Ngoại trưởng Mỹ: Ông Trump sẽ sớm có hành động đối với các ứng dụng dính líu với ĐCSTQ

Quý Khải

Ngoại trưởng Mỹ: Ông Trump sẽ sớm có hành động đối với các ứng dụng dính líu với ĐCSTQ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo làm chứng trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tại Washington, DC, Hoa Kỳ ngày 30/7 (ảnh: Greg Nash/Reuters).

Trong vài ngày tới, Tổng thống Mỹ Trump sẽ đưa ra giải pháp cho một loạt các mối đe dọa an ninh quốc gia do các ứng dụng có liên hệ đến chính quyền Trung Quốc, bao gồm TikTok, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Trao đổi với phóng viên hôm thứ Sáu (31/7) tuần trước trên Không lực Một, ông Trump cho biết ông sẽ cấm TikTok tại Mỹ ngay vào ngày hôm sau, tức 1/8, nhưng Nhà Trắng chưa đưa ra thông báo nào về vấn đề này cho tới tận chiều hôm Chủ nhật (2/8).

Trong một buổi phỏng vấn trên đài Fox News hôm Chủ nhật vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết “Tổng thống Trump đã nói rằng đủ rồi, chúng ta cần phải giải quyết nó. Ông ấy sẽ hành động trong vài ngày tới để chấm dứt một loạt các rủi ro an ninh quốc gia xoay quanh các phần mềm có liên hệ với ĐCSTQ”.

Phản hồi thông báo của ông Trump hôm thứ Sáu tuần trước, đại diện TikTok tại Mỹ cho biết ứng dụng này “không có kế hoạch đi bất cứ đâu cả”.

Các quan chức và chuyên gia an ninh mạng Mỹ từ lâu đã cảnh báo TikTok là một công cụ giám sát của chính quyền Bắc Kinh. TikTok rất phổ biến trong giới trẻ Mỹ, được hơn 100 triệu thanh niên Mỹ sử dụng.

Theo sau những tuyên bố của ông Trump, ông Pompeo cho biết quy mô lệnh cấm tiềm năng của chính quyền Trump sẽ mở rộng, không chỉ nhắm vào Tik Tok mà còn bao hàm các ứng dụng có liên hệ với Bắc Kinh. Ông Pompeo cho biết chính quyền tổng thống Trump “đang đi đến một giải pháp cuối cùng. Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm thấy thông báo của tổng thống”.

“Những hãng phần mềm Trung Quốc này đang kinh doanh tại Mỹ, bất kể đó là TikTok hay WeChat, có vô số những người khác …  đang cung cấp dữ liệu trực tiếp cho ĐCSTQ và bộ máy an ninh quốc gia của họ”, ông Pompeo nói.

“Đây có thể là thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè của họ, những người mà họ kết nối. Đó là những vấn đề mà Tổng thống Trump đã thẳng thắn chỉ ra chúng ta sẽ cần giải quyết. Đây là những vấn đề an ninh quốc gia thực sự. Chúng là những vấn đề bảo vệ quyền riêng tư thực sự đối với người dân Mỹ”.

Ông Trump tuyên bố dự định cấm của mình không lâu sau khi xuất hiện báo cáo cho biết Microsoft đang cân nhắc việc mua lại TikTok. Ông Trump nói với các phóng viên rằng ông sẽ không ủng hộ việc mua lại. 

Lãnh tụ thiểu số Thượng viện Chuck Schumer cho biết ngày 2/8 rằng các câu hỏi quan trọng sẽ phải được giải đáp nếu vụ sáp nhập Microsoft TikTok được thông qua, bao gồm cả việc liệu thực thể sau đó có duy trì các liên kết với chính quyền Trung Quốc và việc các dữ liệu sẽ được lưu trữ ở đâu.

“Tôi rất phản đối TikTok. Tôi là một trong những người đầu tiên bóc trần các mối liên hệ của nó với Bắc Kinh. Và tôi đã thúc giục việc đóng cửa TikTok ở Mỹ”, ông Schumer nói.

Việc sử dụng TikTok đã bị hạn chế ở một số khu vực tư nhân và công cộng ở Mỹ và nước ngoài. Hạ viện Mỹ hôm 20/7 đã bỏ phiếu cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ ban hành. Ngân hàng lớn thứ 4 thế giới có trụ sở tại Mỹ Wells Fargo gần đây đã yêu cầu nhân viên loại bỏ ứng dụng TikTok, trong khi ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã cảnh báo nhân viên không sử dụng ứng dụng này.

Ấn Độ đã cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc vào tháng 6, với lý do chúng đe dọa “an ninh và chủ quyền” của đất nước. Lầu Năm Góc hồi tháng 12 năm ngoái đã ra lệnh cho các nhân viên quân đội xóa ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ.

Năm 2019, TikTok đã nộp khoản tiền phạt trị giá 5,7 triệu USD để giải quyết các cáo buộc của chính phủ Mỹ rằng họ đã thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân từ người dùng dưới 13 tuổi, hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em. Hàn Quốc gần đây đã từng phạt TikTok vì các vi phạm tương tự.

Một báo cáo của hãng nghiên cứu bảo mật Penetrum đã phát hiện ứng dụng này tiến hành “quá nhiều việc thu thập dữ liệu”.

“Từ sự hiểu biết và phân tích của chúng tôi, có vẻ như TikTok đã theo dõi quá nhiều người dùng, và rằng dữ liệu thu thập được lưu trữ một phần, thậm chí đầy đủ trên các máy chủ Trung Quốc với ISP [nhà cung cấp dịch vụ internet] là tập đoàn Alibaba”, báo cáo cho biết. Alibaba là một tập đoàn thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc.

Hồi tháng 7 ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã thuê nhiều người kiểm duyệt ở Trung Quốc nhằm giám sát các nội dung trên ứng dụng TikTok của người dùng toàn cầu.

Ngày 28/7, sáu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã viết thư cho Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe, Giám đốc FBI Christopher Wray và quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf bày tỏ lo ngại về khả năng TikTok tác động đến bầu cử Mỹ bằng cách bóp méo hoặc thao túng các cuộc đối thoại liên quan đến chính trị nhằm gây bất hòa giữa người Mỹ và để đạt được kết quả chính trị theo ý mình.  

Ứng dụng này trước đã từng kiểm duyệt một thiếu niên người Mỹ vì chỉ trích chính quyền Trung Quốc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, cũng như một sinh viên Trung Quốc hát nhái quốc ca Trung Quốc.

Các tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người Mỹ trong thập kỷ qua, bao gồm hơn 22 triệu nhân viên chính phủ hiện tại và trước đây. Với việc chính quyền này cũng có thể đã thu thập được nhiều dữ liệu hơn bằng nhiều phương thức, kho thông tin này có thể được khai thác để nhắm vào gia đình và cộng sự của các quan chức Mỹ và giám đốc các doanh nghiệp.

Related posts