Mỹ và Trung Cộng đụng nhau trong gang tấc tại Biển Đông

Cổ Nhuế

Cách đây hai tuần, chỉ cần một sơ suất rất nhỏ của anh binh nhì nào đó thuộc hải quân Mỹ hay bộ đội nhân dân Trung Cộng thì gần như chắc thế chiến thứ ba nổ ra. Và nổ ở Biển Đông: sát cánh Việt Nam và không xa nước Úc. Đầu tháng Bảy, cả Mỹ lẫn Trung Cộng đều đưa những con gà nòi trong lực lượng hải quân của mình vào Biển Đông. Tờ Asia Times chạy tít lớn ‘US, China inch closer towards a conflict at sea, Chỉ còn trong gang tấc là Mỹ và Trung Cộng đụng độ nhau trên biển’.

Hoa Kỳ và Trung Cộng vờn nhau

Một bộ đội hải quân Trung Cộng đang ‘bám sát’ chiến hạm Mỹ ở Biển Đông.

Đúng ngày dân Mỹ bắn pháo bông mừng độc lập (4 tháng Bảy), tiến vào Biển Đông không phải một mà hai hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS Nimitz. Hiển nhiên, mỗi hàng không mẫu hạm còn được tiền hô hậu ủng với hàng chục — nếu không muốn nói hàng trăm tàu hộ tống và phi cơ chiến đấu. Sóng Biển Đông đã dội lên.

Trước đó vài ngày, Trung Cộng đưa những chiến hạm thiện chiến nhất vào cũng một vùng biển nói trên. Trung Cộng khoang một vòng tròn từ đảo Hải Nam cho tới quần đảo Hoàng Sa và cấm tàu bè lui tới. Trung Cộng bất chấp công pháp quốc tế mà ra lệnh không ai được đến gần quần đảo Hoàng Sa (tên quốc tế là Paracel Islands; còn tên Trung Cộng tự đặt là gì thì xin đừng ai nhắc tới làm gì cho tốn mực). Có mặt tại Biển Đông vào những ngày đầu tháng Bảy vừa qua là hạm đội dưới quyền của bộ chỉ huy hải quân phương NamTrong số này có tuần dương hạm Hoành Dương (Hengyang) và khu trục hạm Vũ Hán (Wuhan). Thao diễn hải quân lần này, Trung Cộng nhằm chứng tỏ hải quân mình hoàn toàn kiểm soát Biển Đông và cảnh cáo một chút nhúc nhích của hai chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ đều bị lực lượng quân đội nhân dân Trung Cộng bám sát.

Trung Cộng hằn học khi hót lên mạng Twitter: hàng không mẫu hạm Mỹ coi chừng hai thứ hoả tiễn DF-21D và DF-26 được mệnh danh là ‘hàng không mẫu hạm sát thủ, aircraft carrier killer’ gờm sẵn trên boong tàu sơn cờ Ngũ Tinh, à nghe. Trả lời cho đe doạ này, hải quân Mỹ lau chùi những trái bom sáng choáng, rồi gắn vào cánh máy bay F/A-18E Super Hornet trong chiến đoàn 102 gầm gừ trên phi đạo của chiếc USS Ronald Reagan. Lính Mỹ hót lại: ‘Không ngán, Not intimidated’. Rồi ghi thêm cái tag #AtOurDiscretion!

Như trên có nói Trung Cộng thao diễn để chứng tỏ hải quân của mình hoàn toàn kiểm soát Biển Đông … Ngược lại, Hoa Kỳ đưa lực lượng hải quân đến đây để tái khẳng định ‘quyền tự do hàng hải’. Bộ chỉ huy hạm đội Bảy của Hoa Kỳ cho biết hai hàng không mẫu hạm Mỹ cùng một lúc thao diễn nhằm đạt được hoả lực tối đa khi chiến tranh nổ ra.

May mắn không anh binh nhì Mỹ hay Trung Cộng phạm sai lầm nhỏ khi lực lượng hải quân hùng hậu của hai nước lớn nhất thế giới vờn nhau.

Biển Đông rối như tơ vò

Khi hải quân hùng hậu của hai bên ra khỏi ‘mặt trận’ mà không ai nổ súng vào ai, Trung Cộng tuyên bố mình hoàn toàn kiểm soát 3 triệu cây số vuông vùng biển giáp ranh 5 quốc gia (Trung Hoa, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, và Brunei). Ngược lại, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không còn dè đặt như các ngoại trưởng Mỹ tiền nhiệm.

Trước đây, Mỹ luôn miệng phân bua không phò phe nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ngay cả khi bị Trung Cộng xâm lăng vào Hoàng Sa năm 1974, Việt Nam Cộng Hoà đã cầu cứu Mỹ. Mỹ tảng lờ bằng thông cáo ‘We have no claims ourselves and we are not involved in the dispute, chúng tôi không tranh giành ở đó và cũng không vương vào tranh chấp (ở đó)’. Thế mà: vào thứ Hai đầu tuần này, ông Mike Pompeo thẳng thắn tuyên bố: ‘We are making clear: Beijing’s claims to offshore resources across most of the South China Sea are completely unlawful, as is its campaign of bullying to control them, Chúng tôi xin nói rõ như sau: Bắc Kinh hoàn toàn phạm luật khi giành gần hết tài nguyên ở Biển Đông, và cũng phạm luật như thế khi hung hăng tìm cách khống chế tất cả.’

