Khi Úc đối đầu với Trung Quốc

Phạm Đức Đồng Hùng

Thay vì giận dữ, tức tối phản ứng với “Chiến lược phòng thủ 2020” (2020 Defence Strategy Update) mà Thủ tướng Scott Morrison công bố ngày 1.7.2020, Trung Quốc chỉ… lên giọng đạo đức.

Trước tin Úc tăng ngân sách quốc phòng lên 40% để xây dựng một lực lượng đủ sức đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã không giữ phong thái “chiến lang” đặc trưng của mình điềm đạm khuyên răn: “Tất cả các quốc gia nên tránh né việc chạy đua vũ trang. Hãy kềm chế, đừng mua những thiết bị quân sự không cần thiết”.

“Thối” như là bài giảng đạo đức của một tên đồ tể, khuyên người khác nên ăn chay để tránh việc… sát sinh.

Trung Quốc không cay cú và giận dữ vì Úc đã bước qua lằn ranh đỏ từ lâu và chỉ mới đây còn có gan “vuốt râu hùm” khi thúc đẩy cuộc điều tra quốc tế về nguyên nhân phát sinh và truyền nhiễm của dịch Covid-19.  Về chiến lược quốc phòng, Úc đã khiến Trung Quốc đùng đùng giận dữ cách đây những 11 năm với Bạch thư Quốc phòng “Defending Australia in the Asia Pacific Century: Force 2030” công bố năm 2009, chính thức xem Trung Quốc là mối đe dọa.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta cần ôn lại những khái niệm cốt lõi và căn bản trong chiến lược quốc phòng Úc.

Chiến lược và lực lượng

Việc xây dựng lực lượng quốc phòng – bao gồm tuyển mộ huấn luyện quân nhân, cấu trúc lực lượng và mua sắm trang bị vũ khí – tùy thuộc vào chiến lược phòng thủ. Và chiến lược này thì xây dựng trên nhận thức về “mối đe doạ” đối với nền an ninh quốc gia.

Từ lâu nước Úc nhận thức rằng mối đe doạ lớn nhất của mình xuất phát từ phương Bắc. Để bảo vệ mình, Úc chủ trương củng cố quan hệ liên minh quân sự chặt chẽ với Mỹ, đều đặn gởi quân trong các chiến dịch quốc tế do Mỹ chủ xướng như một cách “đóng bảo hiểm quốc phòng”: Úc bị đe doạ thì Mỹ sẽ ra tay bảo vệ như một cách thanh toán tiền bảo hiểm.

Nhưng không chỉ đơn thuần dựa vào Mỹ, Úc phải tự vệ và vấn đề đặt ra là sẽ tự vệ như thế nào.

Rõ ràng, nếu muốn tấn công Úc, “mối đe dọa phương Bắc” chỉ có thể tấn công hay tiến quân bằng đường hàng không hay đường biển, do đó Úc tập trung tài nguyên vào việc xây dựng hải quân và không quân để chặn đứng mối đe dọa này từ xa. Quan niệm này thống trị chính sách quốc phòng Úc hầu như suốt cả thế kỷ 20 nên suốt thời gia đó lục quân chỉ được “chia phần” khoảng 15% ngân sách quốc phòng.

Nhưng trên thực tế thì từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, hải quân và không quân Úc hầu như chỉ để làm cảnh trong khi lục quân liên miên đụng trận. Từ Triều Tiên đến Papua New Guinea, Malaysia, Việt Nam rồi Irap, Afghanistan. Gần đây trong cuộc chiến chống IS tại Syria và Iraq, Úc chỉ đưa không quân tham chiến, lục quân thì chỉ cử cố vấn đến huấn luyện.

Hàng chục năm qua Úc chỉ đem lục quân sang “bình định” các vùng đệm bên ngoài “chu vi phòng thủ” của mình, hay xa hơn là Việt Nam, Aghanistan hay Iraq như một cách đóng bảo hiểm an ninh cho Mỹ. Lục quân Úc được chia phần không bao nhiêu nhưng phải đánh nhau thật là nhiều trong khi hai quân chủng con cưng là hải quân và không quân hầu như chỉ ngồi chơi xơi nước, tham gia các chiến trường trên theo lối công tử bột.

