Chủ quyền nước Úc lâm nguy

Cổ Nhuế

Khi con Corona từ Vũ Hán rầm rập tấn công thế giới. Úc không thoát. Trong những ngày đầu của đại dịch, Úc nhận ra mình quá lệ thuộc vào Trung Cộng. Nhất nhất từ chiếc mặt mạ, thuốc tây cho đến bộ quần áo an toàn cho nhân viên y tế đều nhập cảng từ Trung Cộng. Lúc đó đường dây cung cấp hàng hoá bị Trung Cộng chặt đứt khiến cho thủ tướng Úc phải thốt lên ‘chủ quyền của Úc lâm nguy’ (Australia’s sovereignty at risk).

Nghe vậy, người ta tưởng ông Scott Morrison muốn nói tới ‘chủ quyền kinh tế’ hay chỉ là một thứ ‘an toàn về y tế’. Nào đâu, khi cơn dịch nguôi nguôi thủ tướng quyết định chi ra $270 tỷ để võ trang nước Úc thì nhiều người bật ngửa: chủ quyền đất đai của Úc thật sự đang lâm nguy.

Đất phương Nam không còn an bình

Vào ngày đầu tiên trong tháng Bảy, thủ tướng Scott Morrison cho biết Úc sẽ mạnh mẽ võ trang. Trong 10 năm tới, Úc chi $270 tỷ để sắm khí giới và hiện đại hoá quân đội. Đây là quyết định chưa từng thấy trong lịch sử Úc.

Thật vậy, Úc không phải là cường quốc – có chăng chỉ được coi là cường quốc hạng trung; và hiếm hoi nước Úc bị xâm lăng – hình như chỉ bị quân đội Nhật Hoàng thả bom Darwin và gài ngư lôi ở Sydney trong thời gian thế chiến thứ nhì. Quân đội Úc nhiều lần tham chiến nhưng gần như lâm chiến lần nào Úc cũng chỉ yểm trợ nếu không phải cho mẫu quốc Anh thì cho Mỹ. Hơn nữa, từ sau thế chiến thứ nhì, Úc dựa vào sức mạnh quân sự của nước lãnh đạo thế giới Tự Do. Dân Úc sống thanh thản vì đã có hiệp ước ANZUS. Theo hiệp ước này, ba nước Mỹ, Úc và New Zealand sẽ tiếp cứu nhau khi một nước bị tấn công. Đã có ít nhất một lần, Úc thi hành hiệp ước ANZUS khi tiếp cứu Hoa Kỳ bị bin Laden tấn công vào ngày 11.9.2001. Ngược lại, chưa thấy quân đội Cờ Hoa rầm rộ qua đây tiếp cứu Úc và New Zealand.

Quân Mỹ và New Zealand chưa tiếp cứu nước Úc vì chả ai buồn xâm lăng nơi đây – ngoại trừ đàn quân Penguin từ Nam Cực tiến lên! Nhưng an bình ở đất phương Nam không còn nữa.

Úc phải bảo vệ lãnh thổ của mình

Giáo sư Andrew Carr, giảng môn chiến lược quốc phòng tại đại học ANU, Canberra cho rằng: các biến chuyển gần đây trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đã làm cho tiếng chuông báo động rung lên. Chuông báo động này khiến cho Úc phải võ trang. Úc không còn chỉ dựa vào sức mạnh của đồng minh Hoa Kỳ nữa mà còn phải tự mình phòng thủ. Hơn nữa, Úc không những chỉ gởi quân đến vùng xa xôi như Iraq, Afghanistan (và trước đây đến Việt Nam, Mã Lai, Triều Tiên) mà phải nghĩ tới chiến tranh có thể xảy ra ở ngay trên đất nước này. Đây là khúc quanh quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Úc vì thế giới đã thay đổi.

Khi thế giới bước vào thời đại hậu-COVID, chúng ta phải thay đổi. Thay đổi từ cách đi đứng giữa đám đông, lối bắt tay bắt chưn khi gặp nhau và chí đến cách thức đấm đá nhau. Chiến tranh trong thời hậu-COVID-19 không còn kiểu dàn trận trùng trùng lớp lớp binh sỹ nữa. Quân đội phải … giữ khoảng cách an toàn và hai kẻ thù cũng thế. Vậy là chiến tranh sẽ diễn ra từ xa và do máy computer điều khiển những con robot. Ông Paul Barratt, từng giữ chức đổng lý văn phòng bộ quốc phòng Úc và nay lãnh đạo nhóm có tên là Australians for War Powers Reform, cho biết như trên.

Thế giới thời hậu-COVID rõ ràng nghèo hơn, nguy hiểm hơn và bát nháo hơn. Trong thế giới bát nháo này, Trung Cộng hung hăng hơn. Ai mà chẳng biết Trung Cộng có những giấc mơ tận chân trời góc biển. Nhưng trước khi đến những nơi xa xăm ấy Trung Cộng phải quậy cho nát các lân bang. Biển Đông giàu có và dãy Hy Mã Lạp Sơn ngất trời đang bị Trung Cộng lấn qua. Bạn đọc đã rành quá nhiều tin tức chiến sự ở hai nơi này. Rủi thay, sau Biển Đông và Ấn Độ sẽ đến những phần đất đai thuộc chủ quyền Úc. Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử Úc, đất nước này phải ra tay bảo vệ lãnh thổ của mình.

