Tin thế giới sáng thứ Hai 29/6

Trung Quốc bổ sung võ sỹ cho quân đội ngay trước vụ ẩu đả với lính Ấn Độ

Các binh sĩ của Sư đoàn bộ binh cơ giới đổ bộ số 1 của quân đội Trung Quốc chuẩn bị trình diễn sức mạnh trước Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mike Mullen trong chuyến thăm của ông Mullen tới Trung Quốc vào ngày 12/7/2011 (ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này tại biên giới với Ấn Độ thông qua việc điều động các võ sỹ và những người leo núi tới khu vực, ngay trước khi xảy ra cuộc đụng độ gần đây khiến hàng chục người thương vong.

Hãng tin Al Jazeera trích dẫn các báo cáo của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã củng cố lực lượng quân đội ở biên giới Ấn Độ bằng 5 tiểu đoàn dân quân mới, trong đó có những người từng tham gia đội rước đuốc Olympic lên đỉnh Everest và các võ sỹ từ một câu lạc bộ võ thuật hỗn hợp.

Tờ báo quân sự China National Defense News của Trung Quốc đưa tin, 5 tiểu đoàn mới đã xuất hiện tại Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, vào ngày 15/6. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng các đoạn video cho thấy hàng trăm binh sỹ mới đang xếp thành ở Tây Tạng, vùng lãnh thổ từng là quốc gia độc lập nhưng bị chính quyền Trung Quốc xâm lược vào năm 1951.

Ông Uông Hải Giang (Wang Haijiang), phó tư lệnh Quân khu Tây Tạng nói rằng việc bổ sung các võ sĩ thuộc Câu lạc bộ Chiến đấu Enbo sẽ “tăng cường đáng kể sức mạnh tổ chức và huy động lực lượng” của quân đội, cũng như “khả năng ứng phó và hỗ trợ nhanh chóng” của họ. Tuy nhiên ông này không nói rõ việc điều động này có liên quan đến vụ xung đột chết người gần đây hay không.

Vụ xung đột xảy ra vào cuối ngày 15/6, tại biên giới tranh chấp giữa hai nước Trung-Ấn, khiến 20 người Ấn Độ thiệt mạng và hơn 70 khác bị thương, theo thông báo từ New Dehli. Trong khi đó, Bắc Kinh im lặng về số lính thương vong của Trung Quốc, dù Ấn Độ ước tính có hơn 40 người Trung Quốc tử vong. Quân đội Ấn Độ đã công bố các hình ảnh cho thấy lính Trung Quốc đã sử các cây gậy sắt có gắn đinh nhọn để đánh đập các binh sỹ đối phương.

Cuộc đụng độ ngày 15/6 là cuộc xung đột nguy hiểm nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong 45 năm qua. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều khu vực mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. Các nhà nghiên cứu nhận định những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam, cần chuẩn bị kỹ đối sách để hóa giải những nước cờ hung hăng của chính quyền Trung Quốc.

Người Hồng Kông lặng lẽ diễn hành phản đối luật an ninh

Người dân Hồng Kông kêu gọi dân chủ vào ngày 15/6 (ảnh: Studio Incendo/Flickr/flickr.com/photos/studiokanu/50013870101/).

Hàng trăm người Hồng Kông hôm 28/6 đã lặng lẽ diễn hành qua các đường phố để phản đối luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh muốn áp cho thành phố, theo Reuters.

Người biểu tình tuần hành từ Jordan đến Mong Kok ở quận Cửu Long, nhưng không hô vang những khẩu hiệu kêu gọi dân chủ như mọi khi. Họ nhắc nhở nhau rằng đây là một sự kiện yên lặng. Một số người làm cử chỉ tay thể hiện khẩu hiệu: “Năm yêu cầu, không thể thiếu một”.

Cảnh sát Hồng Kông được trang bị khiên cũng xuất hiện trong khu vực tuần hành. Theo tờ RTHK, cảnh sát đã dùng loa phóng thanh yêu cầu mọi người dừng việc tuần hành và không được tụ tập, nếu không sẽ bị coi là tham gia biểu tình trái phép.

