NHỮNG BƯỚC CHÂN KHẤT THỰC HIỆN GIỜ Ở PHỐ CABRAMATTA NSW

Phùng Nhân

Tháng 6 mùa đông ở Úc Châu nầy cũng khá lạnh, nhứt là miền Tây Sydney của thành phố Cabramatta thì vào buổi sáng có khi nhiệt độ ở khoảng 4-8 độ C là thường. Vậy mà chừng 4 năm nay, chúng ta đã thấy có rất nhiều ông thầy chùa ôm Bình Bát đi khất thực. Họ đi riêng lẻ cũng có, đi thành đoàn ba bốn người cũng có. Nhưng tuyệt nhiên trong chiếc Bình Bát không có thức ăn. Không biết họ xin gì. Vì thỉnh thoảng tôi đã thấy, nếu người nào mà cúng dường nhiều, họ móc cùi giấy trong túi áo ra ghi, rồi dặn đến mùa khai thuế thì cứ việc đi khai lấy lại …

Chớ theo tục lệ thông thường cũng như hồi nhỏ tôi đã thấy thì những vị khất sĩ nầy đi chưn không, ai cho gì thì hoan hỉ nấy, bất kể là đồ mặn hay đồ chay. Vì khi được đàn na thí chủ bố thí, thì bỏ vào trong chiếc Bình Bát rồi họ cũng không cần biết cái đó là thứ gì, có giá trị hay không, bởi lúc đó họ thường nhắm mắt lại để nhiếp tâm niệm Phật. Khi mặt trời vừa lên tới đỉnh đầu, lúc đó độ khoảng giờ Ngọ 12 giờ trưa thì họ quay trở về chùa. Vì người đi tu họ không có đeo đồng hồ, có lẽ vì sợ thời giờ sẽ làm cho họ phải lo toan. Bởi tâm trí người đi tu, thì thường hay buông xả …

 Nếu ngày nào đi về không kịp, thì họ liền ngồi vào dưới gốc cây hay bất cứ chỗ nào, miễn là thanh tịnh. (Rồi họ bày đồ ăn xin của thập phương ra Cúng Phật cũng ở trong Bình bát, sau đó họ chia ra làm 4 phần: Một phần nhường lại cho các bạn đồng tu, nếu ngày hôm đó người đó được tín chủ đàn na cúng thí ít. Một phần thứ 2 họ chia sẻ cho những người nghèo. Phần thứ 3 là dành lại cho chúng sanh {phần nầy không phải là người, nhưng sống chung với người} “có lẽ đó là vong hồn của người chết chăng”. Cuối cùng phần còn lại là phần mình dùng, nhưng phải ăn cho hết, nếu đổ bỏ thì mang tội. Ngày hôm nay tại một số quốc gia theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông như: Tích Lan, Cao Miên, Miến Điện, Thái Lan và một phần của miền Nam Việt Nam thì chư tăng vẫn còn cái lệ đi khất thực hằng năm, còn Phật Giáo Nhựt Bổn, Triều Tiên, Trung Hoa thì họ đã bỏ cái lệ nầy từ lâu rồi …) phần trên đã dẫn được trích trong bài nói về các vị Khất Sĩ, tức là những vị tu hành theo Phật Giáo Phái Nam Tông, với tựa là “Phật Giáo Khất Sĩ” trong trang Web Tạp Chí Thư Viện Hoa Sen.

 Cũng có năm, có Chùa họ tổ chức đi Khất Thực trong mùa an cư kiết hạ đúng 3 tháng, hay đi thêm 3 tháng kiết đông để cầu an cho bá tánh. Khi đi thì phải chưn không, áo Cà Sa thì phải chỉnh tề, mắt ngó thẳng về phía trước. Không được liếc ngang liếc dọc như kẻ phàm phu, nhưng trong số thầy đi Khất Thực hiện nay mà tôi đã nhìn thấy, thì họ thường nhìn từ phía đàng trước còn xa. Nếu người nào mà thò tay vào túi quần móc bóp, thì họ dừng lại tươi cười chào hỏi, còn người nào phớt tỉnh ăng lê, thì họ cũng lạnh lùng như người đi trong gió rét. Như vậy thì không đúng với phẩm hạnh của ngày lễ Khất Thực, vì những người thầy khi đi khất thực thì chỉ đi xin đúng có 7 căn nhà mà thôi, bất luận giàu hay nghèo. Khi nhận vật thực của đàn na thí chủ cúng dâng, chỉ độ chừng nửa bình bát là đủ ăn trong một bữa. Sau đó họ đi vòng theo trục lộ để cầu an cho bá tánh, rồi về chùa tịnh dưỡng. 

