng cận – nhìn có vẻ nghiêm nghị.

Bà Sun để một đóng bài viết của tôi trên đùi bà. Bà rút ra từng xấp giấy và đọc cho tôi nghe từng cái một: “Đây là trại cải tạo ở Xinjiang! Các vụ hành quyết chính trị. Các nhà hoạt động nhân quyền bị tù cưỡng bức lao động! Gán ghép cho Tập Cận Bình là nhà độc tài…” Sự tức giận của bà tăng theo từng bài viết cho đến khi bà nổi điên lên.

“Buổi uống trà” kéo dài đến 2 giờ đồng hồ và diễn ra giống như một trò đóng kịch.

Bà Sun kết tội rằng tôi đã sỉ nhục người dân và lãnh đạo Trung Quốc. Tôi phản ứng lại rằng tôi không hiểu làm sao điều đó có thể xảy ra bởi vì khi trang web của ABC bị cấm ở Trung Quốc thì người dân Trung Quốc không thể đọc được những bài viết của tôi.

Những lời này càng làm cho bà nổi điên hơn nữa và bà kết án tôi với tội nặng hơn: tôi đã vi phạm luật Trung Quốc và tôi đang bị điều tra.

Khi rời khỏi buổi họp vào ngày hôm đó tôi cảm thấy bất ổn. Tôi biết tương lai của tôi và gia đình của tôi đang nằm trong tay chính quyền Trung Quốc.

Tôi bị chỉ trích vì đưa tin “tiêu cực” về đất nước Trung Quốc

Trong suốt hai tuần sau đó, tôi bị gọi thêm 2 lần nữa để đến “uống trà”. Hai buổi gặp đều do bà Sun đạo diễn và bà ấy giận dữ giống như lần trước. Không khí luôn luôn căng thẳng và đề tài càng lúc càng rộng hơn.

Tôi bị chỉ trích cho tất cả những gì tiêu cực về Trung Quốc chiếu trên đài ABC, đặc biệt là phóng sự trong chương trình Four Corners điều tra về những sự xâm nhập của Trung Quốc vào chính trường Úc.

Với tư cách là giám đốc của đài ABC, theo họ, tôi phải chịu trách nhiệm cho tất cả chương trình đó. Cũng theo quan điểm của họ, tôi được bổ nhiệm bởi chính phủ Úc, cho nên tạo áp lực đối với tôi cũng là cách để chuyển một thông điệp đến Canberra.

Tại một đất nước như Trung Quốc, nơi mà truyền thông chịu sự kiểm soát của chính quyền, để hiểu được quan điểm của sự độc lập – một sự khác biệt căn bản giữa một cơ quan truyền thông của chính quyền và một cơ quan truyền thông của công chúng giống như ABC – không phải là điều dễ dàng.

Trong lần gặp cuối cùng, bà Sun vẫn không cho tôi biết là visa của tôi có được gia hạn hay không.

Nhưng bà chỉ tiết lộ một chi tiết quan trọng: vấn đề này bây giờ không còn nằm trong thẩm quyền của bà.

“Một cơ quan cao hơn đang chịu trách nhiệm điều tra,” bà nói và tỏ ra giận dữ vì luật mới của Úc vừa mới ban hành để đối phó với sự can thiệp từ bên ngoài (đó là một trong những luật khắc khe nhất thế giới vào thời điểm đó.)

Có gì đó bất ổn

Bây giờ chỉ còn một tuần nữa là visa của tôi hết hạn, không phải chỉ có tôi mà trong đó còn có visa của vợ và ba đứa con của tôi.

Chúng tôi đã book chuyến bay về Sydney vào tối thứ Sau tuần sau. Kế hoạch của chúng tôi là phải làm mọi cách để tránh những điều không tốt có thể xảy ra cho ba đứa bé và nếu trường hợp tệ nhất xảy ra, tôi sẽ đón chúng tại trường học và chở thẳng ra phi trường.

Chúng tôi cố gắng tiếp tục giữ cuộc sống giống như bình thường. Vợ tôi, Catherine, thật tuyệt vời khi đương đầu với những áp lực lớn, vẫn giữ được sự bình tĩnh, phán đoán và quyết định hợp lý trong suốt giai đoạn thử thách này.

