Mùa Hạ, về Phương Bối

Nguyễn Thị Hàm Anh

Đồi thông Phương Bối của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn

Phương Bối có một sức thu hút lạ lùng đối với tôi, kể từ lần đầu tiên khi tôi đọc thấy địa danh đó lạc giữa những ngổn ngang trong tác phẩm Vòng Đai Xanh của Ngô Thế Vinh. Một buổi tối, tình cờ tôi gặp Nguyễn Đức Sơn tại gallery ở đường Bà Huyện Thanh Quan, cổ quàng khăn, đầu đội bê-rê, vai mang túi thơ, đúng là túi thơ vì khi hỏi đến là thơ trong túi rút ra liền. Cuối tuần Sơn về nhà nhưng tôi mắc bận nên không thể đi cùng. Mãi đến tuần rồi, Tuệ điện hỏi đi chơi không, chỉ mười phút sửa soạn túi xách để mất gần năm giờ đồng hồ rong ruổi trên quốc lộ 20 từ Saigon đến Bảo Lộc.

Lối đi lên xã Lộc Châu khá rộng rãi. Hai bên nhà cửa liền liền trong những khoảnh sân nhỏ. Càng vào sâu càng thưa dần, tới đầu dốc Sơn Núi thì không còn nhà nữa, dốc dài mang tên người chủ của nó suốt mấy chục năm qua. Con đường đất đỏ mấp mô sỏi đá lượn dài ngoằn ngoèo trước mặt. Những cơn mưa đầu mùa của mùa mưa đến muộn đã trải rờn rờn trên hai bờ cỏ biếc. Tôi tần ngần trước mấy vuông gạch trắng rạn vỡ dưới chân, một mảnh nền tịch dương của một mái am xưa còn sót lại đây, lối mòn dẫn lên đỉnh đồi um tùm cỏ dại, nhưng từng bụi kim châm vẫn vươn lên những bông hoa vàng lộng lẫy và hai hàng thông ba lá thật cao, cao đến ngẩng đầu nhìn lên, thấy hồn vời vợi vút bay.

Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn vừa qua đời sáng 11/6, thọ 83 tuổi.

Sơn dẫn tôi đi chơi vòng vòng, xuống thung lũng, thăm nương chè, lội qua các bụi cây gai góc xem mỏ cao lanh!? Trên vạt đồi bồ đề, cỏ ướt làm đôi giày mỏng ướt sũng, tôi phải sải chân mới bắt kịp bước và nghe được những gì Sơn đang thao thao không dứt. Sơn mời tôi ăn mấy múi mít Tố nữ bổ ra trên chiếc nia rộng đặt dưới đất. Đồi cao đất cát nên không khơi giếng được, nước phải xách từ phía duới chân đồi lên. Tôi chắt chiu ca nước rửa tay, mấy giọt long lanh rớt đọng trên bụi ngọa tùng. Tôi nhìn mình trong giọt nước, làm sao ở đó có thể soi thấy suốt cõi ta- bà thế giới và trong một sát-na, thấu ngộ được lẽ vô thường của kiếp nhân sinh đầy rẫy ưu phiền? Vùng đất tâm linh này đã gắn chặt với nhà thơ mang một định mệnh khắc nghiệt, và kéo theo đó cả một gia đình với các sinh linh nhỏ nhoi, cũng đang bắt đầu cháy lên những đốm lửa tịch mịch. (1)

Tôi ngoảnh nhìn lên Sơn đang đứng cạnh túp nhà tre mới cất trông xuống thung lũng. Xa xa, dải núi Đại Bình nằm trải suốt cả một khoảng chân trời trước mặt. Đắp đập ngăn suối, trồng rừng, xây chùa… những dự định to tát chắc mãi mãi vẫn chỉ là ảo vọng nằm trong một giấc mơ ngông cuồng. Trong túp nhà đó, Sơn chỉ sống một mình, Phượng và hai con gái Phương Bối, Tiểu Khê vẫn ở trong gian nhà vốn là chiếc am cũ gần đó. Năm con trai bị đuổi ra khỏi nhà, làm gì, sống sao tùy ý. Số phận của một con người bị đày đến tận cùng sự cô độc.