Quân thù ở xa hơn

Trước đây, quân đội Úc dàn quân thành một vòng cung khởi đi từ Karrakatta (phía Tây thành phố Perth), vòng lên Robertson (phía Đông Darwin) kéo dài xuống Lavarack (tại Townville, Qld.). Dàn quân như thế vì Úc e rằng Indonesia tràn xuống. Nhưng mối nguy này đã không xảy ra và có thể chưa nguy hiểm bằng mối nguy từ Bắc Kinh. Vì thế, võ trang lần này Úc hướng tầm mắt xa hơn.

Quân thù có thể ở cách xa đến hơn 400 cây số. Vậy là phải sắm những hoả tiễn tầm xa thế chỗ cho máy bay F/A-18F Super Hornet. Quân thù có thể là hạm đội ẩn nấp trong những hoà đảo nhân tạo và đang húc vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Vì thế, hoả tiễn tầm xa này là những loại nhắm vào chiến hạm. Tên của chúng là AGM-158C Long Range Anti-Ship Missile. Quân thù ỷ vào đám đông hơn tỷ dân để đánh biển người nên võ trang lần này Úc sắm đồ chơi không phải chỉ phóng thủ mà nhắm tới tấn công. Sau cùng, quân thù là một trong năm nước chuyên nghề dùng computer chôm chỉa nên võ trang lần này gồm thêm một ‘trung đoàn’ hắc cơ vừa bảo vệ máy nhà vừa đánh phủ đầu quân gian ác.

Đồng minh của Mỹ, bán hàng cho Trung Cộng

Khi loan báo nước Úc võ trang, Úc không kể tên sẽ nhắm tới nước nào. Nhưng ai cũng biết và chính nước đó cũng bị chạm nọc.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng, ông Zhao Lijian, biết mình không sao ngăn được Úc nên câu trước ổng nói lẩy ‘để mặc chuyện ấy cho Úc tính’ đến câu sau thì vênh mặt dạy dỗ ‘tất cả các nước trên thế giới phải tránh chạy đua võ trang và bớt mua sắm mấy thứ đồ chơi quân sự vô dụng, à nghe!’.

Úc không chạy đua với nước nào vì biết dân số và quân đội nước mình chỉ bằng một tỉnh lẻ ở Thiên Triều. Thủ lãnh đảng Xanh Adam Bandt nhận xét không sai khi cho rằng Úc chả bao giờ đủ sức so súng với Trung Cộng cả. Úc chỉ phòng thân thôi. Kế tiếp, Úc từng sắm khá bộn ‘đồ chơi quân sự’ mà rất ít khi sờ tới. Hùng mạnh để bảo vệ quanh 60 ngàn cây số bờ biển của Úc là hạm đội tàu ngầm thế hệ Collins. Sáu chiếc tàu ngầm này – theo kiểu nói hài hước của người Úc – khi trồi lên mặt biển thì không nổ máy được. Còn khi lặn sâu trong lòng biển thì quá ồn ào làm cho quân thù mất ngủ.

Như là một trả lời cho cái ông bạ gì nói đó ở bộ ngoại giao Bắc Kinh, bà tổng trưởng quốc phòng Úc Linda Reynolds cho biết Úc tiến tới một đường lối quốc phòng vũng vàng, hùng mạnh và tân tiến để … tạo thật nhiều việc làm đòi hỏi kiến thức rộng. Nhờ đó, thêm nhiều người Úc bỏ tiền ra đầu tư vào ngành quốc phòng.

Rất hy vọng $270 tỷ đồ chơi quân sự Úc sắm sửa sẽ không bao giờ bị đụng tay tới. Dù ‘vô dụng’, thứ đồ chơi đắt tiền này lại cần thiết vì như có lần nguyên thủ tướng Úc Kevin Rudd – một người từng tòng sự tại toà đại sứ Úc ở Bắc Kinh và thạo tiếng Quang Thoại – viết: Trung Cộng nể phục nước nào có chiến lược mạnh mẽ nhưng khinh bỉ người ấp úng và kẻ yếu! Chuyện đang xảy ra ở Biển Đông và Hy Mã Lạp Sơn chứng minh cho lời ông Kevin Rudd nói.

Hiện nay, Úc đang dựa vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và buôn bán lớn với Trung Cộng. Có những lúc người ta nói Úc phải chọn một trong hai: làm phó sen-đầm cho Mỹ hay buôn bán lớn với xì-thẩu. Nhưng đó chỉ là thế lưỡng nan giả tạo. Úc chỉ có một lựa chọn. Và chỉ một mà thôi. Đó là lựa chọn chủ quyền của nước mình.

Cổ Nhuế

Related posts