Hoa Kỳ ‘giết gà dọa khỉ’, ‘đầu não gián điệp’ của ĐCSTQ không phải ở Houston?

Đông Phương

Vài ngày trước, chính phủ Hoa Kỳ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston với cáo buộc đây là trung tâm gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc 

Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco và ở New York mới là trọng địa gián điệp, còn việc “khai tử” Lãnh sự quán tại Houston chỉ để “giết gà dọa khỉ”, cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ tiết lộ.

Vài ngày trước, chính phủ Hoa Kỳ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston với cáo buộc đây là trung tâm gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Hôm 28/7, trang web tin tức Axios của Mỹ dẫn lời một cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết, việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston vào ngày 21/7 chỉ là động thái “giết gà dọa khỉ” của chính quyền Tổng thống Trump. Còn Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco mới là ổ gián điệp thực sự. Đây cũng là nơi nhà nghiên cứu Đường Quyên (Tang Juan) của ĐCSTQ bị cáo buộc gian lận visa đã ẩn náu trong hơn một tháng. Một trung tâm tình báo khác của ĐCSTQ là Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, Mỹ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston để “bảo vệ tài sản trí tuệ cho nước Mỹ và thông tin cá nhân của người dân Mỹ”. 

Tuy nhiên, Lãnh sự quán ở Houston không phải là trung tâm gián điệp của ĐCSTQ. ĐCSTQ có 2 ổ gián điệp lớn hơn tại Hoa Kỳ, đó là Lãnh sự quán tại San Francisco và tại New York.

Tờ New York Post chỉ ra vị thế trọng yếu của Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco trong hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Cơ quan này ở gần Thung lũng Silicon và có vị trí thuận tiện để theo dõi các bí mật thương mại và công nghệ. Về cơ bản, gián điệp là một phần trong các công việc hằng ngày của lãnh sự quán đó. Ngay cả người phụ tá đã làm việc 20 năm cho bà Dianne Feinstein – nữ Thị trưởng đầu tiên của San Francisco, cũng bị Lãnh sự quán Trung Quốc mua chuộc.

Trang web tin tức chính trị Politico đưa tin năm 2018 rằng, một nhân viên “thần thông quảng đại” làm việc trong văn phòng của Thượng nghị sĩ Liên bang Dianne Feinstein (thuộc đảng Dân Chủ), đã được chính phủ Trung Quốc chiêu mộ để báo cáo tình hình chính trị Hoa Kỳ cho ĐCSTQ.

Vào thời điểm đó, tờ San Francisco Chronicle đưa tin rằng, bà Feinstein đã thuê người gián điệp của ĐCSTQ này làm tài xế, xử lý các việc vặt trong văn phòng, đây cũng là người liên lạc với cộng đồng người gốc Á của thành phố trong gần 20 năm. Chức danh của người này là “Giám đốc văn phòng”.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco trước giờ vẫn luôn quan trọng hơn Lãnh sự quán ở New York. Các hoạt động tình báo nước ngoài ở khu vực vịnh San Francisco (Bay Area) luôn nhắm vào các bí mật thương mại và công nghệ của Thung lũng Silicon ngay gần đó.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco là nơi các hoạt động gián điệp diễn ra rất rầm rộ. Tờ Politico cho biết, mục tiêu của lãnh sự quán này là thu thập bí mật thương mại và công nghệ cao cấp của Thung lũng Silicon nằm trong Bay Area.

Một quan chức tình báo cho biết, các hoạt động gián điệp tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco được thực hiện gần như mỗi ngày. Đây là một hình thức thu thập thông tin rất tinh vi, là hành vi gián điệp nhắm vào các công ty.

ĐCSTQ từ lâu đã bị cáo buộc sử dụng các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của mình để đạt được các mục đích đáng ngờ. Ngoài việc thu thập các bí mật khoa học và công nghệ, ĐCSTQ cũng đã thu thập thông tin về tình hình chính trị nội bộ ở Hoa Kỳ, thu thập thông tin về các nhóm bất đồng chính kiến và kiểm soát sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài. Lãnh sự quán Trung Quốc cũng chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động có ảnh hưởng chính trị ở cấp liên bang và tiểu bang.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco – nơi các hoạt động gián điệp diễn ra rất rầm rộ.

Một vị Chủ tịch của “Hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc” từng nói với tạp chí Foreign Policy: “Tôi thấy rằng Lãnh sự quán [Trung Quốc] ngày càng có xu hướng muốn kiểm soát Hiệp hội học giả và sinh viên Trung Quốc”.

Trang Axios cho biết, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc đã trả tiền cho các sinh viên để họ tham gia các hoạt động chào đón các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ. Các cơ quan này còn yêu cầu Chủ tịch Hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc tổ chức một cuộc hội thảo về tư tưởng của ĐCSTQ rồi gửi hình ảnh cho chính quyền Trung Quốc để đảm bảo chắc chắn rằng Hội này “biết vâng lời”.

Vào tháng 8/2018, khi Tổng thống Trump ăn tối với 13 Giám đốc Điều hành các công ty Mỹ và các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, ông đã ám chỉ rằng hầu hết các du học sinh đến từ Trung Quốc đều là gián điệp.

Lý do ông Trump nói điều này là bởi vì trong những năm gần đây, hiện tượng các du học sinh Trung Quốc sau khi tốt nghiệp rồi đầu quân cho các công ty công nghệ cao hoặc các tổ chức học thuật ở Hoa Kỳ, sau đó bán thông tin công nghệ cao từ các tổ chức này cho ĐCSTQ cực kỳ phổ biến. Đây là hành vi gián điệp.

Ông Trương Lâm (Zhang Lin), một nhà văn người Trung Quốc sống ở Mỹ lâu năm, nói rằng hiện nay, hơn 90% sinh viên Trung Quốc là con em cán bộ ĐCSTQ. Gia đình, lý lịch, trình độ học vấn, v.v. của họ đã định sẵn họ là đảng viên ĐCSTQ. Nhưng các đảng viên ĐCSTQ này đều là “gián điệp nghiệp dư”, vì các quy định của đảng yêu cầu mọi thành viên phải cung cấp thông tin tình báo, thực hiện các nhiệm vụ bí mật và giữ bí mật về tổ chức.

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng hiện có khoảng 400.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ. Ông Pual Williams, một nhân viên thông tin của công ty chống gián điệp “BlackOps Partners” của Hoa Kỳ, đã từng nói rằng ĐCSTQ có quá nhiều gián điệp sinh viên, nhưng những tin tình báo mà họ thu thập được đôi khi rất “ít”, vì vậy họ đều không nhận ra đó là hành vi gián điệp, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Có thông tin rằng, ĐCSTQ công khai yêu cầu sinh viên quốc tế giám sát lẫn nhau, thành lập Hội sinh viên Trung Quốc do các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của ĐCSTQ kiểm soát tại các trường đại học của Mỹ, và thậm chí thành lập các tổ chức của ĐCSTQ tại một số trường đại học Mỹ. ĐCSTQ coi các sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ là thành viên của “tổ chức”, đó là căn nguyên của cái mác “gián điệp” mà ĐCSTQ tạo cho du học sinh Trung Quốc tại Mỹ.

Tất nhiên, các du học sinh Trung Quốc tránh xa ĐCSTQ và tôn trọng các giá trị phổ quát đều được chào đón.

Đông Phương

Related posts