Bởi vậy sau chiến dịch Đông Timor vào năm 1999, chính phủ John Howard mới bắt đầu xét lại vai trò của lục quân trong Bạch thư quốc phòng 2000. Vấn đề đặt ra là: bất cứ xáo trộn nào của khu vực cũng ảnh hưởng đến quyền lợi và nền an ninh của Úc. Để bảo vệ an ninh và quyền lợi của mình, Úc phải tích cực đưa quân sang các quốc gia láng giềng để củng cố sự ổn định của khu vực.

Sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 thì tầm đe doạ còn được nhìn trong một phối cảnh mới: chủ nghĩa khủng bố là mối đe doạ toàn cầu và Úc phải tham gia vào nỗ lực chặn đứng. Điều này ngụ ý là “ở đâu có khủng bố, ở đó có quân Úc” và trách nhiệm này phải đặt trên vai lục quân, đặc biệt là lực lượng biệt kích.

Lúc này giới hoạch định chiến lược tại Bộ Quốc phòng cho rằng xác suất về “mối đe dọa phương Bắc” rất thấp trong khi những năm qua Úc chỉ đối mặt với những đe dọa gián tiếp qua những bất ổn của khu vực. Như vậy thì trong khi tiếp tục củng cố khả năng phòng thủ bằng đường biển và đường không, Úc cần phải tái định hướng đường hướng quốc phòng để có một sự đầu tư hợp lý cho lục quân.

Điều này dẫn đến chủ trương ưu tiên xây dựng lực lượng viễn chinh và những đơn vị biệt kích để có thể phản ứng nhanh tại bất cứ điểm nóng nào trên thế giới. Làm như thế, Úc sẽ trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng thế giới và của các liên minh phòng thủ mà mình là một thành viên, do đó khi Úc lâm sự thì các đồng minh của Úc sẽ chìa một bàn tay.

Tuy nhiên sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm thay đổi hướng đi này. Từ Bạch thư Quốc phòng 2009 đến Bạch thư 2016 và bản “Cập nhật chiến lược phòng thủ 2020” mới đây, Úc chú ý nhiều hơn đến “mối đe dọa phương Bắc”, do đó càng nhấn mạnh đến chiến lược “hải không” và đầu tư nhiều hơn cho chiến tranh mạng.

Mối đe dọa phương Bắc

Suốt một thời gian dài “mối đe dọa” này được nhìn qua hình ảnh của láng giềng Indonesia và đến đầu thế kỷ 21 thì Úc bắt đầu “suy nghĩ” về sự sự trỗi dậy của Trung Quốc, tuy nhiên đến gần một thập niên năm sau, khi ông Kevin Rudd lên cầm quyền, Úc mới chính thức xem Trung Quốc là mối đe dọa.

Tác giả Bạch thư Quốc phòng 2009 là ông Michael Pezzullo, lúc đó là Phó Tổng thư ký Bộ Quốc phòng. Để thay đổi cái nhìn này, ông đã bác bỏ quan điểm của những giới chức tình báo cao cấp, lúc đó cho rằng sự bành trướng quân sự của Trung Quốc không hàm ý một sự đe doạ với nền an ninh của Úc trong tương lai lâu dài.

Cuối năm 2008 ông Peter Varghese, nguyên Giám đốc Sở tình báo Quốc gia (Office of National Assessments: ONA), đã viết kiến nghị lên nguyên Thủ tướng Kevin Rudd bày tỏ sự lo ngại của mình trước đường lối quốc phòng của ông Pezzullo. Theo ông này thì quan niệm sai lầm của ông Varghese sẽ làm “lệch lạc” việc phân bổ tài nguyên mà quốc gia dành cho mục tiêu quốc phòng. Cần nói thêm là hiện ông Peter Varghese là Viện trưởng danh dự của Đại học Queensland, một đại học bị tố là “thân” nếu không nói là “nịnh” Trung Cộng. Hiện ông Varghese và Viện trưởng Peter Hoj và cả đại học Queensland đang bị sinh viên Drew Pavlou ủng hộ Hồng Kông kiện lên Tòa Thượng thẩm Queensland đòi bồi thường $3.5 triệu vì đã có hành động “xâm phạm hợp đồng”.