Còn hôm nay, ngay tại thành phố Cabramatta nầy, được mệnh danh là cửa ngỏ của miền Tây, thủ phủ của cộng đồng người Việt Nam đang định cư trên nước Úc, có cả những hình tượng 12 con giáp và cả hình tượng tứ linh như: Long, Lân, Quy, Phụng. Có một con heo nái với bầy heo con, một con bò cái với con nghé để ngụ ý phát tài, và 2 con sư tử đứng canh cửa trước cái nhà băng Commonwealth dường như là hai tên võ tướng. Nhờ vậy mà cái nhà băng nầy thân chủ rộn rịp suốt ngày, mấy cái máy rút tiền tự động ATM đặt ngay trước cửa. Người nào muốn vô Club sớm thì họ sẽ đến đây đút thẻ vào, với nét mặt vui tươi hớn hở. Khi chiều về thì vẽ mặt lại buồn so, âu đó cũng là một lẽ thường tình trong thú vui cờ bạc…

Người Việt, người Hoa, người Miên, người Lào, người Thái… đều quy tụ về đây làm ăn buôn bán rất là sầm uất. Chùa chiềng đã mọc lên rất nhiều, chùa nầy cách chùa kia chẳng bao xa, nên đã đáp ứng đủ nhu cầu tâm linh của người sùng đạo. Cũng chính vì chùa mọc lên nhiều như vậy, nên mới có một sự cạnh tranh. Bởi chùa nào mà quy tụ được nhiều Phật tử thì kể như đã ăn nên làm ra. Vì trên thực tế các tài sản của nhà chùa, đều do của thập phương bá tánh mà ra, chớ từ xưa tới nay, đâu có ông thầy chùa nào mà đi làm mướn. Đành rằng mỗi cái đám ma, nếu có ai rước thì cũng có cúng dường, nhưng thân chủ của chùa nào, thì chùa đó hưởng. Đó là luật lệ bất thành văn, bởi lẻ người Phật tử khi đi chùa nào, thì họ có nguyện vọng khi chết được để tấm di ảnh trong ngôi chùa đó cho con cháu sau nầy dễ bề thăm viếng.

Những người già cả, không cần đi đâu xa. Từ ga xe lửa Cabramatta nếu đôi chưn còn khỏe thì đi bộ cũng tới mấy chùa, còn người nào yếu đuối thì đón xe Bus đi chừng vài ba trạm. Đó là tôi chỉ nói đi lễ Phật, chùa nào cũng là chùa, còn nếu muốn lựa chùa nào vừa ý thì phải đi xa. Chắc có lẻ vì vậy mà mấy ông thầy thường lập chùa ở những chỗ gần nơi công cộng, chớ không phải như ngày xưa, chùa thì phải xây cất trên rừng, những nơi thâm sơn cùng cốc, để cho mấy chú tiểu, ni cô, họ không có dịp nhìn thấy chuyện đời trần tục mà giao động tinh thần, nên việc tu hành ở vào thời đó rất nghiêm. Nếu có người nào muốn hoàn tục, thì phải được sư phụ xả ấn, rồi mới được nhập thế xuống trần. Chớ không phải như bây giờ, có nhiều ông thầy chùa mua chiếc điện thoại thông minh, rồi chơi Facebook giao lưu cùng thiên hạ. Có một ông thầy chùa còn ở trong nước, pháp danh Thích Thanh Cường rất chịu chơi. Khi ông ta lấy tiền của bá tánh cúng dường, rồi order một chiếc iphone loại xịn. Sau đó ông ta trịnh trọng, làm lễ đập hộp để tiếp nhận cái phone, mà ông ta đã quên rằng mình là một thầy tu, đang ở trong chùa với cái đầu trọc lóc. Chính vì những điều sa đọa đó, nó bay tới tai Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên ông ta đã bị dũa tơi bời và còn giáng chức, sau đó cuộc đời khổ hạnh tu hành của ông ta không biết đi về đâu nữa.

