Trung Quốc muốn chiếm trọn vùng Pumir của Tajikistan

Phạm Đức Đồng Hùng

Tổng thống Tajikistan, Emomali Rahmon và Chủ tịch Tập Cận Bình

Trò xâm lấn của Trung Quốc đã vượt quá mức chịu đựng của “chư hầu” Tajikistan, xứ sở vùng Trung Á mà cách đây hơn 2,000 năm Trung Quốc gọi là “Yuezhi”, phiên âm Hán Việt là Nguyệt Chi.

Giữa lúc đang bị hầu như cả thế giới phản đối vì đòi hỏi chủ quyền phi lý trên biển Đông, tuần qua Trung Cộng lại gây thêm sóng gió khi đề cập đến vấn đề “chủ quyền” tại vùng núi Pamir của Tajikistan, một khu vực có trữ lượng vàng, bạc, đồng, đá quý  khá dồi dào.

Cũng là láng giềng của Trung Quốc, hiện Tajikistan đang lâm vào tình cảnh của Việt Nam: mắc nợ Trung Quốc đầm đìa, đã cắt nhượng cho Trung Quốc trên 1,200 cây số vuông nhưng cũng chưa bị tha, đòi nuốt chửng cả một vùng núi rộng lớn có nhiều khoáng sản quý dựa trên cái gọi là “chủ quyền lịch sử”.

Mới đây hai trang web nổi tiếng ở Trung Quốc đã đăng lại bài viết của sử gia Lỗ Diệu Chu (Cho Yao Lu), theo đó cho rằng “toàn bộ vùng Pamir ở Tajikistan từng thuộc về Trung Quốc” và “nên được trả lại”. Theo đó thì sau sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh (1644-1911), một số lãnh thổ đã bị mất và sau đó Trung Quốc đã dần dà lấy lại, trừ vùng Pamir nói trên chỉ vì sức ép của các cường quốc thế giới. Nay đã đến lúc vùng đất này phải về với tổ quốc Trung Quốc.

Rõ ràng chính quyền Tajikistan đang lâm vào tình thế của chính quyền cộng sản Việt Nam: một đằng bị Trung Quốc ép phải líu rúi tuân phục, một đằng sợ dân chúng nổi dậy nên không thể cam lòng chấp nhận mãi. Tin cho hay bài viết trên dẫn đến phản ứng giận dữ của chính phủ Tajikistan. Trong cuộc trao đổi với Đại sứ Trung Quốc Lưu Bình (Liu Bing) tại thủ đô Dushanbe ngày 22.7.2020, Thứ trưởng Ngoại giao Tajikistan Khusrav Noziri gọi bài viết là không thể chấp nhận, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh phải có các biện pháp cần thiết để ngăn việc đăng tải những nội dung như thế trên truyền thông.

Để hiểu hơn sự phụ thuộc của Tajikistan vào Trung Quốc, chúng ta cần nhắc qua đường thăng tiến của Emomali Rahmon, cầm quyền nước này từ năm 1992 và chính thức giữ vai trò tổng thống từ năm 1994 đến nay, đã sống sót qua một vụ ám sát và hai cuộc đảo chính.

Rahmon sinh năm 1952 trong một gia đình nông dân, năm 19 tuổi đi nghĩa vụ quân sự và gia nhập Hải quân Liên Sô, tòng sự trong Hạm đội Thái Bình dương. Năm 1974 hết hạn nghĩa vụ quân sự, về làng quê của mình hành nghề nghề thợ điện và dần dà “phấn đấu đi lên”: năm 1982 tốt nghiệp khoa kinh tế tại đại học Tajikistan (theo tiểu sử chính thức), năm 1987 được bầu làm chủ tịch nông trang tập thể, năm 1990 được bầu làn ủy viên Sô Viết tối cao Tajikistan, một cơ cấu tương tự quốc hội.

Cuối năm 1991 thì Liên Xô tan rã, Tadjikistan hoàn toàn độc lập và rơi vào cảnh xâu xé nội chiến. Chỉ một năm sau thì Rahmon đã ngoi lên vị trí thủ lĩnh của phe mạnh nhất và năm 1994 chính thức trở thành tổng thống, đến năm 1997 thì tiêu diệt toàn bộ các lực lượng đối kháng kháng trong cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm (1992 – 1997) khiến ít nhất 100,000 người thiệt mạng (dân số Tajikistan hiện tại là gần 9.6 triệu).

Nước ngoài đầu tiên mà Rahmon viếng thăm là Trung Quốc vào tháng 3 năm 1993, được Trung Quốc đón tiếp nồng nhiệt rồi sau đó bị dụ hay bị ép phải ký vào tuyên bố theo đó hai nước sẽ “tiếp tục thảo luận các vấn đề biên giới còn vướng mắc”.

 Mới đầu năm nay thì Rahmon là một trong những số lãnh tụ theo đuôi tuyên bố ủng hộ đạo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc tại Hồng Kông.

