Tin thế giới tối thứ Hai

Nhiều công ty liên hệ với quân đội Trung Quốc có tên trong danh sách đen của Mỹ

Nghiên cứu của tờ Nikkei tiết lộ 3/4 các công ty Trung Quốc gần đây bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen có quan hệ giao dịch với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Đây là một tín hiệu cho thấy PLA ngày càng phụ thuộc vào khu vực tư nhân dưới sự thúc đẩy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chính sách “quân – dân hợp nhất.”

Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 8 đã thêm 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen (còn gọi là ‘danh sách thực thể”)  vì vai trò của những tổ chức này trong việc giúp Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Mối quan hệ mật thiết với quân đội có thể trở thành rào cản đối với các công ty tư nhân Trung Quốc muốn mở rộng giao dịch ra toàn cầu vào thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng.

Theo một bản đánh giá dữ liệu công khai và trích xuất thông tin tín dụng, 18 trong số 24 công ty này có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc. Trong số đó, 8 công ty trực thuộc một trong ba tập đoàn 100% vốn nhà nước: Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc, Tập đoàn điện tử Trung Quốc và Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC).

Theo Cục quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (SASTIND), các tập đoàn này nằm trong số 10 nhà thầu quân sự hàng đầu của Trung Quốc. Họ được cho là đã cung cấp thiết bị điện tử, phần mềm và các kiến thức chuyên môn liên quan đến tàu thuỷ cho Trung Quốc để xây dựng các tiền đồn tại Biển Đông.

Nhiều công ty bị trừng phạt mới khác cũng thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm một số công ty do chính quyền tỉnh kiểm soát. Trang web của các công ty này hiển thị các sản phẩm mà họ đã cung cấp cho quân đội Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Mỹ bị cấm xuất khẩu hàng hóa Mỹ cho các công ty nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại mà không có sự cho phép trước. Theo Nikkei, việc xin phép gần như luôn bị từ chối.

Vào ngày 28/8, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng bổ sung 11 thực thể vào danh sách “Các công ty quân sự Trung Quốc Cộng sản”. Trong danh sách bổ sung này có Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc và một đơn vị của Cơ quan khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc. Cả hai công ty này đều nằm trong top 10 các nhà thầu quân sự. Công ty thứ hai đã tham gia phát triển tên lửa.

Các nhà thầu hàng đầu Trung Quốc nêu trên đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng của Hoa Kỳ. Lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn này bao trùm các chuyên ngành liên quan đến quân sự từ phát triển vũ khí hạt nhân cho đến truyền thông. 

Ví dụ, Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc sản xuất các thiết bị truyền thông, còn Tập đoàn điện tử Trung Quốc sản xuất các thiết mạng. Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc chế tạo các máy bay chiến đấu, trong khi Tập đoàn động cơ hàng không Trung Quốc sản xuất các động cơ cho máy bay. Các công ty khác nằm trong danh sách chế tạo súng, xe tăng, và thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo truyền thông Trung Quốc, quân đội có ảnh hưởng đáng kể đối với các nhà thầu của mình. PLA bố trí các sĩ quan vào nhiều vị trí điều hành tại các công ty liên kết với quân đội để giúp đẩy mạnh việc phát triển tên lửa và các vũ khí khác. Lãnh đạo của những công ty này cũng có xu hướng đến từ các tổ chức nghiên cứu dân – quân sự. Họ phát triển và cung cấp các sản phẩm theo yêu cầu của quân đội phù hợp với các kế hoạch do giới lãnh đạo ĐCSTQ đưa ra.

Khoảng 600 công ty thuộc Hiệp hội Quốc phòng trực thuộc SASTIND. Hiệp hội giúp các thành viên của mình cộng tác với nhau để họ có thể phát triển vũ khí hiệu quả hơn.

