Hai hiện tượng văn học mỹ, một bối cảnh kỳ thị chủng tộc

Trùng Dương

Trong văn học sử Hoa Kỳ có hai hiện tượng nổi bật với nhiều điểm giống nhau, đó là nữ văn sĩ Margaret Michell với cuốn “Gone With The Wind” (1936) và nữ văn sĩ Harper Lee, tác giả “To Kill A Mockingbird” (1960). Cả hai cuốn tiểu thuyết cùng có bối cảnh là miền Nam Hoa Kỳ, cùng khai thác đề tài xung đột chủng tộc (da trắng và da đen), cùng bán được mỗi cuốn hàng ba, bốn chục triệu ấn bản. Cả hai tác phẩm lại cùng được giải Pulitzer danh giá, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và dựng thành phim rất thành công, chiếm được nhiều giải Oscar.

Song, có lẽ đặc biệt hơn, là sự kiện cả hai nữ văn sĩ gốc da trắng này cùng chỉ có một tác phẩm duy nhất, mặc dù nhà xuất bản thúc hối, giới truyền thông trông chờ và độc giả khắp nơi khao khát đọc họ thêm. Đặc biệt ở trường hợp GWTW, độc giả muốn biết cái gì sẽ xẩy ra cho hai nhân vật Scarlett O’Hara và Rhett Butler. Liệu họ có trở lại với nhau sau khi Rhett tuyên bố một câu bất hủ, “My dear, I don’t give a damn,” (Cưng ơi, tôi cóc cần), rồi bỏ ra đi mặc Scarlett nước mắt đầm đìa, thề sẽ tìm mọi cách lấy lại tình yêu mà Rhett đã dành cho nàng bấy lâu nhưng nàng mải đeo đuổi người khác? Sự khao khát đó đã đưa đến hai cuốn kế (sequels) với sự cho phép của cơ sở trách nhiệm tác quyền Mitchell, đó là “Scarlett” (1991, do Alexandra Ripley viết), và “Rhett Butler’s People” (2007, do Donald McCaig viết). Đấy là chưa kể cuốn “The Wind Done Gone” của Alice Randall viết từ nhãn quan của một người nô lệ tại đồn điền Tara của gia đình Scarlett, do Houghton Mifflin xuất bản năm 2001, sau khi nhà xuất bản này giàn xếp xong vụ kiện do công ty Mitchell khởi tố.

Trong khi đó, để trả lời cho yêu cầu của những người hâm mộ, tác giả “To Kill a Mockingbird” chỉ có sự im lặng đáp lại suốt mấy chục năm trong thời gian bà còn sống. Khác với bà Mitchell bị tử nạn mất sớm khi bà mới 49 tuổi, bà Lee sống tới 90 tuổi và mới qua đời năm 2016.

Tại sao sau sự thành công lẫy lừng đó cả hai nhà văn cùng không sản xuất thêm được tác phẩm nào khác? Ngay cả như trong trường hợp Harper Lee, có người cho rằng có lẽ chính bà không phải là người đã thực sự viết “Mockingbird,” mà là Truman Capote, tác giả “In Cold Blood,” là người bạn từ thuở thơ ấu với bà, mà bà vẫn làm thinh không cải chính. Cũng có thể đấy là một khiêu khích để bà tái xuất giang hồ cho ra đời tác phẩm kế tiếp như một biện minh hoặc lên tiếng cải chính, vì bà nổi tiếng là ẩn nhân từ giữa thập niên 1960, không nhận cho bất cứ ai phỏng vấn mình nữa, từ đó tạo nên một không khí huyền bí vây quanh bà.

Margaret Mitchell và ‘Gone With the Wind’

