Một Số Điều Nhiều người Chưa Biết Về Trung Tá Bùi Quyền

Trần Huy Bích

Từ trái sang: Bùi Quyền thời đi học, khi là sĩ quan Nhảy Dù, và khi tới Hoa Kỳ với những dấu hiệu của lao khổ và thời gian

Trung Tá Bùi Quyền thuộc binh chủng Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tạ thế chiều Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020 vừa qua. Hầu như ai cũng biết ông là một trong những sĩ quan lỗi lạc của QLVNCH. Tốt nghiệp Thủ khoa khóa 16 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cuối tháng 12 năm 1962, ông đã chọn binh chủng Nhảy Dù khi ra trường. Từ đó cho tới khi miền Nam sụp đổ cuối tháng 4-1975, ông được coi là “một quân nhân quả cảm, luôn có mặt ở tuyến đầu trong những trận chiến ác liệt nhất.” Mới ở cấp Đại Úy đã được Bảo Quốc Huân Chương. Còn Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu, với sao vàng, sao bạc … cùng nhiều loại huân chương khác thì … đếm không xuể. Ông có mặt trong nhiều trận chiến ác liệt: Dak To – Tân Cảnh, giải vây An Lộc, lấy lại Quảng Trị, bảo vệ đèo Khánh Dương, và từ 4 tháng 4 năm 1975, bảo vệ Sàigòn. Ông không bỏ binh sĩ, chiến đấu tới phút chót, và sau lệnh phải buông súng ngày 30-4-1975, bị những người ở “bên thắng cuộc” nhốt vào “trại cải tạo” 13 năm với nhiều tháng biệt giam. Khi sang Mỹ năm 1991, được vị Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ (Tổng thống George H.W. Bush), và Học Viện Không Lực của Hoa Kỳ (U.S. Air Force Academy ở Colorado Springs, tiểu bang Colorado) đón tiếp một cách trang trọng.
Nhưng một khía cạnh khác cũng khá đặc biệt về ông có lẽ nhiều người chưa biết. Một người bạn từ thuở còn đi học, gặp nhau từ 1954, 66 năm trước đây, xin được nói ít lời về khía cạnh ấy. Để thuật lại một số chuyện mang tính cách bạn hữu, từ đây trở đi xin được theo cách nói của bè bạn, dùng tiếng “anh” mỗi khi nhắc đến ông.
Anh Quyền xuất thân từ một gia đình khoa bảng và văn học có danh tiếng từ nhiều đời. Từ nửa sau của thế kỷ 19, họ Bùi làng Châu Cầu của gia đình anh cùng họ Dương làng Vân Đình của các cụ Dương Khuê, Dương Lâm đã nổi tiếng với nhiều nhân vật xuất sắc.
Năm Ất Sửu 1865 đời vua Tự Đức, ở làng Châu Cầu (nay thuộc tỉnh Hà Nam) có hai cụ Bùi Dị và Bùi Quế (anh em họ) cùng đậu Phó bảng. Khi vinh quy, được mừng đôi câu đối như sau:

Bùi tộc đồng khoa song hội bảng

Châu Cầu nhất nhật lưỡng vinh quy.

(Họ Bùi đậu cùng khoa, hai người trên bảng thi hội

Làng Châu Cầu trong một ngày hai đám rước vinh quy).