Lúc đó, cuối năm 2008, ONA và Cục tình báo quốc phòng Úc (DIO) cho rằng Trung Quốc không phải là mối đe doạ trực tiếp của Úc, việc Trung Quốc củng cố quân đội chẳng qua là cách thức để phòng thủ trước sức mạnh của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Theo hai cơ quan tình báo này thì tới năm 2030 “môi trường chiến lực của Úc” sẽ đối mặt với hai thách thức rộng lớn. Thứ nhất là sự bất ổn của những quốc gia nằm trong vùng độn bên ngoài chu vi phòng thủ của Úc, từ East Timor cho đến các đảo quốc Thái Bình Dương như Vanuatu và Fiji. Thứ hai là các cuộc xung đột sâu hơn từ các lực lượng phiến loạn tại các quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp như Afghanistan.

Bây giờ, chúng ta đã thấy rõ là ONA và DIO hoàn toàn thiếu viễn kiến trong khi ông Rudd và Pezzullo thực sự có tầm nhìn xa. Lúc đó ông Rudd và ông Pezzullo đều dự đoán rằng cuối cùng thì sẽ đến lúc Trung Quốc ra mặt thách thức uy quyền quân sự mà Mỹ đang cầm giữ tại vùng Đông Á, do đó Úc phải tính trước chuyện đường dài. Dĩ nhiên, Bạch thư Quốc phòng này không trực tiếp nên tên Trung Quốc, nhưng rõ ràng lúc này cụm từ “mối đe doạ từ phưong Bắc” đã ám chỉ nước này.

Ngày 2.5.2029 Bộ quốc phòng Úc đã công bố bạch thư dày 140 trang mang tên “Defending Australia in the Asia Pacific Century: Force 2030” (Tạm dịch: Phòng thủ nước Úc trong Thế kỷ Á Châu – Thái Bình Dương: Lực lượng tới năm 2030).

Bạch thư thừa nhận rằng Mỹ vẫn là đồng minh không thể thiếu của Úc, tuy nhiên Úc cần phải tự lực cánh sinh nhiều hơn nữa. Chính vì thế nên bất kể tình hình kinh tế đang suy thoái, chính phủ đã tăng ngân sách quốc phòng.

Lúc đó ngân sách quốc phòng là $22.1 tỷ một năm và chính phủ sẽ tăng lên 3% trong giai đoạn từ 2017 đến 2018 và tăng 2.2% từ 2018 đến 2030. Phần tăng này để trang bị thêm cho sức mạnh của hải lực và không lực với nhiều tàu ngầm mới, trực thăng chiến đấu trên biển, các khu trục hạm và tuần dương hạm, các chiến đấu cơ mới với các hệ thống hỗ trợ và vũ khí. Tóm lại, lúc này Úc nhắm đến mục tiêu, thứ nhât là xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng làm chủ vùng biển cách bờ ít nhất là 1,000 hải lý; thứ hai là xây dựng một lực lượng không quân đủ sức để phối hợp với các hạm đội Úc trên vùng biển rộng lớn này.

Trung Quốc đã cực kỳ giận dữ trước bạch thư này nhưng thoạt đầu cố giữ im lặng vì sợ gây tác dụng ngược. Lúc đó Trung Quốc mong đợi chính phủ Úc phê chuẩn dự án đầu tư $19.5 tỷ của Tổng công ty nhôm quốc doanh (Chialco) vào công ty hầm mỏ Rino Tinto, bất cứ lời qua tiếng lại nào cũng sẽ gây bất lợi cho nỗ lực trên. Nhưng hai tháng sau, khi dự án này bị bác, Trung Quốc lập tức trả thù, vừa ra lệnh bắt giam toán nhân viên bốn người của Tổ hợp hầm mỏ Rio Tinto ở Thượng Hải với cáo buộc gián điệp, trong đó có một công dân Úc gốc Hoa tên Hu Shitai (Hồ Sư Thái), và ba nhân viên quốc tịch Trung Hoa.