Vào buổi sáng sớm thứ Hai tôi nhận tin vui là visa đã được chấp thuận. Khi tôi đến văn phòng Bộ Ngoại Giao, ông Ouyang đang chờ.

Không khí thật căng thẳng. Ông Ouyang quăng passport xuống đất, trước mặt tôi, để tôi phải cúi người xuống nhặt lên. Ông cố tình làm như thế như một hành động để sỉ nhục người khác trong văn hóa Trung Quốc.

Với một thái độ lạnh lùng và giận dữ, ông nói với tôi rằng visa của tôi được gia hạn thêm 2 tháng (tôi xin một năm) và nhắn thêm một câu mỉa mai: “Đừng hy vọng sẽ được trở lại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc”“đừng nghĩ là chuyện này sẽ chấm dứt với ông.” (Don’t think this mess ends with you).

Cảm thấy nhẹ nhõm vì đã thoát khỏi tai họa, Catherine và tôi đi thẳng đến sở cảnh sát di trú để đóng mộc visa được gia hạn vào trong passport của chúng tôi.

Nhân viên tại đây đánh máy chi tiết của chúng tôi vào hệ thống computer của họ, bất bình lình sắc diện của ông ta thay đổi hẳn. “Something was wrong”. Chúng tôi được lệnh phải đến gặp nhân viên An ninh Công cộng (Public Security) ngay lập tức.

Lúc đó chúng tôi biết rằng tai họa vẫn chưa qua khỏi. Những gì sắp xảy ra có thể còn tệ hơn những gì đã xảy ra.

Cuối cùng tôi đã hiểu ra…

Tại Trung Quốc, một khi có chuyện phải đến gặp nhân viên An ninh Công cộng, ai cũng hiểu là đang bước vào vùng đất của sự thẩm vấn và giam cầm. Lúc đó tôi nghĩ đến tất cả những điều có thể xảy ra và lo sợ cho tương lai của chúng tôi. Nếu chúng tôi bị điều tra tại đây thì sẽ gặp nhiều rắc rối.

Chúng tôi được lệnh đến một trụ sở nằm ở phía bắc của Bắc Kinh và phải mang theo Yasmine – đứa con gái lớn nhất của tôi, 14 tuổi – vì theo họ, Yasmine là một phần trong cuộc điều tra.

A man in a hat and a girl stand on the Great Wall in China with a green hill behind them
Matthew và con gái Yasmine(Supplied)

Tôi không thể tưởng tượng điều này có thể xảy ra. Tôi không thể chấp nhận họ có quyền kéo con cái của tôi vào chuyện này.

Nhưng cùng lúc đó tôi cảm thấy lo sợ. Tôi có cảm giác giống như mình đang lọt vào “trò chơi” của chính quyền Trung Quốc: sử dụng các thành viên của gia đình như một cách để trừng phạt và trả thù.

Chúng tôi có mặt lúc 7 giờ rưỡi sáng hôm sau và bước vào một tòa nhà rộng. Vào thời điểm này, Tòa Đại Sứ Úc, Bộ Ngoại Giao và Thương Mại và cấp trên của tôi trong đài ABC đã biết những gì xảy ra với tôi và theo sát mọi di chuyển của tôi.

Tòa nhà này vừa mới xây xong, vẫn còn trống vắng ngoại trừ vài nhân viên đang cắm cúi làm việc tại bàn. Nó sạch đến độ bạn có thể ngửi được mùi thuốc sát trùng. Tại cuối hàng lang, một nhân viên bảo chúng tôi chờ.

Một lát sau, chúng tôi được gọi vào một phòng nơi có ba người đang ngồi chờ sẵn tại bàn. Một phụ nữ ngồi giữa và hai người đàn ông lớn tuổi hơn ngồi hai bên. Họ không cho biết tên và chức vụ. Người phụ nữ nói với tôi bằng giọng cao ngạo đây là cuộc điều tra về vi phạm visa.

Đến lúc này tôi mới hiểu ra câu chuyện.

Tính đến thời điểm đó tôi đã làm việc ở Trung Quốc được 3 năm. Trong 3 năm đó tôi đã làm những phóng sự về sự vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, về sự giam cầm người Duy Ngô Nhĩ, về sự đàn áp những tiếng nói phản kháng, về sự thanh trừng trong đảng Cộng Sản…

Nếu chính quyền Trung Quốc trục xuất tôi vì những bài phóng sự trên thì sẽ bị mang tiếng với thế giới về tội vi phạm quyền tự do báo chí và tạo thêm căng thẳng với chính quyền Úc. Cho nên họ phải tìm ra những lý do khác để trục xuất tôi – vi phạm visa là cách trục xuất tiện lợi nhất.

