Luật an ninh quốc gia: Logic của chế độ chuyên chế Tập Cận Bình

Anh Vũ

Cảnh sát Hồng Kong đàn áp một người biểu tình ngày 01/07/2020. AFP/File

Mặc dù quy chế « một đất nước, hai chế độ » cho Hồng Kông còn kéo dài cho đến năm 2047, bất chấp phản ứng gay gắt của quốc tế cũng như đại đa số người dân đặc khu hành chính, chế độ Cộng sản Bắc Kinh vẫn áp đặt luật an ninh quốc gia bóp nghẹt quyền tự trị của Hồng Kông.

Dưới cái nhìn của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà nước pháp quyền thắng thế ở Hồng Kông sẽ cản trở quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc.

RFI xin giới thiệu bài viết của Frédéric Lemaître, thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, để lý giải vì sao chính quyền của Tập Cận Bình quyết tâm quản lý Hồng Kông bằng luật của đảng Cộng sản.

Sau khi đã áp đặt thành công luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, giờ đây Tập cận Bình sẽ tấn công vào đâu ? Vào Đài Loan ? Chiếm hữu Biển Đông ? Hạ nhục đối thủ Ấn Độ ? Bộ luật an ninh quốc gia áp đặt ở Hồng Kông chỉ là sáng kiến mới nhất của lãnh đạo đảng Cộng sản từ khi lên nắm toàn quyền ở Trung Quốc cuối năm 2012.

Từ đó đến nay, Tập Cận Bình luôn sẵn sàng khiêu khích các đối thủ hay dư luận quốc tế để củng cố quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung và quyền lực riêng của ông.

Nhớ lại sự kiện hôm 1/3/2014, khi xảy ra vụ những người Duy Ngô Nhĩ tấn công bằng dao tại nhà ga Côn Minh, thành phố nằm ở phía tây nam Trung Quốc, làm 31 người chết và 142 người bị thương, ngay tháng 4 sau đó, lãnh đạo họ Tập đã tới Tân Cương  và ra lệnh cho chính quyền sử dụng « tất cả các công cụ chuyên chính » để tiến hành « đấu tranh không khoan nhượng (…)chống khủng bố và ly khai ».

Thế là hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại cải tạo tập trung. Tháng 7/2015, hàng trăm luật sư chuyên bảo vệ các quyền cơ bản của con người bị bắt giữ. Đó là những vụ vi phạm nhân quyền lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sau cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989. Dù đến nay phần lớn những người bị bắt này đã được thả, các vụ bắt giữ khác vẫn không hề chấm dứt.

Năm 2015, chủ tịch Trung Quốc khẳng định với tổng thống Mỹ, khi đó là Barack Obama, rằng : « các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành trên quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) không nhằm vào bất kỳ nước nào và Trung Quốc không có ý định quân sự hóa » các đảo trên Biển Đông đó.

Những công trình xây dựng đó được tiến hành 2 năm trước, tức là sau khi Tập Cận Bình nắm quyền. Những hình ảnh thu từ vệ tinh đã khẳng định : Trung Quốc không chỉ xây dựng các phi đạo, mà còn lắp đặt tại đó hệ thống tên lửa địa đối không và các thiết bị radar quân sự gây nhiễu.

Năm 2018, Tập Cận Bình cho sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc nhằm chấm dứt quy định giới hạn 2 nhiệm kỳ lãnh đạo. Đây là quy định mà Đặng Tiểu Bình đã đưa vào Hiến Pháp năm 1982 nhằm tránh xuất hiện những lãnh đạo độc tài muốn nắm quyền suốt đời như kiểu Mao Trạch Đông. Nhân dịp sửa đổi này « tư tưởng Tập Cận Bình » đã được đưa vào Hiến pháp.

Vai trò của đảng Cộng sản
Tất cả những chi tiết trên đều có logic với nhau. Theo Tập Cận Bình, sự phát triển của Trung Quốc phải do đảng Cộng sản lãnh đạo.

Để thành công trước một phương Tây đang hy vọng đế chế Trung Hoa sẽ chịu số phận giống như Liên Xô, đảng Cộng sản Trung Quốc, với sức mạnh của hơn 91 triệu đảng viên, phải là những con người chuyên chính tốt nhất.

Theo gương các hoàng đế Trung Hoa của nhiều thế kỷ trước, đảng Cộng sản phải lãnh đạo đất nước bằng « những con người tốt », có tài, không có động cơ cá nhân, để chống lại những « kẻ hèn hạ », hay đám dân chúng vô học. Tất nhiên, những kẻ thù của đảng bị đàn áp không thương tiếc.

Có một chi tiết đáng chú ý. Ngày 01/07, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, không chạy tựa lớn trên trang nhất về Hồng Kông.

Luật an ninh quốc gia chỉ được đăng trên các trang trong của báo. Bốn bài báo chính được dành đề nói về các phát biểu gần đây của Tập Cận Bình trong một bức thư ông gửi cho các đảng viên ở trường Đại học Phục Đán và về xuất bản tập 3 cuốn sách của ông nói về lãnh đạo Trung Quốc.  

Ngày 01/07 còn là sinh nhật thứ 99 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm, Tập Cận Bình nhấn mạnh thông điệp : Đối mặt với môi trường bất ổn, đảng phải đoàn kết, huy động lực lượng phía sau lãnh tụ của mình.

Quốc Hội Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua đã thông qua bộ luật dân sự, đánh dấu một số tiến bộ về các quyền riêng tư. Có vẻ như đảng can thiệp ít hơn vào đời tư của dân Trung Quốc hơn là dưới thời Mao. Năm 2018, Tập Cận Bình đã cố đưa « vai trò của cá nhân lãnh đạo » đảng Cộng sản vào Hiến pháp.

Nhà nước pháp quyền, điều không dung thứ
Các lãnh đạo Trung Quốc gần đây vẫn thường giải thích là rõ ràng về mặt pháp lý, Hồng Kông thuộc Trung Quốc, nhưng thực tế thì lại không hề như vậy. Sự can thiệp của Bắc Kinh càng cần thiết khi những người dân chủ Hồng Kông không chỉ muốn « làm mất ổn định và nắm quyền ở Hồng Kông, mà còn muốn lật đổ Nhà nước và triệt hạ lãnh tụ của đảng Cộng sản Trung Quốc », theo cách giải thích chính thức của Bắc Kinh.

Đó chính là căn nguyên ra đời của luật an ninh quốc gia. Không cần lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải yêu cầu hay khẳng định cảnh sát Hồng Kông không thể duy trì trật tự ở đặc khu.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Sebastian Veg, một lãnh đạo Trường nghiên cứu khoa học xã hội, trong một bài viết đăng trên tạp chí Tocqueville 21 phân tích : Cho dù việc trấn áp mà luật về an ninh quốc gia áp đặt tại Hồng Kông không áp dụng mạnh với người dân như tại Hoa Lục, « nhưng chắc chắn luật này được đặt trong cùng khuôn khổ chính trị, pháp lý và triết lý, theo đó chủ quyền và hệ tư tưởng của đảng được đặt lên trên các khái niệm về tự do và pháp lý ».

Với Tập Cận Bình, Nhà nước pháp quyền chiếm ưu thế ở Hồng Kông là điều không thể dung thứ. Dưới mắt ông ta chỉ có luật của kẻ mạnh là thực sự quan trọng.

Related posts