Tin thế giới tối thứ Bảy

Trung Quốc lập hàng loạt tài khoản mạng xã hội ảo can thiệp bầu cử Mỹ

Ảnh: Pixabay, White House.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là mục tiêu tấn công trên mạng xã hội của một loạt tài khoản giả mạo có dính líu với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cơ quan điều tra Graphika hôm 12/8 đưa tin, các tài khoản giả mạo nằm trong mạng lưới có tên Spamouflage Dragon, chuyên đăng tải các video dự đoán Tổng thống Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 tới và ca ngợi các hoạt động của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Công nghệ mà mạng lưới này sử dụng được coi là tương đối tiên tiến vì nó sử dụng trí thông minh nhân tạo để tạo khuôn mặt giả và tạo ra ít nhất một video mỗi ngày.

“Có vẻ như mạng lưới đang cố gắng tạo ra một lượng lớn nội dung thân chính quyền ĐCSTQ, và sau đó dùng những nội dung khác để che giấu điều này”, BBC hồi tháng 5 dẫn lời ông Ben Nimmo, giám đốc nghiên cứu của Graphika.

“Đặc điểm nổi bật nhất của mạng Spamouflage Dragon là khả năng tự khôi phục của nó”, Graphika cho biết trong khi đề xuất các giả thuyết về lý do tại sao một số tài khoản Spamouflage Dragon, được mở từ năm 2019, vẫn chưa bị xóa vào thời điểm báo cáo hồi tháng 4.

“Một số tài khoản khác đã được tạo hồi đầu năm 2020, một số khác dường như đã được lấy và thu thập cho việc tung tin ủng hộ Trung Quốc”, Graphika cho biết thêm.

Bloomberg cũng đưa tin về các tài khoản như vậy. “Một loạt các tài khoản bot (được quản lý bởi trí tuệ nhân tạo) có liên quan đến một chiến dịch tuyên truyền nghi do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đang lan truyền thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội về virus corona và các vấn đề khác”.

Trong khi đó, ProPublica, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra việc lạm dụng quyền lực, đã theo dõi hơn 10.000 tài khoản Twitter bị cáo buộc không có thật và liên quan đến một chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ kể từ tháng 8/2019.

Các tài khoản “rô bốt” đã được các chuyên gia biết đến trong nhiều năm.

Theo DW, một cơ quan tình báo Đức đã báo cáo vào năm 2017 rằng cơ quan gián điệp của ĐCSTQ đã tạo hồ sơ giả trên nền tảng LinkedIn để can thiệp vào các nền tảng có ảnh hưởng về chính trị và tài chính.

Cơ quan tình báo Hoa Kỳ gần đây đã báo cáo ĐCSTQ, chính quyền Nga và Iran không muốn ông Trump tái đắc cử. Nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump nhằm bảo vệ lợi ích nước Mỹ.

Trung Quốc tăng gấp đôi máy bay chiến đấu ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ

Tiêm kích J-20 của Trung Quốc (ảnh: wikimedia).

Hình ảnh vệ tinh “cho thấy rằng có ít nhất một vài hoạt động bay, vì vậy những chiếc máy bay này không đậu ở đấy chỉ để trưng bày”, Rod Lee, giám đốc CASI nói với Michael Peck của Forbes.

Tính đến ngày 28/7, đã có 36 chiến đấu cơ và máy bay trực thăng Trung Quốc tập trung ở căn cứ không quân Hòa Điền (Hotan), thuộc khu tự trị Tân Cương, gần lãnh thổ tranh chấp Ladakh ở phía bắc Ấn Độ, theo ước tính của Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASI) trực thuộc đại học Hàng không Hoa Kỳ.

Trong số này có 24 tiêm kích J-11 hoặc J-16 Flanker là những kiểu máy bay dựa trên thiết kế của Nga. Cùng với sáu máy bay chiến đấu J-8 cũ hơn, hai máy bay vận tải Y-8G, hai máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-500, hai trực thăng Mi-17, cộng một số máy bay không người lái thám sát và chiến đấu CH-4.