Trong khi tôi ngồi viết bài nầy, thì cũng có một nguồn tin, nói rằng khứa Thích Thanh Cường nầy đã từng mặc quần sọt, đội nón cối ôm súng AK 47 ngồi dưới tàu tuần cảnh của hải quân Cộng Sản mà đi ra tuốt ngoài hai quần đảo Hoàng – Trường Sa trong oai phong như một người chiến sĩ, như vậy chắc khứa là một đảng viên đội lốt tu hành. Rồi cũng có một nguồn tin, nói rằng hiện nay khứa nầy đang ở Mỹ, để xâm nhập vào hàng giáo phẩm của Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Nghe vậy thì hay vậy, chớ tôi cũng không để ý làm gì. Vì bài viết nầy không có mục đích nhắm tới ông ta, mà tôi muốn nêu lên tình trạng hiện nay thầy chùa ở đâu mà nhiều quá. Như vậy thì ai là thầy chùa thiệt, còn ai là thầy chùa giả đây?

Bao nhiêu sự bê tha đó, nó làm cho đạo Phật mang tiếng quá nhiều. Như ở tỉnh Long An bây giờ, có một ông thầy xây một cái Tịnh Thất Bồng Lai, cũng có rất nhiều người sùng đạo đến đó làm công quả và cúng tiền, nhờ vậy mà chùa nầy càng thêm phát đạt. Nhưng ở trong cái Tịnh Thất Bồng lai nầy lại có rất nhiều chú tiểu. Có 2 chú tiểu ca hát nhạc trử tình rất hay, nên đã đi dự thi “Thách Thức Danh Hài” của nghệ sĩ Trấn Thành trên thành phố Sàigon, được Ban Giám Khảo chấm giải nhứt với giọng ca vàng, sau đó được một hãng dĩa mời để ký contract thâu băng. Cái cảnh giàu sang bắt đầu hiện ra trước mặt, nhưng đã bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam liếc mắt canh chừng. Vì cho rằng hai chú tiểu nầy khi đi thi mặc “đồ nâu”, do đó đã phạm tới Giáo Quy của luật nhà Phật. Chưa hết, tới lúc nầy thì dậu đổ bìm leo. Bao nhiêu nhà báo, Youtuber, Facebooker mới tìm tới nơi phỏng vấn, rồi chánh quyền sở tại vào cuộc. Họ đưa ra chứng cứ và khai sanh, là 2 chú tiểu nầy là con của ông thầy có bằng chứng rõ ràng không chối cãi …

Vụ đó hôm nay đã tạm yên. Vì dư luận quần chúng chỉ nổi lên có một thời, chớ không ai ở không mà đi bới lông tìm vết. Đó là ở trong nước, còn ngoài nước thì sao? Đây là một câu hỏi lớn cho những vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức và Ban Trị Sự tại các chùa… Chúng ta có công nhận một ông thầy có quyền sở hữu của cải riêng tư không? Hay ông thầy chỉ có bổn phận hoằng dương đạo pháp, để giáo hóa chúng sanh, không đi vào con đường mê lộ mà gây tội ác? Chính cái giềng mối của đạo Phật là từ xưa tới nay, cửa chùa rộng mở, ai cũng có thể bước vào. Người lỡ đường được chùa cho ăn một bữa cơm. Chớ không phải như ngày nay, ở trong nước, cũng như hải ngoại hiện giờ, mỗi bữa cơm phải có một cái vé kèm theo, giá cả thì tùy mỗi chùa ấn định.

