Người Duy Ngô Nhĩ lưu vong kiện Trung Quốc lên Tòa án Hình sự Quốc tế

Hương Thảo

Người Duy Ngô Nhĩ lưu vong kiện Trung Quốc lên Tòa án Hình sự Quốc tế
Trái: Nữ thần Công lý, Phải: Người Duy Ngô Nhĩ biểu tình ở Berlin hôm 10/7/2009 cho đồng hương bị bức hại ở Trung Quốc (ảnh: langkawi/Flickr).

Chính phủ lưu vong Đông Turkestan, một chính phủ của những người Duy Ngô Nhĩ xa xứ, và Phong trào Thức tỉnh Quốc gia Đông Turkestan (ETNAM) đã đưa bằng chứng lên Tòa án Hình sự Quốc tế nhằm khởi động một cuộc điều tra tội diệt chủng và các vi phạm nhân quyền khác của các quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo Taiwan News.

Theo chính phủ lưu vong Đông Turkestan (ETGE), cơ sở pháp lý của khiếu nại bắt nguồn từ việc chính quyền Trung Quốc tiến hành vây bắt những người Duy Ngô Nhĩ ở hai nước láng giềng Campuchia và Tajikistan. Những người Duy Ngô Nhĩ này đã trốn khỏi tỉnh Tân Cương của Trung Quốc (được người Duy Ngô Nhĩ gọi là Đông Turkestan) vì bị tra tấn, cưỡng chế triệt sản và thậm chí là mổ cướp nội tạng dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Mặc dù Trung Quốc không phải là bên có khế ước với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nhưng ETGE cho rằng chính quyền cộng sản này vẫn phải chịu trách nhiệm khi trục xuất người Duy Ngô Nhĩ diễn ra ở hai nước Campuchia và Tajikistan vốn đều là các thành viên của ICC. Bằng chứng trong đơn kiện cho thấy ở Tân Cương, nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã bị tra tấn bằng cách sốc điện; ngoài ra, nhiều người cũng đã bị ép ăn thịt lợn và uống rượu – những hành vi vi phạm giới luật Hồi giáo, nhằm làm nhục những nạn nhân bị cầm tù này.

Ước tính 500.000 trẻ em Duy Ngô Nhĩ đã bị đẩy ra khỏi nhà và đưa đến các trại trẻ mồ côi, nơi chúng hiện đang hứng chịu sự tuyên truyền tẩy não thay vì được giáo dục trong môi trường gia đình với bản sắc truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc đang thực thi các biện pháp kiểm soát sinh đẻ nghiêm ngặt tại tỉnh này để quét sạch người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số khác. Giới chức đã buộc các phụ nữ dân tộc thiểu số phải thử thai thường xuyên, theo sau bởi việc cưỡng bức phá thai nếu vượt quá số quy định, trong khi đối với người Hán địa phương họ lại khuyến khích sinh thêm con, theo hãng tin AP.

Một cuộc điều tra của AP còn chỉ ra rằng có quá nhiều trẻ em – mức quy định tối đa là 2 ở thành phố và 3 ở nông thôn – là lý do chính khiến người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các trại tập trung; bên cạnh việc bắt giam, các gia đình Duy Ngô Nhĩ bị phát hiện vi phạm chính sách còn phải đối mặt với các khoản tiền phạt rất lớn, trong khi các gia đình Trung Quốc tộc Hán ít có khả năng hơn. Nhiều người cũng bị bắt giam chỉ vì đi du lịch nước ngoài hoặc làm việc tại các nhà thờ Hồi giáo địa phương.

Rodney Dixon QC, luật sư của ETGE, nói với tờ Euronews rằng những người đào thoát Tân Cương là những nhân chứng sống đáng tin cậy về tội ác tàn bạo của ĐCSTQ tại nơi này: 

“Khách hàng của tôi hiện đang trình vụ việc này lên Tòa án hình sự Quốc tế, yêu cầu các công tố viên có hành động và thúc giục cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ vụ kiện như một lộ trình rõ ràng để giành lại công lý cho các nạn nhân”.

Hồi cuối tháng 6 hãng tin AP đã công bố một báo cáo điều tra gây chấn động, trong đó cho biết chính quyền Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp hà khắc để cắt giảm tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác, dù Bắc Kinh hiện đang khuyến khích người Hán sinh thêm con.

Trung tuần tháng 6, chính quyền tổng thống Trump đã ban hành luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

(Nguồn thumbnail: Trái: Nữ thần Công lý, Phải: Người Duy Ngô Nhĩ biểu tình ở Berlin hôm 10/7/2009 cho đồng hương bị bức hại ở Trung Quốc (ảnh: langkawi/Flickr))

Related posts