Trước cuộc đụng độ biên giới hồi tháng 6 giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ khiến binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng, lực lượng không quân Trung Quốc chỉ có 12 chiếc Flanker và không có máy bay yểm trợ tại địa khu Hòa Điền.

Ước tính của CASI dựa trên các hình ảnh nguồn mở từ vệ tinh quan sát trái đất Sentinel-2 của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).

Nước sông Mekong thấp kỷ lục 2 năm liên tiếp, Mỹ kêu gọi Trung Quốc minh bạch

Đập thủy điện Trung Quốc gây hạn hạ lưu sông Mekong (ảnh: chụp màn hình video báo Tuổi trẻ).

Uỷ ban sông Mekong hôm thứ Sáu (14/8) kêu gọi kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, khi dòng nước ở sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ 2 liên tiếp, theo Reuters.

Báo cáo chỉ ra rằng, mực nước sông Mekong thấp kỷ lục là do lượng mưa giảm trong 2 năm và hoạt động của 13 đập thủy điện ở thượng nguồn bao gồm – 2 đập của Lào và 11 đập của Trung Quốc.

Do đó, Uỷ ban này kêu gọi 6 nước thành viên chia sẻ dữ liệu về hoạt động của các con đập và cơ sở hạ tầng nước một cách minh bạch và nhanh chóng.

Uỷ ban còn nhắm đến Trung Quốc khi nói rằng sẽ yêu cầu quốc gia này xả nước từ các đập và hồ chứa, nếu tình trạng hiện tại vẫn tiếp diễn.

Trước động thái này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14/8 cho biết trên twitter: “Hoa Kỳ ủng hộ lời kêu gọi của Ủy ban sông Mekong về sự minh bạch trong các hoạt động của các con đập trên sông Mekong.”

Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hành động một cách minh bạch và tham vấn với tất cả các nước Mekong, đặc biệt khi họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước thấp kỷ lục.”

Ấn Độ hỗ trợ nửa tỷ USD cho Maldives để tránh xa Trung Quốc

Hôm thứ Năm (13/8), Ấn Độ đã cam kết hỗ trợ 500 triệu USD để xây dựng cầu đường ở Maldives, một động thái nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, theo SCMP.

Maldives đã vay hàng tỷ USD từ Bắc Kinh và thuê các công ty Trung Quốc phụ trách nhiều dự án cơ sở hạ tầng dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Abdulla Yameen.

Điều này đã khiến Ấn Độ và phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách “bẫy” các quốc gia ở châu Á cũng như ở các nơi khác bằng các khoản nợ không bền vững, trong khi tìm cách bành trướng ảnh hưởng của mình.  

Dưới thời chính phủ mới của Maldives, Ấn Độ đã tìm cách giành lại ảnh hưởng tại quốc gia quần đảo có 340.000 dân và 1.192 hòn đảo nằm trên các tuyến vận tải lớn Đông Tây này.

Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết khoản đầu tư mới được công bố đưa tổng chi phí cam kết của Ấn Độ tại Maldives lên hơn 2 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih lên nắm quyền.

Ngoại trưởng Maldives Abdulla Shahid nói rằng số tiền mới này là một phần của gói tài chính để xây dựng các cây cầu và đường trên cao nối thủ đô Male với ba đảo nhỏ lân cận.

“Sau khi hoàn thành, dự án sẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở Maldives,” ông Shahid cho biết trong một tuyên bố, cho biết thêm rằng những cây cầu này sẽ dài gấp 3 lần so với “Cầu Hữu nghị Trung Quốc-Maldives” trị giá 200 triệu USD được hoàn thành dưới thời ông Yameen bằng các khoản vay của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Shahid cũng cho biết trong cuộc hội đàm hôm thứ Năm (13/8), người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã cam kết hỗ trợ thêm Maldives 250 triệu USD để phòng chống đại dịch COVID-19.