Margaret Mitchell sinh ngày 8 tháng 11, 1900 tại Atlanta, Georgia, trong một gia đình khá giả, cha là luật sư Eugene Muse Mitchell, và mẹ, một phụ nữ có học vấn tên May Belle Stephens và là một nhà tranh đấu cho quyền phụ nữ đầu phiếu (phụ nữ Mỹ chỉ mới được quyền bỏ phiếu vào năm 1920 sau nhiều tranh đấu cam go kéo dài nhiều thập niên và gặp nhiều đàn áp tàn bạo). Margaret còn có hai người em trai, nhưng một đã chết lúc còn nhỏ. Margaret ra đời đúng 35 năm sau khi cuộc Nội Chiến Nam Bắc (1861-1865) chấm dứt. Bà bị lôi cuốn bởi cuộc chiến này và những gì xẩy sau đó cho miền Nam Hoa Kỳ do hồi nhỏ đi thăm họ hàng nghe họ kể chuyện về những hoài niệm còn sống động của những người đã tham gia hoặc sống qua cuộc chiến cũng như thời hậu cuộc chiến đó. “Những chiều chủ nhật theo gia đình đi thăm bà con họ hàng thuộc thế hệ trước,” bà kể, “tôi thường ngồi trên những đầu gối gầy guộc của các cựu chiến binh [Confederate, phe đòi ly khai khỏi hệ thống liên bang] và những cái lòng mập mạp trơn trượt của các bà cô nghe họ kể chuyện” về các trận đánh cùng những phấn đấu đề sống còn sau khi miền Nam bị bại trận. Những câu chuyện này đã để lại trong bà nhiều ấn tượng sâu đậm.

Lớn lên bà thích nghề báo, nhưng phải bỏ dở học vấn sau có một năm đại học vì mẹ chết, bà phải về để phụ trông coi việc gia đình với cha. Bà viết ký sự cho tờ The Atlanta Journal Sunday Magazine, rồi được nhận vô làm phóng viên mặc dù không có kinh nghiệm về báo chí. Trong thời gian này, bà nghiên cứu về cuộc Nội Chiến với một đam mê đặc biệt, và bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết từ năm 1926 trong thời kỳ dưỡng thương sau một tai nạn xe cộ. Cuốn tiểu thuyết mà sau này trở thành “Gone With the Wind,” vẽ lại bức tranh xã hội của Miền Nam thời kỳ trước và sau cuộc Nội Chiến, với những dữ kiện lịch sử khá chính xác. Harold Latham của nhà xuất bản Macmillan khám phá ra bản thảo này qua một người bạn của Margaret, nhân một dịp đến Atlanta truy tìm tài năng mới và một cuốn truyện có thể trở thành bestseller.

clip_image002

Margaret Mitchell (1900-1949): Tại bàn làm việc trước cái máy chữ Remington bà dùng để viết “Gone With The Wind,” chụp năm 1936, và trái, với cuốn tiểu thuyết đã đưa bà lên tột đỉnh danh vọng mà nhà văn nào cũng ao ước có được, chụp năm 1948. (Ảnh Google/Image)

Nếu không nhờ tài kể chuyện, cách cấu tạo nhân vật rất chi tiết, sống động, lối hành văn lưu loát phong phú và các dữ kiện lịch sử chính xác, bên cạnh chủ đề có tính cách hoàn vũ (universal) – đó là quyết tâm sống còn của nhân vật bất kể nghịch cảnh — có lẽ cuốn GWTW đã, tôi nghĩ, không lôi cuốn được người đọc được như vậy vì người kể chuyện có cái nhãn quan hoàn toàn nghiêng về một phía, phía của những người da trắng kỳ thị chủng tộc, không chấp nhận chính sách của chính phủ liên bang bãi bỏ chế độ nô lệ, và không quên được thời hoàng kim trưởng giả của họ với những đồn điền cò bay thẳng cánh và đoàn nô lệ đông đảo sống dưới quyền sinh sát của các chủ nhân. Tôi đọc đâu đó là ít người Mỹ da đen đã đọc GWTW, coi đó là một cuốn truyện đượm mầu sắc kỳ thị chủng tộc.(*)

Cũng như Haper Lee sau này với sự thành công của cuốn “To Kill a Mockingbird,” Margaret Mitchell không tin là cuốn tiểu thuyết có thể thành công vượt bực như vậy. Chưa đầy một năm mà nhà xuất bản Macmillan đã bán được trên 1.3 triệu ấn bản GWTW. Rồi giải thưởng danh giá Pulitzer, tiếp theo là việc Hollywood dựng thành phim với tài tử Clark Gable danh tiếng bên cạnh một Vivien Leigh đẹp sắc sảo, tuy mới góp mặt với điện ảnh song đã hoàn toàn chinh phục khán giả với tài năng làm Scarlett sống động như thật. Cuốn sách đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng, bán trên 30 triệu ấn bản. Tại Việt Nam, bản dịch GWTW ra đời vào năm 1951, tái bản tới lần thứ 12 và bán cả thẩy 100,000 ấn bản, một kỷ lục ở Việt Nam. Riêng tại Nga, chỉ mãi tới sau khi chế độ cộng sản Liên Sô xụp đổ và vào năm 2001 dân Nga mới được đọc GWTW bằng tiếng Nga.