“Ông sẽ bị bỏ tù”

Câu hỏi nóng lòng nhất của tôi vẫn chưa được trả lời: Tại sao con gái của tôi?

Người đứng đầu trong nhóm thẩm vấn này là một phụ nữ, trả lời bằng tiếng Anh chậm rãi và chói tai: “Con gái của ông 14 tuổi. Cô ta là người trưởng thành theo luật của Trung Quốc và vì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là quốc gia tôn trọng luật pháp cho nên cô ấy sẽ bị buộc tội vi phạm luật visa.”

Tôi trả lời rằng với tư cách là người cha tôi nhận trách nhiệm thế cho con gái vì chính tôi đã đưa cô ấy đến hoàn cảnh này.

Người phụ nữ trả lời: “Ông có biết rằng vì là một quốc gia tôn trọng luật pháp chúng tôi có quyền giam giữ con gái của ông không?”

Bà ấy biết là đang có trọn quyền trong tay và để cho chữ nghĩa diễn tả.

Sau một phút im lặng, bà nói tiếp: “Tôi phải nói cho ông biết điều này, ông Carney, chúng tôi có quyền giam giữ con gái của ông tại một nơi không cần tiết lộ”.

Tôi nói với bà ấy rằng nếu bà có ý định đó thì tôi sẽ làm cho tình hình căng thẳng thêm bằng cách kéo Tòa Đại Sứ Úc và Chính phủ Úc vào cuộc, những nơi này đang biết rõ hoàn cảnh của tôi.

Nhưng nếu bà ấy có ý định làm cho tôi run sợ, thì bà ấy đã thành công.

Tôi đưa ra nhượng bộ cuối cùng, tôi nói với bà ấy rằng chúng tôi sẽ rời khỏi Trung Quốc vào ngày sau đó, không có vấn đề gì cả.

Bà ấy cười và nói: “Mr Carney, ông không thể rời Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc! ông đang bị điều tra và chúng tôi đã đóng dấu “cấm rời” vào passport của ông rồi.”

Chuyện gì sẽ xảy ra một khi visa của chúng tôi hết hạn vào thứ Bảy này? Tôi hy vọng bà ấy nói là chúng tôi bị trục xuất ngay lập tức.

Nhưng bà ấy mỉm cười và nói: “Ông sẽ bị bỏ tù”.

Tất cả chỉ là đóng kịch?

Dĩ nhiên là chúng tôi sợ hãi nhưng tôi phải lấy lại bình tĩnh và phải nghĩ ra một kế hoạch để đối phó.

Trong lúc giải lao, tôi và Catherine đồng ý với nhau: chúng tôi không bao giờ để cho Yasmine bị tách ra khỏi chúng tôi.

Sau một vòng gọi cho nhân viên của tòa đại sứ, những người bạn Trung Quốc và đài ABC, tất cả chúng tôi đồng ý là cách tốt nhất trong lúc này là nhận tội và xin lỗi về “tội phạm visa” (visa-crime) với điều kiện là Yasmine không bị tách ra khỏi chúng tôi.

Tôi trở lại gặp người phụ nữ và nói cho bà biết về đề nghị này.

Người đàn ông làm việc chung với bà, có khuôn mặc tròn trịa, thân thiện, giải thích rằng sự vi phạm visa đã xảy ra bởi vì tôi đã không chuyển visa từ passport đã hết hạn sang passport mới trong thời hạn 10 ngày. Như thế là phạm tội? Đúng, như thế là phạm tội đối với nhà báo ngoại quốc tại Trung Quốc như tôi. Nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi không bị kết án những tội nghiêm trọng hơn.

Tôi nghĩ cuộc thẩm vấn này chỉ là vở tuồng, được dựng để làm cho những phóng viên ngoại quốc sợ hãi và nhằm để sỉ nhục tôi, đài ABC và chính phủ Úc.

Người phụ nữ xen vào và ra lệnh cho chúng tôi trở lại ngày mai – hai cha con chúng tôi bắt buộc phải làm một video thú tội.