Tính đến ngày 15/8, Maldives đã có hơn 5.500 ca nhiễm virus corona và 22 người đã tử vong, theo worldometers. Đại dịch cũng khiến ngành du lịch của Maldives gặp nhiều khó khăn. Đây là ngành chính của đất nước nghìn đảo, vốn đóng góp trực tiếp khoảng hơn 30% GDP và đóng góp gián tiếp (nếu tính đến các lĩnh vực gián tiếp liên quan đến du lịch) tới 70% GDP, chiếm 1/5 tổng việc làm và 70% thu nhập ngoại hối.

Hội đồng Bảo an bác nghị quyết của Mỹ về gia hạn cấm vận vũ khí Iran

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu (14/8) đã bác nghị quyết của Mỹ nhằm gia hạn một lệnh cấm vận vũ khí Iran kéo dài 13 năm và sẽ hết hạn vào tháng Mười.

Nghị quyết ngắn của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí Iran “cho đến khi Hội đồng Bảo an quyết định khác” chỉ tập hợp được 2 phiếu ủng hộ trong Hội đồng Bảo an gồm Mỹ và Cộng hòa Dominica. Trong khi, nghị quyết này cần phải nhận được tối thiểu 9 phiếu ủng hộ và không bị 1 trong 5 thành viên thường trực phủ quyết.

Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phản đối mà chưa cần phải sử dụng đến quyền phủ quyết, trong khi các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng.

Lệnh cấm vận vũ khí Iran sẽ hết hạn vào ngày 18/10 là một phần trong thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Mỹ thời gian qua đã rất nỗ lực đẩy mạnh hoạt động ngoại giao để vận động các đồng minh đồng ý gia hạn lệnh cấm vũ khí Iran. Washington cảnh báo rằng việc lệnh cấm này hết hạn sẽ tạo điều kiện cho Iran tiếp cận vũ khí, gây mất ổn định khu vực và bán vũ khí cho các quốc gia như Yemen, Venezuela và Syria.

Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng lệnh cấm vận hết hạn sẽ cho phép Iran mua chiến đấu cơ, trực thăng tấn công, xe tăng, tàu ngầm và tên lửa có tầm xa tới 300km.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo phát đi tuyên bố sau phiên bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an, cho hay “Hội đồng hôm nay đã không thể duy trì được bộ sứ mệnh cơ bản của mình”.

[Hội đồng] đã bác nghị quyết hợp lệ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran và lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua đã mở đường cho nhà nước tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới được mua và bán vũ khí thông thường mà không chịu các hạn chế đặc biệt của Liên Hiệp Quốc. Sự thất bại của Hội đồng Bảo an trong việc hành động quyết đoán về bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế là điều không thể bào chữa được”, ông Pompeo nói.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft cho biết Mỹ “thất vọng nhưng không ngạc nhiên khi đa số áp đảo thành viên Hội đồng đã bật đèn xanh cho Iran được mua và bán tất cả các loại vũ khí thông thường”.

Sự thất bại [của Hội đồng Bảo an]  trong việc đảm trách thách thức đạo đức này đã xác định tính hợp lệ cho nhà nước tài trợ khủng bố số một thế giới, và [họ làm vậy] chỉ để giữ thể diện và bảo vệ một thỏa thuận chính trị thất bại được thực hiện bên ngoài Hội đồng”, bà Kelly Craft nói và nhấn mạnh thêm rằng thất bại trong việc thông qua nghị quyết gia hạn lệnh cấm vũ khí Iran “cho thấy rõ ràng tình trạng bất lực và không hành động của Hội đồng trong việc đối mặt với các mối đe dọa đang gia tăng”.

Ngoại trưởng Pompeo nói rằng một số quốc gia Ả Rập cũng như Israel đã ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí Iran. Nhưng một số nhà ngoại giao lo ngại rằng nếu lệnh cấm này được gia hạn sẽ khiến Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 vốn đã rất mong manh từ khi Mỹ rút lui vào năm 2018.