Ngân phiếu cho tiền tác quyền bay về như bướm bướm, cùng với thư của những người hâm mộ tác giả, đòi bà viết thêm một sequel cho GWTW, bên cạnh những chuyến đi để quảng cáo, tiệc tùng, cho cả sách lẫn phim, những cuộc phỏng vấn liên tu bất tận, khiến có lúc Margaret phải chạy trốn khỏi Atlanta, mặc chồng là John Marsh ở nhà đối phó với nhưng cú phôn, khách viếng và cả núi thư từ. Phần lớn thời giờ, sau khi sách và phim phát hành, Margaret dùng vào việc viết thư trả lời độc giả và tâm sự về sự thành công bất ngờ và ảnh hưởng trên bà và gia đình.

Có lúc Margaret không khỏi ngạc nhiên tại sao người ta lại thích GWTW, “[M]ặc dù chiều dài lê thê và đầy các chi tiết, [cuốn tiểu thuyết] thực ra chỉ là chuyện kể về những người rất đơn giản,” bà viết thư tâm sự với một người bạn, được tác giả Anne Edwards ghi lại trong cuốn tiều sử rất sống động, “Road to Tara: The Life of Margaret Mitchell” (1983). “Không có văn chương văn chiếc gì hết trơn trong đó, không cả những tư tưởng lớn, không có một ý nghĩa tiềm ẩn nào, không biểu tượng, không có gì là giật gân hết – không có gì hết, không có gì cả như những cái đã làm những cuốn sách bán chạy nhất trở thành sách bán chạy nhất. Vậy thì làm sao giải thích được sự lôi cuốn của nó đối với người từ 5 tuổi tới 90 tuổi đây? Tôi không thể hiểu được.”

Mười ba năm sau khi GWTW đưa bà lên tuyệt đỉnh của danh vọng và tiền bạc, Margaret bị tử nạn trong một tai nạn xe cộ vào ngày 11 tháng 8, 1949, để lại cho đời nhiều luyến tiếc. Song trên một khía cạnh nào đó, bà không còn phải đối diện với sự mong chờ, thôi thúc của những người hâm mộ bà về một tác phẩm kế. Như Harper Lee đã, có lẽ, khắc khoải tới mấy thập niên sau khi “To Kill a Mockingbird” chào đời và cất cánh bay bổng lên chín tầng mây.

Harper Lee và ‘To Kill A Mockingbird’

Khác với Margaret Mitchell, sau thành công vượt bực của “To Kill a Mockingbird,” Harper Lee đã dự thảo trước sau hai dự án tiểu thuyết, với một cuốn đã viết được tới nửa và một cuốn đang được sưu tầm, đã có tựa, đó là “The Reverend,” để rồi cuối cùng bà bỏ cuộc, và rút vào im lặng, sống đời ẩn nhân.

Sinh ngày 28 tháng 4, 1926 và lớn lên tại Monroeville, một tỉnh nhỏ ở tiểu bang Alabama, bà tên thực là Nelle Harper Lee (bà bỏ chữ Nelle, phát âm như “Nail”, vì không thích người ta đọc chại ra Nellie). Nelle xuất thân từ một gia đình có cha là luật sư Amasa Coleman Lee, một thời làm dân biểu tiểu bang và chủ một tờ báo địa phương, và là một nhân sĩ được kính trọng trong tỉnh. Ông Lee có một dạo biện hộ cho hai người da đen, cả hai bị kết án tử hình và bị treo cổ sau đó, nên ông bỏ nghề biện hộ để xoay ra chuyên về luật ngân hàng. Mẹ bà, Frances, không có bao nhiêu ảnh hưởng đối với con cái vì bà bị bệnh tâm thần, hầu như không tự tay chăm sóc và giáo dục các con. Là con út trong một gia đình bốn anh em, Nelle có bà chị lớn, Alice, cũng làm luật sư và là người về sau này quản lý sổ sách và công việc giao tế cho bà sau khi “Mockingbird” ra đời và trở thành một hiện tượng văn học.

