Tin thế giới tối thứ Ba

Chính quyền Trump ra lệnh hạn chế nhập bông, sản phẩm khác từ Tân Cương

Chính quyền Trump hôm thứ Hai (14/9) đã ban hành lệnh hạn chế khẩu bông, tóc người, quần áo và các sản phẩm khác được làm ra bằng việc sử dụng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.

Hình ảnh một công xưởng dệt may tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) hôm 14/9 đã ban hành 5 lệnh ủy thác hay Lệnh hủy bỏ (Withhold Release Order – WRO) đối với nhiều loại hàng hóa tại Tân Cương nhằm trấn áp “các hành vi sử dụng lao động cưỡng bức bất hợp pháp, vô nhân tính và bóc lột”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát đi tuyên bố cho hay: “Những hành động này gửi một thông điệp rõ ràng tới PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) rằng đã đến lúc họ phải chấm dứt thực hành cưỡng bức lao động có sự bảo trợ của nhà nước và phải tôn trọng nhân quyền của tất cả người dân”.

WRO không phải là lệnh cấm nhập khẩu, nhưng hàng hóa bị áp dụng WRO sẽ được tái xuất hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được sản xuất từ lao động cưỡng bức, theo Nam Hoa Tảo báo.

Chính quyền Trump ban hành lệnh WRO đối với hàng hóa nhập từ Tân Cương vào thời điểm Washington thực thi hành động mạnh mẽ hơn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì nhà cầm quyền này gia tăng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác tại Tân Cương.

Theo The Epoch Times, những người sống sót được sau khi bị giam giữ tại các trại tập trung Tân Cương và đào thoát ra nước ngoài thành công đã kể lại rằng họ đã bị tra tấn, hãm hiếp và bị ép học tập lý luận tuyên truyền cộng sản. Người dân Tân Cương cũng phải chịu đựng hệ thống giám sát diện rộng bằng mạng lưới camera an ninh dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các trạm kiểm soát và thu thập dữ liệu sinh trắc học.

Các nhà nghiên cứu quốc tế hồi tháng Ba đã phát hiện rằng hàng chục nghìn người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương cũng đã được chuyển đi làm việc tại nhiều nhà máy khắp Trung Quốc trong các điều kiện làm việc và sinh hoạt khiến người ta hình dung về cưỡng bức lao động.

Hồi tháng Sáu, CBP đã thu giữ 13 tấn sản phẩm tóc người bị nghi đã được sản xuất bằng lực lượng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.

Các lệnh WRO mà CBP vừa ban hành áp dụng đối với mặt hàng bông do các công ty Xinjiang Junggar Cotton và Xinjiang Linen Co. sản xuất và chế biến; hàng may mặc do các công ty Yili Zhuowan Garment Manufacturing Co. và Baoding LYSZD Trade & Business Co. tại Tân Cương sản xuất; các sản phẩm tóc được sản xuất tại Khu Công nghiệp Sản xuất Tóc Lop County ở Tân Cương; tất cả các sản phẩm do Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng nghề số 4 tại Tân Cương sản xuất; và các linh kiện máy tính được sản xuất tại Hefei Bitland Information Technology Co. ở tỉnh An Huy, theo The Epoch Times.

Quyền lãnh đạo CBP Mark A. Morgan trong tuyên bố phát đi hôm 14/9 cho biết: “Chính quyền Trump sẽ không làm ngơ và không cho phép các công ty nước ngoài sử dụng người lao động dễ bị tổn thương làm lao động cưỡng bức, đồng thời gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ vốn tôn trọng nhân quyền và luật pháp”.

Các lệnh WRO đối với nhiều hàng hóa tại Tân Cương nhập khẩu vào Mỹ đánh dấu thêm một động thái leo thang của Washington để phản đối lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác ở Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ trước đó đã đưa gần 50 công ty Trung Quốc vào ‘Danh sách thực thể’ và cấm các công ty Mỹ kinh doanh với những công ty này mà không có giấy phép đặc biệt.