Quyền Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Jonathan Allen cho biết mặc dù Anh đã bày tỏ quan ngại về hành vi gây mất ổn định của Iran trong khu vực, nhưng Anh vẫn bỏ phiếu trắng “bởi vì rõ ràng [nghị quyết] sẽ không thu hút được sự ủng hộ của Hội đồng và sẽ không là cơ sở để đạt được sự đồng thuận” và theo đó sẽ không đóng góp cho sự ổn định khu vực.

Dù vậy, chúng tôi sẵn sàng sát cánh cùng các thành viên Hội đồng Bảo an và các bên tham gia JCPOA để tìm hướng đi có thể đảm bảo nhận được sự ủng hộ của Hội đồng”, ông Jonathan Allen nói.

Trong một tuyên bố dài gửi Hội đồng Bảo an, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht Ravanchi đã cáo buộc Mỹ tạo ra “cuộc khủng hoảng tự chế về chương trình hạt nhân Iran” và cho rằng Washington hiện “đang tự tạo ra một cuộc khủng hoảng mới dưới danh nghĩa được gọi là ‘phổ biến vũ khí’’’.

Sau khi bị Hội đồng Bảo an bác nghị quyết, Mỹ nói rõ ràng không úp mở rằng họ có ý định sử dụng các cách khác để gia hạn lệnh cấm vận vũ khí Iran và họ có thể thực hiện sớm ngay tuần tới.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft cho biết Mỹ sẽ “sử dụng mọi công cụ trong bộ công cụ của mình” để cấm vận vũ khí Iran.

Những triệu chứng này sẽ xuất hiện đầu tiên khi nhiễm Covid

Điểm tin thế giới sáng 15/8: Những triệu chứng này sẽ xuất hiện đầu tiên khi nhiễm Covid; Mỹ và Israel gần đạt thỏa thuận loại trừ Huawei
Ảnh từ Flickr, Reuters.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Nam California trên tạp chí Frontiers in Public Health hôm thứ Năm, khi một người nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, các dấu hiệu sớm nhất của bệnh có thể lần lượt là: sốt, sau đó là ho và đau cơ, sau đó là cảm giác buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Nghiên cứu sinh kiêm trưởng nhóm nghiên cứu Joseph Larsen cho biết: ” “Thứ tự các triệu chứng bệnh rất quan trọng vì có nhiều loại bệnh khác như cúm có triệu chứng giống với Covid-19” nhưng lại có thứ tự xuất hiện khác nhau.

Phát hiện mới nhất này được coi là một bước ngoặt trong việc nghiên cứu Covid-19, vì khi đó có thể nhận biết bệnh nhanh hơn và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Chẩn đoán sớm là chìa khóa để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trở xấu. Ngoài ra, việc phát hiện sớm tình trạng bệnh có thể làm giảm thời gian nằm viện.

Mỹ và Israel gần đạt thỏa thuận loại trừ Huawei 

Một quan chức Mỹ cho biết hôm thứ Sáu (14/8) rằng Israel và Mỹ sắp đạt thỏa thuận trong đó Israel cam kết sẽ không sử dụng công nghệ Trung Quốc trong mạng lưới 5G của nước này, do đó ngăn cản sự tham gia mạng 5G của Huawei tại Israel.

Quan chức này nói với Reuters rằng Israel và Mỹ có thể sẽ ký một biên bản ghi nhớ về vấn đề này “trong vòng vài tuần”, xác nhận những tiết lộ trước đó của tờ Jerusalem Post.

Trước đó, tờ Jerusalem Post đã dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Mỹ lạc quan “Israel sẽ … chỉ chọn các nhà cung cấp đáng tin cậy trong việc kiến lập mạng 5G của mình”.

Washington cáo buộc Huawei là công cụ gián điệp của ĐCSTQ và thiết bị của nó có thể bị ĐCSTQ sử dụng để thực hiện các hoạt động gián điệp. Do đó, các quan chức Mỹ đã kêu gọi các đồng minh và đối tác loại trừ việc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G.