Phượng đưa tôi xuống triền đồi. Mỏi chân quá, tôi rải đám lá khô ngồi bên vệ đưòng, nhìn hoàng hôn xỏa cánh. Mênh mông lùa xuống mênh mông. Lòng ơi sao cũng trống không như chiều (2), và nghe Phượng kể lể chuyện đời mình. Niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau trộn lẫn. Mồ côi mẹ, vào ở trong chùa từ khi lên năm tuổi, rồi lấy chồng sớm. Tôi nhìn gương mặt Phượng nghiêng nghiêng sau mái tóc rủ, trong vóc dáng tiều tụy hao mòn đó, vẫn còn phảng phất nét ngây thơ và thấp thoáng nhan sắc của một thời. Phượng kể tôi nghe về những ngày đau thập tử nhất sinh, nằm chết lịm trên nền hồ nước khô lạnh, rồi sống lại, tóc rụng trơ đầu trọc, vịn thành giường bệnh viện tập men đi, để trở về Đại Lào, lại chui vào hồ nước ở, chính xác là chui vì lòng hồ khô nước chỉ khoét một lỗ nhỏ bên chân thành đủ vừa khom người bò vào. Những buổi chạng vạng, bóng tối khổng lồ ập xuống chung quanh, mẹ con co ro ôm nhau chờ cha mang gạo về nấu cơm. Phượng cứ miên man mãi, chìm đắm trong những mảnh hồi ức lộn xộn, chắp nối. Tuy nhiên, khi ngược dòng thời gian về buổi ban đầu, thuở Sơn tặng Phượng vô số bài thơ xếp thành hàng chồng thì đôi mắt u tối, xa vắng ấy bỗng lóe sáng lên. Và tôi hiểu tại sao người phụ nữ này có thể nhẫn nhịn chịu đựng cam go một cách can đảm như vậy. Trong tận địa ngục của chốn trần gian, tình yêu vẫn không hề bị vùi dập, đã biến thành đôi cánh, nâng Phượng vượt qua những chông gai khó tưởng tượng được của cuộc đời này.

Những ngày ở Phương Bối, tôi như chìm đắm trong bầu không khí của thơ. Khung cảnh nơi đây quá tuyệt vời, không lạnh như Đàlạt, không nóng như Saigon, đồi dốc thoai thoải, không có núi cao đến chồn chân, mặt đất cũng chẳng bằng phẳng gây nhàm chán. Suốt buổi, tôi theo Yên, Lão… đi lễ chùa, đi hái sim…, những trái sim đen thẫm có nhiều hạt nhỏ xíu để ngâm làm rượu, nhai luôn cả vỏ nhung ngọt mềm. Đêm đến, trong làn ánh sáng bàng bạc trải khắp không gian, cả bọn kéo nhau lên đồi thông trò chuyện, ca hát, đọc thơ, đọc chứ không phải ngâm vì chẳng ai biết ngâm cả. Những cây thông non do chính tay Sơn núi trồng, ánh lên một màu bạc mơn mởn dưới vầng trăng mười sáu tròn vành vạnh. Phía dưới kia, đèn của thị xã Bảo lộc giăng dài như sao sa. Bất cứ khi nào, chung quanh tôi cũng đều là thơ ngân nga. Di truyền từ cha, các người con của Sơn đều có năng khiếu đặc biệt về thơ, người xuất khẩu thành thi, người không làm thơ cũng thuộc làu, hễ mở miệng là thơ tràn lan không dứt. Tôi sẽ không bao giờ quên được những ngày và đêm trăng đầu hạ này, khi được bước vào cửa ngõ tâm hồn của mỗi con người trong một gia đình kỳ lạ. Những mầm sống mạnh mẽ vươn lên từ điêu linh, những khắc khoải suy tư, những ước mơ đẹp đẽ, những tình cảm hồn nhiên của họ đã ùa vào, tràn ngập đầy ắp trong tôi.

