Ai mà khóc Tố Như!

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Không biết ba trăm năm nữa, còn ai khóc Tố Như không?

Ai hỏi câu đó?

Xin thưa: cách đây 200 năm, một người đã chết vì ôn dịch đã hỏi thế. Lúc đó, Việt Nam bị dịch hoành hành. Nhiều người chết lắm. Trong số người mắc dịch có một ông 54 tuổi. Hơi tàn sức cạn, người ấy nằm sòng soãi trên giường. Con cháu tất bật tìm thầy chạy thuốc. Nhưng con bệnh không chịu uống chén thuốc nào cả. Rồi một ngày, con bệnh ấy nhờ người thân sờ vào tay chân rồi hỏi ‘Nóng hay lạnh?’ Người thân trả lời ‘Đã lạnh cả rồi!’ Kẻ hấp hối đáp lại chỉ một tiếng: ‘Được’. Rồi từ đó, gian nhà im tịch tịch. Con bệnh lặng lẽ giã từ cõi đời.

Người ra đi ấy là Nguyễn Du, hiệu là Tố Như, tác giả truyện Kiều.

Hôm nay, Việt Luận mạn phép khóc Tố Như và hỏi ‘Bất tri nhất bách dư niên hậu…?’ Một trăm năm nữa còn ai nhớ người để lại cho Việt Ngữ 3,254 câu thơ lục bát mà chúng ta gọi là truyện Kiều. Hôm nay, dám có người Việt Nam không biết Tố Như là ai, nhưng ít nhất cũng nghe qua Nguyễn Du. Dám có người Việt Nam không còn nghe Nguyễn Du, nhưng ít nhất cũng thấy người ta nhắc tới truyện Kiều. Thảng hoặc không còn người Việt Nam nào nhắc tới truyện Kiều nữa, thì bao lâu còn người nói tiếng Việt bấy lâu chữ của truyện Kiều còn văng vẳng trong lời ăn tiếng nói của người ấy.

Văng vẳng vì ngòi bút của kẻ đa tài này vừa gom góp tiếng dân dã vào truyện Kiều vừa khởi đầu cho lối nói thật Việt Nam. Những ‘đầu trâu mặt ngựa, ăn xổi ở thì, vật đổi sao dời, muôn binh nghìn tướng, máu chảy ruột mềm, nước chảy hoa trôi, …’ ở của miệng của chúng ta hôm nay – đã thấy trong Kiều cách đây hơn 200 năm. Nguyễn Du đã gom góp lời quê để ‘mua vui được vài trống canh’. Khi làm thế, ông cũng khởi đầu cho những lối nói thật Việt Nam. Việt Nam đến độ người mình nói mà không biết đấy là ‘văn chương’ của Kiều.

Như các tác phẩm văn chương cổ điển trên thế giới, truyện Kiều của Nguyễn Du cho chào đời những nhân vật trở thành cá tính của người đời. Thần thoại Hy Lạp để lại những Hercules dũng mãnh, Venus diễm lệ, Eros nóng bỏng…. thì đã là người Việt Nam những Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, Từ Hải… không cần phải viết hoa nữa. Thật vậy, làm thân con gái thì ai mà chả sợ thằng sở khanh. Ngược lại nam nhi chi khí thì phải mơ thành từ hải với ‘vai năm thước rộng, thân mười thước cao!’. Nhân vật trong truyện Kiều đã thành cá tính của ai đó trong đời thường. Khen ai thì khen ‘mười phân vẹn mười’. Kiều đó. Mỉa mai ai thì ‘mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao’. Lại Kiều.

Có những lúc, người ngày nay dùng lại thủ pháp của Nguyễn Du mà không hay. Nói đến tình đã bén mà còn e ấp thì ‘tình trong như đã, mặt ngoài còn e’. Để tránh so đo hơn thua giữa hai người đẹp, không gì bằng tung cả hai lên tận mây xanh. Ấy là thuật nịnh đầm đã có dưới ngòi bút Nôm na cha mách qué của Nguyễn Du: ‘Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười’. Vậy là được cả hoa, lẫn huê. Thấy cảnh đời có khúc dài khúc ngắn thì nghĩ bụng:

Lạ gì bỉ sắc thư phong

Trời xanh quen thói má hồng đành ghen

Thương ai, có ‘dư nước mắt khóc người đời xua’ thì cũng dành tí tấm lòng cho:

Phận hồng nhan có mong manh,

Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương

à nghe!

Ba chữ ‘Nửa chừng xuân’ được Nhất Linh dùng đặt tên cho cuốn tiểu thuyết một thời chấn động ở Việt Nam.

Rằng xưa, người ta coi những vần thơ trong truyện Kiều như một kinh điển. Nói thì đúc khuôn theo Kiều. Diễn xuất trên sân khấu thì làm trò Kiều. Hát xướng thì lẩy Kiểu. Vẽ vời thì tranh Kiều. Đến ngay bói toán thì cũng có bói Kiều. Ở chốn hàn lâm thì Kiều thành đề tài tranh luận dữ dội trên văn đàn Việt Nam. Vào những năm 1920, Phạm Quỳnh tâng truyện Kiều lên mây xanh ‘truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn…’ Ngược lại, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng chê bai Kiều chỉ là cuốn dâm thư ba xu không hơn không kém. Ngô Đức Kế chê Kiều là ‘ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi’. Vì nặng luân lý Nho, không ít nhà đạo đức khuyên:

Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều…

Nhưng từ đời vua Minh Mạng đến nay, Kiều vẫn thành món ăn chơi của người sành điệu Việt Nam:

Làm trai mê đánh Tổ tôm

Mê ngựa hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều

Có những chữ, những câu người nói đang ‘lẩy Kiều’ mà không hay. Thấy núi đồi lồ lộ ở đâu đó, chỉ cần phán ‘Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên’, rồi cười mỉm bí hiểm. Vậy là ai cũng biết núi đồi ở đâu rồi.

Không phải người Việt lẩy Kiểu mà Tây Tàu cũng học thói này. Trong những năm gần đây, khi đến Việt Nam tổng thống Mỹ thường bỏ túi vài câu Kiều để… lẩy. Tổng thống Bill Clinton:

Sen tàn cúc lại nở hoa,

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân

Tổng thống Barack Obama thì:

Rằng trăm năm cũng từ đây,

Của tin gọi một chút này làm ghi.

Ngay đến ông Joe Biden, khi làm phó tổng thống, cũng đã lẩy Kiều mà chơi:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Việt Luận

Related posts