THA THỨ

Theo định nghĩa của trang mạng Psychologytoday.com chuyên về tâm lý: tha thứ là buông bỏ sự oán hận hoặc tức giận đang mang trong lòng; nhưng tha thứ không có nghĩa là hòa giải. Nói vậy thì sự tha thứ như ở trên thực sự chưa hoàn toàn. Theo thiển ý, đã là tha thứ thì nên cần kèm theo sự hoà giải vì hoà giải mới có thể mang lại sự bình an trong tâm hồn và lúc đó những nỗi bực tức, oán hận trong lòng mới có cơ hội giải thoát.
Như câu chuyện dưới đây của cô Kristen Simpson hiện đang sống tại Fayetteville, Georgia.
Khi biện pháp đóng cửa bắt đầu được thực hiện trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, cô Kristen Simpson bỗng nghĩ về người cha mà cô hầu như chỉ biết rất mơ hồ.
Ông này ly dị mẹ cô khi cô còn là một hài nhi, và sau đó chẳng mấy khi đến thăm cô, thậm chí cả sau khi người mẹ qua đời. Ông là người nghiện ngập và đã từng phải ngồi tù. Cô Simpson kể rằng khi cô mới lớn, có lần ông tìm cách liên lạc để nối lại tình phụ tử nhưng cô đã một mực từ chối vì nỗi oán hận ông đã bỏ bê mẹ con cô.
Mười ba năm sau, trận đại dịch bùng phát làm cô suy nghĩ lại mối quan hệ cha con giữa họ. Nay ông là người thân duy nhất còn lại của cô, và ngược lại, và nếu chẳng may có mệnh hệ gì cho một trong hai người thì cô không muốn thấy người thân duy nhất kia vắng mặt. Cô lo sợ sẽ không có đủ thời gian để có thể hoà giải lại với cha trong khi con vi khuẩn corona vẫn đang tiếp tục hoành hành vì biết rằng ông bắt buộc phải rời nhà mỗi ngày và làm việc trong môi trường không được an toàn.

Cô cũng được biết người cha của cô từ lâu đã không còn nghiện ngập nữa và hiện đang làm công việc giao bánh pizza tại Florida. Sau một thời gian ngắn lưỡng lự cuối cùng cô đã lấy can đảm gọi cho ông để nói lời xin lỗi vì trước đây đã từng cự tuyệt ông.
Cô sợ ông sẽ từ chối cô nhưng ông đã nhấc máy. Qua màn hình FaceTime, cô nhận thấy nụ cười của ông thật rạng rỡ và cô cười đáp lại. Hai nụ cười như soi gương cho nhau. Đó là một cuộc trò chuyện đầy tốt đẹp và thú vị giữa hai cha con sau nhiều năm vắng mặt.
Những sinh hoạt, tiện nghi trong cuộc sống trước đây tưởng như rất đỗi bình thường thì nay bỗng dưng bị lấy mất đi trong cơn khủng khoảng Covid-19 đã khiến nhiều người phải suy nghĩ, cân nhắc và xem xét lại những gì được cho là quan trọng nhất trong đời sống. Và nhiều người đã kết luận rằng sự an toàn và tình cảm của gia đình là tối quan trọng, ngay cả khi mối dây liên lạc chỉ là ở đầu này và đầu kia của đường dây điện thoại hoặc là trò chuyện qua màn hình của thiết bị điện tử. Do đó, một số cá nhân từ lâu bị gia đình thờ ơ, lạnh nhạt thì nay đã tìm về và cố gắng tìm cách để hòa giải và tha thứ, hay ít ra là đang cân nhắc để hàn gắn lại mối quan hệ.
Tâm lý chung, khi người ta cắt đứt liên lạc với một thành viên trong gia đình thì tự trong thâm tâm người ta nghĩ rằng nó sẽ là vĩnh viễn. Nhưng trên thực tế không có điều gì là vĩnh viễn cả, và khi một biến cố nào đó xảy ra, như đại dịch Covid-19 lần này, sẽ khiến người ta động lòng, suy nghĩ lại và tự hỏi mình sẽ có cảm giác ra sao nếu ngày mai tìm cách hoà giải với người thân đó.
Có nhiều lý do người ta trở nên lạnh nhạt với nhau, và từ lạnh nhạt lâu dần sẽ thành xa lạ. Có người tự cắt quan hệ với người thân trong gia đình vì bị chê bai về một điều gì đó – chẳng hạn cuộc hôn nhân không được tán thành, hay bị chê trách về cách dạy con cái, hoặc bất đồng trong việc chọn bạn. Đôi khi vì cha mẹ đã tỏ ra quá khó khăn và những đứa con trong nhà muốn có sự độc lập và tìm cách tách rời với cha mẹ. Và thêm điều này nữa là chủ nghĩa cá nhân hiện nay đang rất thịnh hành – đặc biệt là ở những người trẻ – và nó làm bào mòn đi sự gắn bó truyền thống với gia đình.