Khoảng 85% bông của Trung Quốc được trồng ở Tân Cương, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Còn theo liên minh các công đoàn và nhóm hoạt động, ước tính khoảng 1/5 tổng số quần áo cotton được bán trên thế giới có chứa bông hoặc sợi có nguồn gốc từ Tân Cương.

Mỹ đã nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc trị giá từ 40 đến 50 tỷ USD vào năm ngoái. Bông, sợi và vải từ Tân Cương cũng được chuyển qua các nước khác như Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka để may quần áo.

Xuân Thành

Công ty TQ thu thập hơn 2 triệu dữ liệu cá nhân trên toàn cầu

“Dữ liệu Chấn Hoa” (Zhenhua Data), một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến liên kết với Bộ An ninh Quốc gia và quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), liên quan đến thu thập và lưu trữ 2,4 triệu dữ liệu cá nhân trên toàn cầu. Đối tượng bị thu thập gồm chính trị gia hàng đầu, sĩ quan quân đội, người nổi tiếng, và ngay cả Thủ tướng Úc Morrison cũng nằm trong danh sách.

Cảnh sát mạng Trung Quốc (Ảnh minh họa: Đài Á châu Tự do)

Nhiều nguồn tin chỉ ra hôm 14/9, Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) công bố thông tin về một nhà kinh tế học người Mỹ từng làm việc tại Đại học Bắc Kinh là Chris Balding, đã vô tình có được dữ liệu từ “Dữ liệu Chấn Hoa” trong thời gian ông ở Trung Quốc. Cơ sở dữ liệu này bao gồm thông tin cá nhân của 2,4 triệu người trên toàn thế giới, sau khi chuyên gia an ninh mạng phục hồi được 10% dữ liệu thì thấy rằng có 52.000 người Mỹ, 35.000 người Úc, 10.000 người Ấn Độ, 9.700 người Anh, 5000 người Canada, 2100 người Indonesia, 1400 người Malaysia, 558 người Nhật và 138 người Papua New Guinea.

Theo nguồn tin, giáo sư Balding (Christopher Balding) chuyên về chính sách tài chính và kinh tế từng có 9 năm làm việc tại Trường Kinh doanh HSBC của Đại học Bắc Kinh,  ông đã “bị đe dọa” sau khi phản đối áp lực của ĐCSTQ trong việc xét duyệt chữ ký quốc tế của các tạp chí nghiên cứu quốc tế. Năm 2018, ông rời Trung Quốc Đại Lục và chuyển sang giảng dạy tại Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) ở Việt Nam. Trong quá trình này, ông bắt đầu chuyển hướng nghiên cứu về “Huawei”, muốn dùng Huawei làm minh chứng phân tích vấn đề “tổ hợp công nghiệp-quân sự-mạng internet” của Trung Quốc. Nhưng sau một số lần gửi bài tạp chí và công bố thông tin, ông đã vô tình gặp được “người tố cáo nội bộ” và có được “tệp dữ liệu Chấn Hoa”. Ông thẳng thắn: “Chắc chắn Trung Quốc (ĐCSTQ) đang xây dựng đất nước giám sát trên quy mô lớn, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế.”

Thông tin chỉ ra rằng “Dữ liệu Chấn Hoa” có liên hệ với hệ thống tình báo và quân sự của ĐCSTQ, khách hàng chính của nó bao gồm quân đội Trung Quốc và các tổ chức của ĐCSTQ. Thông tin cá nhân mà “Dữ liệu Chấn Hoa” thu thập bao gồm ngày sinh, địa chỉ, tình trạng hôn nhân, ảnh cá nhân, quan điểm chính trị, thành viên gia đình, tài khoản nền tảng xã hội… Nhận định của The Guardian (Anh) cho biết dù hầu hết thông tin có thể được lấy từ các nguồn công khai, bao gồm Twitter, Facebook, LinkedIn, Instagram, TikTok…, nhưng có những thông tin dạng bí mật như hồ sơ ngân hàng, thông tin tìm kiếm việc làm, hồ sơ tư vấn tâm lý… có thể được lấy thông qua “web tối” (dark web).