Trung Quốc đang tăng tốc chính sách hợp nhất quân – dân, tranh thủ các công ty dân sự công nghệ cao để giúp phát triển công nghệ. Bản thân ông Tập đang là chủ tịch Ủy ban trung ương về phát triển kết hợp quân – dân. Chính quyền các khu vực cũng đang thành lập các cơ quan riêng của mình để thực hiện sáng kiến này. 

Tàu sân bay Sơn Đông được đưa vào hoạt động vào tháng 12/2019 là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo. Đây là kết quả do sự đốc thúc của ông Tập. Tổng cộng 532 công ty đã tham gia vào việc phát triển tàu sân bay này, dẫn đầu là CSSC. Gần 80% các nhà cung cấp không có giao dịch nào trước đó với quân đội Trung Quốc.

Hơn 400 công ty cũng đã tham gia vào việc phát triển Hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu, phiên bản GPS của Trung Quốc. Hệ thống này đã hoàn tất vào tháng 6. Một nguồn tin nội bộ cho biết quân đội cũng đang làm việc với các công ty dân sự về công nghệ tự lái.

Gia Huy (theo Nikkei)

Ấn Độ hợp tác với liên minh Mỹ – Maldives để chống lại Trung Quốc

Thỏa thuận quốc phòng mà chính phủ Hoa Kỳ ký với Maldives trong tháng này là sự thay đổi địa chính trị lớn trong khu vực chiến lược Ấn Độ Dương, nơi Ấn Độ từng giữ quyền thống trị. Theo Nikkei, việc thỏa thuận không bị phản đối bởi Ấn Độ được cho là bước ngoặt trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ song phương Ấn Độ – Hoa Kỳ trước mối đe doạ từ Trung Quốc.

Không giống như một sáng kiến ​​tương tự cách đây 7 năm, khuôn khổ hợp tác mới giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Maldives đã được thông qua mà không bị Ấn Độ phản đối.

Trước đó vào năm 2013, New Delhi đã ngăn chặn kế hoạch của Hoa Kỳ về một thỏa thuận hợp tác với Maldives. Đây là thỏa thuận nhằm cung cấp khuôn khổ cho các hoạt động quốc phòng hiện tại giữa Mỹ và Maldives mà không tạo ra “sự hiện diện quân sự mới”, Washington cho biết vào thời điểm đó.

Chính phủ của Tổng thống Maldives đương nhiệm Ibrahim Mohamed Solih đã thể hiện sự thay đổi so với người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Mohamed Waheed. Sau khi ký thỏa thuận, Bộ Quốc phòng Maldives đã tweet: “[Nó] sẽ bổ sung giá trị to lớn cho quan hệ đối tác tuyệt vời Mỹ – Maldives được xác định bởi các nguyên tắc và lợi ích chung về hòa bình và an ninh của khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng như cướp biển và khủng bố.”

Thông điệp này là sự gật đầu của Maldives, quốc gia nhỏ nhất Nam Á, đối với bối cảnh rộng lớn hơn của hiệp định “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” do Tổng thống Donald Trump triển khai. Khu vực Ấn Độ Dương là nơi Ấn Độ có những mối quan tâm chiến lược to lớn.

Ấn Độ cũng là một phần của Quad (Bộ Tứ Kim cương), một liên minh bao gồm Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Bốn nước đã tổ chức các cuộc đối thoại an ninh và tập trận quân sự trên khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Theo Alaina Teplitz, đại sứ Hoa Kỳ tại Maldives và Sri Lanka, thỏa thuận này mở đường cho Maldives gia nhập các quốc gia khác với “trách nhiệm chung trong việc duy trì các quy tắc và giá trị đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”

Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Maldives (MNDF) sẽ là lực lượng hưởng lợi trực tiếp từ sự thoả thuận với Washington. Với khoảng 20.000 quân, đây là một trong những đội quân nhỏ nhất của khu vực.

