Lũ lụt kéo dài, vì sao Tập Cận Bình không đến thăm hỏi người dân?

Vũ Dương

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Shutterstock).

Chuyên gia bình luận chính trị người Hoa đã đưa ra những đánh giá bất ngờ cho thấy sự phức tạp trong nội bộ chính quyền Trung Quốc.

Miền nam Trung Quốc mưa lũ kéo dài gần 2 tháng nay, 27 tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, mãi cho đến nay các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn không một ai đặt chân đến các khu vực gánh chịu thảm họa nghiêm trọng, dấy lên sự bất mãn mạnh mẽ của người dân.

Một vài động thái “thấy tiếng không thấy hình”

Ngày 17/7, các kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho hay, cùng ngày Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tổ chức hội nghị thảo luận về tình hình lũ lụt ở miền nam. Tập Cận Bình nói tại cuộc họp rằng hiện giờ công tác phòng chống lũ đã bước vào giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, và chỉ ra 5 khu vực sông có nhiều khả năng xảy ra “tình hình lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng”. Đồng thời lại chỉ ra rằng, năm nay cũng là năm xây dựng thành công mô hình xã hội thịnh vượng, xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện, vậy nên làm tốt công tác phòng chống lũ và cứu trợ thiên tai là vô cùng trọng yếu.

Truyền thông cũng nhấn mạnh rằng từ sớm ngày 19/5, Tập Cận Bình đã yêu cầu các bên liên quan đặc biệt chú trọng đến tình hình lũ lụt ở giữa và hạ lưu sông Dương Tử trong mùa lũ năm nay, cần gấp rút tranh thủ sửa chữa các công trình thủy lợi, tăng cường dự trữ vật tư, triển khai huấn luyện và diễn tập cứu nạn cứu hộ… Đây như một lời “minh oan” cho việc ông Tập vẫn chưa tới thăm vùng lũ lụt.

Trang RFI ngày 18/7 cho hay, tình hình lũ lụt miền nam Trung Quốc lần này đã trở nên nghiêm trọng kể từ đầu tháng 6 năm nay, gây ra nạn lụt lớn trên khắp 27 tỉnh thành. Ngoại giới đều so sánh lũ lụt lần này với trận lũ trên sông Dương Tử năm 1998. Tuy nhiên, phải đến ngày 7-8/7, thủ tướng Lý Khắc Cường mới đến Quý Châu thị sát, mà đây cũng không phải là khu vực thảm họa chính, nhưng các phương tiện truyền thông chính thức đã đưa tin mờ nhạt về cách thức xử lý thiên tai từ phía chính phủ. Tập Cận Bình đến nay vẫn án binh bất động.

Có bài báo chất vấn rằng, truyền thông ĐCSTQ bây giờ nhấn mạnh rằng Tập Cận Bình đã mạnh mẽ triển khai công tác kiểm soát lũ lụt và cứu trợ thảm họa ngay từ tháng 5. Tại sao mãi cho đến bây giờ mới báo cáo?

Có kênh truyền thông Hồng Kông cho rằng báo cáo được đưa ra tại thời điểm này nhằm đáp lại những nghi ngờ chất vấn của người dân Trung Quốc về việc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ vì sao đến nay vẫn không đến nơi xảy ra thảm họa để an ủi người dân bị nạn. Cũng chính là “minh oan” thay cho Tập Cận Bình về việc không đến nơi xảy ra thảm họa.

Theo báo cáo của truyền thông ĐCSTQ, Tập Cận Bình đã từng đưa ra “chỉ thị quan trọng” vào ngày 28/6, nói rằng một số nơi tình hình lũ lụt khá là nghiêm trọng, nhưng lại tuyên bố rằng “các địa phương đều đã thu được kết quả tích cực trong công tác phòng chống lũ và cứu trợ người dân”. Tuy nhiên, ngày 12/7, ông Tập Cận Bình lại thừa nhận: “Tình hình kiểm soát lũ vô cùng gay go”. Nhưng vẫn chỉ nghe thấy tiếng chứ không thấy người.

