Chuyên gia: Bắc Kinh ‘vũ khí hóa’ các sông ở Tây Tạng, chặn nguồn nước của châu Á

Duy Nghĩa

Ảnh chụp màn hình video https://youtu.be/tK3OVoqAAWo

Bà Maura Moynihan, một chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã vũ khí hóa các con sông ở Tây Tạng, chặn nguồn nước ở các quốc gia hạ lưu ở châu Á, theo Epoch Times.

Cao nguyên Tây Tạng là điểm bắt đầu của 10 con sông lớn ở châu Á, cung cấp nước cho hàng trăm triệu người trên khắp châu lục. Tuy nhiên, theo bà Maura Moynihan, “chính quyền Trung Quốc đã vũ khí hóa những nguồn nước đó để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của chính họ, khiến các quốc gia châu Á ở hạ nguồn thiếu nguồn tài nguyên quý giá này”.

Là một nhà hoạt động nổi tiếng người Tây Tạng, bà Moynihan đã đưa ra lời cảnh báo trên khi việc quản lý nguồn nước đã trở thành vấn đề quan trọng ở Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia này đã trải qua trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Chỉ trong vài tháng qua, hàng chục triệu người đã phải di dời khắp miền trung và tây nam Trung Quốc, đồng thời nền kinh nước này đã bị thiệt hại hàng tỷ USD.

Lũ lụt cũng làm dấy lên những lo ngại về tính toàn vẹn của cấu trúc và tác động môi trường của đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, nằm trên sông Dương Tử. Vào tháng 8/2020, nước chảy vào hồ chứa của đập Tam Hiệp đã đạt mức cao kỷ lục, và gần chạm ngưỡng sức chứa tối đa. Các nhà phê bình cho rằng con đập có khả năng hạn chế kiểm soát lũ, và sự hiện diện của nó có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về dài hạn. Nếu con đập bị sập, hàng triệu sinh mạng người dân Trung Quốc sẽ gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo bà Moynihan, các vấn đề xung quanh Đập Tam Hiệp là chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chính quyền Bắc Kinh đã xây dựng hàng trăm nghìn con đê, hồ chứa và đập, dọc theo các hệ thống sông chính của Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “Các nhà Lãnh đạo Tư tưởng Mỹ” (American Thought Leaders) của The Epoch Times, bà Moynihan bình luận: “Một khi đã xây xong những con đập này, thật sự rất khó để dỡ bỏ chúng và khắc phục những thiệt hại về môi trường do chúng gây ra”.

Bà Maura Moynihan trả lời phỏng vấn The Epoch Times (ảnh chụp màn hình video).

Nhà hoạt động Moynihan nói thêm rằng, điều đó đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nước, nhưng “không ai ở phương Tây muốn nghe về nó”.

“Cái giá phải trả cho việc ngăn chặn, làm nghẹt và vũ khí hóa nguồn nước đó, và đưa nước của Tây Tạng đến Trung Quốc đại lục, là những thiệt hại to lớn bởi châu Á là lục địa đông dân nhất thế giới. Chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng và tôi nghĩ rằng chưa có một tổ chức tư vấn nào ở Mỹ có hành động gì để cải thiện điều này”, bà Moynihan nhấn mạnh.

Bà Moynihan cho hay trong nhiều thập niên, bà đã đi khắp khu vực này, nghiên cứu và báo cáo về các vấn đề mà Tây Tạng phải đối mặt. Các bài viết của bà trước đây đã được xuất bản trên các tờ báo như The Washington Post. Nhưng bà Moynihan cho biết, kể từ những năm 2000, sự phớt lờ của giới truyền thông về các báo cáo của bà đã thay đổi “dường như chỉ qua một đêm”.

Hiện tại, các phương tiện truyền thông “về cơ bản thực hiện các mệnh lệnh của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng cách loại bỏ bất kỳ cuộc thảo luận nào về Tây Tạng”, bà Moynihan nói thêm, đề cập đến ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Chặn nguồn cung cấp nước

Theo bà Moynihan, các dự án xây đập của chính quyền Bắc Kinh đã cho phép Trung Quốc vũ khí hóa nguồn nước bằng cách chặn nguồn cung cấp nước cho các quốc gia ở hạ nguồn sông.

