Coi bộ Úc đang thua con Corona?

Cổ Nhuế

Thủ hiến Victoria, Daniel Andrews, đeo mặt mạ trong một buổi họp báo.

Khi con Corona tràn vào Úc, chính phủ nhanh chóng chống lại. Chống Corona bằng nhiều biện pháp. Các biện pháp này phải tuần tự và ăn khớp với nhau.

Cái gì làm cho các biện pháp ăn khớp? Xin thưa: Làm gì thì làm, cuối cùng mỗi nước phải chọn mục tiêu tối hậu khi chống lại con Corona. Đó là tận diệt sạch sành sanh hay là ngăn chận nó tung hoành ngang dọc. Nước nào chọn tận diệt thì chữ Anh gọi nước đó chủ trương ‘elimination’ con Corona. Nước nào chọn con đường ngăn chận thì chữ Anh gọi là ‘suppression’.

Ngoài ra, còn thêm chủ trương khác gọi là ‘Herd Immunity’. Xin dịch bậy thành ‘cả đám được miễn nhiểm’. Theo đó, cứ để cho bệnh lây thiệt nhiều người. Khi người ta dính bệnh (mà sống sót) thì trong người đã có chất kháng bệnh. Khi đông người có chất kháng bệnh thì con vi khuẩn không còn chỗ để lây nữa. Thuỵ Điển là nước theo con đường thứ ba.

Sau hơn sáu tháng chống chõi với con Corona, một lần nữa ít nhất hai tiểu bang đông dân nhất nước Úc vẫn còn chật vật. Mới nhất, mỗi ngày Victoria lãnh hơn 400 người dính. Và người ta không lạ nếu trong tuần này và tuần tới số người bị lây ở Victoria lên đến hàng 5 trăm hay 6 trăm. Cùng một lúc, mỗi ngày NSW thấy số người dính con Corona một tăng. Đặc biệt số người lây bệnh đang tăng mạnh ở phía Tây Nam Sydney — nơi có đông bà con người Việt Nam định cư.

Từ đầu tới giờ Úc theo con đường ‘ngăn chận’. Bây giờ vì Victoria bị nạn và NSW lâm nguy, nên có người cho rằng ‘ngăn chận’ đã thất bại. Úc phải đổi hướng đi. Úc cần ‘tận diệt’ con Corona. Tận diệt con Corona như New Zealand và Đài Loan đã làm.

Ngăn chận hay tận diệt con Corona là đề tài của bài thời sự hôm nay.

Đè đường cong xuống, flat the curve

Trong những tuần lễ đầu tiên chống lại con Corona, thủ tướng Úc Scott Morrison luôn miệng nói tới mấy chữ ‘flat the curve, đè đường cong xuống’. Nói thế có nghĩa là Úc biết không sao tránh được có đông người mắc dịch, nên chấp nhận và dùng biện pháp để số người mắc dịch trải dài trong một khoảng thời gian. Câu giờ như thế để nhà thương Úc kham nổi. Nhờ ‘đè đường cong xuống’ trong mấy tháng qua, ngày nào cũng có người Úc bị dính con Corona nhưng không đông và xem chừng mỗi ngày một ít hơn.

Khi số người mắc dịch không còn đông nữa, giới chức liên bang rút lui và dành quyền nhiều hơn cho chính phủ địa phương.

Mạnh tay để tận diệt con Corona

Không nói ra, thủ hiến Daniel Andrews xem chừng đi hướng khác với thủ tướng Úc. Các biện pháp gần đây ở Victoria cho thấy tiểu bang này nhắm tới không phải ngăn chận mà tiêu diệt con Corona.

Đầu tháng Bảy vừa qua, một lần nữa con Corona bùng lên ở Victoria. Khi dịch hoành hành trong các cao ốc ‘nhà chính phủ’ ở North Melbourne và Flemington, Victoria đã ra lệnh đóng chặt (hard lockout) cả chín toà nhà này. Hơn 3,000 dân không được ra khỏi cửa. Ăn uống, thuốc men, điện nước hay sữa tã đều có chính phủ ‘no’. Đây là biện pháp chưa hề áp dụng ở nơi nào trên nước Úc. Có chăng chắc là chỉ ở Vũ Hán, Trung Cộng.

Ngoài ra, Victoria còn tung ra biện pháp chưa bao giờ áp dụng ở Úc. Đó là bắt buộc dân đeo mặt mạ. Đeo mặt mạ chỉ là một phần trong nhiều hạn chế rất ngặt nghèo dân Victoria phải chịu trong sáu tuần lễ. Tại sao lại ‘sáu tuần lễ’? Xin thưa đó là thời gian do sáu bác sỹ chủ trương ‘tận diệt’ con Corona đã ghi ra trong một bài báo sẽ được nhắc tới bên dưới.

