Ca sĩ Họa Mi : Buồn thương một khối tình dài

Họa Mi kể: “Tôi đến với anh ấy năm tôi 20 tuổi. Có thể nói tôi đối với anh, tình thương nặng hơn tình yêu. Ban đầu là tình thương, sau đó tình yêu nảy nở dần trong quá trình chung sống… Anh tốt, hiền và hiếu thảo, điều đó đã làm tôi cảm động. Anh là con út trong một gia đình đông con, 15 tuổi anh đã đi làm kiếm tiền phụ thêm với cha mẹ. Còn tôi 11 tuổi mất cha, 18 tuổi mất mẹ, muốn có cha mẹ để phụng dưỡng thì cũng không còn, cho nên thấy anh Quốc sống hiếu nghĩa tôi rất ngưỡng mộ. Chúng tôi quen nhau 6 tháng thì làm đám cưới… Lúc chưa cưới, tôi cũng đã biết anh Quốc có bệnh về mắt (gọi là hẹp thị trường). Nếu một người bình thường nhìn được 360 độ thì anh chỉ nhìn được 30 độ nhưng lúc đó tôi luôn nuôi hy vọng là mắt anh sẽ được chữa khỏi…”.

Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi rất nghèo mà không hiểu sao vẫn nôn làm đám cưới. Tôi bán chiếc tủ buffet được 100 đồng. Họa Mi dành dụm được 100 đồng. Chị Kim Cương tặng 200 đồng. Bà con hai họ cho thêm 200 đồng. Với số tiền đó, chúng tôi tổ chức đám tại nhà gồm 2 mâm. Mâm trong nhà dành cho quý bà lớn tuổi. Mâm ngoài sân thì dành cho quý ông cao niên. Còn tụi trẻ chúng tôi chỉ đứng trò chuyện và chụp hình. Buổi chiều chúng tôi lên nhà chị Kim Cương. Chị nấu món cà ri dê ăn với cơm trắng để đãi toàn bộ anh em nghệ sĩ trong đoàn kịch Kim Cương”.

Một năm sau đám cưới, đời sống kinh tế của vợ chồng Lê Tấn Quốc và Họa Mi vô cùng khó khăn khi họ có con đầu lòng. Rồi lần lượt thêm hai cháu. Sự thiếu thốn về tiền bạc khiến cho cả ba đứa con họ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng và lao phổi. Nhiều đêm mưa bất chợt đổ xuống khiến nhà dột ngập nước, vợ chồng họ phải bồng con sang chỗ khô còn hai người thì trân mình chịu ướt chờ mưa tạnh. Lúc đó, họ nhìn nhau mà rơi nước mắt cho cảnh nghệ sĩ nghèo khổ và túng thiếu.

Sau này, khi hai người đã ly dị, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc nói về vợ cũ như sau: “Cô ấy là một hình ảnh khó phai trong tôi, dù khốn khó thế nào cũng một lòng một dạ lo cho chồng con. Ngôi nhà tôi đang ở là của nhà nước cấp cho Họa Mi. Những người hàng xóm vẫn nhớ hình ảnh cô ấy mặc chiếc áo rách, chiếc quần bạc màu bồng con đi dọc xóm hoặc đội chiếc nón lá tả tơi đi chợ… Rồi thời “ngăn sông, cấm chợ” cô ấy phải nhảy tàu đi hát (hồi đó ca sĩ chỉ được hát ở một tụ điểm trong thành phố), để đứa con dưới sàn tàu, cô ấy thức quạt cho con ngủ, tối lại phải lên sân khấu. Về nhà, cô bưng tô cơm nguội, canh đã nguội tanh để ăn. Đi lưu diễn ở nước ngoài, hành lý mang về là những thứ mua cho chồng, cho con còn cô ấy chẳng có thứ gì… Cô ấy đã sống hết mình cho chồng con…”.

