Tin thế giới trưa thứ Ba

Ẩn số duy nhất là Bắc Kinh sẽ sử dụng luật an ninh quốc gia để làm gì?

Chính quyền Trung Quốc chỉ cần làm cho dân Hồng Kông sợ hãi là đạt được mục đích rồi nhưng vì sao lại mạnh tay quá đáng: Hôm thứ Tư, bốn học sinh, sinh viên tuổi 16, đôi mươi, bị bắt giam trong khuôn khổ đạo luật nghiêm khắc này. Chỉ vì tổ chức hội thảo trên mạng, họ có thể bị đưa sang Hoa lục xét xử và lãnh án tù cho đến chung thân.
Hai hôm sau, chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo dời bầu cử, viện lý do đại dịch. Nhưng theo tờ Le Monde của Pháp, không ai tin vào lý lẽ chính thức. Thực tế là  Bắc Kinh lo sợ người dân Hồng Kông trút căm phẫn qua lá phiếu như qua cuộc bầu cử đại biểu cấp quận hồi tháng 11/2019.

Trung Quốc cũng không cần đóng kịch tôn trọng nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” nhất là trong lãnh vực tư pháp.

Trước tình trạng đàn áp này Tây phương phản ứng ra sao?

Le Monde than phiền châu Âu quá nhu nhược. Trừ một số phản ứng như hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ và cấm xuất khẩu sang Hồng Kông trang thiết bị nhạy cảm, có thể được sử dụng để đàn áp, châu Âu vẫn xem Trung Quốc là ưu tiên trong lãnh vực thương mại.

Điều trớ trêu là quyết định của Hồng Kông đình hoãn bầu cử thông báo vào lúc một ngày trước đó, tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump cũng gợi ý dời bầu cử tổng thống tháng 11. Sự kiện chủ nhân Nhà Trắng có ý định sắp xếp lịch trình bầu cử sao cho có lợi cho cá nhân, chỉ làm cho mọi chỉ trích tình hình Hồng Kông trở thành vô nghĩa.

Les Echos cũng chỉ trích “thái độ rụt rè của Tây phương” trước sự kiện hàng chục ứng cử viên đối lập tại Hồng Kông bị cấm ứng cử.

La Croix đăng bức thư của một độc giả, có quan hệ gắn bó với Hồng Kông, bày tỏ lo ngại khi thấy « đế quốc Trung Hoa ngày càng hung hãn và thô bạo từ Tây Tạng cho đến Tân Cương và Biển Đông. Sau Hồng Kông, chắc chắn sẽ đến phiên Đài Loan. Thế mà châu Âu nay đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc, từ cái bóng đèn cho đến dụng cụ thể thao.

Độc giả này lo ngại: Hãy nhìn những đầu cầu mà Bắc Kinh cắm đặt tại châu Âu. Đương nhiên, không phải công ty Trung Quốc nào cũng là tay chân của đế quốc Trung Hoa, nhưng châu Âu phải cảnh giác trước một bạo chúa mà các nhà độc tài khác trên thế giới này không đứng tới vai.

Nhiều nhà độc tài trên thế giới đang bị dân chúng phản kháng dữ dội
Chan-o-Cha ở Thái Lan, Putin ở Liên bang Nga và nhất là Lukachenko của Belarus bất ngờ đối mặt với một nữ ứng cử viên tổng thống 37 tuổi, vợ của một nhà báo công dân đang ngồi tù.

Cơn giận “dễ hiểu của các em sinh viên” Thái ?

Bùng lên từ nhiều tháng nay tại Thái Lan, phong trào sinh viên đòi giải thể chế độ độc tài quân nhân khởi sắc trong hai tuần lễ qua. Theo Libération, tuổi trẻ Thái Lan xuống đường không ngừng nghỉ đòi chế độ “trả lại tương lai”. Từ ngày 18/07, các yêu sách cứng rắn hơn và cụ thể hơn: Công khai chống chế độ vương triều trong bối cảnh nhà vua Rama đệ thập (Rama 10) quyết định sang Đức trốn dịch Covid.

Trước đó, sinh viên biểu tình trình diễn lại một khúc phim lịch sử làm sụp đổ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1932: Các ông vua chuyển tài sản ra nước ngoài, sẵn sàng bỏ rơi thần dân cho chết đói trong khi đất nước sụp đổ.

Tuy nhiên, mục tiêu chính của phong trào phản kháng là tấn công vào tính không chính danh của chính phủ Thái Lan, một nhóm quân nhân cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.

Cho đến bây giờ, thủ tướng Chan-o- Cha cố  giữ thái độ “thông cảm” với những người được gọi là “các em thanh niên nổi giận”. Thái độ ôn hoà này tương phản với những lời nặng nề mà thủ tướng Chan-o- Cha dùng để chỉ trích phong trào nông dân Áo Đỏ mà ông xem là “đám nông dân theo cộng sản” thiếu học, nên không hiểu gì chuyện chính trị.

Nga: Làn sóng phản kháng chưa từng thấy

Tại Liên bang Nga, tổng thống Putin đang đối mặt với một làn sóng phản kháng chưa từng thấy từ một vùng ở miền Viễn Đông đang sôi sục. Mỗi cuối tuần là có hàng chục ngàn dân ở Khabarovsk, bất chấp nắng mưa, xuống đường đòi chính quyền trung ương phải trả tự do cho thống đốc Serguei Fourgal, bác sĩ y khoa, bị Moscow cáo buộc là mafia, giết người, một nghi án cách nay 15 năm.
Theo đặc phái viên của Les Echos, trong mắt người dân địa phương, thống đốc do 70% cử tri bầu lên, bị chính quyền Putin triệt hạ vì uy tín cao. Danh sách thủ lãnh xã hội đen đã rõ, trong số này không có Serguei Fourgal.

Nhưng ngoài việc bênh vực nhà chính trị địa phương, người dân Khabarovsk còn có nguyên nhân sâu xa khác. Đó là “muốn thay đổi, muốn một nước Nga dân chủ” như tuyên bố của một phụ nữ biểu tình. Nhân chứng này cho biết bà rất chán ngán chế độ này, rất căm phẫn chính sách của Putin, làm thu nhập của người dân bị giảm đi, đối lập bị đàn áp, chính quyền khinh thường các vùng xa xôi, truyền thông Nhà nước nói dối…”.

Belarus, nhà độc tài Lukachenko đụng “lá át cơ” của đối lập

Sau khi vô hiệu hóa các chính trị gia đối thủ tiềm tàng, tổng thống Lukachenko của Bielarus nay phải đối mặt với một phụ nữ trẻ mà theo thăm dò ý kiến có thể kết thúc sự nghiệp lãnh đạo từ năm 1994 đến nay.

Tờ Liberation của Pháp đưa bức ảnh một phụ nữ gương mặt rạng rỡ trước một rừng người ủng hộ trong một cuộc mít-tinh vận động bầu cử cho ngày 09/08/2020. Nhật báo thiên tả chơi chữ: Lá át cơ của đối lập. La Croix giới thiệu chân dung của Svetlana Tikhanovski, 37 tuổi, biểu tượng của khát vọng đổi mới chính trị ở Belarus.

Theo một nhà phân tích ở Minsk, tổng thống Lukachenko bị mất tinh thần. Bằng chứng là trong những ngày qua, sau những lời công kích mang tính kỳ thị phụ nữ, ông đe dọa bắt cóc hai đứa con của đối thủ. Hiện giờ hai đứa bé đã được đưa sang một nước trong Liên Hiệp Châu Âu lánh nạn.

Related posts