Các nước trong vùng có thể nhảy mừng khi nghe ngoại trưởng Mỹ nói. Nhưng khi ông Mike Pompeo đi vào chi tiết thì chắc là không ít nước chau mày. Trong tuyên bố này, ngoại trưởng Mỹ cho rằng Phi Luật Tân hoàn toàn có chủ quyền và quyền tài phán cả Mischief Reef lẫn Second Thomas Shoal. Trong thực tế, bốn nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Trung Cộng và Đài Loan đang tranh chấp cả hai nơi trên. Việt Nam gọi Mischief Reef là Đá Vành Khăn và Second Thomas Shoal là Bãi Cỏ Mây. Ngoại trưởng Mỹ còn bác bỏ Trung Cộng giành chủ quyền ở Vanguard Bank ngoài khơi Vietnam, Lucania Shoals ngoài khơi Malaysia, và Natuna Besar ngoài khơi Indonesia. Vanguard Bank là tên quốc tế của nơi Việt Nam gọi là Bãi Cạn Tư Chính. Nơi đây Trung Cộng từng đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương vào và chắc là không ít bạn đọc Việt Luận đã có mặt khi biểu tình phản đối. Lucania Shoals là hòn đảo cực Nam trong quần đảo Trường Sa. Lucania Shoals ở sát bờ biển Mã Lai và cách Trung Cộng hơn 2 ngàn cây số. Vậy mà Thiên Triều vẫn cứ giành. Sau cùng, ông Mike Pompeo kể đến Natuna Besar. Natuna Besar là hòn đảo chính trong quần đảo Riau của Indonesia.

Kẻ phò Thiên Triều bị vỡ mộng

Dù có thể làm cho nhiều nước trong vùng cau mày khi kể tên những Mischief Reef, Second Thomas Shoal, Vanguard Bank, Lucania Shoals, và Natuna Besar — ngoại trưởng Mỹ đã gâp phấn khởi khi nêu tên quốc gia hung hăng. Đây là điều Việt Nam và các nước trong vùng chưa dám. Việt Nam chỉ dám la làng bị ‘nước lạ’ ăn hiếp.

Mới nhất, Việt Nam ngồi ghế chủ tịch Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và tổ chức họp thượng đỉnh qua Internet thay vì mở cửa Đà Nẵng đón nguyên thủ các nước. Dù không dám nêu tên Trung Cộng, lần này ASEAN đã công khai vin vào UNCLOS (1982) như là bản văn nền tảng để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. UNCLOS viết tắt từ United Nations Convention on the Law of the Sea, tức Công Ước về Luật Biển được ký kết vào năm 1982. Lập trường của ASEAN khác với lối giải quyết dựa trên ‘bằng chứng lịch sử’ do Trung Cộng đòi hỏi. Bên cạnh đòi chủ quyền dựa trên ‘bằng chúng lịch sử’, Trung Cộng còn chơi trò bẻ bó đũa ASEAN bằng cách chỉ thương thuyết từng nước riêng lẻ.

Tưởng chừng trò bẻ đũa của Trung Cộng đã thành công với Phi Luật Tân. Thật vậy, bốn năm qua người ta e rằng Phi Luật Tân dám phản bội các nước trong vùng mà khấu đầu hàng phục Bắc Kinh lắm đa. Từ khi ông Rodrigo Duterte làm tổng thống, Phi Luật Tân từ chối cho Mỹ đóng quân và chính ông Rodrigo Duterte nhiều lần vuốt ve Trung Cộng để được xì thẩu đổ tiền đầu tư. Trung Cộng hứa đổ $26 tỷ Mỹ Kim vào Phi Luật Tân. Trong đó, có đắp đường xe lửa chạy vòng quanh Mindanao với cái ga tổ bố đặt tại thị trấn Davao – quê nhà của ngài Duterte! Với những lời đường mật ấy, Phi Luật Tân dù nắm trong tay phán quyết có lợi cho mình từ toà án The Hague (năm 2016), nhưng vẫn không dám nhắc tới.

Tuy nhiên, gió đã đổi chiều: mới đây Manila lên tiếng đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết The Haugue. Ngày 12.7 vừa qua, ngoại trưởng Phi Luật Tân, ông Teodoro Locsin Jr cho biết: Bắc Kinh phải tôn trọng toà án The Hague khi phán đường chín đoạn là vô hiệu. Đây là gáo nước tạt vào mặt Bắc Kinh. Manila phải tạt nước vì qua bốn năm chạy theo Bắc Kinh mà số tiền xì thẩu đổ tiền vào Phi Luật Tân vẫn chỉ còn ở trong lời hứa suông.

Âu đây là bài học cho những ai còn nặng đầu óc thần phục Thiên Triều.

Cổ Nhuế

Related posts