Ngoại giao ‘Chiến Lang’ của Trung Quốc chỉ khiến thế giới thêm mất lòng tin vào họ

Băng Thanh

Một “chiến lang” tiêu biểu: Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (ảnh chụp từ video https://www.youtube.com/watch?v=whJwOkeBV5c&t=37s).

Dễ nhận thấy Trung Quốc đang có những hành động đe dọa đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cần hiểu rằng các cuộc đối đầu leo ​​thang sẽ chỉ gây ra mối lo ngại và mất lòng tin từ cộng đồng quốc tế, làm suy yếu lợi ích quốc gia của chính Trung Quốc.

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có những xung đột dọc theo biên giới tranh chấp. Cuộc đụng độ đã giết chết 20 binh sĩ Ấn Độ, và cũng để lại một số thương vong cho phía Trung Quốc. Hai người hàng xóm đã tham gia vào các cuộc đối đầu trong nhiều năm, nhưng vụ việc gần đây được xem là đụng độ chết người đầu tiên giữa họ sau 45 năm.

Có những nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể đã nắm bắt cơ hội để tiến hành một cuộc tấn công, đó là lợi dụng thời gian khi Ấn Độ đang phải vật lộn trong cuộc chiến chống lại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc cũng đang xấu đi. Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết, Úc đã bị nhắm đến bởi “lực lượng gián điệp mạng ở tầm quốc gia”. Úc thường đón nhận một  lượng lớn khách du lịch Trung Quốc hàng năm, cũng là một điểm đến phổ biến của các sinh viên nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây đã đưa ra khuyến nghị người dân không nên đi du lịch tới Châu Đại Dương.

Khuyến nghị mà Bắc Kinh dành cho người dân Trung Quốc được cho là để trả đũa cho đề xướng của Úc về một cuộc thăm dò quốc tế đối với nguồn gốc của virus Vũ Hán. Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều động thái khác có thể gây bất ổn cho các tình huống trong khu vực, chẳng hạn như tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông.

Úc và Ấn Độ đã tiến tới tăng cường hợp tác an ninh song phương. Tình cảm chống Trung Quốc cũng đang lan rộng giữa các nước châu Âu và Đông Nam Á. Những nước xưa nay luôn tránh các cuộc đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh, để ưu tiên cho các mối quan hệ kinh tế. Xu hướng này rõ ràng là một mất mát lớn cho Trung Quốc trong chiến lược quan hệ quốc tế.

Lập trường của Trung Quốc, tựa như sẵn sàng tạo ra các kẻ thù trên khắp thế giới, lại càng trở nên hung hăng hơn kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid-19. Cách tiếp cận này được gọi là ngoại giao “Chiến Lang”, theo tựa đề bộ phim hành động bom tấn nổi tiếng của Trung Quốc.

Như khẩu hiệu của bộ phim, “Bất cứ ai xúc phạm Trung Quốc đều phải bị xóa sổ hoàn toàn”, đất nước này đe dọa những người mà họ coi là thù địch. Một nhà ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích phản ứng “kém” của châu Âu trước sự bùng phát của Covid-19, đồng thời Bắc Kinh đòi hỏi các nước phải mang ơn khi gửi đi các hỗ trợ y tế.

Người ta tin rằng chính sách ngoại giao “Chiến Lang” của Trung Quốc đã bị thúc đẩy bởi những rắc rối trong nước.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bị đình trệ vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ và đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ. Chính quyền ông Tập đã tuyên bố rằng dịch bệnh đã thể hiện sự vượt trội của toàn bộ hệ thống ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố này đã trở nên rất ít thuyết phục, khi số ca nhiễm đang tăng lên 1 cách nhanh chóng ở Bắc Kinh.

Đó là một cách tiếp cận nguy hiểm mà Trung Quốc – nhằm duy trì sự lãnh đạo của mình – thúc đẩy lập trường cứng rắn chống lại các nước khác, kích động chủ nghĩa dân tộc và sự thù địch với nước ngoài. Bắc Kinh chắc chắn sẽ khó giành được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia, mặc dù nhấn mạnh rằng họ sẽ lãnh đạo trật tự quốc tế thay cho chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người luôn theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” từ đầu nhiệm kì.

Cũng dễ nhận thấy các tàu của Trung Quốc đã hoạt động tích cực hơn, trong vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Senkaku ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản một lần nữa phải nhấn mạnh với chính quyền Trung Quốc rằng những cải thiện trong quan hệ song phương là không thể, nếu không có sự ổn định ở Biển Hoa Đông.

Related posts