Sóng thủy triều đang quật lại các Viện Khổng Tử tại Mỹ

Hương Thảo 

Đại học Maryland

Ngày càng có nhiều Viện Khổng Tử trên khắp các trường đại học của Mỹ đã bị đóng cửa bởi những lo ngại rằng chúng đe dọa tự do học thuật.

Mặc dù được che đậy dưới vỏ bọc trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ đã bị chỉ trích ở Hoa Kỳ và các nước khác về vai trò thực sự của nó trong việc kìm hãm tiếng nói tự do, thúc đẩy tuyên truyền và ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức học thuật.

Từ năm 2004, đã có hơn 100 Viện Khổng Tử mở tại các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ. Con số này đã giảm dần trong những năm gần đây, như kết quả của một biện pháp trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2018, không cho phép các trường đại học mở Viện Khổng Tử, được nhận tài trợ từ Lầu Năm Góc.

Tính đến tháng 5, 38 trường đại học Hoa Kỳ đã đóng cửa hoặc đang trong quá trình đóng cửa các Viện Khổng Tử của họ, theo Hiệp hội học giả quốc gia (NAS), một nhóm vận động giáo dục. Đến cuối mùa hè, sẽ chỉ còn 80 Viện còn tồn tại.

“Viện Khổng Tử đã nhập khẩu chế độ kiểm duyệt của nó vào giáo dục đại học Mỹ”, Rachelelle Peterson, giám đốc chính sách tại NAS nói với Epoch Times trong một email. “Chúng vốn dĩ mâu thuẫn với tự do trí tuệ mà một trường cao đẳng hay đại học yêu cầu”.

Nhập khẩu kiểm duyệt

Peterson mô tả các Viện Khổng Tử là một “gói lớp học” của chế độ Trung Quốc, cung cấp cho các trường đại học nước chủ nhà tài liệu giảng dạy, giáo viên và tiền lương, cũng như các khoản tài trợ để điều hành các Viện.

Một báo cáo NAS năm 2017 do Peterson viết, đề nghị đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ, khi nhấn mạnh đến vai trò của chúng trong việc tuyên truyền một chiều hình ảnh không trung thực về chế độ cộng sản.

“Họ tránh đề cập đến lịch sử lạm dụng nhân quyền và chính trị của Trung Quốc, miêu tả Đài Loan và Tây Tạng là những lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc, và giáo dục một thế hệ sinh viên Mỹ không biết gì về Trung Quốc ngoài những gì chế độ này vẽ ra”, báo cáo nêu rõ.

Các viện này được tài trợ và điều hành bởi Hanban – Văn phòng Hội đồng Ngôn ngữ Trung Quốc, thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Kể từ năm 2006, Hanban đã rót hơn 158 triệu đô la cho khoảng 100 viện Khổng Tử tại các trường đại học Hoa Kỳ, theo một báo cáo điều tra năm 2014 của tiểu ban Thượng viện Hoa Kỳ. Từ năm 2008 đến 2016, Hanban đã chi hơn 2 tỷ đô la để thành lập các viện như vậy trong các trường đại học trên khắp thế giới. Ngoài giáo dục đại học, còn có 512 lớp học Khổng Tử hoạt động trong các trung học ở Hoa Kỳ, báo cáo cho biết.

Bản thân các quan chức Trung Quốc cũng đã nhận xét rằng các Viện Khổng Tử là một ván bài quan trọng trong chiến dịch của ĐCSTQ nhằm mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Trưởng Ban tuyên huấn lúc đó của ĐCSTQ Lý Trường Xuân năm 2009 đã mô tả các Viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong việc thiết lập tuyên truyền ở nước ngoài của Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu năm 2011, ông ta đã quảng cáo đó là một “thương hiệu hấp dẫn để mở rộng văn hóa của chúng tôi ở nước ngoài”. “Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức mạnh mềm của chúng tôi. Thương hiệu ‘Khổng Tử’ có sức hấp dẫn tự nhiên. Với lý do dạy tiếng Trung, mọi thứ có vẻ hợp lý và logic”, Lý nói vào lúc đó.

Các thòng lọng đi kèm

Báo cáo của Tiểu ban Thượng viện cho thấy một số hợp đồng giữa Hanban và các trường đại học Hoa Kỳ có các điều khoản quy định rằng họ áp dụng cả luật pháp Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thỏa thuận.

Do đó, các giáo viên Trung Quốc phải ký hợp đồng với Hanban, trong đó tuyên bố rằng hợp đồng của họ sẽ bị chấm dứt nếu họ “vi phạm luật pháp Trung Quốc”, hoặc “tham gia vào các hoạt động gây bất lợi cho lợi ích quốc gia”, hoặc “tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp”, báo cáo cho biết. Các điều khoản này cũng yêu cầu những hướng dẫn viên phải “bảo vệ quyền lợi quốc gia một cách tận tâm” và báo cáo với Đại sứ quán Trung Quốc trong vòng một tháng sau khi đến Hoa Kỳ.