Nelle cũng theo học luật, nhưng bỏ dở chừng. Bà bỏ đi New York vào năm 23 tuổi để vừa đi làm vừa viết văn. Một phần cũng vì người bạn thời thơ ấu của bà là Truman Capote, đang sống đời văn sĩ tại đó sau khi có một đôi cuốn sách xuất bản và tạo được một tên tuổi, khuyến khích bà lên New York, cái nôi của văn học nghệ thuật thời đó. Cả hai khi còn nhỏ thường hay đàn đúm với nhau viết truyện trên một cái máy chữ cũ ông Lee mua cho con gái. Nelle, với bản chất giống con trai (tomboy), cao và khoẻ, thường còn là người bảo bọc cho Truman vì ông tính như con gái, thấp bé yếu ớt, thường bị tụi trẻ bắt nạt. Thời còn ở đại học, Nelle cũng đã cộng tác với tờ báo của trường, và càng lúc càng thấy không muốn làm gì khác ngoài viết văn. Cha bà rất buồn trước quyết định bỏ học luật của con gái, nhưng không cản bà đi New York, nghĩ rằng bà trước sau rồi sẽ tỉnh ngộ và về lại với gia đình để giúp ông thực hiện giấc mộng có một văn phòng luật dưới bảng hiệu “A.C. Lee & Daughters.”

Nelle đi làm nghề bán vé máy bay cho hai hãng hàng không để có tiền sinh sống, cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và mua đồ ăn, sống rất khiêm tốn. Song ngược lại, bà có dịp làm quen với một số bạn, trong đó có nhà viết lời cho nhạc kịch Broadway tên Michael Brown và vợ là Joy, và trở nên thân thiết với gia đình này. Bà cũng hoàn tất được một số truyện ngắn và vừa tìm được người đại diện (literary agent) để giúp giao dịch với các nhà xuất bản. Giáng sinh năm 1956, sau sáu năm ở New York, Nelle nhận được một món quà đặc biệt của vợ chồng Brown nhân dịp ông vừa nhận được tiền bản quyền của một bộ nhạc kịch: đó là một món tiền trị giá lương một năm của Nelle, với một ghi chú ngắn: “Cô có một năm không phải đi làm để viết bất cứ gì cô thích. Merry Christmas.”

Nelle bỏ việc, ngồi nhà viết văn. Trong vòng một năm, trong sự cô độc và niềm nhớ nhà và khung cảnh thân thuộc của quê nhà ở miền Nam nước Mỹ, bà viết xong bản thảo đầu cuốn sách về sau này được đặt tựa là “To Kill a Mockingbird,”(**) mang nhiều chi tiết rút ra từ đời sống ở Monroeville. Nelle sau đó trải qua hơn một năm làm việc với chủ bút Tay Hohoff của nhà xuất bản J.B. Lippincott & Co., viết tới viết lui, sắp xếp lại thứ tự các chương, thay chỗ này cắt chỗ kia thêm chỗ nọ. Trong thời gian làm việc này, có lúc Nelle khổ sở chán nản tới độ một bữa trời đang tuyết, bà mở tung cửa sổ và tung hê đống bản thảo trong tuyết, rồi bốc điện thoại gọi bà chủ bút tuyên bố bỏ cuộc. Bà Hohoff bình tĩnh bảo bà mặc đồ ấm vào rồi xuống đường lượm những tờ bản thảo đó lên. Và Nelle đã làm như bà dặn, vừa nhặt các trang giấy sũng tuyết vừa khóc.

Nelle cuối cùng hoàn tất cuốn tiểu thuyết đầu tay vào mùa hè năm 1959. Cũng vào cuối năm đó, Truman cần Nelle tháp tùng giúp ông thu thập chất liệu cho một loạt phóng sự cho tạp chí The New Yorker về vụ án mạng toàn gia đình bốn người của nông gia khá giả tên Herbert Clutter, ở một tỉnh lẻ tên Holcomb, Kansas. Chính nhờ sự giúp đỡ đắc lực và rất hữu hiệu này của Nelle mà Truman đã cuối cùng có nhiều hơn là đủ chất liệu để thực hiện cuốn tiểu thuyết phóng sự nổi tiếng “In Cold Blood” (1966).(***)

Xuất bản vào ngày 11 tháng 7, 1960, “To Kill a Mockingbird” trong chỉ một sớm một chiều trở thành bestseller, được trao giải Pulitzer Prize for Fiction năm 1961, được dịch ra trên 40 thứ tiếng và trước sau bán ra trên 30 triệu ấn bản. “Mockingbird” được dựng thành phim vào năm 1962 do Robert Mulligan đạo diễn, với tài tử danh tiếng Gregory Peck thủ vai chính, luật sư Atticus Finch, và đã được nhiều giải thưởng Oscar. Năm 1999, Library Journal, qua một cuộc thăm dò ý kiến, bầu “Mockingbird” là “Best Novel of the Century”, qua mặt cả “Gone With the Wind.” 

