Trung Quốc tìm cách củng cố quan hệ với Việt Nam và ASEAN

  • Lê Vy

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung trên bờ vực Chiến tranh lạnh, Bắc Kinh đang tìm cách củng cố lại mối quan hệ với Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á, theo SCMP.

Ông Vương Nghị (trái) và ông Phạm Bình Minh (phải)

Theo SCMP, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang tìm cách xoa dịu một Hà Nội dường như đang có lập trường ngày càng cứng rắn hơn với Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Việt Nam được cho là nước gay gắt nhất với Trung Quốc trong yêu sách của Bắc Kinh về “đường lưỡi bò” gần như bao trọn toàn bộ biển Đông.

Hôm 21/7, ông Vương Nghị đã trò chuyện trực tuyến với người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh. Động thái này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy (Luo Zhaohui) cố gắng trấn an Việt Nam rằng họ chỉ muốn hoà bình và ổn định trong khu vực. 

Đề xoa dịu Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh hậu thuẫn cho biết hôm thứ Sáu (17/7) rằng họ sẽ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam vay 100 triệu USD để giúp ngân hàng mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân bị đình trệ hoạt động do đại dịch virus Vũ Hán, theo SCMP.

“Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam và Trung Quốc đã tăng cường tình hữu nghị để hỗ trợ lẫn nhau,” ông Vương Nghị nói với ông Phạm Bình Minh qua điện thoại, trích lại lời cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào 6 tháng trước.

“Cả hai nước chúng ta đều đã kiểm soát thành công dịch bệnh và chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại,” ông Vương Nghị nói.

Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam cam kết quyên góp 100.000 USD để giúp Trung Quốc chống lại trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã tấn công 27 tỉnh thành và ảnh hưởng đến hơn 38 triệu người như “một biểu tượng của tình hữu nghị.”

Bắc Kinh cũng cho biết nước này đã hoàn tất các cuộc đàm phán vào thứ Hai (20/7) về Hiệp ước Thương mại tự do với Campuchia, đồng minh thân cận nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên và là đối trọng của Việt Nam. Mặc dù Hiệp ước này chủ yếu mang tính biểu tượng vì khối lượng giao dịch thương mại giữa hai nước rất hạn chế, nhưng nó cho thấy chiến lược của Bắc Kinh nhằm lôi kéo các nước rời xa Hoa Kỳ bằng các ưu đãi kinh tế, theo các nhà phân tích.

Ông Xu Liping, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định cuộc họp trực tuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc dự kiến bao trùm nhiều vấn đề, gồm cả các tranh chấp trên biển

“Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh các bên liên quan tăng cường lập trường của mình khi các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và [Asean] đang bước vào giai đoạn quan trọng,” ông nói.

Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á đã thảo luận về tài liệu thiết lập quy tắc trên biển Đông trong nhiều năm. Theo SCMP, Trung Quốc hy vọng công việc sẽ hoàn tất vào năm 2021, nhưng các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn vì đại dịch virus corona, trong khi đó các nước liên quan vẫn chia rẽ sâu sắc về việc phân định rõ những yêu sách của họ cũng như cách giải quyết tranh chấp trong tương lai.

Theo ông Xu, bởi không chắc về cuộc đàm phán này, Việt Nam rất muốn sử dụng cương vị của mình trong năm nay là Chủ tịch ASEAN và tận dụng đường lối cứng rắn của Mỹ trên Biển Đông để đối đầu lại Bắc Kinh.

Hà Nội đã cáo buộc Bắc Kinh về “hành vi bắt nạt” trong các vụ tranh chấp trên biển, gần đây nhất là vào tháng Tư khi một tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Trong cuộc thảo luận về các vấn đề Biển Đông với người đồng cấp Việt Nam Lê Hoài Trung vào thứ Năm (16/7), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy đã đả kích lập trường của Washington về tranh chấp Biển Đông và cho biết hải quân của họ đã gửi hai tàu sân bay qua khu vực này để đối chọi lại chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chúng tôi tin rằng các thành viên của ASEAN sẽ có thể nhìn thấy âm mưu sử dụng biển Đông làm quân bài của Mỹ và tiếp tục áp dụng cách tiếp cận độc lập về chính sách đối ngoại, đồng thời hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy sớm hoàn thành bộ quy tắc đàm phán,” ông La Triệu Huy nói trong một cuộc họp với đại diện của ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Zhu Feng, giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu hợp tác Trung Quốc về Biển Đông tại Đại học Nam Kinh, cho biết các nước ASEAN đã bị cuốn vào cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Chúng ta đang chứng kiến ​​những căng thẳng trầm trọng trong khu vực và ưu tiên hàng đầu là làm thế nào để quản lý khủng hoảng và ngăn chặn các cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm,” ông nói.

Lê Vy (theo SCMP)

Related posts