Sự kiện diễu hành trong yên lặng diễn ra một ngày sau khi cảnh sát Hồng Kông không cho phép Mặt trận Nhân quyền Dân sự Hồng Kông tổ chức biểu tình ủng hộ dân chủ vào ngày 1/7 tới, nhân kỷ niệm 23 năm ngày hòn đảo được trao trả về Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát viện cớ có nguy cơ xảy ra bạo lực và vi phạm lệnh giãn cách xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bắt đầu kỳ họp 3 ngày (28/6 – 30/6) tại Bắc Kinh. Tờ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin, các quan chức nước này đã thảo luận về dự thảo luật an ninh quốc gia Hồng Kông trong cuộc họp ngày hôm nay. Tân Hoa Xã cho biết thêm rằng Ủy ban dự kiến ​​sẽ thông qua thành luật trước khi phiên họp kết thúc vào thứ Ba tới.

Nhiều lãnh đạo trên thế giới chỉ trích luật an ninh mà chính quyền Trung Quốc muốn áp cho Hồng Kông, cho rằng động thái này sẽ bọp nghẹt các quyền tự do của thành phố.

Phản ứng trước kế hoạch áp luật an ninh của Bắc Kinh, Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm (25/6) đã phê chuẩn một dự luật cho phép chính quyền Mỹ tăng cường xử phạt các cá nhân xâm phạm nền tự trị và dân chủ của đặc khu Hồng Kông.

Người vi phạm luật an ninh Hồng Kông có thể bị kết án chung thân

Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ một người biểu tình hôm 12/6 (ảnh: Studio Incendo/Flickr/https://www.flickr.com/photos/studiokanu/49998314718/).

Các cá nhân vi phạm luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh muốn áp cho Hồng Kông có thể phải đối mặt với án tù chung thân, các nguồn tin nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 28/6.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPCSC) hôm 28/6 bắt đầu phiên họp ba ngày để thảo luận lần cuối dự luật an ninh Hồng Kông. Ủy ban dự kiến thông qua luật này trước khi phiên họp kết thúc vào ngày 30/6 tới.

Hai nguồn tin nói với SCMP rằng, đạo luật đã được chỉnh sửa nhằm ngăn chặn và trừng phạt các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia. Những ai vi phạm luật an ninh Hồng Kông có thể phải đối mặt với mức án chung thân, trái với thông tin mà Tam Yiu-chung, đại biểu duy nhất của Hồng Kông tại NPCSC, đưa ra hồi tuần trước rằng luật an ninh chỉ quy định mức án tù 5-10 năm.

Khi được hỏi án chung thân có áp dụng với toàn bộ 4 tội danh trên hay không, một nguồn tin dự cuộc họp hôm nay của NPCSC, cũng là một trong các đại biểu Hồng Kông được tiếp cận với dự thảo luật, tuyên bố: “Nó sẽ không chỉ dành cho tội danh ly khai và lật đổ. Đạo luật này không phải chỉ là ‘hổ giấy’”.

Giáo sư Wong Yuk-shan, một trong 5 ủy viên Ủy ban Luật Cơ bản tham dự cuộc họp ở Bắc Kinh, cho hay NPCSC sẽ tham vấn với các ủy viên này sau khi thông qua đạo luật và sẽ bổ sung vào Phụ lục 3 của Luật Cơ bản, vốn đóng vai trò như tiểu hiến pháp của Hồng Kông để thực thi với thành phố.

Người dân Hồng Kông phản đối mạnh mẽ luật an ninh của Bắc Kinh, cho rằng nó sẽ đặt dấu chấm hết cho mô hình ‘Một quốc gia, Hai chế độ” của thành phố. Ông Quách Vinh Khanh, thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, nói rằng luật an ninh này còn tà ác gấp 100 lần so với luật dẫn độ.

