Bắc Kinh đang thay đổi thế giới bằng ‘bàn tay ẩn giấu’ như thế nào?

Hương Thảo

Bắc Kinh đang thay đổi thế giới bằng 'bàn tay ẩn giấu' như thế nào?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Reuters).

Tờ National Post của Canada hôm 4/8 đã cho đăng một trích đoạn từ cuốn sách của hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg. Trích đoạn đã cho thấy một ĐCSTQ thâm độc, bằng những chiêu thức tinh vi lực lượng này không chỉ đánh lừa được người dân Trung Quốc mà còn “ru ngủ” được cả phần còn lại của thế giới.

Tên đầy đủ của cuốn sách mà National Post trích đăng là “Bàn tay ẩn giấu: Vạch trần cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang định hình lại thế giới (Hidden Hand: How the Chinese Communist Party is reshaping the world)”. Tác giả thứ nhất của cuốn sách, Clive Hamilton là một học giả người Úc và là tác giả cuốn “Cuộc xâm lược thầm lặng”, một cuốn sách về tác động của Trung Quốc đối với Úc. Còn tác giả Mareike Ohlberg là thành viên cấp cao trong Chương trình Châu Á của Quỹ Marshall Đức.

Bìa cuốn sách “Bàn tay ẩn giấu: Vạch trần cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang định hình lại thế giới” (ảnh chụp màn hình/happyvalleyshop.com).

Tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg (H&O) cho rằng các giá trị nhân quyền phổ quát, việc thực hành dân chủ và pháp quyền đang phải đối mặt với những kẻ thù hung hiểm, và Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ là kẻ thù đáng sợ nhất. Chiến thuật gây ảnh hưởng và can thiệp của Bắc Kinh được lên kế hoạch tỉ mỉ và liều lĩnh, đồng thời ĐCSTQ rất biết cách lợi dụng nguồn lực kinh tế và sức mạnh công nghệ to lớn để phục vụ kế hoạch này.

Hai tác giả H&O đánh giá, các chiến dịch lật đổ thể chế và giới tinh hoa các nước phương Tây của Bắc Kinh đã thu về nhiều hơn cả những giới lãnh đạo Trung Quốc mong đợi.

“Các thể chế dân chủ và trật tự toàn cầu được xây dựng sau Thế chiến 2 đã cho thấy sự mong manh hơn kỳ vọng, khả năng dễ bị tổn thương trước các chiêu trò chính trị mới của [Bắc Kinh]. ĐCSTQ đang khai thác những điểm yếu của các hệ thống dân chủ để làm suy yếu chính nó, cho dù nhiều người phương Tây miễn cưỡng thừa nhận điều này”, hai tác giả H&O nói về sự nguy hiểm của ĐCSTQ trong cuốn sách của mình.

Một người đàn ông bị cảnh sát giam giữ trong cuộc biểu tình vào ngày 1/7 tại Hồng Kông, đánh dấu 23 năm ngày vùng đất này được chuyển giao cho Trung Quốc (ảnh chụp màn hình National Post dẫn qua Getty Images).

Kế tiếp, H&O lên án tội ác của ĐCSTQ: “Mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra tước đoạt đi quyền được sống yên ổn, không phải sợ hãi của tất cả mọi người. Nhiều người Trung Quốc sống ở phương Tây, cùng với người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, đã và đang là những đối tượng hàng đầu trong các chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ. Họ phải sống trong một trạng thái sợ hãi thường trực”.

“Bàn tay ẩn giấu” cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến ĐCSTQ thắng thế, đó là các thực thể quốc tế đã quá yếu đuối trước các chiêu trò gian manh và thói “côn đồ” của thế lực này. “Các chính phủ, tổ chức học thuật và nhà quản lý doanh nghiệp sợ bị trả đũa tài chính nếu họ làm phật ý Bắc Kinh”, trích đoạn nội dung cuốn sách. 

Cuốn sách của H&O cho rằng tất cả các nền dân chủ phương Tây đều bị tác động khi Bắc Kinh chỉ phải đối mặt với những phản ứng yếu ớt trước các hành vi sai trái của nó. Và vì thế, chính quyền Trung Quốc càng được thể thúc đẩy các chiến thuật cưỡng bức và đe dọa người dân của họ.

Cuốn sách cũng đã chỉ ra chiêu thức tinh vi nhất mà ĐCSTQ sử dụng để lừa dối người dân Trung Quốc và thế giới, qua đó không nhận diện được bản chất lưu manh và tà ác của thế lực này. “ĐCSTQ nỗ lực tuyên truyền ở Trung Quốc và nước ngoài rằng nó thay mặt cho tất cả người dân Trung Quốc. Nó nhấn mạnh rằng đối với người Trung Quốc, dù họ ở đâu, thì yêu nước chính là yêu đảng, và chỉ những người yêu đảng mới thực sự yêu nước. Nó tuyên bố rằng nó là của nhân dân, và vì thế bất kỳ lời chỉ trích nào nhắm vào đảng đều là đang nhắm thẳng vào nhân dân Trung Quốc”.