Không chỉ có gánh nặng cơm áo, gia đình đè nặng lên đôi vai mảnh mai ấy mà trong tận thẳm sâu tâm hồn Họa Mi còn canh cánh một nỗi lo kinh hoàng, cứ ám ảnh cô mãi không thôi. Đó là khi cô nghe các bác sĩ nói bệnh mắt của chồng mình có yếu tố “di truyền”. Hằng năm cô phải đưa cả 3 đứa con đi khám, kiểm tra mắt. Ròng rã suốt 12 năm như thế, cho đến khi đưa con út vượt qua ngưỡng tuổi 18 (là mức thời gian đã không còn chịu ảnh hưởng di truyền), cô mới thực sự thở phào…

Từ năm 1982, Lê Tấn Quốc về chơi nhạc cho Hội Văn nghệ TP.HCM. Anh bắt đầu độc tấu kèn saxophone. Tiếng kèn của anh ngày một điêu luyện và tên anh cũng trở nên quen thuộc với giới yêu nhạc trong cả nước. Trong giai đoạn này, lãnh đạo Saigon cũng đã tạo điều kiện cho anh qua Liên Xô chữa mắt. Tuy nhiên, theo Lê Tấn Quốc thì 15 ngày ở Liên Xô là những ngày “trời đày”. Họ bắt anh mở to mắt để chích thuốc vào tròng mỗi ngày. Đau thấu trời, nhưng chẳng đạt được kết quả nào…

Năm 1988, Họa Mi có mặt trong đoàn nghệ sĩ TP.HCM sang Pháp lưu diễn. Khi về, đoàn điểm danh thấy thiếu mất cô. Họa Mi đã trốn ở lại Paris. Vậy là xôn xao những lời dị nghị, nào là cô “phản bội quê hương”, nào là ích kỷ “bỏ của chạy lấy người” khi cô bỏ lại người chồng bệnh tật và 3 đứa con nheo nhóc ở quê nhà để thảnh thơi, ung dung chốn phồn hoa đô hội của Paris tráng lệ…

Việc Họa Mi bất ngờ ngờ lại bên Pháp không chỉ tạo nên những làn sóng dư luận trong nước mà còn là một cú sốc đến bàng hoàng đối với gia đình Lê Tấn Quốc (ngoài 3 đứa con, còn có mẹ già và em gái của anh). Bóng đen tăm tối đã phủ lên đời chàng nghệ sĩ kèn, giờ lại phủ dày hơn. Thâm tâm anh cũng nghĩ: vợ mình đã tuyệt tình…

Nhưng không, 2 năm ở Pháp, Họa Mi đã phải làm việc cật lực. Cô đi hát cho một nhà hàng của người Hoa và cộng tác với Trung tâm Thúy Nga để có tiền gởi về lo cho các con đều đặn. Nhờ đó mà cuộc sống ở phía bên Việt Nam có phần dễ thở hơn. Cô còn tranh thủ học tiếng Pháp…

Cứ như thế, cho đến khi thấy đã tạm hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách thì Họa Mi đanh liều viết thư cho Đệ nhất phu nhân lúc đó là bà Danielle Mitterrand để trình bày về hoàn cảnh của mình… Nhận được thư, tổng thống phu nhân đã gửi người đến tận nhà Họa Mi, giúp cô làm thủ tục cho gia đình được đoàn tụ tại Pháp và giới thiệu các bác sĩ giỏi nhất để chữa bệnh cho Lê Tấn Quốc…

Đó chính là kế sách mà Họa Mi quyết tâm thực hiện khi cô liều lĩnh trốn đoàn ở lại trên đất Pháp. Tuy nhiên, trời không chìu lòng người, các bác sĩ nhãn khoa giỏi nhất của nước Pháp cũng bó tay trước căn bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố của Lê Tấn Quốc. Đã vậy, họ còn nói: “Ở Pháp, tình trạng của anh sẽ được coi là người tàn tật, anh sẽ được hưởng chế độ dành cho những người tàn tật. Chúng tôi sẽ cho anh một con chó và một cây gậy. Anh cứ yên tâm vui sống…”. Nghe vậy, Lê Tấn Quốc càng sốc nặng. Có thể ở Pháp đó là chuyện rất đỗi bình thường nhưng với người Việt thì… không thể chịu nổi!