“Thỏa thuận này thúc đẩy các cuộc đối thoại cấp cao, xây dựng năng lực đối tác và tăng khả năng tương tác với các đối tác của chúng tôi trong Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Maldives”, Đại sứ Teplitz nói với Nikkei Asian Review.

Các nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ thay đổi chiến thuật – cho phép Mỹ can dự vào quốc phòng ở Maldives – đánh dấu một bước ngoặt làm sâu sắc hơn quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Mỹ, cũng như đánh dấu sự thay đổi trong “nhận thức của New Delhi về vai trò của Mỹ” ở khu vực Ấn Độ Dương.

Aparna Pande, Giám đốc Sáng kiến ​​về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Mối quan hệ chiến lược sâu sắc giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ được phản ánh ở vai trò trung tâm của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.”

Sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc trên khu vực Ấn Độ Dương mà Ấn Độ coi là sân sau của họ đã khiến quan hệ Trung – Ấn thêm căng thẳng. Cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trong 5 năm cầm quyền 2013 – 2018. Trong thời gian này, Bắc Kinh đã bơm hàng triệu đôla cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Maldives, để lại khoản nợ ít nhất 1,4 tỷ đôla cho quốc đảo, theo ước tính chính thức. Trong khi đó, tổ chức Allies of Solih cho rằng các khoản nợ thực chất lên tới 3,5 tỷ đôla.

Những năm tháng dưới sự điều hành của chính quyền ông Yameen cũng được đánh dấu bằng sự cai trị độc tài và hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la do Trung Quốc tài trợ như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường hàng đầu của Bắc Kinh, làm xói mòn ảnh hưởng của Ấn Độ đối với hòn đảo chiến lược Nam Á .

“Trung Quốc thực sự mang đến một bối cảnh khác cho an ninh ở Ấn Độ Dương”, Nilanthi Samaranyake, giám đốc phân tích chiến lược và chính sách tại Trung tâm Phân tích Hải quân, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nói với Nikkei. “Thực tế việc Ấn Độ hiện đang ủng hộ [thỏa thuận an ninh Hoa Kỳ-Maldives] là một sự thay đổi rõ rệt do nhận thức về mối đe dọa đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng.”

Bà kỳ vọng khuôn khổ an ninh sẽ mở đường cho một cuộc đối thoại quốc phòng và an ninh song phương toàn diện hơn giữa Hoa Kỳ và Maldives: “Hoa Kỳ thường tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các đối tác không phải là đồng minh và họ đang xây dựng từng bước.”

Lê Xuân (theo Nikkei)

Rộ tin ông Pompeo sẽ tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024

Theo giới phân tích chính trị, ngày càng có cơ sở chắc chắn rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ chuẩn bị tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024, tờ Straitstimes đưa tin.

Là đồng minh mạnh mẽ nhất trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Pompeo đặc biệt cứng rắn trong các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia.

Những người quen biết ông Pompeo không nghi ngờ gì về tham vọng chính trị của ông, được ám chỉ trong các cuộc trò chuyện riêng tư, các nhà cựu ngoại giao nói.

Sự xuất hiện gần đây của ông Pompeo tại Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa – rạng rỡ từ một sân thượng ở Jerusalem để ủng hộ ông Trump – đều mang tính biểu tượng và chưa từng có đối với một ngoại trưởng, nguồn tin nói.

Tuần trước, ông đã có một bài phát biểu quan trọng ở Wisconsin về chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền đương nhiệm.

Mặc dù việc đưa ra các bài phát biểu về chính sách đối ngoại với khán giả trong nước không phải là điều bất thường, đặc biệt khi các bang đều có mối quan hệ riêng với những người mua và nhà đầu tư nước ngoài, nhưng giới quan sát cho rằng những phát biểu như vậy cũng giúp ông Pompeo củng cố hình ảnh trong nước.