Cụ Bùi Dị, thường được sử chép bằng tên tự Bùi Ân Niên, nổi tiếng văn thơ hay, làm quan trải các chức Hàn lâm, Nội các, Chánh sứ sang Trung Hoa, Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại, Hiệp biện Đại học sĩ, Phụ chánh đại thần, Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám. Sau khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai khiến Tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ tự tử năm Nhâm Ngọ 1882, cụ giữ chức Kinh lược sứ, cùng Tiết chế Quân vụ Hoàng Kế Viêm điều động binh sĩ chống lại quân Pháp.
Cụ Bùi Quế làm quan trải các chức Tham tri bộ Hộ, Tuần phủ Quảng Nam, Tuần phủ Thuận Khánh (Bình Thuận & Khánh Hòa). Quốc Triều Khoa Bảng Lục của Cao Xuân Dục cho biết cụ “cáo bệnh về hưu”và ghi lời nhận xét rằng “ông điềm đạm, tự lấy thế làm vui.” Theo tài liệu trong gia đình, cụ cáo quan lui về khi thấy đất nước đã mất chủ quyền, giống trường hợp hai người bạn thân là Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, “Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là.” Nguyễn Khuyến, Bùi Quế, và Dương Khuê là ba người “bạn đồng khoa”: cùng đậu Cử nhân năm Giáp Tý 1864 tại trường Hà Nội. Khoa ấy Nguyễn Khuyến đậu đầu (Giải nguyên). Thêm vào đó, các vị hợp tâm tính và có nhiều kỷ niệm chung với nhau.
Cụ Bùi Quế sinh ra cụ Bùi Thức, tuy đậu Tiến sĩ năm 1898 đời vua Thành Thái nhưng không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học và viết sách.
Cụ Bùi Thức sinh ra cụ Bùi Kỷ (đậu Phó bảng năm 1910 đời vua Duy Tân), hai cụ Bùi Khải và Bùi Lương (cùng đậu Cử nhân). Cụ bà Trần Trọng Kim và cụ Bùi Nam, thân phụ của anh Bùi Quyền, là em của các vị ấy. Cụ Bùi Nam còn một người em trai là Bùi Nhung, làm Giám đốc Đài Phát thanh Hà Nội, sau dời xuống Hải Phòng cho tới 1955. Người vợ đầu tiên của ông là bà Thụy An, một nhà văn nữ nổi danh, ở lại miền Bắc, sau bị nhà cầm quyền CS xử tới 15 năm tù vì có liên quan với nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Nói cách khác, anh Quyền là cháu, gọi các cụ Bùi Kỷ, Bùi Khải, Bùi Lương là bác ruột, gọi học giả Trần Trọng Kim là bác rể, gọi ông bà Bùi Nhung – Thụy An là chú thím. Anh là cháu nội của Tiến sĩ Bùi Thức, và chắt nội của Phó bảng Bùi Quế, một trong những người bạn thân nhất của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Tiến sĩ Vân Đình Dương Khuê.
Sau khi đậu Phó bảng, cụ Bùi Kỷ cũng không ra làm quan. Sau vài năm thử kinh doanh, cụ chuyên tâm dạy học và viết sách. Cụ thông thạo chữ quốc ngữ, học tiếng Pháp một cách nghiêm túc, từng sang Pháp hai năm, là một trí thức tham bác cựu học và tân học. Cụ Bùi Lương từng dạy ở Đại học Văn khoa Sàigòn trong thập niên 1950.

Trong một bài thơ gửi cụ Bùi Quế, cụ Nguyễn Khuyến từng viết như sau:

Kim lan từ thuở nhỏ chơi bời

Đôi lứa như ta được mấy người

Trời hẹn ngày cho ba vạn sáu

Ta chung tuổi mới một trăm hai …

Khi Nguyễn Khuyến làm bài thơ ấy, cả hai người cộng lại mới được 120 tuổi. Nguyễn Khuyến sinh năm Ất Mùi 1835, Bùi Quế sinh năm Đinh Dậu 1837, trẻ hơn 2 tuổi. Như vậy bài này làm năm Nguyễn Khuyến 61 và Bùi Quế 59. Chắc Nguyễn Khuyến nói theo tuổi ta, nhiều hơn tuổi thật một năm. Như vậy bài này được làm năm (1835 + 60) 1895, sau khi Nguyễn Khuyến cáo quan về hưu năm 1884. Cụ Bùi Quế cũng về hưu trong hoàn cảnh tương tự, dùng kiến thức về Đông y để giúp dân quanh vùng:
Kẻ già nét bút chăm cùng trẻNgười khỏe tay đao hộ lấy đời
(Trong từ “đao” ở đây, Nguyễn Khuyến muốn nói tới dao cầu, vật dụng để thái thuốc dùng trong Đông y).
Nguyễn Khuyến quan tâm đến đời sống của bạn cho đến những chi tiết nhỏ. Khi vùng Châu Cầu bị lụt trong nhiều tháng, cụ viết:
Ai lên nhắn hỏi bác Châu CầuLụt lội năm nay bác ở đâu?Mấy ổ lợn con rày lớn bé?Vài gian nếp cái ngập nông sâu?
Đó là những bài thơ được đem ra bình giảng trong chương trình Trung học của Việt Nam Cộng Hòa. Bài “Nước lụt hỏi thăm bạn” Nguyễn Khuyến làm để gửi Bùi Quế được in trong Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm (Sàigòn : Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1968, trang 171-72). Anh Quyền là hậu duệ của một gia đình có liên quan đến văn học.
Khi còn trẻ, sinh làm con trai lại rất giỏi võ (cả Judo lẫn Jujitsu), anh không thể không chịu ảnh hưởng của câu ca dao:
Làm trai cho đáng nên traiXuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan
Hay những câu của Nguyễn Công Trứ, cũng được ghi vào chương trình Quốc văn bậc Trung học:
Chí làm trai nam bắc đông tâyCho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Đó là lý doanh đã chọn binh nghiệp. Sau khi vào quân trường, anh nhất quyết “đậu cho được Thủ khoa,” để có thể trong lễ mãn khóa, nhận cái vinh dự đại diện anh em, giương cung bắn đi bốn phương.

