Tin nước Úc tối Chủ Nhật 12/7: Úc được Ấn Độ mời tập trận, Trung Quốc sẽ nổi điên

Úc được Ấn Độ mời tập trận, Trung Quốc sẽ nổi điên

Mega Naval War Game 'Malabar Naval Exercise' among India, US and ...

Tin trên tờ Thời báo Ấn Độ (The India Times) ngày 10.7.2020 cho biết chính phủ Ấn sẽ mời Úc tham dự cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar của mình, cùng với hải quân của Mỹ và Nhật.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra vào cuối năm nay và thông tin trên được đưa ra ngay giữa thời điểm quan hệ Ấn – Trung và Úc – Trung đều xấu. Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt tới tình trạng căng thẳng nhất kể từ gần nửa thế kỷ nay sau vụ đụng độ ở Ladakh dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước. Còn Trung Quốc thì đã ra tay trả thù Úc về thương mại và không ngớt cảnh cáo là “đừng tiếp tục những hành động sai trái” trong khi Úc lại ra mặt thách thức.

Tin của tờ The India Times cho hay Ấn Độ sẽ hoàn thiện những bước cuối cùng trong tuần tới để chuyển lời mời chính thức tới Úc sau khi tham vấn ý kiến với Mỹ và Nhật. Tuy nhiên phát ngôn viên hải quân Ấn Độ từ chối đưa ra bình luận về tin này. Trong khi đó thì phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc cho biết chưa nhận được lời mời nào nhưng lại khẳng định rằng Úc “nhận thấy giá trị của việc tham gia vào hoạt động quân sự trong nhóm bộ tứ để giúp tăng cường khả năng phối hợp, nâng cao lợi ích tập thể tại một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng”.

Nói như vậy thì chẳng khác gì nói kháy Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Derek Grossman thuộc Viện nghiên cứu chính sách RAND có trụ sở ở Washington, D.C, thời điểm Ấn Độ mời tham gia tập trận Malabar có ý nghĩa đặc biệt quan trọng xét trong bối cảnh hiện nay. Nó gửi tới Trung Quốc một thông điệp ẩn ý rằng nhóm bộ tứ trên thực tế đang tiến hành tập trận hải quân chung.

Cuộc tập trận Malabar khởi sự năm 1992 giữa hải quân Mỹ và Ấn Độ. Sau đó có thêm sự tham gia của Nhật (2015).

Nếu tin trên là đúng thì Ấn Độ đã mời Úc tham dự Malabar 2020 sau khi hai nước vừa ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên tầm “Đối tác Chiến lược toàn diện”, cùng với đó là “Thỏa thuận hỗ trợ quân sự” vài tháng 5 vừa qua, cho phép quân đội hai nước được sử dụng căn cứ, cảng, cơ sở tiếp liệu của nhau.

Giới phân tích nhận định rằng chuyện Úc tham gia cuộc tập trận Malabar chỉ là vấn đề thời gian. ” Ông Biren Nadan, cựu Cao ủy Ấn Độ (Đại sứ) tại Úc và hiện là chuyên gia cao cấp tại Nhóm Chính sách Delhi (DPG), nhận định: “Không có quan hệ trực tiếp nào giữa việc New Delhi mời Úc tham gia tập với những gì xảy ra trên tuyến biên giới Trung – Ấn. Đây là một bước tiến tự nhiên. Nhưng vẫn sẽ còn đó câu hỏi: Trung Quốc sẽ xem diễn biến như thế nào? Họ sẽ phản ứng một cách tiêu cực như những lần trước.”

Ông Nadan cho biết năm 2015, Trung Quốc gay gắt phản đối khi Nhật tham gia cuộc tập trận Malabar với Mỹ và Ấn Độ. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lúc đó cảnh báo các quốc gia có liên quan không nên kích động sự đối đầu và tạo ra căng thẳng tại khu vực.

Dịch Covid-19 tại Victoria bước vào giai đoạn nguy hiểm

The Alfred Hospital in South Yarra has eight staff that have been diagnosed with COVID-19. Picture: Tony Gough

Trình bày trong cuộc họp báo cập nhật tình hình hôm Chủ Nhật (12.7.2020) Thủ hiến Daniel Andrews cho biết dịch Covid-19 tại Victoria đã lan truyền đến mức “nguy hiểm” và tiểu bang đang trải qua một đoạn khó khăn khi có thêm 273 ca Covid-19 trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua.

