Tin thế giới Chủ Nhật 19/7

Nga: 10,000 người ở Cực Đông biểu tình ủng hộ thống đốc phe đối lập

Theo Reuters, tối thiểu 10.000 người hôm thứ Bảy (18/7) đã xuống đường tuần hành tại thành phố Khabarovsk, miền Cực Đông nước Nga để yêu cầu chính quyền thả tự do cho thống đốc Sergei Furgal mới bị bắt giữ tuần trước. Đây là tuần biểu tình thứ hai liên tiếp của người dân Khabarovsk.

Ông Sergei Furgal, thành viên Đảng Dân chủ Tự do, là thống đốc Khabarovsk từ năm 2018 sau khi thắng cử trước một đối thủ thuộc Đảng Nước Nga Thống nhất hậu thuẫn Tổng thống Vladimir Putin.

Tuần trước, ông Furgal đã bị bắt và đưa tới thủ đô Moscow. Hiện tại, ông đang bị tạm giam trước xét xử sau khi bị cáo buộc có liên quan tới việc tổ chức giết hại nhiều doanh nhân từ 15 năm trước.

Ông Furgal có thể đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết án các tội danh nêu trên, kể cả tội liên quan tới nỗ lực giết người. Thống đốc Khabarovsk đã phủ nhận các cáo buộc này.

Người biểu tình đã tập trung đông kín đường phố trong buổi chiều thứ Bảy nóng oi ả. Họ mang theo các biển bảng bày tỏ ủng hộ ông Furgal, một số kêu gọi thả tự do ngay lập tức cho ông, những người khác yêu cầu xét xử công khai và minh bạch. Dòng người biểu tình xếp thành hàng dài xa đến tận đường chân trời.

Một phụ nữ trung niên đeo khẩu trang xưng tên Svetlana nói với Reuters rằng người dân không thất vọng với các cáo buộc nhắm vào ông Furgal. Bà nói rằng nhiều chính trị gia Nga có quá khứ đen tối vì những năm cuối của thời kỳ Liên Xô, đất nước này đầy rẫy tham nhũng và tội phạm.

Mọi người đến đây để bảo vệ quyền bầu cử của mình: Chúng tôi đã bầu ông ấy, vì vậy hãy trả ông ấy lại cho chúng tôi”, bà Svetlana nói.

Những cuộc biểu tình diễn ra khoảng gần 3 tuần sau khi chính quyền Putin thắng lớn trong cuộc trưng cầu dân ý về các sửa đổi hiến pháp, trong đó có nội dung sửa đổi cho phép ông Putin có thể duy trì quyền lực thêm 16 năm nữa. Tuần trước, hàng chục người tại Moscow đã bị giới chức bắt giữ sau khi hàng trăm người biểu tình phản đối sửa đổi hiến pháp.

Thứ Bảy tuần trước (12/7), hàng chục nghìn người cũng đã tràn xuống đường phố Khabarovsk biểu tình yêu cầu thả thống đốc Furgal và kêu gọi tổng thống Putin từ chức.

Theo AP, cuộc biểu tình hôm 12/7 có sự tham gia của khoảng 35.000 người. Mọi người xuống phố hô lớn các khẩu hiệu chống Tổng thống Putin như “Tự do cho Furgal”, “Moscow biến đi” và “Putin từ chức”.

Bộ Nội vụ Nga mới đây phát đi tuyên bố cho biết tuần trước có khoảng từ 10.000 đến 12.000 người tham gia một vào một biểu tình không bị chế tài tại Khabarovsk.

Trong khi đó, Văn phòng thị trưởng Khabarovsk phát đi tuyên bố xác nhận cuộc biểu tình hôm 18/7 có ít hơn 10.000 người tham gia và nói thêm rằng đây là cuộc biểu tình ôn hòa và không ai bị bắt giữ.

Tuy nhiên, một số hãng tin địa phương ước tính rằng số người tham gia biểu tình hôm 18/7 là cao hơn khá nhiều so với ước tính của Văn phòng thị trưởng.

Mỹ có thể ‘giáng đòn’ các công ty Trung Quốc liên quan đến yêu sách Biển Đông

Theo SCMP, ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, tuần này đã nói rằng, Trung Quốc đang sử dụng các công ty nhà nước để “bắt nạt” các nước láng giềng trong khu vực nhằm đảm bảo trữ lượng khoáng sản và dầu mỏ.

Theo ông Stiwell, Mỹ có thể đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức và doanh nghiệp có liên quan tới hoạt động trên của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ngày 14/7, ông Stilwell đã nêu tên Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) là đơn vị giúp Trung Quốc phát triển nhiều đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Ngoài ra, quan chức Mỹ cũng đề cập tới Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) là đơn vị lắp đặt một giàn khoan lớn ở Biển Đông.

