Tương lai nào cho Live Concert hậu Covid-19

Céline Dion, Andrea Bocelli, Lady Gaga và nghệ sĩ piano Lang Lang thể hiện bản “The Prayer”, trong buổi biểu diễn trực tuyến One World: Together At Home ngày 18/04/2020 để gây quỹ cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). © Youtube / Global Citizen / Capture d’écran


Đại dịch virus corona gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn cả về đời sống tinh thần, như âm nhạc. Thêm vào đó, quy định cấm tụ tập đông người tại nơi công cộng, đóng cửa các tụ điểm giải trí đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp biểu diễn live concert. Danh sách các chương trình live concert buộc phải hủy bỏ, lùi ngày diễn chưa xác định, tiếp tục nối dài.

Trong lịch sử 53 năm tồn tại, Liên hoan Montreux Jazz Festival không thể diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh leo thang tại châu Âu. Đây là nơi hội tụ các tên tuổi lớn của làng nhạc jazz thế giới tại địa điểm đẹp thanh bình nhất tại Thụy Sỹ, bao gồm  Lionel Richie, Brittany Howard, Lenny Kravitz and Black Pumas. Đáng tiếc là thông báo hủy bỏ chính thức 3 tháng trước ngày mở màn vào tháng 07/2020.

Không nằm ngoài kết cục đó, các nhóm hard rock lừng lẫy một thời như Bon Jovi, Journey, The Pretenders hay Iron Maiden phải tuyên bố hủy bỏ tour lưu diễn trên nước Mỹ khi ảnh hưởng dịch bệnh chưa thể dịu bớt. Viễn cảnh ảm đạm tương tự cũng xảy ra với các live concert trong nhà, điển hình là show lớn tại các sòng bạc ăn khách nhất nước Mỹ như Las Vegas Residency của các ngôi sao tên tuổi Shania Twain, Reba McEntire hay Kelly Clarkson trong năm 2020 đều phải hủy bỏ.

Ngành công nghiệp giá trị 31.4 tỷ đô la

Chỉ với những thông tin hủy hoặc hoãn lưu diễn kể trên, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận sâu sắc được cơn bão virus corona càn quét công nghiệp biểu diễn âm nhạc toàn cầu. Theo PWC và IQ, doanh thu bán vé của live concert đạt tới 22 tỷ đô la Mỹ trong năm 2019, chưa kể thêm tiền tài trợ quảng cáo 5,9 tỷ đôla.

Trước khủng hoảng, đã có dự báo lạc quan về triển vọng các live concert tăng trưởng 3,4% hàng năm, chỉ tính riêng tiền bán vé (chưa kể tiền tài trợ quảng cáo) có thể lên tới 31.4 tỷ đô la trong vòng 4 năm tới. Năm 2019, ca sỹ nhạc sĩ người Anh Ed Sheeran đứng đầu bảng xếp hạng về kiếm tiền qua live concert với doanh thu 432 triệu đôla Mỹ, thu hút hơn 5 triệu khán giả trên 50 thành phố lớn trên thế giới. Những con số khổng lồ nói trên đủ sức chứng minh được đóng góp không nhỏ của live concert tới thu nhập các ngôi sao ca nhạc đương đại. Tuy nhiên, khi khủng hoảng ập đến, hầu hết các ngôi sao đều bị động, lúng túng trước viễn cảnh rủi ro, không lường trước được của đại dịch, nhất là việc nhập cảnh giữa các nước đều bị siết chặt.

Tháng 3 và 4 năm 2020 là hai tháng đáng nhớ khi phần lớn người dân thế giới phải cách ly tại nhà. Do vậy, việc tổ chức các live concert hoàn toàn không khả thi, trừ live của nhóm rock Stereophonics diễn ra ngày 25/3 tại Anh quốc. Tuy nhiên, tia hy vọng nhen nhóm mở ra với xu hướng livestreaming (giải trí trực tuyến). Khán giả không có nhiều lựa chọn giải trí ngoài việc truy cập Internet xem phim hay nghe nhạc. Không quá ngạc nhiên, doanh thu của ông lớn ngành giải trí trực tuyến Netflix tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2019, đạt tới 183 triệu thuê bao.

Đáng chú ý, hai chương trình âm nhạc đã thu hút hàng triệu khán giả trên toàn cầu dưới hình thức streaming trực tiếp trên internet. Thứ nhất, livestreaming concert Music for Hope (Âm nhạc hy vọng) được ghi hình không có bóng khán giả tại nhà thờ lớn Duo Milan (Ý) vào dịp lễ Phục sinh. Nó trở thành hiện tượng mới mẻ đối với ngành công nghiệp âm nhạc luôn định hình live concert gắn với đám đông khán giả.

