Trung Quốc xây dựng cứ địa tên lửa đất đối không ở vùng tranh chấp biên giới Ấn-Trung-Nepal

Hương Thảo

Trung Quốc xây dựng cứ địa tên lửa đất đối không ở vùng tranh chấp biên giới Ấn-Trung-Nepal
(Ảnh: Reuters)

Những con đường mới được xây dựng và những túp lều đáng ngờ màu đỏ được dựng lên tại khu vực hồ Mansarovar, nằm gần ngã ba ba nước Ấn Độ-Nepal-Trung Quốc trên dãy Himalaya.

Theo The Print ngày 20/8, quân đội Trung Quốc đang xây dựng một địa điểm đặt tên lửa đất đối không, bên cạnh các cơ sở hạ tầng khác trên bờ hồ Mansarovar ở khu vực ngã ba Ấn Độ-Nepal-Trung Quốc gần đèo Lipulekh, các ảnh chụp vệ tinh mới cho biết.

Hình ảnh được chia sẻ bởi một nhà phân tích cảnh chụp vệ tinh ẩn danh   @detresfa_ trên Twitter, cho thấy một ngôi làng trong đó có những con đường mới xây và các túp lều màu đỏ đáng ngờ được dựng lên để làm chỗ trú ẩn. 

Ảnh chụp vệ tinh đăng bởi nhà phân tích ẩn danh @detresfa (ảnh chụp màn hình Twitter).

Hình ảnh cũng cho thấy một địa điểm đặt trạm phóng tên lửa đất đối không (SAM) bên bờ hồ Mansarovar, nơi được coi là thánh địa trong Ấn Độ giáo. Tờ Hindustan Times cho biết Trung Quốc đã điều động một tiểu đoàn binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân đến gần đèo Lipulekh ở bang Uttarakhand.

Một báo cáo của hãng thông tấn ANI hồi tháng 6 cho biết các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã triển khai hệ thống phòng thủ SAM phản ứng nhanh tiên tiến của họ ở phía đông Ladakh.

Khu vực ngã ba đã bị sa vào tranh chấp kể từ khi Ấn Độ khánh thành một con đường mới vào tháng 5, gọi là ‘đường Kailash-Mansarovar Yatra’, gần như vươn lên đến đèo Lipulekh ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, cao hơn mực nước biển hơn 5.000m. Người Nepal đã giận dữ đáp trả bằng cách phát hành một bản đồ hành chính mới cho thấy các khu vực Kalapani, Lipulekh và Limpiyadhura – đối tượng của tranh chấp biên giới Ấn Độ-Nepal – là một phần lãnh thổ nước này. 

Thu hẹp khoảng cách với các mối đe dọa từ trên không

Phát biểu với The Print, nhà phân tích ẩn danh @destresfa cho biết địa điểm đặt SAM là một phát hiện quan trọng, vì nó cho thấy Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách đối với bất kỳ mối đe dọa từ trên không nào trong khu vực.

“Dữ liệu không gian địa lý thu thập trong vài tháng qua cho thấy việc xây dựng một địa điểm SAM, cùng khả năng đồn trú quân tại khu vực gần đó,” nhà phân tích cho biết, đồng thời nói thêm rằng sự phát triển này cách đường biên giới quốc tế khoảng 100 km.

Nhà phân tích này cho biết các khu vực khác nơi đặt trạm phóng SAM đã được ghi nhận bao gồm Quận Rutog (gần Pangong Tso), sân bay Ngari Gunsa, sân bay Xigaze, sân bay Lhasa Gonggar và sân bay Nyingchi, tất cả đều nằm ở Tây Tạng.

Các nguồn tin quốc phòng cho biết, thông thường, SAM được dùng để bảo vệ các khu vực hoặc địa điểm trọng yếu. Đối với động thái của Trung Quốc trong việc thiết lập các hệ thống phòng thủ này chống lại một kẻ thù trên không, hiện chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng, nguồn tin này cho biết.

Các báo cáo cho thấy Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAAF) nắm giữ một trong những kho dự trữ lớn nhất thế giới các hệ thống SAM tầm xa tiên tiến được tích hợp vào các trạm SA-20 nhập khẩu từ Nga và các trạm CSA-9 (HQ-9) sản xuất trong nước.

Tờ The Print trước đó có đưa tin về các ảnh chụp vệ tinh của Ấn Độ cũng như những bức ảnh được thu thập từ các quốc gia đồng minh cho thấy sự quy tụ dày đặc quân đội Trung Quốc ở Khu tự trị Tây Tạng và việc sử dụng các đường hầm làm kho tích trữ thiết bị vũ trang.

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy ngoại trừ một số địa điểm phía trước ở Thung lũng Galwan, Suối nước nóng và Pangong Tso, sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Ladakh đã tăng lên đáng kể kể từ tháng 5, khi nhiều thiết bị và công trình phòng thủ như các hào và ụ nổi được triển khai tại các tiền đồn hiện có. 

Trao đổi với ThePrint, các chuyên gia cho biết các hình ảnh vệ tinh có thể hé lộ một quá trình xây dựng thực tại hoặc thậm chí gây ấn tượng để dọa nạt.

Sự bế tắc

Ấn Độ và Trung Quốc đã bùng phát tranh chấp tại Đường Kiểm soát Thực tế LAC ở phía đông Ladakh, thúc giục hai bên tăng cường xây dựng quân đội dọc LAC. Bất chấp các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự giữa hai bên, tình hình đã rơi vào bế tắc, khi quân đội Ấn Độ đang phải chuẩn bị cho một chiến dịch kéo dài qua nhiều mùa đông.

Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tổ chức một vòng đàm phán khác vào thứ Năm theo Cơ chế làm việc về Tham vấn và Điều phối (WMCC) xoay quanh các vấn đề biên giới để giải quyết bế tắc.

Related posts