Thật ra, không chỉ Victoria mà gần hết tiểu bang ở Úc đang nhắm tới tận diệt con Corona. Khi dịch một lần nữa bùng lên ở Victoria, các nơi khác nhanh chóng ‘hất hủi’ nơi bị nạn. Trước giờ NSW kêu gào Queensland mở cửa biên giới, nay chính bà thủ hiến Gladys Berejiklian nhanh tay đóng đường biên giới với Victoria. Ở Úc bây giờ có nơi nào mở cửa cho người khác vào thì cũng thoòng thêm ‘ngoại trừ người ở Victoria hay đã đặt chân lên ổ dịch đó’. Rõ ràng, các tiểu bang ở Úc đều tránh Victoria như tránh hủi. Họ nhẫn tâm vì không nơi nào muốn thấy bóng con Corona tí teo ở trong phần đất của mình.

Dù chính phủ Victoria đã mạnh tay nhưng chưa làm vừa lòng một số bác sỹ theo chủ trương ‘tận diệt’. Cùng ký tên trong một bài báo đăng tại tạp chí y khoa The Medical Journal of Australia, sáu bác sỹ Úc đòi chính phủ mạnh tay hơn. Sáu bác sỹ này đòi đóng cửa hết hàng quán, cửa tiệm và trường học. Phố xá và chợ búa phải cài then ít nhất sáu tuần lễ. Dân chúng phải đeo mặt mạ và bị hạn chế ra khỏi nhà. Có thế, Victoria mới tận diệt con Corona.

Vì đâu Victoria nên nỗi?

Vì chỉ ngăn chận con Corona, nên nó còn lởn vởn. Hễ đâu có sơ hở là nó bùng lên. Ba sơ hở mới nhất làm cho Victoria thành ổ dịch là: dịch đã xì ra từ một số khách sạn, chính phủ không theo kịp đường đi nước bước của người mắc dịch và những người có trách nhiệm đã không chuyển điều mình muốn nói đến tất cả người dân.

Trước hết là chuyện dịch xì ra từ khách sạn. Khách sạn là nơi khá đông người Úc ở khi phải cô lập. Họ là khách du lịch từ nước ngoài trở về. Tất cả cô lập ít nhất 14 ngày. Nói theo một người rành chuyện ở Melbourne và cũng là bỉnh bút của bổn báo: Đoàn Xuân Thu. Melbourne: ‘Tại chánh phủ của ông (Daniel Andrews) hợp đồng vớ vẩn ăn chia với công ty an ninh tư nhân để kiểm soát những khách sạn cách ly dân Úc từ hải ngoại trở về. Mấy tay an ninh tư nhân nầy chỉ được huấn luyện có 5 phút về cách phòng dịch. Thế là mấy chú (tỉnh bơ như người Hà Nội) ‘tù ti tú tí’ với mấy em đang bị cách ly. Xong, đem con ‘coronavirus’ về lây cho con vợ nhà. Con vợ nhà lại lây cho thằng cha hàng xóm. Rồi thằng cha hàng xóm lây qua luôn cả xóm! Nên tình hình rất là tình hình như vậy đó!”

Kế tiếp, không riêng gì Victoria mà toàn nước Úc dựa và COVIDSafe để theo dõi đường đi nước bước của người mắc dịch. Tiếc thay, không phải bao giờ COVIDSafe cũng … Safe’. Có khi nó thành COVIDFail. Theo ông chính phủ Victoria, ít người không nói tiếng Anh ở tiểu bang nhà lấy COVIDSafe về xài.

Nói cho ngay, không phải lỗi ở ông chính phủ mà vì con Corona này quá quái ác. Khó biết con Corona đang ủ bệnh trong người nào. Có người chờ 14 ngày thì biết đã mắc dịch hay không. Có người cần thời gian dài hơn. Có người dính con Corona là nóng đầu, ho khan, mệt mỏi, ói mửa, vân vân. Nhưng người khác mang Corona trong mình mà vẫn tiếp tục đi làm vì trong người khoẻ re! Điều cuối cùng này đang làm cho thủ hiến Daniel Andrews nhức đầu. Theo ông, chín trong số 10 người có triệu chứng đã để quá trễ mới đi thử. Sau khi thử, nhiều người cứ đi làm, đi shop, đi nhậu… như thường. Tới khi nhận kết quả ‘đỏ chót’ thì đã lây cho chục người khác rồi. Vì lẽ này, ai ở Victoria thấy nóng đầu thì mau mau đi thử. Thử xong nếu không được nghỉ làm thì điện thoại số 1-800-675-398 để lãnh $1,500.

Sau cùng, giới chức y tế và chính phủ Úc nhiều lần công khai truyền đạt những gì muốn cho dân biết, nghe theo và thi hành. Tiếc thay có những tầng lớp dân cư không nhận được điều giới chức muốn báo. Úc là đất nước quy tụ nhiều sắc dân, sống theo nhiều nền văn hoá và nói nhiều thứ tiếng. Lớp người này có thể nói tiếng Anh như gió nhưng chỉ đọc chữ nước mình, coi phim ảnh nước mình thôi. Vì vậy, sau khi dịch trở lại với Melbourne, chính phủ Victoria vội vàng cho dịch các thông cáo và hướng dẫn ra 50 thứ tiếng – trong đó có tiếng Việt. Hy vọng bà con mình đọc mấy bản dịch tiếng Việt này cũng hiểu lỏm bỏm.

Cổ Nhuế

Related posts