Google sẽ không trả lời yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ chính quyền Hồng Kông 

Tờ Washington Post đưa tin hôm thứ Sáu (14/8) rằng Google sẽ ngừng trả lời trực tiếp các yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ chính quyền Hồng Kông, theo sau việc ban hành luật an ninh quốc gia mới. Điều này có nghĩa là tập đoàn công nghệ này sẽ đối xử bình đẳng với Hồng Kông và Trung Quốc trong vấn đề này. 

Alphabet Inc – công ty mẹ của Google – tuyên bố rằng kể từ khi luật An ninh Quốc gia mới có hiệu lực hồi cuối tháng 6, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã không tạo ra bất kỳ dữ liệu nào và đã không trực tiếp phản hồi các yêu cầu cung cấp dữ liệu sau đó. Đây là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên công bố quyết định này.

“Như trước đây, giới chức trách bên ngoài Mỹ có thể tìm kiếm dữ liệu cần thiết cho các cuộc điều tra tội phạm thông qua các biện pháp ngoại giao”, Google cho biết trong một e-mail. Công ty này xem xét tất cả các yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng và từ chối các “yêu cầu cung cấp dữ liệu rộng” để bảo vệ quyền riêng tư người dùng.

Tờ Washington Post đưa tin Google đã thông báo cho cảnh sát Hồng Kông hôm thứ Năm (13/8) rằng họ sẽ hướng dẫn các quan chức tìm kiếm các yêu cầu cung cấp dữ liệu đến Hiệp ước Tương trợ Tư pháp đã ký với Mỹ, tức là các yêu cầu này sẽ phải thông qua Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Iran bán trái phép dầu thô cho Venezuela

Hãng tin Fox News cho hay, Các quan chức cấp cao Hoa Kỳ xác nhận hôm thứ Năm rằng phía Mỹ đã bắt giữ 4 tàu chở dầu của Iran đang trên đường đến Venezuela, nhằm chặn phá một nguồn cung dầu then chốt cho Tehran và Caracas khi hai nước này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Iran và Venezuela đang cố gắng loại bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách thiết lập quan hệ đối tác dầu mỏ. Lô dầu mỏ bị tịch thu đã trực tiếp vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan của Hoa Kỳ.

Tất cả các lô dầu mỏ trên 4 con tàu này đều được thu xếp bởi một doanh nhân ở Anh, có mối liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), một nhánh của lực lượng vũ trang Iran.

Chính phủ Mỹ đã chỉ định Lực lượng Vệ binh Cách mạng là một tổ chức khủng bố, và lô dầu thô Iran bán cho Venezuela sẽ hỗ trợ tài chính cho hoạt động vũ trang của lực lượng này.

Belarus trấn áp người biểu tình, EU áp đặt các lệnh trừng phạt mới

Chủ nhật tuần trước (ngày 9/8), cuộc bầu cử ở Belarus đã bị chỉ trích vì gian lận. Do đó, liên minh châu Âu EU hôm thứ Sáu (14/8) thông báo rằng họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus và chỉ thị cho bộ phận chính sách đối ngoại chuẩn bị một danh sách đen gồm những người phải chịu trách nhiệm cho việc này, theo Reuters.

Tổng thống Belarus ông Alexander Lukashenko hôm thứ Hai (10/8) tuyên bố cuộc bầu cử đã thắng lợi vang dội. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã nổ ra chỉ trích nạn gian lận bầu cử. Các cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra giữa người dân và cảnh sát.

Theo các nguồn tin ngoại giao cho biết, EU sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus theo hình thức cấm thị thực và phong tỏa tài sản của những người bị trừng phạt tại EU, lệnh cấm có thể sẽ được hoàn tất ngay sau cuối tháng này.

EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus lần đầu tiên vào năm 2004. Năm 2011, EU đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì vi phạm nhân quyền và các tiêu chuẩn dân chủ, bao gồm việc thao túng kết quả bầu cử. Nhưng sau khi Tổng thống Lukashenko thả một số tù nhân chính trị vào năm 2016, nhiều lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ.

Related posts