clip_image004

Harper Lee (1926-2015): Trái, Harper Lee, lúc 34 tuổi, và tác phẩm “To Kill A Mockingbird,” xuất bản năm 1960. (Ảnh Google/Image) Phải, với Tổng thống Georges W. Bush tại tòa Bạch Ốc năm 2007, khi bà, ở tuổi 81, được trao giải Presidential Medal of Freedom nhờ ảnh hưởng sâu xa của cuốn “To Kill A Mockingbird” đối với phong trào tranh đấu cho quyền công dân tại Mỹ vào thập niên 1960 và sau đó. “Mockingbird” hiện được giảng dậy tại phần lớn các trường trung học công lập tại Mỹ. (Ảnh Wikipedia Commons)

“To Kill a Mockingbird” đặt bối cảnh tại một tỉnh nhỏ miền Nam có tên là Maycomb, Alabama, trong thời kỳ Khủng hoảng Kinh tế vào đầu thập niên 1930. Câu chuyện được một nhân vật nữ kể lại về thời thơ ấu của mình qua cô bé Scout, với người anh, Jem, và cha, Atticus Finch, luật sư và là một người đàn ông goá vợ ở vậy nuôi các con. Câu chuyện bắt đầu lúc cô bé Scout chưa bắt đầu năm học đầu tiên, và kéo dài ba năm. Cô đeo theo người anh và một cậu bé hàng xóm tên Dill, mỗi hè về ở với người cô ở Maycomb. Cả ba chơi những trò chơi đơn sơ của trẻ con. Một trong những trò chơi đó là rình rập một căn nhà bí ẩn trong xóm, nơi trú ngụ của một người mà ai cũng né tránh coi thường, tên là Boo Radley. Ba đứa trẻ quyết tìm xem Boo mặt mũi thế nào. Dần dà bộ bốn dần trở nên bạn.

Trong khi đó trong tỉnh xẩy ra vụ một người da đen, Tom Robinson, bị cáo buộc là đã hãm hiếp một phụ nữ da trắng, Maybelle Ewell, con gái của một nông dân da trắng có tật say sưa và hung bạo, hay đánh đập la mắng cô. Lũ nhỏ không để ý tới chuyện này cho tới khi Atticus được cử biện hộ cho Tom. Khi Atticus ngồi án ngữ trước nhà ngục vào một đêm khuya để ngăn không cho đám người quá khích vào lôi Tom ra để hành quyết (lynching), cả ba đứa trẻ chạy tới góp mặt. Scout nhận ra trong đám người hung hãn ấy có một nông dân mà Atticus đã giúp đỡ trong một vụ pháp lý nhưng không có tiền trả và Atticus đã đồng ý nhận những gói hạnh nhân lâu lâu ông ta mang lại thay cho tiền, và ông này lại là cha của một cậu bé mà chính Scout đã nhẩy vào can thiệp khi cậu ta bị các bạn uy hiếp. Cô bé gợi chuyện với người đàn ông đó, khiến ông ta bối rối, hết còn hung hăng, và đám đông cũng dịu theo, rồi họ theo nhau giải tán. Mặc dù bị Atticus cấm không được theo giõi vụ án, nhưng Jem, Scout và Dill vẫn lén lên ban công nơi dành riêng cho người da đen mở xuống phòng xử dành riêng cho người da trắng bên dưới, để theo dõi vụ xử án. Vụ án diễn ra cho thấy công lý bị thành kiến và óc kỳ thị lấn át. Mặc dù Atticus đã đưa ra những lý luận hợp lý hợp tình, Tom vẫn bị một bồi thẩm đoàn toàn da trắng kết án. Khi đi theo Tom bị dẫn giải ra khỏi phòng xử, Atticus nói với theo Tom là ông sẽ kháng án, trước ánh mắt oán hận và tuyệt vọng của Tom. Biết trước sau gì cũng chết, Tom vượt ngục, nhưng bị bắn chết.

