Lệnh cấm WeChat có thể ảnh hưởng đến doanh số iPhone ở Trung Quốc?

  • Lê Xuân

Theo một số nhà phân tích, quyết định của Washington cấm ứng dụng WeChat có thể đe dọa tới doanh số bán iPhone của hãng Apple trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc khi người dùng nước này bị buộc phải lựa chọn giữa iPhone và ứng dụng yêu thích của họ.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp cấm WeChat từ ngày 20/9 với lý do ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent Holdings là “một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.” TikTok, ứng dụng video trực tuyến do ByteDance của Trung Quốc sở hữu cũng chịu chung số phận.

Apple là hãng sản xuất điện thoại thông minh phương Tây duy nhất chinh phục được thị trường Trung Quốc với khoảng gần 20% doanh thu kiếm được từ đây. Hãng phân tích Canalys ước tính Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai thế giới của Apple chỉ sau Mỹ. 

Trong khi phạm vi cụ thể của lệnh cấm WeChat vẫn còn được xem xét, một số người dùng iPhone ở Trung Quốc đã quyết định xem họ sẽ chọn bên nào nếu bị ép buộc.

Anh Chen Xixiang, một người dùng iPhone ở thành phố Trùng Khánh, nói với tờ Nikkei rằng nếu Apple loại bỏ WeChat khỏi Kho ứng dụng của mình, anh sẽ chuyển sang Huawei.

“Có WeChat là điều bắt buộc ở Trung Quốc. WeChat được sử dụng bởi 1,1 tỷ người – chủ yếu ở Trung Quốc – và các chức năng của nó không chỉ đơn thuần là trò chuyện. Ứng dụng này cung cấp các dịch vụ khác nhau, từ thanh toán hóa đơn đến gọi taxi và thậm chí đổi đồ cũ.”

“WeChat là một phần quan trọng trong cuộc sống của người Trung Quốc”, anh Chen khẳng định.

Hãng tin địa phương Phoenix Weekly cũng đã tạo ra một cuộc thăm dò trực tuyến với câu hỏi: “Nếu một ngày Weixin [tên tiếng Trung của WeChat] không còn được cài đặt trên iPhone, bạn sẽ đổi điện thoại hay sẽ dừng sử dụng Weixin?” 

Trong số 88.000 người tham gia được khảo sát tính đến thứ Ba (11/8), gần 80.000 người trong số họ nói rằng họ sẽ chọn ứng dụng nhắn tin, trong khi chưa đến 6.000 người nói rằng họ sẽ gắn bó với iPhone của mình.

Trong một cuộc thăm dò khác trên Weibo, hơn 1,2 triệu trong số tổng cộng 1,3 triệu người tham gia bình chọn cho biết rằng họ sẽ mua điện thoại mới, theo SCMP.

Mặc dù các cuộc thăm dò không đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, nhưng xu thế nghiêng hẳn về WeChat là có thật. Không chỉ là một ứng dụng nhắn tin, WeChat còn là một trong hai ứng dụng thanh toán di động lớn nhất Trung Quốc, chiếm gần 40% trong số 8,4 nghìn tỷ USD giao dịch thanh toán di động chỉ trong quý cuối cùng của năm 2019.

Theo SCMP, WeChat cũng là nơi người Trung Quốc đọc tin tức và theo dõi các blogger yêu thích của họ. Người dùng còn có thể đặt taxi, đồ ăn, mua sắm, thanh toán hóa đơn cùng nhiều hoạt động khác. 

Ngoài ra, WeChat cũng rất quan trọng đối với cộng đồng người Trung Quốc hải ngoại vì ứng dụng này không bị chặn ở Trung Quốc, trở thành công cụ phổ biến để người Hoa ở nước ngoài giữ kết nối với gia đình và bạn bè của họ tại Đại lục. Trong khi đó, một số app khác như Facebook, WhatsApp, Telegram và Line đều bị chặn. 

Tuy nhiên, lệnh hành pháp được ban hành vào thứ Sáu không nêu rõ liệu lệnh cấm có bao gồm các dịch vụ liên quan đến WeChat được cung cấp bởi các công ty Mỹ bên ngoài Hoa Kỳ hay không.

Trong khi một số người tin rằng lệnh hành pháp đối với Tencent chỉ tập trung vào việc sử dụng WeChat tại thị trường Mỹ, thì cũng có những ý kiến diễn giải rằng lệnh này sẽ buộc Apple phải gỡ WeChat khỏi App Store của mình trên toàn thế giới.

Nếu điều thứ hai xảy ra, tác động đối với Apple có thể rất lớn. Theo một ước tính, doanh thu iPhone toàn cầu có thể giảm từ 25 đến 30% trong năm nay, theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities.

Ông Kuo cũng cảnh báo rằng các sản phẩm khác của Apple cũng có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của WeChat. Nếu Apple xóa ứng dụng WeChat trên toàn cầu, thì doanh số của AirPods, iPad, MacBook và Apple Watch có thể giảm từ 15 đến 25%. 

Nhưng nếu ứng dụng chỉ bị xóa khỏi App Store ở Mỹ, doanh thu của những sản phẩm này có thể chỉ giảm ít hơn 3%.

Bộ Thương mại Mỹ sẽ có 45 ngày để giải thích phạm vi của lệnh cấm và cách thức thực thi lệnh cấm.

Lê Xuân (tổng hợp)

Related posts