Kể từ đầu tháng 6 đến nay, lũ lụt ở miền nam Trung Quốc lan rộng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Trên mạng không ngừng chất vấn tại sao Tập Cận Bình và những lãnh đạo cấp cao khác không đến khu vực thảm họa thị sát tình hình và thăm hỏi các nạn nhân.

Nguyên nhân Tập Cận Bình không đến khu vực thảm họa

Liên quan đến nguyên nhân ông Tập Cận Bình không đến khu vực thảm họa, có người cho rằng là để tránh dịch bệnh, có người cho rằng ông Tập thực sự “quá bận” với các mối lo “thù trong giặc ngoài”, đến nỗi liên tiếp đưa ra những quyết sách quá sai lầm, cũng có người chỉ ra rằng có lẽ bởi ông cân nhắc vấn đề an toàn.

Nhà bình luận chính trị thời sự Trịnh Trung Nguyên cho rằng quan điểm cuối cùng là đáng tin cậy nhất. Nói một cách thẳng thắn chính là tránh việc bản thân bị ám sát.

Ông Trịnh Trung Nguyên nói, sau khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát vào cuối năm ngoái, ông Tập Cận Bình cũng đã trù trừ không đến Vũ Hán, nơi bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất thị sát. Mãi đến ngày 10/3, ông Tập mới đáp chuyến bay đến Vũ Hán, nơi đó được phòng bị nghiêm ngặt như đang đối đầu với kẻ thù. Nghe nói các tay súng bắn tỉa do Tập mang theo đã nhắm vào các nhân viên canh gác địa phương ở Vũ Hán.

Nếu lần này Tập Cận Bình đặt chân đến vùng lũ ở miền nam, tất nhiên, các cân nhắc về an toàn sẽ được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, dưới tình hình lũ lụt rợp trời dậy đất, hiện trường cứu trợ thiên tai hỗn loạn như vậy, vấn đề đảm bảo an toàn sẽ càng khó triển khai hơn. Trong tình huống không có chuẩn bị chu đáo, ông Tập đương nhiên không dám mạo hiểm như vậy.

Liên quan đến việc ngăn chặn các vụ ám sát của Tập Cận Bình, mấy năm trước khi giai đoạn “đả hổ diệt ruồi” đang trong cao trào, xuất hiện khá nhiều những lời đồn đại về việc ông Tập Cận Bình bị ám sát, bao gồm vụ phá thành công âm mư ám sát và đảo chính do Chu Vĩnh Khang lên kế hoạch… Thậm chí mãi cho đến khi Tôn Lực Quân – Thứ trưởng Bộ Công an, ngã ngựa vào tháng 4 năm nay, ông này vẫn bị buộc tội có liên quan đến đảo chính lật đổ ông Tập.

Ông Trịnh Trung Nguyên cho biết, gần hai năm nay, dưới sự lộng quyền nhóm nịnh thần Vương Hộ Ninh, Tập Cận Bình đã bỏ qua cơ hội trả lại quyền lực cho người dân, toàn lực đi sang cánh tả, gắng sức bảo vệ ĐCSTQ khỏi kiếp số diệt vong. ĐCSTQ dường như trở nên càng tà ác hơn, phạm vi bức hại càng được mở rộng hơn. Kể từ đầu năm đến nay, nhiều người thuộc mọi tầng lớp công khai đứng lên chỉ trích Tập Cận Bình, tiếng nói đòi lật đổ ĐCSTQ, lật đổ Tập Cận Bình cũng dâng cao trước nay chưa từng có.

Hiện giờ Tập Cận Bình không chỉ phải bảo vệ bản thân khỏi những ám toán của lực lượng chống Tập trong đảng, mà còn phải đề phòng dân gian có người ra tay, mà động thái đến từ người dân thật khó mà phòng bị cho được. Có thể đây chính là nỗi niềm khó nói vì sao Tập Cận Bình không nguyện ý đến khu vực đang phải gánh chịu thảm họa nghiêm trọng.

Theo Li Quan, NTDTV
Vũ Dương biên dịch

Related posts