“To Kill a Mockingbird” ra đời đúng lúc phong trào đòi quyền công dân của người da đen lên cao vào thập niên 1960, bị các chính quyền địa phương ở miền Nam đối phó bằng bạo động, mặc dù phong trào được chính phủ liên bang công nhận và hỗ trợ. Độc giả da đen thấy họ phản ảnh trong “Mockingbird.” Độc giả da trắng vẫn hỗ trợ phong trào đòi quyền công dân, dù thầm lặng, nhìn thấy nơi luật sư Atticus Finch hình ảnh của họ. Giới trẻ trong khi theo giõi bộ ba Scout-Jem-Dill và chia sẻ những tràng cười với các nhân vật trước các trò chơi trẻ con ngây thơ, để rồi bị cuốn hút vào chuyện người lớn lúc nào không hay, như Scout, Jem và Dill. Có lẽ đó là một trong những lý do “Mockingbird” được đón nhận nồng nhiệt vì đã ra đời đúng lúc, mặc dù tác giả của nó không hề có dự tính đó.

Cũng như Margaret Mitchell, sự thành công bất ngờ của “Mockingbird” đã làm Nelle đi từ ngạc nhiên, tới choáng ngợp – choáng ngợp vì danh vọng chợt đến trong khi bà, vốn bản chất khiêm tốn và riêng tư, không hề chuẩn bị tinh thần vì vốn không tin là cuốn truyện về đời sống tại một tỉnh lẻ và những mảnh đời bình thường lại có thể trở thành ăn khách như thế.

“Tôi không hề mong đợi bất cứ một thành công nào với ‘Mockingbird.’ Tôi đã hy vọng sẽ lãnh một cái chết nhanh chóng và nhân từ từ tay các nhà phê bình, song đồng thời tôi cũng hy vọng ai đó sẽ thích [cuốn sách] vừa đủ để khuyến khích tôi,” Nelle trả lời cuộc phỏng vấn vào năm 1964 với Roy Newtquist, cuộc phỏng vấn cuối cùng mà sau đó bà đã từ chối không trả lời bất cứ câu hỏi gì liên quan tới “Mockingbird” nữa. “Tôi chỉ hy vọng một chút thôi, như tôi đã nói, song tôi đã nhận được quá nhiều, và trên một khía cạnh nào đó, điều này cũng hãi hùng như cái chết nhanh chóng và nhân từ mà tôi đã chờ đợi vậy.”

Ngay sau khi “Mockingbird” trở thành một hiện tượng văn học, nhà xuất bản Lippincott đã bắt đầu hỏi bà cuốn sách kế tới đâu rồi, vì không muốn bị mất cái đà mà “Mockingbird” đem lại. Phần bận rộn với việc quảng cáo cho cả sách lẫn phim suốt ba năm sau khi cuốn sách ra đời, phần khác có thể là do thận trọng vì biết từ đây tác phẩm nào dưới tên Harper Lee cũng sẽ không tránh khỏi bị đo bằng cái thước “Mockingbird,” Nelle lần lữa, khất lần. Một, hai, rồi ba năm trôi qua.

Và kể từ sau cuộc phỏng vấn với Roy Newtquist vào năm 1964, thì bà rút vào im lặng, mặc thiên hạ đoán già đoán non lý do tại sao bà ngưng hẳn sáng tác, kể cả không lên tiếng khi có người nêu lên giả thuyết là có thể Truman Capote là người giúp bà viết “Mockingbird.” Bà không lên tiếng cải chính, mà Truman thì lấp lửng trong chuyện này. Là một người có tính kiêu ngạo và khoe khoang, Truman vẫn cay cú với người bạn từ ấu thời ở chỗ mặc dù cũng là sách bán chạy nhất, nhưng “In Cold Blood” đã không nhận được những danh dự như của “Mockingbird,” nhất là đã không được giải Pulitzer danh giá. Tình bạn của họ do đấy cũng bị sứt mẻ dần, cộng thêm với những tuyên bố này khác của Truman về lý do tại sao Nelle không sáng tác được nữa. Và hai người bạn từ thuở ấu thời, đã từng giúp đỡ nương tựa lẫn nhau trên bước đường văn học, hầu như không gặp nhau nhiều năm trước khi Truman qua đời vì rượu chè và bệnh hoạn, vào năm 1984.