Hậu “Họa Mi – Tấn Quốc”

Lê Tấn Quốc và Họa Mi chia tay nhau trong nước mắt. Rất hiếm có cuộc tình nào đau và đẹp như thế. Anh về Việt Nam sống cùng với mẹ già. Xa vợ con, xa sân khấu, bệnh tình trở nặng… khiến anh tuyệt vọng đôi lúc muốn quyên sinh cho rồi, nhưng tiếng nói của mẹ già làm anh sực tỉnh. Anh không cho phép mình bỏ cuộc… Rồi nhờ có bạn bè mà anh cũng tạm khuây khỏa.

Thời gian này, Họa Mi và Lê Tấn Quốc vẫn duy trì những cuộc điện đàm hoặc thư từ, hỏi thăm nhau về sức khỏe, con cái… Năm 1991, Lê Tấn Quốc được bà chủ nhà hàng Thanh Niên mời về làm trưởng ban nhạc tại nhà hàng này. Từ đây, cái tên Lê Tấn Quốc thực sự trở lại trong đời sống âm nhạc Sài Gòn.

Hơn 10 năm chơi nhạc ở đây, Lê Tấn Quốc chinh phục biết bao trái tim người yêu nhạc độc tấu. Rất nhiều người mê anh thổi những bài Đêm đông, Thành phố buồn, Một mai em đi… Nhiều người cho rằng tiếng kèn của Lê Tấn Quốc từ khi chia tay với ca sĩ Họa Mi, nghe như tiếng thở than, tiếng nấc nghẹn của một tâm hồn đã trải qua quá nhiều mất mát. Còn Lê Tấn Quốc tâm sự: “Về sau này, khi chơi nhạc tôi không còn chú ý đến kỹ thuật nữa mà để hồn mình bềnh bồng theo cảm xúc. Tôi xoáy vào ý nghĩa của từng lời hát và mường tượng ra cảnh vật mà tác giả đã miêu tả, mà bài hát nào tôi chọn cũng rất buồn”.

Lê Tấn Quốc đã có đến 8 album độc tấu saxophone. Trong đó, album có chủ đề Thành phố buồn được xem là phá kỷ lục doanh thu về băng đĩa thể loại độc tấu. Năm 2004, nhà hàng Thanh Niên đóng cửa, bà chủ nhà hàng tiếp tục công việc tại nhà hàng Maxim. Lê Tấn Quốc chơi nhạc ở Maxim từ đó đến nay.

Nhà hàng Maxim cũng là nơi được Họa Mi chọn để tổ chức tiệc cưới (tại Việt Nam) với người chồng (sau) của cô vào năm 1995. Hôm đó Lê Tấn Quốc và người vợ (mới) của anh cũng tới dự. Vậy là… một nhà đề huề!

Trong thời gian Họa Mi mới qua Pháp, gia đình Lê Tấn Quốc đang trong giai đoạn khủng hoảng thì có một phụ nữ trẻ thường đến nhà anh thăm hỏi, chia sẻ và giúp đỡ các con anh và giúp cho cả anh (Họa Mi cũng quen biết cô này).

Theo Lê Tấn Quốc thì: “Cô ấy thương 3 đứa nhỏ con tôi và mấy đứa cũng quý cô ấy lắm. Lúc ấy với lòng tự trọng của một người đàn ông đã có vợ, tôi không cho phép mình đi quá những giới hạn cần thiết (trong nhà tôi lúc đó còn có mẹ già và em gái tôi)…. Chỉ 3 năm sau khi tôi từ Pháp về, cuộc hôn nhân của tôi và Họa Mi xem như đã gãy đổ, chúng tôi mới đến với nhau bằng tình thương và sự cảm thông, mà phần thiệt thòi thuộc về cô ấy nhiều hơn (cô ấy kém tôi đến 18 tuổi). Đến nay chúng tôi đã có thêm 2 đứa con…”.

