Pompeo: WHO đặt chính trị lên trên sức khỏe khi loại trừ Đài Loan

  • Lê Vy

Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc WHO cúi đầu trước ảnh hưởng của Trung Quốc và đặt chính trị lên trên sức khoẻ.

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus (Ảnh: Shutterstock)

Hôm 9/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã giải thích lý do đằng sau việc nước này rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhấn mạnh cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã chứng minh không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ cơ bản qua việc liên tục khước từ đề nghị được tham gia của Đài Loan. 

Trong buổi đàm luận trực tuyến tại Trung tâm Báo chí nước ngoài, ông Pompeo đã được một phóng viên CNA hỏi về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc đưa Đài Loan vào tổ chức sức khỏe toàn cầu cũng như lập trường của Mỹ về WHO. Ông lưu ý rằng WHO đã liên tục cho thấy những thiếu sót khiến họ không thể đảm bảo an toàn cho thế giới trong đại dịch virus corona, phần lớn là do chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh.

Ông Pompeo chỉ trích WHO trong việc miễn cưỡng xác định “bệnh nhân số không” của Trung Quốc và né tránh việc đề nghị Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về đại dịch. Ông nói thêm quyết định của WHO từ chối yêu cầu của Đài Loan tham dự Hội nghị Y tế Thế giới (WHA) với tư cách quan sát viên đã đủ để chứng minh việc WHO chính trị hóa y tế.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng rằng hàng năm Mỹ đã dành 500 triệu USD để hỗ trợ WHO, nhưng đến thời điểm hiện tại điều này không còn ý nghĩa nữa, theo CNA.

Trước đó, chính quyền TT Trump hôm 6/7 đã gửi thông báo chính thức tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres về việc rút khỏi WHO. Mỹ sẽ có một năm để hoàn tất quá trình rời bỏ và hoàn tất thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác, đồng nghĩa với việc từ ngày 6/7/2021 Mỹ sẽ chính thức không còn là thành viên của WHO.

Ngày 8/7 sau đó, Trung Quốc loan tin đã nhất trí với WHO trong việc WHO cử các chuyên gia tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến với các nhà khoa học và chuyên gia y tế nước này nhằm tìm ra nguồn gốc của virus corona.

Động thái này được giới phân tích cho rằng không có nhiều ý nghĩa khi đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi virus xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc.

Mới đây nhất, Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong buổi họp báo trực tuyến hôm 9/7 đã khóc và kêu gọi thế giới đoàn kết chống lại virus corona.

“Con người đoàn kết để chiến đấu với một kẻ thù chung, kẻ đang giết người một cách bừa bãi là việc khó lắm sao? Các vị có hiểu rằng sự chia rẽ hay rạn nứt giữa chúng ta thực sự là lợi thế của virus?”, ông Tedros nói trong nước mắt.

Tổng giám đốc WHO nói thêm rằng kẻ thù thực sự không phải là virus mà là “tình trạng thiếu khả năng lãnh đạo và thiếu đoàn kết ở cấp độ toàn cầu và cấp quốc gia”, và cho biết “cách tốt nhất và duy nhất để tiến về phía trước là đi cùng nhau”.

Những lời này được cho là ám chỉ đến việc Mỹ rút khỏi WHO.

Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất chỉ trích WHO vì cách xử lý COVID-19. Úc và Liên minh châu Âu đang trong quá trình triển khai cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc cũng như các phản ứng với dịch bệnh COVID-19, bao gồm trách nhiệm của WHO.

Lê Vy

Related posts