Trong 2 năm qua, sông Mekong – bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua 5 quốc gia Đông Nam Á – đã đạt lưu lượng nước thấp kỷ lục. Điều này không chỉ do lượng mưa ít hơn mà còn do các đập thủy điện ở thượng nguồn của Trung Quốc đã giữ lại một lượng lớn nước, theo 2 báo cáo trong năm nay, bao gồm:

  • Báo cáo tháng 4/2020 nêu rõ: Trong tháng 6/2019, trong khi Trung Quốc nhận được lượng mưa lớn, các đập của họ trên thượng nguồn sông Mekong đã hạn chế một lượng nước lớn chưa từng có – ngay cả khi các quốc gia ở hạ nguồn đang phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng. Báo cáo này được viết bởi tổ chức Eyes on Earth, một công ty tư vấn về khí hậu có trụ sở tại Mỹ, và được đồng ủy thác bởi Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI) của chính phủ Mỹ và Đối tác Cơ sở Hạ tầng Bền vững do Liên hợp quốc hậu thuẫn.
  • Báo cáo tháng 8/2020 của Ủy ban sông Mekong, một nhóm liên chính phủ, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trong đó cũng cho biết mối liên hệ giữa hạn hán ở sông Mekong với các con đập của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14/9 đã lên tiếng chỉ trích hoạt động của Bắc Kinh trên sông Mekong rằng: “Các quyết định đơn phương của ĐCSTQ để lưu giữ nước ở thượng nguồn đã làm trầm trọng thêm một đợt hạn hán lịch sử”.

Ông Pompeo chỉ trích chính quyền Trung Quốc không chia sẻ dữ liệu toàn diện về dòng nước với Ủy ban sông Mekong.

Bắc Kinh được cho là chỉ cung cấp dữ liệu mực nước và lượng mưa trong mùa lũ, và chỉ từ 2 trong số nhiều trạm của họ trên thượng nguồn sông Mekong. Theo Ủy ban sông Mekong, điều đó là “không đủ” cho mục đích quản lý nước.

Vào cuối tháng 8/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố cam kết chia sẻ thông tin thủy văn hàng năm với các nước Mekong, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Ngoại trưởng Pompeo khuyến khích các nước Mekong “yêu cầu ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về cam kết chia sẻ dữ liệu nước của mình”.

“Dữ liệu đó nên được công khai. Nó nên được công bố quanh năm”, ông Pompeo cho biết, thêm rằng nó nên được chia sẻ thông qua Ủy ban sông Mekong.

Mỹ đã khởi động Sự hợp tác chung Mekong-Hoa Kỳ, trong đó cam kết chi hơn 150 triệu USD cho các sáng kiến khu vực, nhằm tăng cường an ninh nguồn nước dọc theo sông Mekong.

Bà Moynihan cho rằng các quốc gia hạ nguồn sông Mê Kông chưa lên tiếng về vấn đề này vì mối quan hệ kinh tế sâu rộng của họ với Bắc Kinh.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền Trung Quốc, nhằm nâng cao ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn thế giới, bà Moynihan nêu rõ.

“Họ thực sự không thể lên tiếng và chỉ trích ĐCSTQ… bởi [Trung Quốc] có thể chặn nguồn cung cấp nước của họ. Vấn đề này rất, rất nghiêm trọng”, bà Moynihan nhận định. “Trong khi đó, Ấn Độ cũng phải đối mặt với viễn cảnh nguồn cung cấp nước của mình bị cạn kiệt”.

Trung Quốc đang xây dựng một số đập thủy điện dọc theo sông Brahmaputra – chảy từ Tây Tạng đến Ấn Độ và Bangladesh – làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh có thể kiểm soát lợi thế kinh tế và chính trị của mình. Những lo ngại này đã trở nên cấp bách hơn do hậu quả của các cuộc đụng độ biên giới chết người gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Thung lũng Galwan.

Bà Moynihan nhớ lại cuộc trò chuyện với một vị tướng Ấn Độ đã nghỉ hưu mà bà đã gặp tại một bữa tiệc cocktail ở New Delhi và nói về Tây Tạng.

Nữ chuyên gia thuật lại: “Ông ấy nói “Chà, chúng tôi sẽ làm gì? Họ ở đó. Và chúng tôi đang nhìn lên ở đây, và súng của họ đang chĩa xuống chúng tôi. Và họ cũng có nguồn nước của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm đượcc gì đây?’”.

Theo The Epoch Times
Duy Nghĩa biên dịch

Related posts