Quan hệ Nguyệt – Trung

Trung Quốc từng bị Hung Nô đánh bại vào năm 200BC, phải chấp nhận quy phục, đầu tiên là gã công chúa cho vua Hung Nô và sau đó đều đặn cống nạp. Dẫu vậy, người Hung Nô vẫn thường xuyên tấn công biên giới để cướp bóc.

Đến thời Hán Vũ Đế, ông vua thứ bảy của nhà Hán, trị vì 29 năm từ 156 đến 87 BC, nhà Hán mới lấy lại ưu thế bằng cách cô lập Hung Nô, liên kết với các thế lực quân sự khác ở vùng Trung Á.

Năm 138 BC Hán Vũ Đế sai Trương Khiên (Zhang Qian) đi sư sang Tây vực để liên kết với người Nguyệt Chi để chống lại Hung Nô. Hán Vũ Đế nảy ra ý tưởng này sau khi một tù binh Hung Nô khai rằng vua Hung Nô từng chém đầu vua nước Nguyệt Chi rồi dùng đầu lâu làm đồ đựng rượu. Hán Vũ Đế tin rằng với mối thù này, người Nguyệt Chi sẽ liên kết với Hán và nhờ đó ông ta có thể uy hiếp Hung Nô theo thế hai gọng kềm.

Tuy nhiên trên đường phái bộ ngoại giao của Trương Khiên đã bị quân Hung Nô bắt đượ, Trương Khiên bị bán làm một nô lệ. Để tạo lòng tin, Trương Khiên đã hòa nhập vào xã hội Hung Nô, lấy một phụ nữ Hung Nô làm vợ, có với bà ta một đứa con. Mười năm sau Trương Khiên mới có thể trốn thoát, đưa vợ con và một tay chân tín cẩn tiếp tục cuộc hành trình đến xứ Nguyệt Chi. Nhưng vua nước này không muốn dây dưa với chuyện chiến chinh mà cũng không tin vào quan hệ đồng minh với nước Hán xa xôi. Sau một năm lưu trú tại đây, Trương Khiên hồi hương và trên đường trở về lại bị Hung Nô bắt, suýt bị xử tử nhưng sau được tha cho, chỉ giam lỏng. Một năm sau, 126 BC, Trương Khiên trở về diện khiến Hán Vũ Đế với một báo cáo chi tiết về tình hình vùng Tây Vực.

Trương Khiên đã vẽ lại bản đồ, mô tả tỉ mỉ những vùng đất đã đặt chân qua, từ vị trí địa lý đến phong tục tập quán, sản vật, hàng hóa và tiềm năng giao thương, tất cả trình bày trong cuốn Triều dã kim tài. Trong số những sản vật Trương Khiên đề cập, có một thứ mà Hán Vũ Đế đặc biệt chú ý là giống ngựa Hãn Huyết của người Nguyệt Chi: với giống ngựa này, kỵ binh Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trước kỵ binh Hung Nô. Sau đó, theo lệnh Hán Vũ Đế, Trương Khiên tiến hành thêm hai sứ mạng ngoại giao nữa về phía Tây và nhờ nắm vững tình hình, Hán Vũ Đế đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự và cuối cùng khiến Hung Nô phải thần phục và hằng năm nộp cống cho nhà Hán.

Cũng nhờ nắm vững tình hình, Hán Vũ Đế cũng tiến hành những chiến dịch mở rộng cương thổ tại vùng Trung Á và sau đó thiết lập một hệ thống giao thương rộng lớn tới tận khu vực Địa Trung Hải mà đời sau gọi là “Con đường tơ lụa” (Silk Road).

Món nợ thế kỷ 21

Đến cuối thế kỷ XVIII, dưới triều nhà Thanh, Trung Quốc đã phát triển đến giai đoạn cực thịnh. Với sức mạnh này Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ vùng Trung Á trong đó có vùng núi Pamir.

Nhưng sau đó Trung Quốc lâm vào tình trạng khủng hoảng và đến cuối thế kỷ thứ XIX, vùng đất này trở thành mục tiêu tranh giành của Nga, Anh, Trung Quốc và Afganistan.

Sau nhiều biến cố, Tadjikistan nằm vào quỹ đạo của Liên Sô và do đó bất cứ sự tranh giành nào với lãnh thổ của nước này cũng là một sự xâm phạm với Liên Sô, do đó vùng đất này được để yên.

Nhưng đến cuối năm 1991 thì Liên Xô tan rã và các nước “cộng hòa sô viết” vùng Trung Á như Kazhakhstan và Tajikistan đều sa vào khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị nên đã bám vào Trung Quốc.

Hầu như đã chuẩn bị sẵn, chỉ vài tuần của sự tan rã này thì ngày 4.1.1992 Trung Quốc công nhận quốc gia Tadjikistan độc lập và mau chóng thành lập tòa đại sứ.