Ví dụ trường hợp tại Úc thì có thủ tướng Morrison, cựu đại sứ tại Trung Quốc Geoff Raby, cựu ngoại trưởng Bob Carr và các quan chức cấp bang hoặc liên bang, ngoài ra còn các doanh nhân tầm cỡ như người đồng sáng lập công ty phần mềm Atlassian là Mike Cannon-Brookes, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Úc (BCA) như Jennifer Westacott… đều là mục tiêu nhắm đến. Với địch thủ lớn nhất của ĐCSTQ là Mỹ thì danh sách “Dữ liệu Chấn Hoa” có hơn 50.000 công dân Mỹ, trong đó ngoài các nhân vật chiến lược quan trọng là giới nhà thầu phụ của chính phủ, giới công nghiệp công nghệ trẻ khởi nghiệp, quan chức quân đội cấp trung. Thông tin dẫn ví dụ một sĩ quan cấp Học viện Hải quân Mỹ được xác định là “Đặc biệt lưu ý người này có khả năng cao được thăng chức thành hạm trưởng của một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Nguồn tin cho biết phạm vi chiến lược của “Dữ liệu Chấn Hoa” không còn giới hạn trong lĩnh vực kinh tế chính trị mà còn liên quan đến các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ngoài ra, một điểm đáng nghi ngờ khác trong “Dữ liệu Chấn Hoa” là “20 trung tâm xử lý thông tin ở nước ngoài được đặt tại nhiều nước”, không biết được bố trí tại những đâu?

Sau thông tin về vụ rò rỉ “Dữ liệu Chấn Hoa” bị phanh phui, trang web chính thức của “Dữ liệu Chấn Hoa” có các kênh kết nối công khai đã ngay lập tức bị đóng lại, động thái càng làm dấy lên nhiều nghi ngờ.

Được biết hiện nay một số tổ chức truyền thông như India Express (Ấn Độ), Telegraph (Anh), Yomiuri Shimbun (Nhật Bản)… đều đã vào cuộc điều tra.

Y Bình

Oracle xác nhận được TikTok lựa chọn, chỉ còn chờ ông Trump gật đầu

Oracle đã đạt được thỏa thuận với công ty mẹ Trung Quốc của TikTok là ByteDance trong thương vụ bán lại hoạt động của ứng dụng video tại thị trường Mỹ. 

Vài ngày trước, ByteDance đã gửi đề xuất lên chính phủ Mỹ trong việc chọn lựa người mua, theo Nikkei.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin xác nhận trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/9 với CNBC rằng đã nhận được đề xuất của ByteDance, trong đó đề cập đến việc Oracle là “đối tác công nghệ đáng tin cậy”. Ngoài ra, đề xuất còn cam kết thành lập TikTok Global có trụ sở tại Hoa Kỳ với 20.000 việc làm mới. 

“Chúng tôi sẽ xem xét [đề xuất] đó tại Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) trong tuần này, và sau đó chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất với Tổng thống và cùng ông ấy xem xét lại,” ông Mnuchin nói.

Hôm 14/9, Oracle đã xác nhận tuyên bố của Bộ trưởng Mnuchin, nói rằng công ty là một phần của đề xuất được ByteDance đệ trình lên Bộ Tài chính vào cuối tuần.

Cổ phiếu Oracle sau đó có thời điểm tăng gần 8% trong phiên giao dịch ngày hôm qua (14/9).

Công ty không nêu chi tiết thêm về thỏa thuận của mình với ByteDance. Tuy nhiên, có một rào cản trước mắt mà các bên phải giải quyết: đó là biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc và những tuyên bố an ninh quốc gia của Mỹ.