Hồi Nguyễn Đức Sơn mang gia đình lên Đại Lào, nơi ấy vẫn còn hoang vu, rừng rậm thú dữ bủa vây khắp nơi. Những năm đó, cuộc sóng thật khó khăn, giữa nơi vắng vẻ như vậy, sự gian truân càng không thể kể xiết. Những đứa trẻ lớn lên cũng hoang dại như núi rừng, không cách chi sinh sống được, nên tất cả đều được lần lượt gửi vào nương náu nơi cửa chùa. Ngoại trừ Thạch đã có cuộc sống riêng và cắt đứt liên hệ với gia đình, Thảo nằm kia từ lâu lắm, nấm mồ chơ vơ trên ngọn đồi yên ả mây bay. Vân từ chối cơ hội xuất ngoại tu học, tạm quay về để gom tất cả bốn người em trai, nuôi ăn học lại dưới một mái nhà tại chân Phương Bối, trong đó Thủy đang theo học cao cấp Phật học tại Saigon. Yên, Không, Lão rời chùa về nhà theo thế học. Dù cuộc đời chỉ trải qua ở góc rừng quạnh hiu hoặc những ngôi chùa nghèo nàn, hẻo lánh nhưng tất cả đều tỏ ra rất có tư chất, đấu lý trôi chảy, lưu loát, quan tâm tới xã hội, đời sống, tới con người… với sự hiểu biết và một tấm lòng trong sáng, nhiệt thành đến lạ lùng. Những viên đá không được mài dũa, bị vùi lấp và lãng quên, vẫn cố tự phát tiết ra những tia sáng mỏng manh.
Không, Lão tính tình còn nóng nảy, thơ thuộc lòng tuôn đọc nghe không kịp. Gánh nặng gia đình đè trên đôi vai mảnh mai của một tăng sĩ trẻ khiến trán Vân in hằn nhiều nếp nhăn. Đã thọ Tỳ kheo giới nên tuy về nhà, Vân vẫn mặc áo nhật-bình. Một người anh đảm đương vai trò của người cha thật hoàn hảo vì ngoài chuyện áo cơm, còn uốn nắn tư tưởng, giáo dục tư cách cho các em không thể chê vào đâu được. Vân sáng tác nhạc dù phải hát lên nhờ người khác ký âm lại, viết truyện, làm thơ… và đã ra được tập thơ đầu tay. Gia đình mấy anh em quây quần dưới tay Vân tổ chức thật gọn gàng, nền nếp và ấm cúng. Tôi cũng chú ý đến Yên nhiều. Yên có dáng dấp cao và gầy. Mọi cử chỉ đi, đứng, ngồi… đều thanh thản bình an, nhẹ nhàng mà vững vàng, ánh mắt vô cùng điềm tĩnh và giọng nói chậm rãi khoan thai. Chỉ là chú điệu thôi mà đã toát ra một dáng vẻ thiền sư đến vậy, trong trẻo và tinh khiết làm sao. Bị chứng bệnh rất nặng về mắt không thể chữa khỏi được nên cả nhà đang gấp gáp tìm một vị cao tăng cho Yên thụ giáo, trước khi vĩnh viễn không còn nhìn thấy những hình ảnh và sắc màu của đời sống. Tôi ngồi đối diện im lặng nhìn Yên mà thấy lòng se lại. Vân, Thủy, Yên, Không, Lão còn trẻ, quá đỗi trẻ. Những con người tình cảm dạt dào, khát khao một cuộc sống nồng nàn như mọi người tuổi trẻ khác.
Đêm rằm trăng sáng mông mênh
Đường về cửa Phật buồn tênh một mình (3)

Sống nơi núi rừng thanh tịnh nên thơ văn của mấy anh em tuy lãng mạn nhưng không cuốn hút, đa mang; bóng hình người đẹp chỉ là cái cớ để trang trải nỗi lòng. Nếu có luân hồi ta cưới em…(4). Kiếp này đã chọn chiếc áo cà sa rồi, đành hẹn tái ngộ đâu đó trong cõi luân hồi, nhưng làm sao gặp lại được nàng giữa vô số vòng quay tử sinh hỗn độn đó, hở Yên? Những thiết tha ghê gớm, những đam mê cháy rực, Vân nói sẽ chuyển hóa thành niềm tin chắc chắn, và không hề nao núng dù đi trên cát bỏng.

Sáng sớm, tôi một mình leo lên đồi thông đón bình minh. Trời và đất bao la khoảng khoát, chút nữa về Saigon rồi. Sơn xuống phố luôn nên dễ dàng gặp, Lão hẹn đến tháng chạp, khi lên sẽ để dành cho tôi hai giò lan Hồ Điệp ăn tết. Phượng đến ngồi bên cạnh lúc nào, nước mắt đoanh tròng, dặn nhớ sớm quay lại đừng quên nghe. Thôi, đừng khóc nữa, Phượng khóc vì sắp chia tay hay những nỗi niềm chất chứa vỡ oà. Tôi tháo chiếc đồng hồ trên tay đeo vào cho Phượng, để khi hái trà biết giờ, khỏi phải nhìn trời, nhìn bóng nắng. Tôi cũng đã biết thế nào là những nỗi đau. Đừng buồn nữa, tôi an ủi Phượng và cũng tự an ủi mình. Mặt trời mùa hạ đã ló dạng trên cao, sẽ lau khô đi những giọt lệ trên má Phượng, ánh nắng chiếu rực rỡ khắp Phương Bối, sẽ rọi sáng vào khung cửa mở rộng của am Mây nhỏ bé dưới kia, xua bớt đi phần nào những u ẩn của thế gian này.

Nguyễn thị Hàm Anh
(1) Ngọn lửa tịch mịch (Đinh Cường)
(2) thơ Nguyễn Đức Sơn
(3) thơ Nguyễn Đức Vân
(4) thơ Nguyễn Đức Yên

Related posts