IOC chịu sức ép lớn từ yêu cầu hủy quyền đăng cai Thế vận hội 2022 của Bắc Kinh

Lục Du

Một màn trình diễn mời gọi tới với Olympic mùa đông 2022 (ảnh: Từ video của WorkpointOfficial)

Hơn 160 nhóm nhân quyền đang yêu cầu Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) rút lại quyết định cho Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, với lý do chính quyền Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch đàn áp nhân quyền kể từ khi họ tổ chức Thế vận hội Olympic 2008.

Một liên minh của các nhà vận động nhân quyền đã thúc giục Chủ tịch IOC Thomas Bach, trong một bức thư gửi đi vào ngày 8/9, rằng tổ chức này hãy “sửa sai” bằng việc hủy quyết định cho phép Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022. Bức thư này được gửi đi trước cuộc họp ban điều hành của IOC ở Thụy Sĩ vào ngày 9/9.

Trong bức thư, các nhà hoạt động nhấn mạnh rằng kể từ khi Bắc Kinh hoàn thành việc tổ chức Thế vận hội 2008, lực lượng này không trở nên tiến bộ mà ngược lại, việc trao cho họ vinh dự tổ chức một sự kiện thể thao lớn chỉ đơn thuần là khuyến khích chính quyền Trung Quốc “gia tăng mạnh mẽ” các hành vi đàn áp nhân quyền nhắm vào các cộng đồng dân cư nằm dưới quyền cai trị của họ.

“Vào năm 2008, IOC đã hứa với cộng đồng thế giới rằng hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc sẽ được cải thiện sau khi họ tổ chức Thế vận hội; [nhưng] thay vào đó, chúng tôi đã thấy điều ngược lại”, Mandie McKeown, nhà hoạt động trong Mạng lưới Tây Tạng Quốc tế nói trong một tuyên bố. “Quy mô của cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Tây Tạng, Đông Turkestan và Hồng Kông đặt ra yêu cầu phải suy nghĩ lại về nơi đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022”.

Kể từ năm 2008, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giám sát người dân ở Tây Tạng, giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, chủ trì một cuộc đàn áp đối với các quyền tự do của người dân Hồng Kông, tìm cách xóa bỏ văn hóa Mông Cổ ở Nội Mông, tiếp tục bức hại các nhà hoạt động dân chủ, luật sư và bất kỳ ai bị lực lượng này coi là mối đe dọa đối với sự tồn vong của nó.

Các nhóm nhân quyền thúc giục IOC hãy “chứng tỏ rằng mình [IOC] có ý chí chính trị để tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Olympic về‘ phẩm giá con người ’”.

“IOC không được để phẩm giá của mình bị đặt vào tình trạng nguy hiểm một lần nữa”, bức thư viết.

Fengsuo Zhou, một nhà hoạt động nhân quyền tại Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Nhân đạo Trung Quốc, nói rằng việc IOC trao quyền cho Trung Quốc đăng cai sự kiện thể thao lớn này là một hành động “phản bội Hiến chương Olympic và vi phạm Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu”.

Trong cuộc họp báo ngày 9/9, phóng viên của Epoch Times đã hỏi Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany rằng Tổng thống Trump có ủng hộ việc Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 vì Bắc Kinh vi phạm nhân quyền hay không, bà McEnany nói rằng bà chưa đề cập một cách cụ thể vấn đề này với ông Trump.

Tuy nhiên, bà McEnany cho biết Tổng thống Trump luôn nhìn nhận chính quyền Trung Quốc là lực lượng phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi đàn áp nhân quyền, bà cho biết: “hành động của ông ấy đã thể hiện rất rõ điều đó. Ông ấy đã đứng lên chống lại Trung Quốc không giống như bất kỳ tổng thống nào trước ông ấy trong lịch sử hiện đại” của Hoa Kỳ.

Chính quyền Trump gần đây đã tăng cường các biện pháp để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông. Hoa Kỳ đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc dính líu tới các chiến dịch đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Chính phủ Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam, và các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông khác phá hoại các quyền tự do của người dân đảo.

Các nghị sĩ Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu IOC phải dời địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 ra khỏi Trung Quốc. Vào tháng Ba, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã đưa ra một nghị quyết yêu cầu IOC tìm quốc gia khác đăng cai sự kiện thể thao này.

Theo Epoch Times

Related posts