Lúc đó một nhà ngoại giao Trung Quốc phát biểu với tờ The Age: “Như là người nói thạo tiếng Trung Quốc, Thủ tướng Kevin Rudd là cái cầu nối giữa Trung Quốc và Mỹ. Thế nhưng trên thực tế ông ta muốn thay mặt Mỹ để chống lại Trung Quốc. Thật là khó để giải thích chuyện này với nhân dân Trung Quốc.” Trong khi đó Giáo sư Shi Yinhong, trưởng khoa bang giao quốc tế tại Đại học Nhân Dân (People’s University) phát biểu: “Trung Quốc sẽ không chấp nhận việc Úc chọn lựa giả thuyết về cái gọi là ‘mối đe doạ Trung Quốc”.

Nói một đằng, nhưng Trung Quốc lại làm một nẻo. “Mối đe dọa phương Bắc – Made-in-China” ngày càng rõ nét hơn qua những hành vi quân sự hóa Biển Đông với chuỗi đảo nhân tạo trên vùng biển Trường Sa.

Không khoanh tay đứng nhìn, sau đó Úc lại tung ra “thông điệp $195 tỷ”

 “Thông điệp $195 tỷ”

Đó là Bạch thư Quốc phòng 2016 do Thủ tướng Malcolm Turnbul công bố ngày 25.2.2016 với trọng tâm chú ý là nguy cơ xung đột tại Biển Đông. Trực tiếp đề cập đến mối lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc, Úc thực sự chuyển mình tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang và cuộc chiến tàu ngầm tại Á châu.

 Bạch thư nhấn mạnh: “Các vụ tranh ch ấp lãnh thổ đã tạo ra một tình trạng căng thẳng và bấng an trong khu vực chúng ta… Những vấn đề mà các bạch thư quốc phòng trước đây đã đề ra như là những vấn đề trong tương lai xa, chẳng hạn như hệ quả của tiến trình hiện đại hóa trong khu vực, hiện đã là những vấn đề mà Bạch thư này phải giải quyết.”

Bạch thư cũng nhấn mạnh là Úc tiếp tục xây dựng quan hệ đồng minh với Mỹ, tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục là một “sức mạnh nổi bật trên tòan cầu” trong hai thập niên tới.

Quan hệ với Mỹ sẽ được củng cố và đào sâu thêm với việc tái bố trí hệ thống viễn vọng kính tình báo không gian đến vùng Exmouth tại Tây Úc.

Trong mối quan tâm đó, Úc hướng đến việc nâng cao “năng lực và khả năng linh họat” của các lực lượng quân đội trong thời kỳ mà “sự thịnh vượng và sức mạnh” của các nước Á châu đang gia tăng, song song với “sự căng thẳng chiến lược đã bộc lộ giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Cụ thể, Úc đề ra năng lực phản ứng nhanh của các lực lượng hải quân, lục quân, không quân, tình báo và tác chiến điện tử. Để làm như vậy chính phủ sẽ nâng ngân sách quốc phòng lên đến $195 tỷ vào tài khóa 2020 – 2021 với mục tiêu xây dựng:

– Một lực lượng quân đội hiện dịch với 64,400 binh sĩ.

– Một hạm đội tàu ngầm gồm 12 chiếc với phí tổn trên $50 tỷ trong giai đọan từ 2018-2057.

– Tăng cường năng lực của hải quân với 9 khu trục hạm chống tàu ngầm và 12 tuần dương hạm xa bờ, chiếm 25% ngân khỏan mới.

– Không quân Úc có thêm hai phi đội máy bay không người lái và hòan thành mục tiêu xây dựng phi đòan gồm 75 chiến đấu cơ Joint Strike Fighters.

– Lục quân được đầu tư 18% ngân sách để trang bị thêm máy bay không người lái, thiết vận xa, trực thăng cho lực lượng đặc biệt.

Bạch thư này nhắm đến mục tiêu nâng ngân sách quốc phòng lên mức 2% tổng thu nhập quốc gia (GDP) trong tài khóa 2020-2021.

Như vậy chính phủ Turnbull đã tiến đến mục tiêu trên sớm hơn so với lời hứa hẹn trước đây và do đó khiến ngân sách quốc phòng tăng thêm $29.9 tỷ.

Nhưng con số này vẫn chưa là gì so với ngân sách hiện tại bởi càng ngày Trung Quốc càng hung hăng hơn, thậm chí trực tiếp đe dọa và trừng phạt Úc theo phong cách ngoại giao “chiến lang”.