Theo Charles J. Shields, tác giả cuốn “Mockingbird – A Portrait of Harper Lee” (2006) — kết quả của một cuộc sưu tầm khá công phu, với 600 cuộc phỏng vấn những người quen biết Nelle trừ… Nelle, vì bà từ chối thư xin phép phỏng vấn của ông — thì vào giữa thập niên 1980, Nelle cũng bắt đầu sưu tập tài liệu cho một dự án tiểu thuyết thuộc loại như In Cold Blood. Cuốn sách, đã có tựa là “The Reverend,” dự định khai thác một vụ án có thật liên quan đến một mục sư bị kết án giết năm người trong đó có vợ ông để lĩnh tiền bảo hiểm nhân thọ, và lần cuối cùng thì viên luật sư vẫn biện hộ cho ông từ chối không biện hộ cho ông ta nữa vì nghi có điều mờ ám. Song ông luật sư này lại nhận biện hộ cho người đàn ông (thân nhân của một trong những nạn nhân của ông mục sư) đã bắn chết ông mục sư này ngay trong nhà thờ trước 300 nhân chứng vì bấy lâu ông ta tin chính ông mục sư đã giết người thân của ông ta. Shields đã viết về dự án sách không thành này dựa vào cuộc phỏng vấn với chính viên luật sư trong cuộc, Tom Radney, là người đã đưa tòan bộ hồ sơ vụ án cho Nelle mượn để nghiên cứu.

Năm ngoái, một cuốn sách khác đặt trọng tâm vào cuốn tiểu thuyết bỏ dở chừng “The Reverend” này, tựa là “Furious Hours – Murder, Fraud, and the Last Trial of Harper Lee,” của nữ ký giả chuyên về điều tra Casey Cep, do nhà xuất bản Alfred A. Knopf ấn hành, 2019. Dựa vào vô số tài liệu, hình ảnh thâu thập được và phỏng vấn những người liên hệ, Cep mô tả rất chi tiết hành trình thu thập tài liệu của bà Lee về các vụ án liên quan đến viên mục sư nhân vật chính, và nguyên nhân tại sao bà đã không hoàn tất cuốn truyện.

Ngoài hai cuốn sách trên của Shields và Cep, một cuốn khác cũng cho thấy thắc mắc lớn của nhiều người về sự im lặng của tác giả “Mockingbird,” đó là cuốn “The Mockingbird Next Door: Life with Harper Lee,” của nữ ký giả Marja Mills, xuất bản năm 2014. Với sự đồng ý của hai chị em bà Lee, Mills dọn đến căn nhà bên cạnh nhà của chị em bà Lee và ở đó suốt một năm, lý do là để dưỡng bệnh, và qua lại bầu bạn với hai bà già Alice và Nelle, và được hai chị em chia sẻ nhiều kỷ niệm. Nhưng khi cuốn “The Mockingbird Next Door” ra đời, bà Lee không bằng lòng, công khai tuyên bố là bà không hề tham dự vào hay cho phép sự hình thành của cuốn sách của Mills.

Dù vậy, thỉnh thoảng, đó đây, tác giả “Mockingbird” cũng hé lộ cho biết tại sao bà ngưng sáng tác. Câu trả lời mà tôi thích nhất, đó là khi một người em họ hỏi bà khi nào thì bà sẽ cho xuất bản cuốn sách kế, và bà đã trả lời: “Richard, khi cậu đã lên tới tột đỉnh thì chỉ còn có một con đường đi thôi.” (“Richard, when you’re at the top, there’s only one way to go.”)

Ngưng không sáng tác nữa là một việc Nelle chắc đã phải phấn đấu không ngừng để tự hoà giải đồng thời tìm sự an bình cần thiết cho tâm hồn. Bởi vì bà rất yêu viết văn. Trong cuộc phỏng vấn năm 1964 với Roy Newtquist, bà tâm sự: “Tôi thích viết. Đôi khi tôi sợ là tôi thích nó quá đi vì thường khi tôi bắt đầu tôi không muốn ngừng. Do đấy mà tôi có thể viết ngày này qua ngày khác không ra khỏi nhà hay nơi nào đó mà tôi đang ngồi viết. Tôi sẽ chỉ ra khỏi nhà vừa đủ thời giờ mua giấy và ít đồ ăn và chỉ có vậy. Cũng lạ, thay vì ghét viết [như nhiều văn sĩ một khi trở thành chuyên nghiệp] tôi lại yêu nó quá sức.”

Harper Lee sống với người chị, Alice, một luật sư ngoài lớn tuổi song vẫn còn sáng suốt và quản trị việc sổ sách giấy tờ cho em gái, mỗi khi bà về Monroeville, Alabama vào mùa đông. Ngoài ra, bà giữ một căn chung cư ở New York để đi về. Cả hai chị em cùng độc thân. Alice qua đời vào cuối năm 2014, ở tuổi 103, hơn một năm trước sự ra đi của em gái, ở tuổi 90.

