Tập trận RIMPAC 2020 thực hiện các tình huống giả định về Trung Quốc

  • Gia Huy

Cuộc tập trận hàng hải quốc tế vành đai Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (RIMPAC 2020) đã bắt đầu vào hôm thứ Hai (17/8), bao gồm chủ yếu đồng minh thân cận của Mỹ và không có mặt Trung Quốc. 

Là cuộc tập trận trên biển lớn nhất trên thế giới được tổ chức mỗi 2 năm, RIMPAC dự kiến sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 8 tại vùng biển gần Hawaii. Cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của 10 nước, 22 tàu, một tàu ngầm với 5.300 người, giảm đáng kể so với quy mô của phiên bản năm 2018 với 25 nước tham gia.

Các chuyên gia cho rằng đại dịch cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt rõ ràng về thành phần khách mời và động lực của cuộc tập trận 2020.

Phó tư lệnh Hạm đội 3 Scott Conn cho biết trong một buổi họp báo phát trực tiếp rằng cuộc tập trận năm nay “sẽ tập trung duy nhất vào đối kháng trên biển” do đại dịch virus corona.

“Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra, nhưng thế giới không dừng lại. Nhu cầu về một dòng chảy thương mại tự do trên khắp đại dương cũng không dừng lại. Sự thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc vào điều này và chúng ta cần phải tiếp tục bảo vệ nó,” ông Conn nói.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục leo thang. Hôm thứ 2 (17/8) Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo những hạn chế mới đối với công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei Technologies. Đây là hành động mới nhất trong một chuỗi các đối đầu từ thương mại, quân sự đến ngoại giao của Washington và Bắc Kinh, từ việc đóng cửa lãnh sự quán, trừng phạt các quan chức, các cuộc tập trận bắn đạn thật cho đến các biện pháp nhắm vào các công ty.

Trung Quốc đã tham gia RIMPAC lần đầu tiên vào năm 2014 và tiếp tục tham gia vào năm 2016. Ban đầu, Bắc Kinh cũng đã được mời tham gia vào năm 2018 nhưng sau đó đã bị loại do nước này xây dựng các cơ sở quân sự tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Không chỉ loại bỏ việc tham gia của Trung Quốc một lần nữa vào năm nay, mà chính RIMPAC 2020 đã trở thành một sân khấu để hải quân Thái Bình Dương thực hiện mô phỏng các tình huống giả định về Trung Quốc.

Danh sách khách mời năm nay chủ yếu bao gồm một nhóm các đối tác quốc phòng và đồng minh cốt lõi của Hoa Kỳ như Úc, Brunei, Canada, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Philippines, Singapore và Hàn Quốc. Đây là những nước mà Washington cần liên kết để đối phó với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corp. đặt tại California cho biết “Washington đang gửi một thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc vì sự gây hấn ngày càng tăng của họ tại Biển Đông và tại các nơi khác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”

RIMPAC, ban đầu được lên lên kế hoạch vào đầu mùa hè, hiện đang diễn ra trong bối cảnh Washington đã bộc lộ quan điểm rõ ràng của họ đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào tháng 7 đã bác bỏ thẳng thừng các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông. Quan điểm này được Úc, một đồng minh khu vực của Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ. Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Nhật Bản đang tập trung theo dõi để ngăn chặn các cuộc xâm nhập liên tục của Trung Quốc vào vùng biển xung quanh Quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tên gọi là Điếu Ngư.

Ông Sudarshan Shrikhande, chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc tình báo hải quân Ấn Độ cho biết những yêu sách mờ hồ và những tranh đoạt ngang ngược của Trung Quốc cũng như mức độ căng thẳng có lẽ chưa từng thấy kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên trong thập niên 1950 đã khiến khu vực  Ấn Độ – Thái Bình Dương trở thành một khu vực tranh chấp ngày càng tăng.

Ông cho biết thế giới cần phải xây dựng những diễn đàn phối hợp tốt hơn, thiết thực hơn để tạo ra áp lực ngoại giao, kinh tế , thông tin và quân sự (DIME) lên Trung Quốc. 

Đối với một số chuyên gia, bất chấp đại dịch, tầm quan trọng của ngoại giao quốc phòng và ảnh hưởng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ không hề giảm sút.

“Các nước đều nhìn thấy giá trị của việc tham gia tập trận chung với Hoa Kỳ, ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Các đối tác hải quân trên khắp thế giới của Hoa Kỳ, những nước sẵn sàng và có thể tham gia vào các cuộc tập trận như vậy trong những thời điểm đặc biệt như vậy, đều nhìn thấy cả giá trị thực tế và giá trị biểu tượng của các cuộc tập trận này,” bà Veerle Nouwens, giảng viên nghiên cứu của Viện Dịch vụ Hoàng gia đặt tại Luân Đôn, một tổ chức tư vấn chính phủ, cho biết.

Bà nói rằng nhiều quốc gia châu Á và các quốc gia khác đều nhìn thấy giá trị của các cuộc tập hàng hải này và đang tăng cường các quan hệ đối tác cũng như khả năng tương tác với nhau để đảm bảo quyền tự do hàng hải và cách cư xử hàng hải chuyên nghiệp trên biển.

Gia Huy (theo Nikkei)

Related posts