Sonia Zhao, cựu giáo viên Trung Quốc tại viện Khổng Tử tại Đại học McMaster của Canada, đã bỏ trốn sang nước này vào năm 2011. Theo báo cáo của The Epoch Times vào thời điểm đó, trước khi đến Canada, Zhao đã phải ký hợp đồng với cam kết rằng nhân viên không được phép tu luyện Pháp Luân Công, một môn tập bị chế độ Trung Quốc đàn áp. Zhao, bản thân là một học viên Pháp Luân Công, đã ký thỏa thuận vì sợ rằng nếu từ chối có thể bị chế độ phát hiện và bắt giữ.

Năm 2013, Đại học McMaster trở thành trường đại học đầu tiên ở Bắc Mỹ đóng cửa Viện Khổng Tử sau khi Zhao nộp đơn khiếu nại lên Toà án Nhân quyền Ontario về các hoạt động tuyển dụng phân biệt đối xử. Người phát ngôn của trường đại học nói rằng quyết định này được đưa ra bởi “các quyết định tuyển dụng ở Trung Quốc không được thực hiện theo cách chúng tôi muốn”.

Zhao tiết lộ, vào thời điểm đó, trong quá trình đào tạo tại Bắc Kinh, họ được khuyên tránh đề cập đến những chủ đề nhạy cảm như thảm sát Thiên An Môn, Tây Tạng, Đài Loan và Pháp Luân Công trong lớp học. Tuy nhiên, nếu một học sinh khăng khăng đặt câu hỏi, các giáo viên phải trích dẫn tuyên truyền của ĐCSTQ về vấn đề này, chẳng hạn như: Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và Tây Tạng đã được chính quyền giải phóng.

Doris Liu, đạo diễn một bộ phim tài liệu năm 2017 mang tên Khổng Tử, đã làm nổi bật câu chuyện của Zhao, nói với Epoch Times rằng tiền chảy từ chế độ Trung Quốc đến các trường đại học phương Tây đi kèm theo “thòng lọng”.

Liu kể lại rằng cô đã gặp ba đại diện của Viện Khổng Tử ở Đức vào năm ngoái, người nói với cô rằng một điều kiện bất thành văn để mở các viện Khổng Tử, là những vấn đề mà ĐCSTQ coi là nhạy cảm sẽ không được thảo luận trong lớp học.

Trong một cuộc điều tra ở Vương quốc Anh năm 2019, cô nói rằng Yin Xiuli, giám đốc của Viện Khổng Tử thuộc Đại học New Jersey, đã nói với cô vào năm 2016: “chúng tôi không đụng” vào các vấn đề như Đài Loan, Tây Tạng và Pháp Luân Công.

Sự can thiệp của Trung Quốc

Ngoài ra còn có các trường hợp đáng chú ý về việc các Viện Khổng Tử can thiệp vào các hoạt động bên ngoài lớp học.

Năm 2004, một vụ bê bối học thuật nổ ra sau khi nhân viên của Viện Khổng Tử đã đánh cắp và xé các trang tài liệu từ chương trình của một Hội nghị nghiên cứu Trung Quốc ở Bồ Đào Nha. Họ đã làm như vậy theo lệnh từ tổng giám đốc Hanban Xu Lin, bởi vì nó bao gồm các tài liệu từ một nhà tài trợ hội nghị khác, một tổ chức của Đài Loan. Nhà tổ chức hội nghị đã tuyên bố hành động đó là sự can thiệp đến một cơ quan học thuật độc lập, hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Năm 2018, nhà báo Bethany Allen-Ebrahimian phát hiện ra rằng báo cáo kinh nghiệm của cô ở Đài Loan đã bị xóa khỏi tiểu sử của cô khi cô có bài phát biểu tại Khoa Báo chí và Truyền thông Đại chúng của Đại học bang Savannah. Sau đó, cô phát hiện ra rằng giám đốc Trung Quốc của Viện Khổng Tử đứng đằng sau việc này.

Một buổi chiếu công khai tài liệu của Liu tại Đại học Victoria ở Úc đã bị hủy bỏ vào năm 2018 sau khi những người đứng đầu Viện Khổng Tử của trường này chỉ ra rằng các buổi chiếu sẽ là một “vấn đề đối với chúng tôi”, rằng đó là vấn đề lãnh sự quán Trung Quốc quan ngại, theo các email mà tờ The Australian nhận được.

