Liên minh quân sự Châu Á – Thái Bình Dương chống nguy cơ từ Trung Quốc

  • Y Bình

Những diễn biến tăng cường khả năng quân sự từ các bên khiến tình hình căng thẳng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dường như đang gia tăng mạnh mẽ. Gần đây, hai đồng minh lớn của Mỹ là Úc và Nhật Bản lần lượt tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng để vì nhu cầu tự vệ trước tình trạng bành trướng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép. (Ảnh từ Military Wiki)

Theo Al Jazeera (công ty truyền thông quốc tế có trụ sở tại Doha, Qatar) đưa tin, hồi nửa cuối tháng Sáu giới chức Úc đã tuyên bố rằng trong thập kỷ tới họ sẽ tăng 40% chi tiêu quốc phòng, thông tin gây ngạc nhiên trong giới quan sát. Lý giải cho động thái này, Thủ tướng Scott Morrison nêu rõ tình hình thế giới sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) sẽ “nghèo hơn, nguy hiểm hơn và hỗn loạn hơn”, cho nên nước Úc cần phải làm tốt chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Úc mở rộng Hải quân

Úc là một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hợp tác với Mỹ vẫn là trọng tâm trong tư duy chiến lược mới của Úc. Tuy nhiên thông tin chỉ ra hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ và Úc trong các mục tiêu chiến lược ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang bị chồng chéo, đặc biệt là trong việc kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong lúc đó, hiện tại Trung Quốc đang có những hành động gây hấn mạnh mẽ hơn tại các khu vực như Biển Đông, vùng lân cận Đài Loan và ở biên giới Trung – Ấn, giới phân tích có lo ngại Trung Quốc đang hạ thấp ngưỡng cho các hoạt động quân sự làm gia tăng khả năng nổ ra chiến tranh quân sự.

Dường như nhận rõ thực trạng này nên Úc đã không ngừng tăng tốc hiện đại hóa quân sự, những diễn biến mới cho thấy khả năng tấn công của Hải quân Úc đang được tăng cường đáng kể, với vị trí địa lý Úc xác định rằng hầu hết các quỹ quốc phòng mới sẽ chảy vào Hải quân: đặt hàng Pháp tàu ngầm tiên tiến nhất, đã có được các máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Mỹ và bổ sung các tàu hải quân tiên tiến; tháng Hai năm nay, Mỹ đã đồng ý bán cho Úc tên lửa chống hạm tầm xa tàng hình tiên tiến, có thể bắn hạ các mục tiêu trong phạm vi 370 cây số, gấp ba lần tầm bắn của tên lửa Harpoon (AGM-84) mà hiện nay Úc đang sở hữu, tên lửa này có thể được phóng từ máy bay hoặc tàu chiến; công nghệ tên lửa Hypersonic cũng đang được nghiên cứu, vì tên lửa này bay với tốc độ rất cao nên có thể tấn công mục tiêu trong thời gian cảnh báo rất ngắn, loại tên lửa này có thể bay theo quỹ đạo bất thường làm hệ thống phòng thủ của đối thủ khó khăn xác định phương hướng.

Ngoài ra Úc cũng tăng cường khả năng cảnh báo sớm của Hải quân bằng mạng lưới phòng thủ dưới nước loại tân tiến đổi mới, hệ thống này sẽ bao phủ tuyến đường từ Hokkaido vào lục địa Úc, qua đó cảnh báo cho quân quốc phòng Úc về bất kỳ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm nào tiếp cận. 

Nhật Bản thay đổi luật chơi

Nhật Bản lâu nay dựa vào đồng minh Mỹ để bảo vệ trước các mối đe dọa, vì phải duy trì Hiến pháp hòa bình kể từ sau Thế chiến thứ hai. Nhưng tình hình hiện đang thay đổi. Mặc dù Nhật Bản vẫn được hưởng lợi từ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ, nhưng giờ đây họ hy vọng sẽ phát triển khả năng tấn công của riêng mình, điều này sẽ thay đổi tư thế quân sự của Nhật Bản.

Trong xu thế tình hình khu vực ngày càng biến động, ngân sách quân sự của Nhật Bản vào năm thứ tám liên tiếp tăng lên 48 tỷ USD (đô la Mỹ), do nước này đã liên tục tìm cách tái vũ trang, tổ chức lại Không quân, đã mua máy bay chiến đấu tàng hình F35 và máy bay cảnh báo sớm của Mỹ. Nhật Bản lo lắng về mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, do đó họ phải quay trở lại bắt đầu thử nghiệm tên lửa tầm xa để khi cần thiết có thể tấn công các mục tiêu cách xa hàng trăm cây số.

Ban đầu, Nhật Bản muốn mua từ Mỹ một hệ thống đánh chặn tên lửa trên đất liền để bảo vệ các thành phố của Nhật và 50.000 lính Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Nhưng sau đó vấn đề chi phí (tới 4,1 tỷ USD) mà lại không có gì đảm bảo 100%, khiến Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định tìm kiếm giải pháp thay thế bằng cách đẩy mạnh tầm kiểm soát hoạt động trong tay người Nhật hòng tránh rơi vào trọng tâm của xung đột. Ngoài ra tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản đang được cải tiến để thích ứng với máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, khiến con tàu này thành một tàu chuẩn hàng không mẫu hạm. Có thể nói Nhật Bản đang mở rộng sức mạnh tự vệ ngày càng mạnh mẽ. 

Mỹ cố gắng đạt được sự cân bằng chiến lược

Kể từ khi rút khỏi “Hiệp ước tên lửa tầm trung”, Mỹ đã cố gắng thiết lập một căn cứ tên lửa tầm trung trong phạm vi tấn công của Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên các đồng minh của Mỹ ở Vành đai Thái Bình Dương lo lắng rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc, mặt khác vẫn phải lo lắng về việc mở rộng quân sự của Trung Quốc. Cả Úc và Philippines đều công khai từ chối cho Mỹ bố trí hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung.

Do Nhật Bản có quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ với Mỹ nên việc triển khai tên lửa tại Nhật Bản là lựa chọn tự nhiên, cho dù Thống đốc hiện tại của tỉnh Okinawa Nhật Bản là Okinawa Denny Tamaki phản đối. Tuy nhiên, Mỹ rất mong muốn thúc đẩy ý tưởng này, bởi vì việc triển khai các tên lửa tầm trung ở đây sẽ giúp cán cân chiến lược theo hướng có lợi cho Mỹ.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các căn cứ trên Biển Đông và những vùng lân cận, tăng cường lực lượng hải quân và không quân… đã khiến các nước láng giềng cảm thấy bất an và đẩy mạnh tìm kiếm các liên kết quốc phòng chặt chẽ hơn với nhau. Vào tháng Sáu hai nước Úc và Ấn Độ đã ký thỏa thuận quốc phòng hợp tác hải quân và hậu cần; trong khi Nhật Bản đang cố gắng tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ, Úc và các nước ASEAN khác, đồng thời cũng đang thúc đẩy nhiều hơn các kế hoạch hợp tác nhằm xây dựng liên minh chống lại nguy cơ Trung Quốc với trợ giúp của Mỹ.

Y Bình

Related posts