Riêng ở xứ Úc Châu nầy, kể từ khi đầu thập niên 1980, đã có mấy ông thầy đi vượt biển rồi được định cư trên cái xứ Úc Châu nầy. Lúc đầu chỉ lập nên Nhà Nguyện, sau đó mới lập Chùa. Không người thầy chùa nào có của cải riêng tư, mà chỉ có hai bàn tay trắng. Tất cả mấy chục ngôi chùa hiện nay, đều do bá tánh lập nên. Họ chỉ có công tu, rồi rao giảng giáo lý của nhà Phật cho quần chúng thức tỉnh để tu hành. Chớ không phải như bây giờ, mỗi ông thầy nào nếu có uy tín với Phật tử thì họ đều có ý làm chủ một ngôi chùa. Như vậy mới thường có cái cảnh nấu hủ tiếu chay, bánh canh chay, bún huế chay, hay tất cả mọi thức ăn khác đều mang họ “chay”, rồi bán vé cho mọi người vào ăn, sau đó cúng dường thì tùy hỷ. Cho nên tôi thường nghe nhiều người rủ rê với nhau, là “Chủ Nhựt tuần nầy ở chùa A có nấu bún riêu chay, bà đi với tui nghen”. Bà kia nói lại, “ở đó nấu ăn dở ẹt. Tuần tới chùa B sẽ nấu hủ tiếu chay ngon hết sẩy, bà đợi tuần tới tui bao ăn mệt nghỉ”, thành thử ra người ta đi chùa vì miếng ăn nhiều hơn, chớ không phải vì ông Phật.

Mới hôm tuần rồi tôi xuống phố Cabramatta, có nhìn thấy một ni cô cũng ôm Bình Bát đi Khất Thực với bước chân trần. Lúc đó thì nhiệt độ tại đó khoảng 5 độ C, đôi môi tái nhợt, với tấm áo cà sa mỏng hiền từ. Tôi nhìn cô Ni Cô mà lòng dâng lên một niềm cảm kích. Động lực nào rèn luyện Ni Cô có một niềm tin tuyệt đối phải đi khất thực như vầy. Sao không mang giày, mặc áo ấm để chống lại cơn rét mùa đông, mà phải đi chân không trên những con đường tráng nhựa (có khi lại còn sỏi đá), như vậy rồi bị trầy sước thì phải làm sao. Đã là thân xác con người, thì người đi tu, hay người trần gian cũng đều giống nhau cảm xúc. Tôi tin rằng Ni Cô cũng biết lạnh, biết đau. Khi đặt bàn chân không xuống trên mặt lộ mà không mang giày, một sự hành xác như vậy có cần thiết lắm không? Đó là một câu hỏi mà tôi luôn thắc mắc…

Rồi tôi đi vòng qua con đường khác. Cũng gặp một ông thầy mang Bình Bát đi Khất Thực full times trong mấy năm qua. Trời nắng cũng như trời mưa, mùa hè nực nội cũng như mùa đông lạnh lẽo. Ông thầy nầy đều có những bước chân đi rất nhẹ và rất hiền. Tà áo Cà Sa phất phơ trong gió cuốn. Tấm áo Cà Sa phải tượng trưng cho một lòng tin, phải được mặc trong chốn trang nghiêm, chớ nó không thể mặc để đi ăn mày, đã nhiều lần nhìn thấy điều đó làm cho lòng của tôi đau đớn …

Nhưng ở khu phố Cabramatta là nơi anh hùng hội tụ về. Nhứt là ở chỗ quảng trường trước nhà băng Commonwealth, người ta ngồi tán gẩu với nhau rất đông, có người nói năng không kiêng nể. Họ nói cái thằng cha nầy (thay vì ông thầy) đi xin như vậy mà đã có vốn mua được một miếng đất làm chùa rồi. Một sự khổ hạnh trước sự đàm tiếu của thế gian, điều nầy làm cho lòng tôi đau nhói …

Người đời hiện nay, nhứt là những người đi vượt biển, họ đã mang nặng một vết thương trong chiến tranh, vết thương Tết Mậu Thân, vết thương của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, vết thương ngày 30/04/1975 nên ngày nay cho dầu có sinh sống định cư ở bất cứ nước nào, thì dường như họ không tin mấy ông thầy đi Khất Thực nầy mang đồ ăn về cúng Phật, mà họ hồ nghi cho rằng những ông thầy nầy là thầy chùa giả, đi xin tiền để bỏ túi riêng. Vì nếu gặp hên, một ngày họ kiếm vài trăm bạc là thường. Như vậy thì ngon ăn quá, chớ còn xin vô hãng làm một công nhân. Một tuần chỉ có hơn 700 bạc, mà còn phải thức khuya dậy sớm, cơm đùm cơm dở đem theo. Viết tới chỗ nầy, làm cho tôi chạnh nhớ tới một đời nông dân làm ruộng của cha má tôi hồi nhỏ để nuôi tôi ăn học …