Trong khi đó thì Bệnh viện Alfred ở Melbourne chính thức bị tấn công với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai khi số nhân viên y tế tại bệnh viên bị Covid-19 lên đến 8 người.

Điều nguy hiểm là tuổi của lứa bệnh nhân mới. Nếu trong đợt đầu của dịch Covid-19, nạn nhân chủ yếu là những người lớn tuổi thì nay phần lớn những người bị nhiễm bệnh lại là những người trẻ tuổi. Do thiếu nhân lực mà con số nhiễm bệnh ngày càng leo thang, việc truy tìm người từng tiếp xúc với con bệnh để khoanh vùng đang gặp khó khăn.

Tình trạng này khiến chính quyền bang tiểu Victoria ra lệnh tái áp dụng việc học trực tuyến với các trường học tại thành phố Melbourne và Mitchell Shire, trừ học sinh lớp 11 và 12. Tuy vậy, nhà trẻ vẫn mở cửa để trông giữ con cho những người bắt buộc phải đi làm. Bên cạnh đó 17 trường học phải đóng cửa hoàn toàn vì có học sinh hoặc nhân viên bị Covid-19.

Tình hình Victoria khiến láng giềng NSW hết sức lo ngại, nhất là khi số ca trường hợp nhiễm Covid-19 mới do tiếp xúc với những người đến từ Melbourne có dấu hiệu gia tăng. Ngày 12.7.220 Thủ hiến Gladys Berejiklian cảnh cáo rằng giai đoạn từ hai đến ba tuần tới đây là thời điểm quan trọng và chính quyền có thể thắt chặt các biện pháp kiểm soát để không để xảy ra sự bùng phát tương tự như tại Victoria.

Tính đến ngày 12.7.2020 toàn nước Úc có 9,796 người nhiễm Covid-19, trong đó 108 người tử vong. Victoria, nơi làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang bùng phát, đã qua mặt NSW và trở thành tiểu bang có nhiều người bị Covid-19 nhất, sau đó là NSW, Queensland, Tây Úc, Nam Úc, Tasmania và Canberra. Bắc Úc là nơi có ít ca Covid-19 nhất.

Tình hình dịch bệnh đã khiến cơ quan hữu trách bỏ qua sự dè dặt để chuẩn y việc sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị Covid-19.

Ngày 10.7.2020 Cục quản lý dược phẩm Úc (TGA) đã cấp phép tạm thời cho sử dụng loại thuốc Remdesivir để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên thuốc này được cung cấp tại các bệnh viện và được dùng để điều trị các bệnh nhân là người trưởng thành và vị thành niên có các triệu chứng Covid-19. Các trường hợp bệnh nặng bị hạn chế sử dụng.

Theo cơ TGA thì hiện tại Remdesivir là lựa chọn hứa hẹn nhất để làm giảm thời gian điều trị tại bệnh viện đối với các bệnh nhân nặng, giải phóng giường bệnh cho những người có nhu cầu và giảm căng thẳng cho hệ thống y tế. Tuy nhiên TGA cũng nhấn mạnh là loại thuốc này không có tác dụng ngăn ngừa nhiễm Covid-19 hoặc có tác dụng đối với những trường hợp mắc Covid-19 nhẹ.

Remdesivir hiện được cấp phép sử dụng tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có khốn Liên Âu (EU), Nhật và Singapore. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ, việc sử dụng Remdesivir đã rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân Covid-19 tới 4 ngày. Tuy nhiên, loại thuốc này không làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do Covid-19.

Trong khi đó thì chính quyền NSW đã ra luật mới có hiệu lực từ ngày 18.7.2020: những công dân Úc ở nước ngoài trở về phải tự trả chi phí khách sạn và thức ăn cho 2 tuần theo lệ phí như sau:

1/ Độc thân $3000

2/ Gia đình: người lớn đầu tiên $3000 và mỗi người lớn sau đó $1000, mỗi trả em $500, trẻ em dưới 3 tuổi miễn phí

Số liệu thống kê của chính phủ liên bang cho thấy trong một tháng qua, đã có khoảng 28,000 người trở về Úc, hầu hết trong số đó đã được đưa đến cách ly tại NSW.

Related posts