Những lo ngại về các hoạt động gây ảnh hưởng của viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ đã được cảnh báo bởi giám đốc FBI Christopher Wray, người tại một phiên điều trần tại Thượng viện năm 2018 đã xác nhận rằng, cơ quan này đang thận trọng theo dõi các Viện này, và “trong một số trường hợp nhất định, đã phải tăng cường các bước điều tra thích hợp.”

Hành động của chính phủ Hoa Kỳ

Kể từ tháng 7 năm ngoái, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt các cuộc điều tra về tài trợ nước ngoài tại các trường đại học Hoa Kỳ như là một phần của một sáng kiến rộng lớn hơn nhắm vào ảnh hưởng của nước ngoài trong các cơ sở.

Các trường đại học được yêu cầu tuân theo luật liên bang, báo cáo quà tặng và hợp đồng với bất kỳ nguồn tài trợ nước ngoài nào vượt quá 250.000 đô la trong một năm. Tuy nhiên, báo cáo của Tiểu ban Thượng viện cho thấy gần 70% các trường đại học không báo cáo đúng tài trợ mà họ nhận được từ các Viện Khổng Tử.

Hành động thực thi của bộ phận điều tra đã dẫn đến việc các trường đại học báo cáo khoảng 6,5 tỷ đô la tiền nước ngoài chưa được tiết lộ trước đó, bao gồm từ Trung Quốc, Qatar và Nga.

Trong một báo cáo tháng 11/2019 cho Tiểu ban Thượng viện, bộ phận điều tra nói rằng các nhà tài trợ nước ngoài có thể đang tìm cách tạo ra sức mạnh mềm, đánh cắp các nghiên cứu nhạy cảm và mở rộng tuyên truyền tại các trường học ở Hoa Kỳ.

Các cuộc điều tra, theo báo cáo, cũng tiết lộ có một trường đại học đã có nhiều hợp đồng với Ủy ban trung ương ĐCSTQ, một trường khác nhận được quà tặng từ một cơ sở bị nghi ngờ đóng vai trò là một Mặt trận của chế độ Trung Quốc, và một trường nhận được tài trợ nghiên cứu từ một Công ty đa quốc gia Trung Quốc phát triển công nghệ giám sát.

Trong khi đó, một nhóm các nhà lập pháp đảng Cộng hòa gần đây đã yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos cung cấp thông tin về các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các trường đại học Mỹ dành cho các mục tiêu tuyên truyền và chiến lược. Lá thư của họ lưu ý rằng các Viện Khổng Tử phục vụ như một phương tiện để thúc đẩy tuyên truyền của Bắc Kinh đối với sinh viên Mỹ, cũng như là một nơi tập trung các cơ quan tình báo Trung Quốc.

Nỗ lực từ cơ sở

Kết nối với những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ là một phong trào do sinh viên lãnh đạo đang lên tiếng chống lại chế độ Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học.

Tuần trước, hàng chục lãnh đạo của Ủy ban các trường đại học Cộng hòa và Dân chủ Quốc gia, đại diện cho các trường đại học ở hơn 45 tiểu bang, cùng với các nhóm quyền đại diện cho các cộng đồng Tây Tạng, Hồng Kông và Đài Loan, đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi đóng cửa vĩnh viễn của tất cả các Học viện Khổng Tử trong các cơ sở của Mỹ.

“Những hành động của ĐCSTQ đặt ra một mối đe dọa to lớn đối với tự do học thuật và nhân phẩm. Điều bắt buộc là chúng ta phải phân biệt chế độ toàn trị này với người dân Trung Quốc, những người mà chúng ta phải kiên quyết bảo vệ khỏi những hành vi ghê tởm của chủ nghĩa bài ngoại, phân biệt chủng tộc và thù hận”, bức thư viết.

Bức thư được soạn bởi Viện Athenai phi lợi nhuận mới thành lập. Giám đốc và đồng sáng lập tờ Rory O’Connor nói với Epoch Times rằng tổ chức này được thành lập sau khi một nhóm sinh viên đại học muốn bảo vệ chống lại “cuộc tấn công chưa từng có” của ĐCSTQ đối với quyền lợi và tự do học thuật của sinh viên.

O’Connor cho biết nhóm đã chứng kiến một làn sóng quan tâm kể từ khi phát hành thư ngỏ và có kế hoạch ra mắt 25 chương Athenai trong vài tuần tới.

“Thế hệ của chúng ta đã chứng kiến những người nắm quyền lực mà không hành động – dù là vô nguyên tắc hay bởi tất cả [các nguyên nhân khác] – chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những hoàn cảnh đang phải chịu đựng đàn áp bởi ĐCSTQ độc tài và phát xít”.

Related posts