Còn việc lập chùa thì tại sao phải nhứt định làm chủ một ngôi chùa, mới làm tròn một kiếp nhà tu. Sao không nghĩ đến mai nầy già rồi cũng chết, ngôi chùa đó bỏ lại cho ai. Chắc gì rèn luyện được một người đệ tử có căn tu để mà gõ mõ. Hay là họ sẽ bán đi vì đó là tài sản của cá nhân, họ có giấy chủ quyền đàng hoàng trên luật pháp, ai cản họ, ai tranh giành với họ. Hay họ là những người trần tục của thế gian, thấy ở nơi hải ngoại Úc Châu hiện giờ, chỉ có việc đi tu ở chùa hoặc ôm Bình Bát đi xin tiền thì dễ nhứt, hay đó cũng là một cái nghề, nghề thầy chùa hiện nay đang phát triển. Như ở bên Mỹ đã có mấy ông thầy chùa cờ bạc rồi bán cả ngôi chùa, bà con Phật Tử bàn tán rồi họp báo xôn xao, nhưng Ban Trị Sự đã làm được gì, khi ra trước tòa không có điều gì để chứng minh đó là ngôi chùa của bá tánh …

Cũng có khi tôi gặp một nhóm thầy tu còn rất trẻ, họ đi lên đi xuống mấy con đường huyết mạch tại phố Cabramatta, vừa xin tiền, vừa bán tượng Phật hay vòng đeo tay, xâu chuổi. Không biết họ là người gì mà nói được tiếng Anh. Có lần tôi nhìn thấy, họ kỳ kèo giá cả với khách thập phương, sau đó họ giận dữ rồi lấy lại xâu chuổi với nét mặt hầm hầm. Thế là giữa người Phật Tử với mấy ông thầy chùa đi Khất Thực có thêm một hố sâu ngăn cách, rồi đây trong những câu chuyện thiên hạ sự họ có thể thêu dệt thêm ra. Vì cái miệng của người đời, họ không bao giờ cất giữ kín trong lòng những chuyện như vầy cho được. Cũng có lần tôi nhìn thấy một người đàn ông phương phi tốt tướng, ngồi trong chiếc Taxi xuống tại chỗ cua quẹo chỗ quảng trường trước nhà băng Commonwealth, rồi ông ta vuốt lại chiếc áo Cà Sa, sau đó đeo Bình Bát vào cổ rồi đi Khất Thực, như một công việc đã rất quen thuộc mỗi ngày, không có một chút gì tỏ ra ngượng ngập, hay lúng túng với những bước đi, mà trái lại ông ta đi chầm chậm trông rất là sành điệu.

Cũng có chùa kêu gọi Phật Tử hảo tâm. Đóng góp mỗi người từ 500 đô trở lên, để mua cho đủ 100 tượng Phật về bày la liệt từ trước tới sau chùa, có tượng đặt dưới gốc cây để cho mưa sa gió táp. Tại sao không nghĩ tới, một vị Phật phải được an vị ở nơi chốn tôn nghiêm, chớ còn bày ra như hàng mã, thì còn gì hình tướng và giáo lý của đức Phật. Ở đây tôi nói rất thật lòng. Nếu cái nạn kiếm tiền của nhà chùa bằng cách nấu bún chay, hay mua tượng Phật về bày la liệt xung quanh chùa, thì chẳng bao lâu nữa đạo Phật sẽ đi vào quên lãng.  

Như vậy thì giới Phật Tử hiện nay, phải kêu gọi các đức Tăng Thống, Hòa Thượng, Ban Trị Sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại & Tân Tây Lan phải tích cực làm việc hơn nữa, để giảm bớt cái nạn đi Khất Thực giả hiện giờ. Đành rằng chúng ta đang sống trên nước Úc Đại Lợi văn minh dân chủ tự do, không ai có quyền bắt nạt, hoặc rúng ép một người khác. Nhưng nếu người nào mà mặc chiếc áo Cà Sa, thì kể như người đó đã có học giáo lý của nhà Phật, nên bắt buộc phải tuân hành, còn nếu người nào mà mượn chiếc áo Cà Sa để đi ăn mày, thì Giáo Hội Phật Giáo phải có biện pháp để ngăn cản, chớ Giáo Hội không thể nhắm mắt làm ngơ, để cho cái nạn đi Khất Thực trá hình như vầy kéo dài thêm được nữa./-

Phùng Nhân

Related posts