Cho đến gần đây các nhà nghiên cứu xã hội nhận thấy có rất ít sách vở hay nghiên cứu mang tính cách hàn lâm về tình trạng bất hoà giữa các thành viên trong gia đình. Đây là một vấn đề thường bị che giấu vì tâm lý chung chẳng ai muốn vạch áo cho người xem lưng. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới đây với 1,300 người được thực hiện bởi Karl Pillemer, giáo sư ngành phát triển con người thuộc Đại học Cornell, cho thấy có khoảng một phần tư người Mỹ trưởng thành có những bất đồngvà trở nên xa lạ với người thân trong gia đình. Một loạt các cuộc phỏng vấn theo dõi sau đó với khoảng 300 người được lựa ra không có chủ đích và thấy rằng có khoảng 100 người trong số đó đã nối lại quan hệ, trong khi 200 người khác thì vẫn chưa hòa giải được với phía bên kia.
Cũng theo giáo sư Pillemer, mối bất hoà đó nếu càng để lâu thì lại càng khó khởi sự cho một cuộc hoà giải. Nhưng trận đại dịch lần này đã mang lại một cơ hội mới. Đây chính là lúc thích hợp nhất để đưa bàn tay mình ra nắm lấy bàn tay của người kia để làm một cử chỉ tha thứ và hoà giải.
Đấy là trường hợp về câu chuyện hoà giải của cô Daniela Dawson.
Năm 2007, khi còn ở độ tuổi 20, Dawson đã cắt đứt quan hệ với gia đình cô. Cô kể lại rằng lớn lên trong một gia đình bị kẹp ở giữa một người anh lớn và một người em trai, và thường có những lời qua tiếng lại bóng gió. Dần dà cô bắt đầu cảm thấy rất khổ tâm và có cảm giác như luôn bị xét đoán bởi những thành viên khác, đặc biệt là với người anh lớn.
Trong nhiều năm, cô đã không nói chuyện hay liên lạc với người anh trai, và cô nghĩ cho đến chết cô cũng sẽ không nói chuyện với người anh này. Cho đến khi trận đại dịch Covid-19 bùng phát, trong một lần nói chuyện với mẹ và bà có nhắc người anh lớn có hỏi thăm cô và muốn biết cuộc sống của cô ra sao, có bình an hay không trong cuộc khủng hoảng y tế. Lời thăm hỏi đó làm cô cảm động và cô đã gọi cho anh.
Lần đầu nói chuyện lại với nhau, họ bắt đầu bằng những chuyện vu vơ, về những điều họ đã bỏ lỡ, và ngay lập tức, cả hai cùng nhận ra rằng mối bất hoà giữa họ là điều hết sức ngớ ngẩn và trẻ con. Rồi cả hai cùng cười vang và dường như quên hết chuyện cũ. Tiếng cười vang đó phải chờ mất nhiều năm mới có cơ hội oà vỡ ra.
Cũng phải nói, nhờ người mẹ và người em trai đã kiên trì khuyến khích cô nối lại quan hệ với người anh. Nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra nếu như cô hoặc người anh không tỏ thiện chí là với cánh tay mình ra để nối lại tình anh em đó.
Những người đã từng có kinh nghiệm tha thứ và hòa giải với người khác thường cho biết là sau khi làm việc này họ có cảm giác như vừa trút đi được một khối nặng luôn đè lên người họ và cảm thấy nhẹ nhàng thảnh thơi hơn. Kinh nghiệm tha thứ và hoà giải cũng là một bài học cho chính bản thân họ và giúp họ thăng tiến trong những mối quan hệ khác, kể cả những mối quan hệ về tình cảm. Tha thứ và hoà giải còn giúp cho cá nhân của họ trưởng thành hơn. Sự vượt qua được thử thách lớn đó đã trang bị cho họ có thêm tinh thần để có thể vượt qua những giới hạn khác.

Sau khi đã làm hoà với người anh, cô Dawson cho biết nay cô mới nhận ra là các thành viên trong gia đình cô không hề độc ác hay cố tình làm tổn thương cô như cô từng nghĩ. Nhưng chính nỗi bất an tuổi trẻ đã như bóng ma vô hình thúc đẩy cô đi đến quyết định cắt đứt quan hệ với gia đình thay vì nói rõ cho họ biết về nỗi bất an của cô và trực tiếp giải quyết vấn đề cho ổn thoả. Nhờ lòng chân thành từ gia đình và thiện ý hoà giải của cô mà tình gia đình êm ấm trở lại, mọi người lại được gần gũi và quan tâm cho nhau trong khi đang phải đối phó với những điều bất trắc của dịch bệnh Covid-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho bất cứ ai.
Tha thứ giúp ta kiểm soát cảm xúc để tránh nỗi đau nội tâm không cần thiết. Là người có lý trí, ta có thể lựa chọn sống như một nạn nhân hay một người trưởng thành. Ở lựa chọn sau, ta có thể thừa nhận và cảm nhận toàn bộ nỗi đau của những gì đã xảy ra với ta nhưng không để bị mắc kẹt trong trạng thái mà ta như có cảm giác là nó vẫn đang xảy ra. Ta có thể cảm nhận rằng cảm xúc về nỗi đau vẫn còn nhưng không để nó chiếm đoạt và tiếp tục ngự trị trong lòng mình.

Đối với đa số, lòng tha thứ không phải là thứ có sẵn mà phải luyện tập. Không biết tha thứ thì có thể chính bản thân mình là người phải chịu thiệt thòi nhất. Chấp nhận tha thứ nghĩa là ta mang sự bình an, hy vọng, lòng biết ơn và niềm vui không chỉ đến cho tha nhân mà còn cho chính ta nữa. Và thêm điều này là tha thứ sẽ khiến cho đời sống ta thăng hoa về thể xác, tình cảm và tinh thần.

Huy Lâm

Related posts