Không chỉ người dân Hồng Kông, lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới cũng chỉ trích động thái của giới cầm quyền Trung Quốc. Theo AFP, Ngoại trưởng các nước G7 hôm 17/6 ra tuyên bố chung, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” rằng luật này có thể sẽ đe dọa các quyền và sự tự do của đặc khu. Hôm 22/6, EU cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với “hậu quả rất tiêu cực” nếu nước này áp luật an ninh mới đối với Hồng Kông.

Chính quyền Trump đã thông báo Hồng Kông không còn đủ tự trị để được hưởng ưu đãi của Mỹ. Thượng viện Mỹ hôm 25/6 cũng đã phê chuẩn một dự luật cho phép Washington tăng cường xử phạt các cá nhân xâm phạm nền tự trị và dân chủ của Hồng Kông.

Khách sạn ở thủ đô của Ấn Độ sẽ cấm khách Trung Quốc

Ảnh minh họa, ảnh chụp tại Ấn Độ (ảnh: Aditya Siva/Unsplash).

Vào hôm 25/6, Hiệp hội khách sạn Ấn Độ cho biết, các khách sạn ở thủ đô New Delhi sẽ cấm khách Trung Quốc. Đây là động thái mới nhất của Ấn Độ sau cuộc ẩu đả chết người giữa binh lính hai nước tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh hôm 15/6.

Theo tờ Breitbart, vào hôm 25/6, Hiệp hội chủ nhà hàng và khách sạn Delhi (DHROA) đã trở thành thực thể mới nhất của Ấn Độ ủng hộ việc tẩy chay khách Trung Quốc. Là một trong những hiệp hội khách sạn chính ở thủ đô New Delhi, DHROA cho biết các thành viên của hiệp hội giờ đây sẽ cấm khách Trung Quốc đến các cơ sở của họ. DHROA cũng khuyến khích các thành viên của hiệp hội ngừng sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc trong khách sạn của họ.

Khoảng 3.000 khách sạn thành viên của DHROA tại New Delhi sẽ thi hành lệnh cấm đối với công dân Trung Quốc.

Sandeep Khandelwal, chủ tịch của DHROA nói với AFP rằng, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến 75.000 phòng khách sạn tại thủ đô New Delhi. Tuy nhiên, hiệp hội thực hiện lệnh cấm nhằm “hỗ trợ chính phủ của chúng tôi trong tình hình căng thẳng với Trung Quốc”, Khandelwal cho biết.

“Từ các hành động bất chính của Trung Quốc, hiệp hội quyết định rằng, kể từ bây giờ, sẽ không có người Trung Quốc nào được ở trong các khách sạn và nhà nghỉ của thủ đô Delhi nữa”, Liên minh các thương nhân Ấn Độ (CAIT) cho biết trong một tuyên bố.

“CAIT hiện sẽ liên hệ với các tổ chức vận tải quốc gia, nông dân, người bán hàng rong, các ngành công nghiệp quy mô nhỏ, người tiêu dùng, doanh nhân và kết nối họ với chiến dịch tẩy chay Trung Quốc này”, tuyên bố cho biết.

Tổng thư ký CAIT, Praveen Khandelwal, nói với tờ South China Morning Post rằng mục tiêu lớn hơn của hiệp hội là giảm đáng kể lượng nhập khẩu mà Ấn Độ nhập từ Trung Quốc vào cuối năm tới.

“Đến ngày 31/12/2021, chúng tôi sẽ cắt giảm lượng nhập khẩu mà Ấn Độ nhập từ Trung Quốc là 13,5 tỷ USD”, Khandelwal cho biết.

Áo, Bỉ lên án Bắc Kinh thu hoạch nội tạng cưỡng bức

Điểm tin thế giới tối 28/6: Áo, Bỉ lên án Bắc Kinh thu hoạch nội tạng cưỡng bức
(Ảnh chụp màn hình Youtube, Trái: Sky News Australia, Phải: CGTN)

Hoạt động thu hoạch nội tạng sống (mổ cướp nội tạng) của Bắc Kinh một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý trong tháng này khi hai quốc gia châu Âu lên tiếng phản đối các thương vụ giao dịch bất hợp pháp, theo The Epoch Times.

Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Trung Quốc đã phải đối mặt với các cáo buộc chồng chất rằng nó đang sát hại các tù nhân lương tâm để bán nội tạng của họ trên thị trường cấy ghép.

“Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, nó chỉ đơn giản là không thể chấp nhận được”, ông Gudrun Kugler, thành viên Nghị viện Áo, nói hôm 23/6, sau khi ủy ban nhân quyền của Nghị viện nước này nhất trí thông qua nghị quyết chống nạn buôn bán nội tạng và con người.

“Hết lần này đến lần khác các báo cáo về nạn buôn bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể người ở Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã xuất hiện. Đây là hành vi đi ngược lại tất cả các tiêu chuẩn nhân quyền và đạo đức”, trích báo cáo từ văn phòng của ông Kugler.

Các dân tộc thiểu số và tôn giáo, bao gồm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công và các tín đồ Kitô giáo là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng đặc biệt bởi những lạm dụng như vậy, bà nói thêm.

Liên Hợp Quốc nói rằng thế giới không thể quay trở lại ’tình trạng bình thường trước đó’ sau đại dịch

Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed đã nói trên một diễn đàn quốc tế hôm thứ Sáu (26/7) rằng xã hội không thể trở lại “trạng thái bình thường trước đó” khi ông đệ trình các giải pháp đối phó kinh tế xã hội trong bối cảnh đại dịch, theo Fox News.

“Chúng ta phải quan sát mức độ nghiêm trọng của tình hình”, ông Mohammed nói. “Sự trở lại bình thường tại một số khu vực không nên khiến chúng ta hình thành một cảm giác an toàn giả tạo”.

Ông Mohammed nói rằng nhiều quốc gia vẫn chưa qua đỉnh địch, và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính có thể mất 300 triệu việc làm toàn cầu – một con số cao gấp 15 lần so với thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Đến nay, dịch Covid-19 đã lây nhiễm hơn 10 triệu người và giết chết hơn 500.000 người trên toàn cầu.

Chủ mỏ Trung Quốc bắn 2 công nhân Zimbabwe gây phẫn nộ công chúng

Chủ mỏ Trung Quốc bắn 2 công nhân Zimbabwe gây phẫn nộ công chúng

Hai công nhân nằm dưới đất sau khi bị ông chủ Trung Quốc bắn bị thương (ảnh được chia sẻ trên Twitter).

Một chủ doanh nghiệp khai thác mỏ người Trung Quốc đã bắn liên tiếp 2 công nhân người Zimbabwe mới đây đã gây chấn động dư luận, khiến Bắc Kinh một lần nữa bị lên án về tình trạng ngược đãi người châu Phi.

Hãng tin CNN trích dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, ông Zhang Xuen, một chủ mỏ Trung Quốc, đã bắn một nhân viên 5 lần và làm bị thương một người khác tại khu mỏ mà ông ta vận hành ở tỉnh Gweru thuộc miền trung Zimbabwe, một quốc gia ở Nam Phi.

Hồ sơ vụ án cho biết cuộc nổ súng xảy ra vào sáng ngày 23/6 trong khi ông Zhang tranh cãi với các công nhân về việc trả tiền lương. Khi đó, hai công nhân có tên Wendy Chikwaira và Kennedy Tachiona đã đề nghị ông Zhang tăng lương bằng đôla như đã thoả thuận, nhưng ông này từ chối trả, nên dẫn đến tranh cãi và nổ súng. Tachiona lao về phía Zhang và bị ông này rút súng ra bắn ba phát vào đùi phải và hai phát vào đùi trái. Ông ta cũng bắn Chikwaira làm người này bị thương.

Cảnh sát Zimbabwe cho biết ông Zhang bị truy tố về “tội giết người bất thành”.

Video về vụ nổ súng đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Zimbabwe, gây phẫn nộ trong công chúng. Một cơ quan giám sát địa phương đã kêu gọi phải đánh giá lại hoạt động khai thác của Trung Quốc tại nước này.