Những hình ảnh vệ tinh do tạp chí quốc phòngIHS Jane’s phân tích cho thấy công ty nạo vét Thiên Tân, một công ty con của CCCC, đóng vai trò trong việc cải tạo trái phép các rạn san hô ở Biển Đông, bao gồm đá Vành Khăn, đá Chữ Thập, thành những đảo lớn hơn để thiết lập đường băng và cơ sở quân sự trái phép.

Thủ phủ Tân Cương của Trung Quốc kích hoạt chế độ ‘thời chiến’

Theo Reuters, Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương của Trung Quốc đã chuyển sang chế độ “thời chiến” và đưa ra các kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm ngăn ngừa Covid-19.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV hôm 18/7 dẫn lời các quan chức Urumqi trong cuộc họp báo cùng ngày cho biết thành phố đã đình chỉ các cuộc tụ tập.

Chính quyền Urumqi cũng kêu gọi người dân không di chuyển ra ngoài thành phố nếu không cần thiết và yêu cầu xét nghiệm virus Vũ Hán với bất cứ ai rời đi nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Trước đó, vào hôm 17/7, chính quyền Urumqi bất ngờ ra lệnh phong tỏa thành phố 3,5 triệu dân sau khi ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng sau 149 ngày “sạch bóng” Covid-19. Thành phố đã cấm hầu hết các chuyến bay đến và đi, đồng thời đóng cửa tuyến tàu điện ngầm và dịch vụ xe buýt từ tối 16/7. Những người từng ở Urumqi cũng bị từ chối vào các khu vực khác của Tân Cương.

Hàng ngàn người tụ tập ở Bangkok phản đối chính phủ Thái Lan

Hàng ngàn người đã tụ tập tại thủ đô của Thái Lan vào hôm 18/7 để kêu gọi thông qua hiến pháp mới, tổ chức các cuộc bầu cử mới và chấm dứt các luật mang tính áp chế.

Hô khẩu hiệu và giơ biểu ngữ, những người biểu tình, bao gồm chủ yếu là người Thái trẻ tuổi, hội tụ về Tượng đài Dân chủ mang tính biểu tượng của Bangkok ở khu phố cổ của thành phố, một địa điểm phổ biến để thể hiện quan điểm bất đồng, AP đưa tin.

Cuộc tụ tập này, được tổ chức bởi một nhóm tự gọi là Thanh niên Giải phóng, là cuộc tụ tập lớn nhất kể từ khi chính phủ Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3 khi ứng phó với virus Vũ Hán.

Chân dung ông Clinton và ông Bush bị gỡ khỏi sảnh chính Nhà Trắng

Theo CNN, các trợ lý Nhà Trắng đã tiết lộ rằng hai bức chân dung của ông Clinton và ông Bush đã bị gỡ xuống vào tuần trước và được thay thế bằng chân dung của hai tổng thống Cộng hoà từng tại nhiệm hơn một thế kỷ trước.

Chân dung ông Bush hiện được thay thế bằng chân dung William McKinley, tổng thống Mỹ thứ 25 bị ám sát năm 1901, còn bức tranh ông Clinton được thay bằng tranh của Theodore Roosevelt.

Theo truyền thống, Nhà Trắng thường treo chân dung của những tổng thống Mỹ gần đây nhất ở vị trí nổi bật nhất, tại lối vào của toà nhà, để các vị khách trong những sự kiện chính thức dễ dàng quan sát.

Nhà Trắng hiện chưa có bình luận nào về thông tin trên.

Ông Biden cảnh báo nguy cơ Nga can thiệp bầu cử

“Chúng ta biết điều này từ trước và tôi đảm bảo với các bạn rằng tôi đã biết rõ nó vì tôi lại nhận được thông tin. Người Nga vẫn cố can thiệp quá trình bầu cử của chúng ta. Đó là sự thật”, Reuters dẫn lời ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nói với người ủng hộ trong buổi gây quỹ trực tuyến hôm 17/7.

Ông Biden cũng cảnh báo nếu Nga còn tiếp tục hành vi can thiệp, họ sẽ phải trả giá rất đắt một khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11. Cựu phó tổng thống Mỹ nói thêm Trung Quốc cũng đang tiến hành các hoạt động “nhằm khiến chúng ta mất niềm tin vào kết quả cuộc bầu cử 2020”.

Không rõ thời điểm ông Biden bắt đầu nhận được thông tin tình báo là khi nào. Chiến dịch tranh cử của ông chưa bình luận về tuyên bố ông đưa ra.

Trước đó, vào tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này không can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ sau khi Tổng thống Trump cho biết Trung Quốc “sẽ làm bất cứ điều gì” để ngăn ông đắc cử.

Related posts