Còn ca sĩ Họa Mi tái giá vào năm 1995 (cô đợi Lê Tấn Quốc lập gia đình xong, rồi mới nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình). Chồng sau của cô là một kỹ sư, quê gốc Sa Đéc nhưng sống ở Pháp từ nhỏ nên cũng không rành tiếng Việt lắm. Cả hai đều đã trải qua một cuộc hôn nhân nên rất hiểu và tôn trọng những chuyện riêng tư của nhau.

Khi cưới Họa Mi, ông đã bỏ nghề kỹ sư và đang có một xưởng làm bánh, thế là Họa Mi bị cuốn vào guồng quay nghề nghiệp của chồng. Cô nói: “Hồi mới lấy nhau, mỗi ngày chúng tôi đều đầu tắt mặt tối trong xưởng. Đến khi công việc đã tạm ổn, vừa định bụng sẽ đi hát trở lại thì tôi lại có thai con trai út. Sinh con xong, cũng không dám đi hát đâu xa, kể cả qua Mỹ lưu diễn vì không thể bỏ công việc, bỏ chồng và 4 đứa con trong một thời gian dài mà thiếu vắng bàn tay của mình…”.

Đám cưới lần 2 của Hoạ Mi

Kim – Kiều tái hợp: đem tình cầm sắt đổi thành tri âm…

Tuy vậy, tiếng hát trong và sâu lắng ấy chưa một lần nguội tàn, vào năm 2009, Họa Mi đã về Việt Nam suốt 3 tháng để ghi âm 3 album cá nhân gồm: Một thời yêu nhau, Thư tình không gửi và Trộm nhìn nhau (Phương Nam Film sản xuất), và một album kết hợp với tiếng kèn saxophone của Lê Tấn Quốc: Một mai em đi (Saigon Vafaco sản xuất).

Đặc biệt với album Một mai em đi, lần đầu tiên tiếng hát Họa Mi lại tái hợp với tiếng kèn của người chồng cũ sau hơn 20 năm.

Lê Tấn Quốc kể: “Khi CD Một mai em đi làm xong. Tôi gởi qua Pháp và dặn các con tôi: Chỉ đưa riêng cho Mẹ, đừng để bác (chồng sau của Họa Mi) thấy nhé. Các con tôi bảo: Không sao đâu ba, bác hoàn toàn hiểu. Nhưng tôi nói với các con: Người lớn có những tâm sự riêng và trong tâm hồn họ cũng có những góc riêng dđã được định mệnh sắp đặt…

Tôi nghĩ, hát cho nhau một lần nữa để thắp lại niềm giao cảm nghệ thuật, rồi ai về cuộc đời người đó. Nhưng đến bài cuối, tôi nhớ là bài Hẹn hò của Phạm Duy: “Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau, cách một biển sâu. Hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau biết thuở ban đầu. Dù tình không nguôi, đôi ta xin cho hứa vui về sau. Trời còn làm cho mưa rơi, mưa rơi cách biệt dài lâu… Nước vẫn trôi mau, mắt vẫn hoen sầu. Đành để hồn theo nước trôi không màu. Số kiếp hay sao, không cho bắc cầu, thì xin sông nước sẽ cho gần nhaụ… Một người bèn ra ven sông buông theo nước cuồn cuộn mau. Một người chìm sâu trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu. Cuộc tình thương đau êm êm trôi theo nước xuôi về đâu? Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau…” – cả hai chúng tôi đều thấy lạnh gáy: bài hát về một bi kịch của tình yêu khi cả hai người cùng chết. Đành rằng cái chết sẽ đến với bất kỳ ai theo luật tự nhiên, nhưng không hiểu sao chúng tôi đều cảm thấy lo sợ…”.

Còn trong lời đề từ đĩa nhạc “Một thời yêu nhau”, Họa Mi viết: “Ngày thàng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc. Có chăng là kỷ niệm, là hạnh phúc, là khổ đau. Tôi muốn giữ mãi những phút giây quý giá của hạnh phúc. Tôi muốn tôi quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu”…

NGUỒN: Nhạc Xưa Thời Báo

Related posts