Hiện có tới 75% trường trung học công lập dùng “Mockingbird” trong chương trình giảng dậy. Hàng năm cuốn truyện 300 trang này vẫn bán ra cả triệu ấn bản. Nhiều người đã phân tích những lý do đưa tới sự thành công của “Mockingbird.” Ngoài giá trị văn chương và chủ đề xung đột chủng tộc — một đỉểm nhức nhối của nước Mỹ, kể cả lúc này, giữa năm 2020 sau cái chết vào tay bạo lực của cảnh sát của người đàn ông da đen George Floyd và nhiều người trước đó — cuốn tiểu thuyết còn dậy cho các thế hệ trẻ tại Mỹ lòng bao dung và khả năng đồng cảm.

Và bài học ấy được gói trọn trong câu nói của vị luật sư nhân vật chính, Atticus Finch, qua diễn viên Gregory Peck — biết khó thắng nhưng vẫn đứng ra biện hộ hết mình cho kẻ bị hàm oan — trong một cuộc trao đổi với con gái, Scout: “Con sẽ không bao giờ thực sự hiểu thấu một người cho tới khi nào con nhìn mọi sự qua nhãn quan của người đó… Tới khi nào con lẩn được vào bên dưới làn da của người đó và đi đó đây trong làn da đó.” (“You never really understand a person until you consider things from his point of view… Until you climb inside of his skin and walk around in it.”)

[TD, 02/2012, 06/2020]

[Bài này có tựa là “Nhà văn một-tác-phẩm: Margarette Mitchell và Harper Lee” khi phổ biến lần đầu vào năm 2012.]

Chú thích:

(*) Theo bản tin Associated Press ngày 10 tháng 6, 2020, thì hãng HBO Max vừa tạm thời gỡ phim “Gone With the Wind” xuống khỏi thư viện phim của hãng để thêm bối cảnh lịch sử vào cuốn phim thực hiện 84 năm về trước và lâu nay vẫn bị chỉ trích là đã thơ mộng hóa thể chế nô lệ và đời sống của miền Nam thời Nội chiến. Quyết định gỡ phim xuống được đưa ra sau những cuộc biểu tình liên tiếp tại các thành phố ở Mỹ và nhiều nước khác nhằm chống bạo lực của cảnh sát và kỳ thị chủng tộc sau cái chết thảm của người đàn ông da den George Floyd dưới đầu gối của viên cảnh sát da trắng ở Minneapolis ngày 25 tháng 5, 2020. “Những mô tả đầy kỳ thị chủng tộc hồi ấy và cả bây giờ là sai lầm, và chúng tôi cảm thấy tiếp tục chiếu phim này mà không có kèm theo một lời giải thích và phản đối những mô tả đó nói lên tinh thần vô trách nhiệm,” phát ngôn viên của HBO Max tuyên bố qua một bản thông cáo.

(**) Thực ra thì sau khi nạp bản thảo đầu cho nhà xuất bản, Harper Lee được đề nghị viết lại dưới cái nhìn của một cô bé, và bản viết lại này trở thành cuốn sách bán chạy nhất, “To Kill A Mockingbird.” Thay vì hủy bỏ bản thảo đầu, bà Lee cất giữ rồi có lẽ quên. Khi bà trở thành mất trí và sống trong một viện dưỡng lão, luật sư coi tài sản cho bà tìm thấy bản thảo này. Do chỗ biết độc giả vẫn khao khát đọc thêm sách của tác già “Mockingbird,” nên cho xuất bản dưới tựa “Go Set a Watchman,” quảng cáo là sequel, song thực ra là prequel của “Mockingbird.” Cuốn sách không mấy được đón nhận, nếu không nói là đã làm nhiều người thất vọng. Xem thêm về trường hợp ra đời của cuốn “Go Set a Watchman,” tại https://damau.org/36121/mot-cuon-sach-chua-xuat-ban-nhung-da-gay-song-gio-tren-van-dan-my-du-luan-tac-gia-harper-lee-88-tuoi-bi-luat-su-khai-thac

(***) Về hoàn cảnh sáng tác “In Cold Blood,” mời đọc bản dịch bài phỏng vấn tác giả Truman Capot: “George Plimpton: Câu Chuyện Đằng Sau Một Cuốn Phóng Sự Tiểu Thuyết,” https://hopluu.net/a444/george-plimpton-cau-chuyen-dang-sau-mot-cuon-phong-su-tieu-thuyet

Phim tài liệu:

Margaret Mitchell: American Rebel

Harper Lee: American Masters

Related posts