Trung Quốc hung hăng hơn

Phát biểu tại Học viện Quốc phòng Úc (Australian Defence Force Academy: ADFA) vào đầu tháng này, Thủ tướng Scott Morrison đã vẽ ra một viễn ảnh mới cho lực lượng quốc phòng Úc, với ngân sách tăng vọt đến 40%, từ $195 tỷ đã đề ra năm 2016, nâng lên đến $270 tỷ.

Theo ông Morrison thi thay đổi này là để ứng phó với một thế giới đang trở nên “nghèo hơn, nguy hiểm hơn và hỗn loạn hơn”. Cũng theo ông Morrison thì môi trường an ninh “nhẹ nhàng” mà Úc được hưởng lâu nay từ khi Bức tường Berlin sụp đổ cho tới khủng hoảng tài chính toàn cầu, nay đã hết.”

Từ nay Úc sẽ giới hạn ưu tiên an ninh của mình trong khu vực từ Đông Bắc Ấn Độ Dương, đi qua biển và phần đất liền từ Đông Nam Á đến Papua New Guinea và Tây Nam Thái Bình Dương.

Theo ông Morrison thì Úcvẫn sẵn sàng hỗ trợ quân sự bên ngoài khu vực trực tiếp như Afghanistan, Syria hay tham gia các lực lượng liên quân Mỹ dẫn đầu, nhưng khi đầu tư xây dựng hay điều chỉnh cấu trúc lực lượng, Úc sẽ không đầu tư để quân đội Úc có thể tham gia tốt nhất cho các chiến trường xa lạ này. Mục tiêu mà Úc xây dựng lực lượng là để hoạt động tốt nhất tại khu vực “ưu tiên an ninh” nói trên, cả tại tại các “vùng xám” (grey zone), tức những khu vực với những hoạt động chưa thể xem là gây chiến với Úc nhưng có thể gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Úc.

Cụ thể Úc sẽ xây dựng một lực lượng đông đảo hơn, có sức răn đe hơn, tấn công mạnh mẽ hơn với hệ thống hỏa tiển tầm xa. Quân đội Úc sẽ được cải tổ và đầu tư để có khả năng răn đe hơn, có khả năng cầm chân lực lượng hay hạ tầng của đối phương từ khoảng cách xa, tù đó ngăn chặn không cho chiến tranh xảy ra trên đất Úc.

Bên cạnh đó Úc cũng sẽ nâng cao năng lực tác chiến mạng và hệ thống giám sát ngầm dưới mặt nước biển.

Phản ứng tại Úc

Lên tiếng trước sự cập nhật này, cựu Thủ tướng John Howard ghi nhận rằng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã tỏ ra hung hăng hơn vào thời của mình và theo ông thì chính sách này là một phần của chiến lược răn đe để ngăn cản những hành động phiêu lưu của nước này.

Tuy nhiên cựu Thủ tướng Kevin Rudd, người đầu tiên nhấn mạnh đến mối đe dọa Trung Quốc, lại đề cập đến ba kẻ hở trong chiến lược quốc phòng hiện tại.

Thứ nhất, đó là sự trễ nãi của hợp đồng hạm đội tàu ngầm mới: khi lên cầm quyền Liên đảng đã đặt mục tiêu hoàn hạ thủy hạm đội này vào thập niên 2020 nhưng nay thì lùi đến thậm niên 2030.

Thứ hai là việc cắt giảm viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương đã tạo cơ hội cho Trung Quốc thò chân vào vùng này. Hiện tại, khi nhận ra điều này, chính phủ Liên đảng mới lo lắng tìm cách khôi phục mức việc trợ cũ, của năm 2013.

Thứ ba là Úc hoàn toàn bị “hở sườn” trong chiến tranh mạng. Ông Rudd cho rằng chính phủ ông đã thành lập Trung tâm tác chiến an ninh mạng (Cyber Security Operations Centre) tuy nhiên các chính phủ Liên đảng kế tiếp nhay đã không có sự đầu tư đúng mức. Đến nay, sau hàng loạt các vụ tấn công trên diện rộng từ Trung Quốc, Liên đảng mới tuyên bố quyết định tuyển mộ thêm 500 chuyên gia điện toán như là “điệp viên mạng” và đầu tư thêm $1.3 tỷ để nâng cao năng lực của Cục tình báo điện tử (Australian Signals Directorate).

Related posts