EU lên kế hoạch phản ứng “toàn diện” với Luật An ninh Hồng Kông

  • Gia Huy

Cao ủy phụ trách đối ngoại EU cho biết EU đang thảo luận về một phản ứng “toàn diện và phối hợp” đối với việc Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh quốc gia lên Hồng Kông, trong khi đó một báo cáo hàng năm của EU đã nhấn mạnh những quan ngại ngày càng tăng về sự tự trị của Hồng Kông.

Báo cáo năm 2019 về Hồng Kông được công bố vào ngày 22/7, trích dẫn những ví dụ như nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong bị cấm tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử hội đồng quận, và việc Bắc Kinh chỉ trích phán quyết của Tòa án Tối cao vào tháng 11 năm ngoái về tính vi hiến của luật cấm mang khẩu trang.

“Báo cáo hàng năm chỉ ra một loạt các thách thức nghiêm trọng đối với quyền tự trị, sự ổn định và quyền tự do được đảm bảo của Hồng Kông trong năm 2019. Những thách thức này đã tăng một cách đáng kể trong năm 2020,” ông Josep Borell, cao ủy phụ trách đối ngoại và chính sách an ninh của EU, cho biết trong một bản tuyên bố.

“Với tư cách Liên minh châu Âu, chúng tôi sẽ không đơn giản chỉ đứng yên và nhìn khi Trung Quốc cố gắng kiềm chế những quyền tự do này thậm chí còn hơn thế thông qua việc áp đặt Luật An ninh quốc gia hà khắc. Chúng tôi đang thảo luận về một phản ứng toàn diện và và phối hợp của EU,” ông Borrell cho hay, nhưng không nói chi tiết về phản ứng của EU.

Bản báo cáo được đưa ra vài ngày sau khi Anh tuyên bố đình chỉ ngay lập tức Hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông nhằm phản đối Luật an ninh quốc gia hình sự hóa các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài tại Hồng Kông và có hiệu lực từ ngày 30/6.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký một lệnh hành pháp chấm dứt tình trạng thương mại ưu đãi của Hồng Kông, và một luật nhằm trừng phạt các quan chức Đại lục và Hồng Kông được coi là chà đạp lên quyền của người Hồng Kông khi triển khai Luật an ninh gây tranh cãi này.

Bản báo cáo của Ủy ban châu Âu đã lưu ý rằng các quan ngại đang tăng lên đối với sự xói mòn của nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và quyền tự trị của Hồng Kông.

“Toàn thế giới đều có lợi khi Hồng Kông có thể phát triển mạnh với tư cách là một phần của Trung Quốc và là một trung tâm giao thương quốc tế sôi động và độc đáo và là nơi giao thoa của các nền văn hóa, dựa trên mức độ tự trị cao của họ được bảo vệ bởi Luật Cơ bản,” ông Borrell cho biết, đề cập đến bản hiến pháp thu nhỏ của Hồng Kông.

Trong một thông báo đưa ra vào ngày 23/7, chính phủ Hồng Kông gọi những quan ngại của EU là “hoàn toàn vô căn cứ”, và nói rằng luật an ninh mới là “hợp hiến, hợp pháp, hợp lý.”

Chính phủ Hồng Kông tiếp tục nhấn mạnh rằng luật này sẽ không ảnh hưởng đến mức độ tự trị cao được đảm bảo cho Hồng Kông theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

Báo cáo của EU cũng lưu ý rằng năm 2019 là một năm vô cùng khó khăn đối với Hồng Kông, do sự bất ổn xã hội kéo dài gây ra bởi dự luật dẫn độ hiện đã bị rút.

Sự chia rẽ trong xã hội cũng gây áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp, báo cáo cho biết.

“Áp lực và can thiệp chính trị gia tăng trong hoạt động kinh doanh bình thường là những yếu tố mới tại Hồng Kông trong năm 2019,” báo cáo viết, nói thêm rằng nhân viên của một số công ty đã bị trừng phạt thông qua các biện pháp, bao gồm cả sa thải vì đã tham gia biểu tình và bình luận ủng hộ biểu tình trên mạng xã hội.

“Bản thân các công ty cũng chịu áp lực, dẫn đến trường hợp các lãnh đạo doanh nghiệp phải từ chức và phải đưa ra lời xin lỗi công khai do quan điểm chính trị và hành động của nhân viên của họ,” báo cáo lưu ý, nhưng không nêu tên cụ thể.

Giám đốc điều hành Cathay Pacific Rupert Hogg đã nghỉ việc vào tháng 8 năm ngoái sau khi hãng hàng không này bị Bắc Kinh khiển trách vì sự tham gia của một số nhân viên của họ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ.

“Các doanh nghiệp thân Trung Quốc được xem là mục tiêu mà những người có thiện cảm với các cuộc biểu tình nhắm đến. Điều này được thực hiện dưới hình thức tẩy chay trong một số trường hợp, nhưng cũng có những hành động bạo lực, đặc biệt là phá hoại các cơ sở của họ,” báo cáo cho biết.

Đáp Lại, chính phủ Hồng Kông nói rằng họ muốn “nhắc lại rằng ngay từ đầu Đặc khu hành chính Hồng Kông (HKSAR) là một phần không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một khu vực hành chính địa phương được hưởng quyền tự trị cao theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và trực thuộc chính phủ trung ương Trung Quốc” “các hành vi và biện pháp mà các quốc gia khác áp dụng được xem là “vi phạm trắng trợn luật quốc tế”, và không phải vì quyền lợi tốt nhất cho người Hồng Kông.”

Liên quan đến tiến triển chính trị, báo cáo lưu ý đến kết quả kỷ lục của cuộc bầu cử hội đồng quận vào tháng 11 năm ngoái và chiến thắng áp đảo của phe đối lập.

Hoàng Chi Phong, ứng cử viên duy nhất bị cấm vì quan điểm chính trị của mình, đã bị loại khỏi cuộc tranh cử sau khi chính phủ nói rằng anh không thay đổi quan điểm về sự độc lập của Hồng Kông.

“EU tiếp tục khuyến khích chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh tiếp tục việc cải cách bầu cử như quy định trong Luật Cơ bản để đạt đến một đồng thuận về một hệ thống bầu cử dân chủ, công bằng, cởi mở và minh bạch,” báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng nhận định quyền bầu cử phổ thông sẽ giúp cho chính phủ Hồng Kông mang tính hợp pháp và nhận được sự hỗ trợ của công chúng nhiều hơn, điều này sẽ giúp đạt được các mục tiêu kinh tế của Hồng Kông và giải quyết các thách thức kinh tế-xã hội.

Gia Huy (theo SCMP)

Related posts