Trung Quốc gần đây đã công bố bổ sung một số công nghệ trí tuệ nhân tạo vào danh sách các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu, bao gồm “các đề xuất nội dung được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu.” Bắc Kinh cũng cáo buộc Washington rình rập “các doanh nghiệp của những quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh”.

Theo nguồn tin từ ByteDance nói với tờ SCMP, công ty mẹ của TikTok sẽ không bán hoặc chuyển giao thuật toán trong bất kỳ thương vụ mua bán hoặc thoái vốn nào. Nguồn tin cho biết điều kiện “không có thuật toán” hiện là điểm mấu chốt cho mọi cuộc thảo luận về việc bán hoặc tái cơ cấu TikTok sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới.

Khi được hỏi liệu thuật toán của TikTok có phải thuộc quyền sở hữu của một công ty Mỹ trên đất Mỹ để giảm bớt những lo ngại về an ninh quốc gia hay không, ông Mnuchin trả lời rằng từ quan điểm của ông thì Mỹ cần đảm bảo dữ liệu của người Mỹ được bảo mật, và điện thoại được bảo mật.

“Chúng tôi sẽ tìm cách thảo luận với Oracle trong vài ngày tới với các nhóm kỹ thuật của chúng tôi,” ông nói.

Trước đó, hãng Microsoft tiết lộ rằng ByteDance đã từ chối đề nghị của mình.

Washington đã đưa ra những lo ngại về khả năng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của TikTok và thu thập người dùng Mỹ cho mục đích gián điệp, cũng như những rủi ro xung quanh việc ứng dụng này có thể được dùng cho các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch của Bắc Kinh.

Ngân Hà

Mỹ vẫn cảnh báo công dân nguy cơ bị “bắt giữ tuỳ tiện” khi đến Trung Quốc

Mỹ tiếp tục cảnh báo công dân về nguy cơ bị “bắt giữ tuỳ tiện” ở Trung Quốc mặc dù đã hạ mức cảnh báo đi lại tới Trung Quốc từ cấp cao nhất (cấp 4) xuống cấp 3 khi tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã có cải thiện.

Theo hãng tin AFP, hôm 14/9, Mỹ đã hạ mức cảnh báo đi lại tới Trung Quốc, nhận định rằng Bắc Kinh đã cải thiện tình hình dịch bệnh trong nước. 

Cụ thể, Washington đã giảm từ mức 4 (Không đi lại) xuống mức 3 (Tái xem xét đi lại), đồng thời nhận định các hoạt động kinh doanh, trường học cùng một số hoạt động tại Trung Quốc đều đã quay trở lại.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cảnh báo công dân về nguy cơ bị “bắt giữ tuỳ tiện” tại Trung Quốc, bao gồm đặc khu hành chính Hồng Kông khi Luật An ninh quốc gia mới có hiệu lực từ 30/6.

Trước đó, công dân Mỹ cũng được khuyến cáo “tăng cường cẩn trọng” khi tới Hồng Kông vì dịch bệnh và tình hình bất ổn tại đặc khu hành chính, nơi chính quyền trung ương Trung Quốc “đơn phương và tự ý thực thi quyền lực an ninh và kiểm soát”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Luật An ninh quốc gia mới có thể khiến các công dân Mỹ – những người công khai chỉ trích Trung Quốc, đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ, giam cầm, trục xuất hoặc truy tố cao hơn. Những người bị bắt cũng có thể bị dẫn độ về Đại lục để xét xử. 

Mỹ ngày càng lo ngại vấn đề thực thi pháp luật tại Hồng Kông sau khi Bắc Kinh thông qua Luật An ninh quốc gia. Sự ra đời của luật mới đã dẫn đến hàng loạt vụ bắt giữ gần đây. Các nhà chức trách cũng viện dẫn luật này để nhắm mục tiêu tới những người sống bên ngoài Hồng Kông, trong đó có ít nhất một công dân Mỹ, theo SCMP.

Xuân Lan

Related posts