Sinh viên Thủ khoa bắn tên đi bốn phương trong lễ mãn khóa tại trường Võ Bị Quốc Gia Viêt Nam, Đà Lạt

Một khi đã bắn tên đi, trong tâm thức trọng trách nhiệm của một sĩ quan QLVNCH, được huấn luyện để tôn thờ Tổ quốctrong Danh dự với tinh thần Trách nhiệm, anh đã hết lòng với nhiệm vụ từ khi tốt nghiệp, ra trường:
… Trót đem thân thế hẹn tang bồng

Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung

Hết bốn chữ “trinh trung báo quốc”

Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diêm và Trung Tá Trần Ngọc Huyến, Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt gắn cấp hiệu cho Thiếu Úy Bùi Quyền trong lễ mãn khóa Khóa 16, ngày 22-12-1962.

Đó là lý do trong hơn 12 năm, từ 1963 đến tháng 4-1975, gần trọn tuổi thanh xuân, anh xông pha khắp bốn vùng chiến thuật để thi hành nhiệm vụ: giữ cuộc sống an bình cho dân miền Nam.

Miền Nam bị sụp đổ. Tuy bị giam hãm và đày đọa, gian khổ đến cùng độ, anh vẫn vững tinh thần, không nản chí, không bỏ phí thời giờ. Gặp cơ duyên, anh tìm cách học tiếng Thái, tiếng Hoa, phòng cần tới khi vượt thoát khỏi trại giam. Vì học tiếng Hoa, anh có dịp ôn lại và học thêm một số chữ Hán căn bản. Kết quả là khi ra khỏi trường Chu Văn An năm 1957, số chữ Hán của anh chỉ ở mức sơ đẳng như hầu hết học sinh đã xong bậc Trung học. Nhưng sau 13 năm trong nhà tù CS, khi sang tới Hoa Kỳ đầu thập niên 1990, trình độ chữ Hán của anh đủ để nói chuyện một cách tương đắc với một người bạn có Cử nhân Văn chương Việt Hán của Đại học Văn khoa Sàigòn. Một người anh họ, hơn anh 14 tuổi và là con một vị Phó bảng, đã trông cậy ở anh trong việc đọc những tài liệu bằng chữ Hán về gia phả họ Bùi, để dựa vào đó soạn ra cuốn gia phả bằng chữ quốc ngữ cho các thế hệ sau. Nhưng vì đã bỏ ra gần trọn tuổi thanh xuân cho một cuộc chiến tranh khốc liệt, mỗi khi nghĩ đến những bạn hữu thân thiết đã nằm xuống, mối quan tâm lớn nhất của anh là tìm tài liệu để hiểu thêm rồi viết về cuộc chiến tranh ấy. Cũng do cơ duyên, một bạn thân của anh từ 1954, được coi là “ham học, chịu đọc,”đã sưu tầm được nhiều sách về văn học cũng như về cuộc chiến Việt Nam.


Năm 2010, nhà tôi qua đời. Ở lại căn nhà cũ thì quá rộng, không thể trông coi xuể. Nhân đã về hưu, không còn phải đi làm, tôi có ý dời xuống Orange County, mua một căn mobile home nhỏ quanh Little Sàigòn để sống gần mấy người bạn cũ ở quanh đó. Vừa chọn xong một căn thì nhận được điện thoại từ anh Quyền, gọi từ San Jose, “Nghe nói Bích đang lựa mua mobile home. Chịu khó mua một căn hơi rộng, có dư ra một buồng, để thỉnh thoảng Quyền về ở. Quyền đang viết sách. Ở với Bích là tốt nhất.” Lúc ấy anh đang ở San Jose, thỉnh thoảng về Quận Cam khi có sinh hoạt với bạn hữu, nhất là bạn đồng ngũ trước. Đem niềm vui đến cho bạn, nhất là bạn từ mấy chục năm và có cốt cách đáng quý như anh, là điều chắc ai cũng muốn làm. Tôi bỏ chuyện mua một căn hai phòng ngủ, coi cũng tạm được, để đổi mua một căn rộng rãi, khang trang hơn với ba buồng ngủ. Căn này, ngoài phòng cho chủ nhân, có một phòng làm việc với một số kệ sách, và một buồng dành cho khách, mà người tới đầu tiên, cũng là người hiện diện thường xuyên nhất, là anh Quyền.


