Ông Tập Cận Bình từng chỉ đạo xử lý phong trào sinh viên 1989

Lục Du

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Reuters)

Một bài viết trên Epoch Times hôm 7/8 cho thấy ông Tập Cận Bình khi còn trẻ là một đảng viên kiên trung của ĐCSTQ, luôn quán triệt các chỉ thị của đảng một cách sốt sắn và tận tụy, cho dù đó là các chỉ thị đàn áp người dân.

Khi Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn diễn ra vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, ông Tập là bí thư thành ủy của Thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến.

Ông Tập bắt đầu làm việc tại Phúc Kiến vào năm 1988. Vào năm sau, phong trào sinh viên yêu cầu dân chủ bùng nổ ở Trung Quốc. Lực lượng tinh anh tương lai của Trung Hoa kêu gọi chính phủ thực hiện các cải cách để mở rộng dân chủ hơn nữa cho người dân. Phong trào này lên đỉnh điểm khi người biểu tình bắt đầu tập trung ở quảng trường Thiên An Môn.

Theo các nhóm nhân quyền, vào ngày 4 tháng 6, Bắc Kinh đã điều quân đội tới Thiên An Môn để dập tắt biểu tình và gây ra vụ thảm sát kinh hoàng khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Gần đây, một trang web chính thức của ĐCSTQ đã đăng nội dung một cuộc phỏng vấn do văn phòng phát thanh và truyền hình Phúc Kiến thực hiện vào tháng 7 năm 2017. Người được phỏng vấn là ông Chen Youcheng. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông Chen đã tiết lộ cách ông Tập xử lý phong trào sinh viên hồi năm 1989.

Thời điểm đó ông Chen Youcheng là giám đốc cơ quan an ninh công cộng ở thành phố Ninh Đức. Ông Chen nói rằng phong trào sinh viên đòi dân chủ cũng ảnh hưởng đến địa phương của ông. Một nhóm sinh viên ở tỉnh kề cận Chiết Giang muốn tiến vào Phúc Kiến qua thành phố Ninh Đức. Các phương tiện mà các sinh viên sử dụng để thực hiện kế hoạch đều được sơn khẩu hiệu.

Đối phó với sự việc này, ông Tập đã đưa ra chỉ thị: “Trước hết, chúng ta phải quán triệt các chỉ thị của đảng và chính quyền trung ương. Thứ hai, chúng ta phải kiên quyết ngăn không cho học sinh vào Phúc Kiến, và các khẩu hiệu không được phép vào Ninh Đức hoặc Phúc Kiến ”.

Ông Chen cho biết các trạm kiểm soát đã được thiết lập theo hướng dẫn của ông Tập tại ranh giới tỉnh Phúc Kiến. Một mặt, họ cố gắng thuyết phục sinh viên quay trở lại trường học, mặt khác, họ tìm cách lột hết các khẩu hiệu yêu cầu dân chủ trên xe của sinh viên.

Trong thời điểm nhạy cảm về chính trị, ông Chen nói rằng ông Tập đã đưa ra nhiều chỉ thị để đảm bảo sự “ổn định” và duy trì của an ninh công cộng trong toàn khu vực.

Vào ngày 30 tháng 7 năm 1989, ông Tập cũng đã gặp cảnh sát địa phương để đưa ra chỉ thị rằng lực lượng này phải “duy trì sự trung thành cao độ với Đảng và kiên quyết tuân theo sự chỉ huy của Đảng”.

Vào năm sau, ông Tập được thăng lên làm Bí thư thành ủy Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến. Năm 1993, ông trở thành tỉnh ủy viên tỉnh ủy Phúc Kiến. Năm 1996, ông Tập được thăng chức phó bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến, năm 1999 lên làm phó tỉnh trưởng kiêm tỉnh trưởng lâm thời, và cuối cùng vào năm 2000 là tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến.

Related posts