Một cựu quan chức ngoại giao Mỹ đã nói với The Sunday Times với điều kiện giấu tên rằng “Rõ ràng là ông ấy sẽ tranh cử vào năm 2024 và ông ấy muốn đảm bảo rằng mình có thể được coi là người kế nhiệm Tổng thống Donald Trump.”

“Ông ấy sẽ phải đối mặt với Phó Tổng thống Mike Pence và (cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc) Nikki Haley, và đang cố gắng định vị bản thân,” nguồn tin nhận xét.

Vào tháng 5, New York Times đưa tin rằng ông Pompeo đã có những cuộc gặp hồi tháng 12 năm ngoái và tháng Giêng năm nay với các nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa.

Và vào tháng 10 năm ngoái, ông đã gặp Charles Koch – một tỷ phú thuộc đảng Cộng hòa và là người ủng hộ lâu năm trong chuyến thăm chính thức tới Kansas, bang quê hương của ông.

Trước đây, ông Pompeo cũng được coi là ứng cử viên cho ghế của bang Kansas ở Thượng viện nhưng đã không tranh cử, và có nguồn tin tiết lộ các cuộc nói chuyện riêng tư ngụ ý rằng ông đang chờ đợi một điều gì đó lớn hơn vào năm 2024.

Ông Pompeo nổi tiếng là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, với việc liên tục cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc là hiểm hoạ của thế giới. Ông cũng tố cáo những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ, và kêu gọi nhận thức phân biệt rõ giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc.

Hiện ông Pompeo được cho là đang mong muốn có một giải pháp cho vấn đề Afghanistan để bổ sung cho hồ sơ sự nghiệp. Các thỏa thuận gần đây giữa Israel với Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất không phải là thành tựu của ông mà công trạng chính là của Jared Kushner, con rể của Tổng thống.

Tuy nhiên, có một số ý kiến nhận định dưới thời ông Pompeo, ngoại giao của Mỹ đối với các nước ngày càng đi xuống. 

Ngoài sự nghiệp chính trị, ông Pompeo cũng được cho là người mộ đạo. Ông giữ một cuốn Kinh thánh trong văn phòng của mình, trong đó đánh dấu số trang ông đã đọc ngày hôm đó.

“Tôi cần tâm trí mình được sự thật gột rửa mỗi ngày,” ông nói trong bài phát biểu tại Hiệp hội Cố vấn Cơ đốc Hoa Kỳ tháng 10 năm ngoái.

Ông Pompeo cũng được cho là có niềm tin về Khải huyền – niềm tin của một số người theo đạo Tin lành rằng sẽ có một cuộc chiến tranh khải huyền, Chúa Jesus sẽ trở lại và những người theo đạo Cơ đốc chân chính sẽ được lên thiên đàng.

Ông Pompeo hiện chỉ mới 56 tuổi và có một bản lý lịch xuất chúng. Ông tốt nghiệp thủ khoa trường quân sự West Point, là sĩ quan xe tăng ở châu Âu, theo học Trường Luật Harvard, thành lập một doanh nghiệp hàng không vũ trụ thành công và được bầu vào Quốc hội năm 2010.

Hơn 1 năm trước khi Tổng thống Trump bổ nhiệm ông làm Ngoại trưởng, ông Pompeo đã điều hành Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA.

Ông Trump nói bà Barrett có thể “lật ngược” án lệ Roe v Wade về quyền phá thai

Tổng thống Trump đã nói trên kênh “Fox & Friends” rằng có thể sẽ trả lại cho các bang quyền quyết định liên quan đến phán quyết năm 1973 khiến việc phá thai trở nên hợp pháp ở Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã nói rằng bà Amy Coney Barrett – người vừa được ông đề cử vào vị trí thẩm phán trong Tối cao Pháp viện – “chắc chắn có thể” sẽ góp phần vào quyết định lật ngược lại án lệ Roe v Wade – phán quyết năm 1973 khiến việc phá thai trở nên hợp pháp ở Mỹ.