Mỗi khi từ San Jose về, anh thường ở nhà tôi 3, 4 ngày, trước khi gọi điện thoại để chị Quyền tới đón. Quan tâm chính của anh là những tài liệu về cuộc chiến Việt Nam. Tùy theo câu anh hỏi liên quan đến khía cạnh nào, tôi đưa ra một ít cuốn, tóm lược những nét chính, anh ghi nhận rồi cho biết sẽ đọc kỹ hơn. Có mấy lần tôi đưa anh tới thư viện của Đại học UCLA. Họ có một số sách từ phía C.S. Anh cho biết khi tìm hiểu lại về một trận đánh trong quá khứ, ngoài những tài liệu của VNCH, của người Mỹ, anh cũng muốn đọc tài liệu của CS để có một cái nhìn thật đầy đủ trước khi đặt bút viết. Tôi thấy anh rất nghiêm túc trong công việc. Anh chú trọng tới khía cạnh quân sự của mỗi trận đánh, và muốn viết với tư cách một người nghiên cứu quân sử (lịch sử chiến tranh) hơn là người nghiên cứu lịch sử một cách tổng quát. Tuy đã về hưu, tôi được trường cho tiếp tục giữ thẻ thư viện với quy chế cựu nhân viên giảng huấn (faculty status), mỗi cuốn sách đem về được giữ 6 tháng (thay vì 2 tuần như những độc giả thông thường). Điều ấy cũng hữu ích với anh Quyền. Có nhiều cuốn không thể mua, chúng tôi tương đối rộng thời giờ trong việc chụp lại toàn thể hay một phần trước khi trả lại cho thư viện. Anh cũng được một người bạn Mỹ tặng một bộ bản đồ quân sự với những thông tin về địa hình khá chi tiết và rất rõ cho toàn cõi Việt Nam.


Có những hôm anh yêu cầu tôi chở tới thăm một vài nhân vật quen biết cũ, có vai trò đáng kể trong những trận đánh anh muốn viết để phân tích. Một lần đến thăm một vị cựu Chuẩn tướng, từng làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Long – An Lộc. Một số lần khác, thăm một vài người bạn ở cấp từ Đại úy tới Trung tá, chỉ huy những đơn vị yểm trợ trong một số trận đánh anh tham dự. Anh đặt những câu hỏi khá cặn kẽ để biết thêm về một số điều chưa nắm vững, đúng phong thái của một người làm công việc nghiên cứu đối chiếu trước khi viết. Sau một lần đi tiếp xúc như thế về, anh áy náy nói với tôi, “Mất gần trọn ngày của Bích.” Tôi cười trả lời ngay, “Không nên nghĩ như thế. Những trao đổi giữa Quyền và các bạn ấy cũng rất có ích đối với mình. Đó cũng là những điều mình nên biết.” Chúng tôi sung sướng khi quan tâm tới nhau và đem niềm vui đến cho nhau.
Theo thiển ý, những bài viết để phân tích các trận đánh của anh Quyền rất hữu ích. Trong PC của tôi còn một bài của anh về “Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù tại Ngok Wan,” trong đó anh viết rất tường tận về một trận đánh quan trọng trong vùng núi Ngok Wan, phía Đông Bắc Dak To (gần biên giới Việt Lào) từ 18/11/1967 tới 22/11/1967. Trận đánh có sự tham dự của Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù trong đó — năm 1967 — anh mới là một Đại Úy Đại đội trưởng (Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam còn là Trung Tá, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3 Nhảy Dù). Bài viết rất công phu (28 trang) với bản đồ địa hình rất chi tiết, chứa đựng nhiều nhận xét tinh tế. Anh đã viết nhiều bài như thế về những trận đánh anh từng tham dự trong quá khứ, để lưu lại chút kinh nghiệm về quân sự cho những người muốn nghiên cứu một cách nghiêm túc cuộc chiến ở Việt Nam. 