Đầu tiên chính quyền Tadjikistan vẫn muốn dựa vào Nga nhưng Nga lúc này cũng đang bị khủng khoảng kinh tế nên mới nhìn vào Trung Quốc và vướng mắc duy nhất là giao thông khó khăn.

Tháng 12 năm 1996, hai nước ký một thỏa thuận về việc mở cửa thông thương “Kulma” trên biên giới giữa hai nước. Đồng thời Trung Quốc bắt dầy xây dựng một xa lộ lớn trên lãnh thổ của mình để có thể nối liền đến biên giới với Tadjikistan. Trung Quốc mất gần 8 năm để xây dựng tuyến đường này.

Năm 1999, Tadjikistan chấp nhận cắt 200 km2 đất tại thung lũng sông Markans ở khu vực ngã ba biên giới Trung Quốc- Tajikistan và Kyrgistan cho Trung Quốc. Đổi lại, năm 2000 Trung Quốc viện trợ Tadjikistan hơn 3 triệu Mỹ kim.

Tháng 5 năm 2002, Rakhmonov lại đến Bắc Kinh để kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và để ký hiệp định: “Về phân định biên giới và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”, – theo đó Tadjikistan đồng ý “giao” thêm cho Trung Quốc 1 1,158 km vuông thuộc sườn núi Sarikol và dây dưa mãi, đến năm 2011 quốc hội Tajikistan mới phê chuẩn để được Bắc Kinh xóa nợ.

Đến năm 2016 thì Tajikistan phải cho cho phép Trung Quốc mở một căn cứ quân sự tại đây nhưng Bắc Kinh vẫn còn thòm thèm, đòi nuốt thêm cả vùng núi Pamir.

Năm 2004, Trung Quốc đồng ý dành cho Tajikistan một khoản quân viện hơn 1 triệu Mỹ kim, bằng giá một chiếc xe tăng T-90 vào thời điểm đó.

Thoạt đầu vì nghèo, vì nội chiến và không thể giao thông, thương mại giữa hai bên không phát triểu. Tadjikistan chỉ bán sang Trung Quốc hai mặt hàng chủ yếu là bông và nhôm. Nhưng sau Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng con đường ở khu vực đèo Kulma năm 2004 khiến chi phí vận tải giữa hai nước giảm gần 3 lần và tình hình đã thay đổi đến chóng mặt.

Năm 2005, Tadjikistan ký với Trung Quốc một hợp đồng có giá trị hơn 1 tỷ Mỹ kim, theo đó trong vòng 10 năm phải mua của quần áo, hàng hóa, nông phẩm, vật liệu xây dựng, máy móc và các mặt hàng khác của Trung Quốc. Đổi lại, phía Trung Quốc cam kết xây dựng tại Tadjikistan các xí nghiệp chế biến và cơ sở hạ tầng mới cho các cửa hàng và các chợ.

Từ năm 2002 đến 2009, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 100 lần, chủ yếu từ việc nhập hàng từ Trung Quốc. Nếu trước đây Tadjikistan nhập bột mì của Nga và Kazakhstan, thì nay thị trường bột mì này bị Trung Quốc khống chế hoàn toàn.

Lúc này, khi tin tưởng rằng chính phủ Rakhmanov sẽ đứng vững, Trung Quốc càng phóng tay cho vay tiền. Năm 2006, Trung Quốc cho Tadjikistan vay trên 600 triệu Mỹ kim.

Nhìn bên ngoài, Trung Quốc cho Tadjikistan vay mà không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào nhưng thực tế các khoản tín dụng này chỉ nhằm đầu tư vào các mang tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc.

Năm 2016 giới tình báo Tây phuong cho biết Trung Quốc đã đưa quân sang trú đóng tại Tajikistan đã giám sát các lối vào của Hành lang Wakhan (Wakhan Corridor), là nơi mà 10 năm trước al-Zawahiri – phó tướng của bin Laden – chọn làm nơi trú ẩn tại đây. Lý do để ông trùm khủng bố này chọn khu vực này là do nó nằm gần biên giới Trung Quốc, do đó khỏi phải sợ Mỹ oanh tạc vì dễ oanh tạc nhầm qua Trung Quốc.

Tuy nhiên chính phủ Tajikistan phủ nhận chuyện này.

Hiện tại, với dự án “Vành đai và Con đường” Trung Quốc còn ráo riết áp dụng chính sách ngoại giao bẫy nợ tại hai nước Trung Á. Tính đến năm 2016, phân nửa khoản nợ ngoại quốc của của Kyrgyzstan (1.4 tỉ USD) và Tajikistan (1.1 tỉ USD) là từ Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc. Dồn hai nước này vào tình trạng phá sản, Trung Quốc buộc hai con nợ nhượng lại các mỏ và đất nông nghiệp và phân định lại biên giới.

Related posts