Tôi vào trước lúc 9 giờ sáng. Người đàn ông có khuôn mặt tròn trịa đang sắp xếp máy chụp hình, thu băng, rồi sau đó là những câu hỏi trả lời về hành trình của tôi trong một năm qua.

Cuối cùng là phần thú tội: “Đúng, tôi đã không để visa của tôi vào passport mới.”

Kế đến, con gái của tôi với vợ tôi bên cạnh, được gọi vào cũng để thú tội tương tự.

Lúc này người đàn ông trở nên rất thân thiện. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Nhưng bạn không thể biết những gì sẽ xảy ra.

“Cuộc điều tra đã xong”

Khi người đứng đầu thẩm vấn trở lại, bà nói với chúng tôi rằng bà sẽ xem xét sự thú tội của chúng tôi, sẽ viết bản báo cáo và gởi lên cho cấp trên quyết định.

Một lần nữa để làm sự căng thẳng tăng thêm, bà nói là phải cần đến vài tuần mới có kết quả. Visa của chúng tôi đã hết hạn 4 ngày và đến lúc này chính quyền Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.

Chúng tôi trở về nhà trong tâm trạng lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng niềm an ủi là gia đình chúng tôi không bị tách ra.

A piece of paper in Chinese language with a red ink fingerprint
Giấy “thú tội” của Matthew có chữ ký và lăn tay (supplied)

Thật bất ngờ, vào sáng sớm hôm sau, chúng tôi nhận được điện thoại: “Cuộc điều tra đã xong. Visa xin gia hạn thêm 2 tháng đã được chấp thuận. Đến văn phòng an ninh ngay lập tức.”

Người đàn ông với khuôn mặt tròn trịa đang chờ chúng tôi.

Con gái của tôi và tôi ký tên và lăn tay từng trang giấy trong hồ sơ “thú tội” bao gồm nhiều trang giấy.

Rồi ông đến bắt tay chúng tôi với nụ cười niềm nở và trao cho chúng tôi tờ giấy chứng nhận là chúng tôi phạm tội vi phạm visa. Khi chúng tôi rời khỏi building, người đứng đầu cuộc thẩm vấn nhìn chúng tôi một cách nghiêm nghị và lạnh lùng.

Chưa bao giờ hạnh phúc hơn khi được rời khỏi nơi đây

Nhưng tai họa vẫn chưa chấm dứt…

Một chương trình mà tôi làm về hệ thống thang điểm trong xã hội của Trung Quốc, trong đó chính quyền đã sử dụng kỷ thuật digital để kiểm soát người dân, được hàng chục triệu người xem trên khắp thế giới.

Trong chương trình này có sự tham dự của một phụ nữ Trung Quốc được xem là “một công dân gương mẫu”, cô này hăm dọa sẽ kiện tôi tại tòa án dân sự về tội phỉ báng. Chồng của cô ta là một đảng viên nhiệt tình và tham vọng. Có phải đây là một cách khác để đe dọa tôi và đài ABC?

Tôi liên lạc với một luật sư người Mỹ đang làm việc tại Bắc Kinh mà tôi quen biết, ông khuyên tôi phải rời khỏi Trung Quốc ngay lập tức bởi vì một khi người phụ nữ này nộp đơn lên tòa thì passport của tôi sẽ bị “đóng dấu” và tôi phải chờ cho đến khi nào vụ kiện giải quyết xong mới có thể rời khỏi Trung Quốc.

Ông luật sự này từng đại diện cho mấy chục người ngoại quốc gặp trường hợp tương tự, trong đó có vài người bị kẹt lại Trung Quốc trong nhiều năm.

Tôi đếm từng ngày trước khi rời khỏi Trung Quốc vĩnh viễn. Đó không phải cách mà tôi muốn kết thúc nhiệm sở của mình – để lại phía sau một trong những phóng sự lớn nhất thế giới và nhiều người bạn tốt Trung Quốc.

Nhưng được bước lên máy bay để trở về Sydney vào một buổi tối lạnh giá của tháng 12 làm tôi chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc hơn.

Matthew Carney is the executive producer of Foreign Correspondent. From 2016-2018 he was the ABC’s China bureau chief.

Nguồn: ‘You will be put into detention’: Former ABC bureau chief tells story of fleeing China for first time

Related posts