Chúng tôi cũng trao đổi, chuyện trò về văn học. Anh rất vui thấy tôi lưu tâm đến cuộc đời của hai cụ Bùi Dị, Bùi Quế, và thuộc khá nhiều thơ của các cụ Bùi Dị, Bùi Kỷ. Có một kỷ niệm vui. Có lần anh cho biết tương truyền rằng nhà thơ Cao Bá Quát từng có một cặp câu đối mừng khi hai cụ Bùi Dị, Bùi Quế đậu Phó bảng đồng khoa. Chúng tôi lật từng trang những quyển về thơ văn Cao Bá Quát có ở nhà, cộng thêm một quyển mượn được từ UCLA, không thấy. Mãi sau, đến khi tôi nhớ ra rằng hai cụ đậu Phó bảng năm Ất Sửu 1865 trong khi Cao Bá Quát đã mất năm 10 năm trước đó từ 1855, sau khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương bị thất bại, làm sao có câu đối mừng được, cả hai mới nhìn nhau cười. Các giai thoại văn chương đời trước để lại nhiều khi không chính xác, cần được kiểm chứng. Cũng nhờ anh, tôi trả lời được một cách tự tín trước câu hỏi, “Bản dịch bài ‘Bình Ngô đại cáo’ in trong Việt Nam Sử Lược là của cụ Bùi Kỷ hay cụ Trần Trọng Kim?” Nếu không có sự giúp ý của một người cháu gọi hai cụ bằng bác và sống gần hai cụ hồi nhỏ, câu hỏi ấy thật cũng khó trả lời. 
Hôm được mời làm diễn giả nói về cụ Trần Trọng Kim nhân dịp cuốn Một Cơn Gió Bụi được tái bản tại Mỹ, anh đang ở với tôi. Hôm ấy, “tài xế của TrT Bùi Quyền” được vinh dự mời lên hàng ghế đầu, ngồi cạnh “cháu của cụ Trần,” một trong hai diễn giả chính trong buổi giới thiệu sách. Câu anh nói, “Quyền muốn thỉnh thoảng về ở với Bích” đã khiến tôi cảm động, và đã giúp chúng tôi có những giờ phút vui, ngày tháng đẹp, và kỷ niệm rất khó quên với nhau.

Cựu Trung Tá Bùi Quyền, một người cháu của học giả Trần Trọng Kim nói chuyện về bác mình tại Little Sàigòn, Nam California, nhân dịp tái xuất bản cuốn Một Cơn Gió Bụi tại Hoa Kỳ năm 2015

Từ cuối năm 2019, sức khỏe có dấu hiệu suy kém, anh về ở hẳn với chị Quyền và cũng để gần các cháu hơn. Trước khi đại dịch bùng phát mạnh ở Mỹ, anh Trần Minh Công và tôi thỉnh thoảng còn đến đón anh ra gặp các bạn học cũ, cùng uống cà phê, ăn trưa, rồi lại đưa anh về. Có lần chị Quyền đích thân chở anh ra gặp chúng tôi. Từ giữa tháng 3 năm nay, đại dịch khiến chúng tôi khó gặp nhau nhưng vẫn liên lạc qua điện thoại hay email. Anh yếu nặng từ giữa tháng 5, được sự chăm sóc rất chu đáo của chị Quyền và các cháu, với sự hỗ trợ của bác sĩ và một dàn y tá tận tâm. Tin anh ra đi khiến tất cả chúng tôi bàng hoàng.
Chúng ta đúng khi quan niệm anh Quyền là một sĩ quan Nhảy Dù can trường và anh hùng, một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc. Do cơ duyên, và chắc cũng do “gene” từ gia đình, tôi thấy thêm ở anh một trí thức có phong thái, cốt cách, với kiến thức vững chắc về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, yêu văn học Việt Nam, cổ văn học Trung Hoa. Trong một bài báo loan tin anh tới Mỹ, đăng trên New York Times số ra ngày 30 tháng 5, 1991, ký giả Dick Johnson đã cho biết anh nói thạo 5 ngôn ngữ. Điều ấy đúng. Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, anh nói thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái, tiếng Hoa. Anh cũng đọc và viết được chữ Hán, chữ Thái. Trong việc viết biên khảo, nhất là loại biên khảo quân sự, anh nghiêm túc, cẩn trọng, rành mạch, chu đáo. Nếu mục tiêu của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt là đào luyện cho đất nước những sĩ quan có tư cách và văn võ kiêm toàn, Trung tá Bùi Quyền của chúng ta rất xứng đáng với danh hiệu ấy.


Trần Huy Bích

Related posts