“Bà ấy chắc chắn là người bảo thủ trong quan điểm và trong các phán quyết của mình… chúng ta sẽ phải xem mọi việc diễn ra như thế nào, nhưng tôi nghĩ nó sẽ diễn ra”, Tổng thống nói trên Fox & Friends Cuối tuần về ứng viên mới đề cử.

Khi được hỏi nếu được chính thức xác nhận, liệu bà Barrett có tham gia vào  phán quyết “về một vấn đề cuộc sống” hay không, ông Trump nói: “Điều đó chắc chắn là có thể. Và họ có thể sẽ làm điều đó theo một cách khác. Có thể họ sẽ trả lại [quyền quyết định] cho các tiểu bang. Bạn chỉ không biết điều gì sẽ xảy ra.”

Theo Guardian, điều này đã khiến những người theo phái cấp tiến và Đảng Dân chủ lo ngại. Ngoài ra, họ cũng đang bày tỏ sự lo lắng về Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) sẽ bị bãi bỏ.  

Vào Chủ nhật (27/9), đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11, Joe Biden, đã nói rằng việc xác nhận bà Barrett giống như một cuộc chiến chống lại luật chăm sóc sức khỏe. Phát biểu tại Wilmington, Delaware, ông Biden cho biết ông Trump đã “trình bày rõ ràng mục tiêu của mình là gì: chấm dứt Obamacare.”

Ông Biden sau đó chỉ trích Tổng thống Trump muốn “cướp đi sự bảo vệ quan trọng của ACA từ vô số gia đình dựa vào nó vì sức khỏe, an ninh tài chính của họ và cuộc sống của những người họ yêu thương.”

Đối với ông Biden, đây là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Hiện ông Biden vẫn dẫn trước ông Trump trong đa số các cuộc thăm dò quốc gia. 

Việc tập trung vào ACA đã mang lại lợi thế cho đảng Dân chủ trong cuộc chiến giành lại Hạ viện vào năm 2018. Hôm Chủ nhật, người đứng đầu Hạ viện Nancy Pelosi đã nói với CNN’s State of the Union rằng: “Thuốc giải độc cho bất cứ điều gì [Trump] làm là bỏ phiếu, bỏ phiếu, bỏ phiếu. Hãy bỏ phiếu cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), bỏ phiếu cho tình trạng hiện có của bạn, bỏ phiếu cho sự an toàn của bạn và bỏ phiếu cho sức khỏe của bạn.”

Các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện đang gấp rút quy trình xác nhận bà Barrett. Trong khi đó, phía đảng Dân chủ cho rằng việc bầu người thay thế bà Ruth Bader Ginsburg chỉ nên được thực hiện sau ngày bầu cử tới đây.

Hôm 27/9, nghị sĩ đảng Dân chủ ở Thượng viện Dick Durbin nói với kênh ABC’s rằng: “Chúng tôi chỉ có thể làm chậm quá trình này trong vài giờ, có thể nhiều nhất là vài ngày, nhưng không thể ngăn chặn nó nữa”.

Ông Trump đã đặt hai người có xu hướng bảo thủ vào vị trí thẩm phán trong Tòa án tối cao, gồm ông Neil Gorsuch vào năm 2017 và ông Brett Kavanaugh vào năm 2018.

Hôm thứ Bảy (26/9), chủ tịch Uỷ ban tư pháp Thượng viện Lindsey Graham nói với Fox News rằng nếu đảng Dân chủ đối xử với bà Barrett như họ đã làm với Thẩm phán Kavanaugh, họ sẽ nhận thất bại cay đắng.

Theo Pew Research, cứ 10 người Mỹ thì có khoảng 6 người “nói rằng phá thai nên hợp pháp trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp”. Đa số cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ACA, đạo luật được tòa án tối cao phê chuẩn năm 2012 với sự đồng tình của Chánh án John Roberts.

Lê Xuân

Related posts