Trong suốt gần nửa giờ đồng hồ solo, chất giọng tenor ấm áp của Andrea Bocelli ngân vang giai điệu thánh ca trữ tĩnh của Panis Angelicus, Ave Maria, Santa Maria trong không gian lặng thinh đến mức uy nghiêm. Thống kê cho thấy hơn 1 triệu người xếp hàng để truy cập xem online, 28 triệu người xem trong vòng 24 giờ khi chương trình kết thúc. Chương trình khép lại với ca khúc kinh điển, Amazing Grace lay động triệu con tim khi danh ca khiếm thị người Ý đứng hát trước quảng trường Piazza del Duomo hiu quạnh vì việc cách ly nghiêm ngặt. Thành công ngoài sức tưởng tượng của Music for Hope đem lại tia hy vọng lớn live concert dưới hình thức livestream. Đồng thời, điều đó nói lên âm nhạc đích thực mới là chất bột của thành công, còn phương tiện như livestream chỉ là phương thức tiếp cận khán giả.

Tiếp nối thành công, chương trình One World gây quỹ từ thiện cho WHO để khắc phục đại dịch, đã được nữ ca sỹ Lady Gaga khởi xướng streaming liên tục trong suốt 8 giờ đồng hồ trên Youtube trong tháng 04/2020. Chương trình quy tụ hàng loạt ngôi sao âm nhạc lớn như Alanis Morissette, Billie Joe Armstrong, Chris Martin, Elton John, John Legend, Kacey Musgraves, Keith Urban, Kerry Washington, Lizzo, Paul McCartney, Stevie Wonder.

Khác với chương trình solo của Bocelli, One World tạo nên dấu ấn rất riêng nhờ kỹ thuật hợp ca, phối bè rất điêu luyện khi các ca sỹ, vẫn giãn cách xã hội, biểu diễn và phát sóng cùng lúc. Ca khúc kinh điển The Prayer từng được Céline Dion và Andrea Bocelli thể hiện xuất sắc, vẫn tiếp tục chắp cánh nhờ có thêm chất xúc tác mới. Hai giọng ca John Legend, Lady Gaga cùng hòa ca trong đó pianist Lang Lang là người đệm đàn xuyên suốt bài hát. Hay sự hòa giọng đẹp giữa John Legend và Sam Smith trong bản ballad bất hủ Stand by me cho dù ở hai ca sỹ ở hai bên bờ Đại Tây Dương.

Một lần nữa, livestreaming chứng tỏ dòng chảy âm nhạc xuyên biên giới, xuyên lục địa, kết nối trái tim người yêu nhạc hơn là cảm giác cô lập thiếu sự tương tác vật chất. Không quá bất ngờ, One World đã thu hút hơn 14,6 triệu lượt người xem trong ngày 19/04, thu về hơn 127 triệu đô la phân bổ cho các quỹ từ thiện của WHO.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất làm sao đảm bảo doanh thu như liveconcert truyền thống, khi mà cơ chế thu các kênh livestream chủ yếu dựa vào quảng cáo. Như Youtube thu trung bình 0,3 đô la cho một view xem. Vậy một live concert khoảng 1 triệu người theo dõi streaming có thể thu về 300.000 đô la tiền quảng cáo, chưa kể tiền vé bán thêm.

Ưu điểm livestream là số lượng khán giả sẽ áp đảo hơn hẳn truyền thống, có thể gấp 10-100 lần. Nhưng liệu họ có chịu bỏ tiền ra mua vé như xem concert truyền thống không thì vẫn là phép thử để thăm dò thị trường giải trí toàn cầu. Chúng ta có quyền hy vọng về triển vọng tươi sáng của ngành công nghiêp biểu diễn dưới xu thế mới streaming. So với phim ảnh, âm nhạc vẫn chậm chân hơn và đi sau một bước.

Sẽ mất nhiều thời gian để khẳng định xu thế mới livestreaming sẽ lấn át hình thức biểu diễn truyền thống. Trước mắt, các live concert không phát trực tiếp, điển hình như Taylor Swift: City of Lover biểu diễn tháng 09/2019 tại Paris, sẽ dội bom trên kênh streaming trực tuyến như ABC vào tháng 05/2020. Khi kiểm soát dịch bệnh vẫn tiếp tục thắt chặt và nới lỏng giãn cách xã hội còn quá dè dặt trong vòng 1 hay 2 năm tới, không ai có thể nghi ngờ triển vọng livestreaming concert.

RFI

Related posts