CNN cho biết Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe (ZELA) tuyên bố sự việc ông chủ Trung Quốc bắn 2 công nhân cho thấy tình trạng lạm dụng “có hệ thống và phổ biến” mà người dân địa phương phải đối mặt khi làm việc tại các mỏ thuộc quản lý của người Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe đưa ra tuyên bố rằng vụ nổ súng là “sự cố cá biệt” và cam kết sẽ hỗ trợ cuộc điều tra của chính quyền địa phương.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Zimbabwe và có lợi ích đáng kể trong lĩnh vực khai thác tài nguyên ở nước này. Một báo cáo của Viện Brookings 2016 cho biết có ít nhất 10.000 người Trung Quốc đang trú tại tại Zimbabwe, nhiều người đang làm việc trong lĩnh vực khai thác, viễn thông và xây dựng.

Sự hiện diện của người Trung Quốc tại quốc gia Nam Phi này đôi khi đã gây ra tranh cãi. Các nhà phê bình chỉ tra tình trạng vi phạm nhân quyền và điều kiện bảo hộ nghèo nàn cho công nhân địa phương tại các cơ sở khai thác mỏ mà Trung Quốc quản lý.

Ông Shamiso Mutisi, phó chủ tịch ZELA nói với CNN: “Điều đó đã trở thành hệ thống. Chúng tôi có những trường hợp công nhân bị lạm dụng, đánh đập và phân biệt đối xử bởi các ông chủ mỏ người Trung Quốc”.

Ông cũng cho biết ZELA hiện đang điều tra một số vụ việc chủ mỏ Trung Quốc từ chối trả lương hoặc cung cấp quần áo bảo hộ cho công nhân, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.

Phẫn nộ gia tăng trước báo cáo Nga cung cấp tiền thưởng cho các chiến binh Afghanistan sát hại lính Mỹ

Các quan chức Mỹ tin rằng một đơn vị tình báo Nga đã cung cấp tiền thưởng cho các chiến binh có liên hệ đến Taliban để sát hại lính nước ngoài ở Afghanistan, bao gồm lính Mỹ.

Câu chuyện xuất hiện lần đầu trên Thời báo New York, trích dẫn nguồn tin từ các quan chức giấu tên, và theo sau bởi tờ Washington Post. Các báo cáo nói rằng Mỹ đã đi đến kết luận về hoạt động này vài tháng trước và rằng Nga đã cung cấp phần thưởng cho các cuộc tấn công thành công vào năm ngoái.

Tờ New York Times viết: “Kết quả phát hiện tình báo đã được thông báo cho tổng thống Trump, và Hội đồng Bảo an Quốc gia thuộc Nhà Trắng đã thảo luận về vấn đề này tại một cuộc họp liên ngành cuối tháng 3”. 

Các quan chức Nhà Trắng dường như đã đưa ra một số giải pháp để đáp trả Điện Kremlin, từ khiển trách ngoại giao cho đến việc áp các lệnh trừng phạt mới. 

Mỹ nhấn mạnh các trại giam người Duy Ngô Nhĩ trong thông điệp ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn trên thế giới

Mỹ đã nhấn mạnh việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Trung Quốc trong bình luận tôn vinh các nạn nhân bị tra tấn trên toàn thế giới hôm thứ Sáu, khi các nhóm bảo vệ nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho việc lạm dụng quyền con người, theo RFA.

“Tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, dân tộc Kazakhstan, Kyrgyz và thành viên các nhóm thiểu số theo Hồi giáo chủ yếu khác ở Tân Cương đã bị bắt giam một cách tùy tiện trong các trại giam, nơi có nhiều báo cáo về việc tra tấn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố. 

Những nhận xét này đã được ban hành cho Ngày Quốc tế Hỗ trợ Nạn nhân bị Tra tấn, một hoạt động thường niên vào ngày kỷ niệm ngày Công ước Liên hợp quốc về Chống tra tấn bắt đầu có hiệu lực vào năm 1987.

Related posts