H&O cho hay, với “tuyệt chiêu” này, ĐCSTQ đã đánh lừa được hầu hết mọi người. “Thật đáng lo ngại khi thấy rất nhiều người phương Tây mắc phải mưu kế này, và gán cho những người chỉ trích các chính sách của ĐCSTQ là phân biệt chủng tộc hoặc có thành kiến với Trung Quốc. Khi làm như vậy, họ đã không bênh vực người Trung Quốc, mà đang đồng lõa với ĐCSTQ, làm câm lặng hoặc gạt đi tiếng nói của những người Trung Quốc bất đồng quan điểm với chính quyền, và những người thiểu số bị nó bức hại. [Và] tồi tệ nhất, họ đã trở thành những tác nhân tạo ra sức ảnh hưởng cho đảng này”.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đọc diễn văn nhậm chức tại Nhà khách Đài Bắc tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 20/5 năm 2020 (ảnh chụp màn hình National Post dẫn qua Reuters).

“Sự nhập nhằng giữa đảng, quốc gia và nhân dân dẫn đến đủ loại hiểu sai, đó là điều mà ĐCSTQ muốn. Một hậu quả là các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài bị một số người coi là kẻ thù, trong khi thực tế nhiều người trong số họ là những nạn nhân đau khổ nhất của ĐCSTQ. Họ là một trong số những người ở nước ngoài hiểu biết nhất về các hoạt động đen tối của ĐCSTQ”.

Trong cuốn sách của mình hai tác giả H&O nêu bật quan điểm: “Sự phân biệt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc rất quan trọng vì nó giúp người ta hiểu được cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Phương Tây không phải là “sự đụng độ giữa các nền văn minh”. Chúng ta không phải đang đối mặt với những “Nho gia” mà là một chế độ độc tài, một đảng chính trị theo chủ nghĩa Mác-Lê với một ủy ban trung ương, một bộ chính trị và một tổng bí thư”, và “Xung đột thực sự là giữa các giá trị [phổ quát] và các hành vi đàn áp của ĐCSTQ đối với các quyền tự do được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc, gồm tự do ngôn luận, hội họp, tôn giáo và tín ngưỡng; tự do không bị bức hại; quyền cá nhân, quyền riêng tư; và sự bình đẳng trước pháp luật. ĐCSTQ từ chối và tước đoạt những điều này, bằng lời nói hoặc hành động của nó”.

Hai tác giả H&O cho rằng “Những người sống gần [ĐCS] Trung Quốc hiểu điều này hơn nhiều so với hầu hết những người phương Tây. Chính sự hiểu biết này đã thúc đẩy các cuộc biểu tình gần đây ở Hồng Kông và tạo ra kết quả bầu cử vào tháng 1/2020 tại Đài Loan. Trong một cuộc bỏ phiếu gây chấn động, người dân Đài Loan đã sử dụng lá phiếu của mình để nói không với ĐCSTQ”.

H&O cũng đề cập tới thái độ của những phe cánh tả ở phương Tây đối với ĐCSTQ, theo hai tác giả của “Bàn Tay ẩn giấu”, những người thiên tả đã mù quáng khi cố gắng tìm lý do để thừa nhận bản chất của ĐCSTQ dưới thời Tập Cận Bình mà quên rằng chủ nghĩa toàn trị có hại như thế nào đối với nhân quyền.

“Bàn tay ẩn giấu” còn chỉ ra cái khó trong việc hóa giải sự nguy hiểm của ĐCSTQ, cuốn sách này cho rằng phương Tây hiện nay đang phải đối phó với một đối thủ nguy hiểm hơn Liên Xô trước kia nhiều lần, vì họ gần như không có quan hệ sâu rộng với Liên bang Xô viết trên hầu hết các lĩnh vực, nhưng với Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại.

Tuy nhiên, các nước phương Tây đang cho thấy họ đã nhìn rõ bản chất của ĐCSTQ. Trong bài phát biểu tại bảo tàng Richard Nixon hôm thứ Năm (23/7), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng mối hiểm họa từ chính quyền Trung Quốc đã lộ rõ và Mỹ đang thức tỉnh. Còn EU cũng ngày càng ‘tỉnh ngộ’ về Trung Quốc. Đây là những cơ sở khiến người ta tin rằng một ngày không xa “Bàn tay ẩn giấu” của Bắc Kinh sẽ bị khóa lại.

Related posts